Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng" đã được Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tại hội trường Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh
Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp tăng cường hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lĩnh vực xuất bản.
Các tham luận gửi tới Hội thảo đã tập trung vào việc tìm giải pháp nhằm ngăn chặn thực trạng vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng đang diễn ra phổ biến hiện nay. Rất nhiều giải pháp được đưa ra, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, công tác quản lý, thực thi chính sách, nhận thức và năng lực của các chủ thể, công tác tuyên truyền, giáo dục….
Trước vấn nạn hiện nay nạn sách giả, sách lậu đã có thể gọi là “quốc nạn” và được ví giống như một thứ vi rút, một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của Việt Nam nói riêng. Với một quốc gia mà nạn xâm phạm bản quyền diễn ra ngang nhiên từ năm này qua năm khác với quy mô ngày càng lớn như Việt Nam, các nhà đầu tư hiển nhiên sẽ dè dặt khi hợp tác. Vì vậy, hội thảo cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc dẹp hay không dẹp được tệ nạn này?. Đồng thời với quyết đinh nào, thì cũng sẽ cho thấy năng lực quản lý và quyết tâm của nhà nước trong việc làm trong sạch hóa môi trường văn hóa và kinh doanh của đất nước.
Theo số liệu nghiên cứu năm 2022 của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD. Vi phạm quyền tác giả trên không gian số được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, và ảnh hưởng đến hầu hết các nội dung văn hóa - nghệ thuật: văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh... Chưa bao giờ, vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động không chỉ cho các lực lượng chức năng mà còn là các cá nhân, tập thể liên quan như hiện nay. Chưa kể, những hành vi xâm phạm quyền tác giả này còn được tiếp tay bởi nhiều “người dùng” khi đọc, xem các bản sao chép lậu trên mạng. Thậm chí, có nhiều người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật để sản xuất những nội dung khác đưa lên mạng xã hội mà không cần xin phép hay trả tác quyền.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện nhà xuất bản, quản lý đã đi đến thống nhất, bảo vệ quyền tác giả trên không gian mạng chính là bảo mật công nghệ thông tin trong xuất bản và lưu trữ sách không chỉ đảm bảo bản quyền của tác giả mà còn bảo vệ thông tin quan trọng khỏi rủi ro mất mát hoặc xâm nhập không mong muốn. Đây cũng chính là một thách thức không ngừng đối với ngành công nghiệp sách trong thời đại số hóa. Tuy nhiên, thông qua việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật như DRM, watermarking, công nghệ blockchain… theo dõi hoạt động trực tuyến và ưu tiên các dịch vụ đăng ký, ngành xuất bản có thể tăng cường sự bảo vệ cho bản quyền sách và đảm bảo rằng tác giả và nhà xuất bản nhận được giá trị công bằng cho tác phẩm của họ. Cần phải lưu ý rằng việc thực hiện các giải pháp này cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ tác giả và nhà xuất bản đến cơ quan thực thi pháp luật và nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến.
ThS. Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ”. Ngoài ra, việc “tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ” cũng được đặt ra trong nhiệm vụ chung về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nằm trong Chiến lược của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Tiếp tục mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ theo hướng minh bạch, đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận, bên cạnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022; Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Cục Bản quyền tác giả hiện đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Nhưng muốn làm được điều này không thể một mình ngành xuất bản một nước nói riêng có thể giải quyết, mà cần có sự chung tay phối hợp đấu tranh của tất cả các quốc gia. Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) cần phải đi tiên phong trong vấn đề này. Nỗ lực phối hợp cùng nhau đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với hành vi vi phạm bản quyền là một giải pháp cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Minh Ngọc ( tổng hợp)