Diễn đàn lý luận

Sao đổi ngôi

Ngô Xuân Hội
Chân dung văn học
06:00 | 09/11/2024
Baovannghe.vn - Đỗ Kim Cuông chuyển sang viết văn xuôi. Năm 1984 truyện ngắn “Kỷ vật của ông già sông Dinh” được trao giải khuyến khích...
aa

Lấy hai câu thơ “Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì tiên” trong bài thơ Sáu mươi tuổi của Bác Hồ để luận quý, tiện ở đời thì nhà văn Đỗ Kim Cuông là một ông tiên. Ông tiên ấy cao một mét năm bảy, nặng 55 kg, mắt trái hơi bị hiếng, phát âm l thành n theo lối nói của người kẻ quê Thái Bình. Bề ngoài trông chẳng có vẻ gì tiên phong đạo cốt, nhưng nếu ai tiếp xúc kỹ sẽ thấy ở ông bộc lộ nhiều phẩm chất của người nhà trời, trước hết ở ăn. Về lượng, ông ăn chẳng kém gì tôi, một người từng nhiều lần giật giải Trạng nguyên trong các cuộc thi ăn cấp tổ đội, nhưng ông hơn tôi ở chỗ có thể ăn ngon lành cả một gắp thịt bò sống.

Sao đổi ngôi
Nhà văn Đỗ Kim Cuông . Ảnh Minh Trí

Ấy là năm 198…, nhà văn Đặng Ái trên danh nghĩa phóng viên báo Thương Mại vào Nha Trang công tác, muốn cho bạn bè văn nghệ thành phố biển “Một bữa no”(1), mới nhờ Sở Thương Mại tỉnh giúp anh tổ chức buổi “Họp cộng tác viên báo Thương mại tại Nha Trang”. Địa điểm: Restaurant khách sạn lầu 7, nằm trên đường Thống Nhất. Hồi ấy cả Nha Trang, khách sạn này cao nhất. Được lên đấy ăn, bia uống là niềm mơ ước của bao nhiêu chúng sinh. Vì vậy, anh em văn nghệ sĩ xứ Trầm hương ai cũng hoan hỉ, đến dự rất đúng giờ. Và cũng rất đúng giờ, ông bầu Đặng Ái đứng lên khai mạc buổi họp. Lập tức các thức nhậu được bê ra, toàn những món sơn hào hải vị lần đầu tiên trong đời chúng tôi thưởng thức. Đỗ Kim Cuông, Trần Chấn Uy và tôi ngồi cùng mâm. Nhìn đĩa thịt bò tươi ngon trước mặt, Cuông cầm đũa làm ngay một gắp, đoạn giục Uy: “Ăn đi mày!”.

Uy toan làm theo, nhưng nhìn thấy máu bò chảy ra từ mép đàn anh nên bán tín bán nghi dừng lại. Hóa ra đấy là món thịt bò nhúng dấm, bởi liền lúc ấy các em tiếp viên bê nồi, bê bếp ra. Trông những nồi dấm nghi ngút khói, tôi tủm tỉm cười. Đến món tiếp theo, khi các cô tiếp viên mang ra mỗi mâm một bát bên trong đựng những con quái điểu mỏ nhọn, cổ ngẵng, cánh ngắn, chân dài, sự việc càng ly kỳ hơn. Nhìn săm soi bát mồi, Cuông làu bàu: “Gà gì mà bé tí!”.

Trần Chấn Uy sành sỏi: “Thế gà cứ phải to như những con ngỗng bác mới bằng lòng chắc?”.

Nói vậy là Uy cũng không biết trong bát là những con gì. Thấy hai thực khách cãi nhau, cô tiếp viên nở nụ cười La Joconde(2): “Bồ câu tần thuốc bắc đấy các anh ạ”.

Chúng tôi nghe, cùng thở phào nhẹ nhõm.

Buổi tối ấy thỏa mãn niềm say mê khám phá ẩm thực, Cuông rất vui. Trên đường về, anh bảo tôi: “Đầu giờ chiều ngày mai ông ghé tôi uống trà, có anh Xuân Tuynh ở Hội Văn nghệ tỉnh đến chơi”.

Y hẹn, đầu giờ buổi làm việc chiều hôm sau tôi ghé nhà Cuông. Từ ngoài cửa nhìn vào đã thấy một đại Việt da đen, răng hô, trán cao, trán có mấy vết sẹo ngồi trên ghế xa lông nói về thi pháp thơ Phú Khánh. Đỗ Kim Cuông giới thiệu tôi. Đang say cơn diễn giảng, đại Việt khẽ gật đầu chào tôi sau đó tiếp tục luận thuyết, rằng thơ Giang Nam thế này, thơ Liên Nam thế này, Nguyễn Gia Nùng không biết nên gọi là nhà văn hay nhà thơ vì ông mạnh cả hai; Đồng Xuân Lan thì khác, nhìn đời chông chênh, thơ có nhiều câu bị nghiêng: Dỗi hờn nên nỗi mưa nghiêng, Nghiêng xuống đám bắp bên cừu non tơ, Cái thang nghiêng nghiêng như một câu chào, Hơi tăm sủi khiến đất trời ngả nghiêng… ấy là vì ông bị vẹo cổ, không nhìn thẳng được; Tôn Nữ Thu Thủy mới độc nhất vô nhị, viết văn cũng ra thơ, thi sĩ đến 200 %… Rồi không hiểu từ lúc nào, đại Việt chuyển sang nói về phương pháp đẻ dưới nước, về cuộc thi thơ “Nước đá hay thủy tinh?” của nhà máy nước đá tỉnh…

Tôi ngồi nghe, hoang mang không hiểu có cái gọi là “Thi pháp thơ Phú Khánh” hay không và nếu có thì nó liên quan gì đến cách đẻ không đau dành cho các sản phụ? Nghĩ thì nghĩ vậy, đâu dám bày tỏ. Đang nói, đại Việt chợt đứng dậy đưa tay cầm mấy tờ giấy để trên bàn, quay sang Cuông: “Tôi sẽ nói với ông Nùng. Ông yên tâm, có tôi bảo trợ chuyến này chắc chắn bài của ông được dùng...”

Liền đó đại Việt bước ra cửa, nhanh và đột ngột cũng như cách ông chuyển đoạn lúc cao đàm khoát luận. Biết không thể lưu khách ở lại thêm, chủ nhà đi trái dép tiễn khách ra tận ngõ, xong, quay vào xoa tay nhìn tôi nói vẻ thán phục: “Ông này cái gì cũng biết”

“Ai?” - Tôi hỏi một cách ngây ngô.

“Còn ai nữa!” - Cuông hất đầu ra phía cửa, nơi Xuân Tuynh vừa mất hút.

…Vật đổi sao dời. Ba mươi năm sau, Đỗ Kim Cuông - người được Xuân Tuynh bảo trợ ngày nào, người từng nhầm những con bồ câu nằm trong bát thuốc bắc với gà mái ghẹ và ăn lầm thịt bò sống, trở thành Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam sau khi đã kinh qua các chức vụ Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận - Phê bình VHNT Trung ương; Vụ trưởng vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư đảng đoàn Hội Văn nghệ Khánh Hòa; những chức vụ mà người bảo trợ ông xưa có mơ cũng không thấy. Cũng từ đó chúng tôi gọi vui Cuông là “Đỗ đại quan nhân”.

Năm 2015, Khánh Hòa họp Đại hội Văn Nghệ tỉnh. Thay mặt Liên hiệp Hội, từ trung ương đóng ở đất Thăng Long, Đỗ đại quan nhân như một con rồng bay về phố hội. Phát biểu chào mừng, ông nói toàn những lời có cánh, rằng: “Làm việc với chúng tôi, Tổng Bí thư nói thế này, Chủ tịch nước nói thế này, Thủ tướng nói thế này…” Rồi đang cao trào ông bỗng hạ gam trầm, quệt nước mắt khóc thương những Hội viên đã ra đi trong nhiệm kỳ qua. Quan nhân diễn hay đến nỗi, không chỉ các Hội viên tép riu mà ngay cả các bậc trưởng lão của văn học Khánh Hòa là Giang Nam, Cao Duy Thảo, Nguyễn Gia Nùng ngồi dưới cũng há hốc mồm nghe, cũng cảm thấy trong lòng mình dâng một nỗi rưng rưng. Còn đại Việt Tuynh, người bảo trợ Đỗ đại quan nhân xưa vẫn là “một cây bút trẻ nhiều triển vọng”, dù tuổi đời đã ngót nghét 70. Nghe chăm chú quan nhân phát biểu, Xuân Tuynh ghé tai tôi thầm thì: “Ông này cái gì cũng biết”

Nhớ lại câu chuyện bên bàn trà nhà Cuông ba mươi năm trước, tôi phì cười, thấy giữa hai người có một sự đổi ngôi kỳ lạ.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông, sinh ngày: 25/4/1951, dân tộc: Kinh. Quê quán: TP Thái Bình.

Quá trình học tập, công tác: Năm 1968 nhập ngũ, vào chiến trường Trị Thiên, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975. Năm 1976 chuyển ngành học Đại học Sư phạm Huế, là giáo viên khoa Ngữ văn trường CĐSP Nha Trang; Bí thư đảng đoàn Hội Văn nghệ Khánh Hòa; Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận-Phê bình VHNT Trung ương; Vụ trưởng vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn Nghệ Trung ương.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Tiểu thuyết: Người đàn bà đi trong mưa(1986), Một nửa đại đội (1987), Hai người còn lại (1988), Giáp ranh (1989), Miền hoang dã (1990); Thung lũng tử thần (1990); Mảnh sân sau u ám (1991); Vùng trời mộng ảo (1991); Ngươi dị hình (1995)… Tập truyện ngắn: Tự thú của người gác rừng (1996). Đêm ngâu (1997); Một mảnh hồn quê (1998); Chuyện tình ở biển (2001); Người kéo vó bè (2002); Đá trắng (2006)…

Giải thưởng văn học: Giải khuyến khích truyện ngắn của Tạp chí VNQĐ năm 1984; Giải thưởng Văn nghệ Khánh Hòa 1975-2000; Giải Cây bút vàng của Hội Nhà văn Việt Nam và tạp chí Văn nghệ Công an năm 1998; Giải thưởng truyện vừa Hội Nhà văn Việt Nam 1998; Giải htưởng truyện ngắn của Hội Nhà văn Việt Nam – Nxb Giáo dục 2004.

...Ấy là năm 1983 tôi mới về Phú Khánh nhận công tác, chưa quen biết nhiều, chỉ quanh quẩn qua lại với mấy thầy giáo dạy văn Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh mà Đỗ Kim Cuông là một. Tính anh xởi lởi, dễ gần, chuyện trò nhiều bộc bạch khiến người nghe cảm thấy tin cậy dù mới gặp lần đầu. Cuông làm thơ, thỉnh thoảng đưa tôi xem. Ngoài khẩu khí của một cán bộ tuyên huấn tương lai, những câu thơ không báo hiệu điều gì, nhưng có hai câu đến nay tôi vẫn nhớ. Câu thứ nhất: “Thuở lọt lòng mẹ dạy tiếng Lê Nin…”. Tôi nhớ vì Cuông có tật nói ngọng, âm l phát thành n như đã kể. Những khi anh đọc thơ, câu thơ thành “Thuở nọt nòng mẹ dạy tiếng Nê Nin…”, nghe rất buồn cười.

Câu thứ hai:“U-zơ-bê-kít-tăng ơi”(Uzbekistan). Hồi ấy tỉnh Phú Khánh của Việt Nam kết nghĩa với nước cộng hòa Uzbekistan của Liên Xô. Trong lần đón chuyên gia Liên Xô đến thăm trường, thầy giáo Cuông lên đọc thơ, đến câu “U-zơ-bê-kít-tăng ơi”, thầy Trần Chấn Uy ngồi bên dưới bỗng đứng dậy ứng một tiếng “Ơi” rõ to, như thể thầy là nước cộng hòa Uzbekistan vậy. Cả hội trường cười vang. Mới hay văn học đi vào lòng người nhiều khi cũng tào lao đáo để.

Biết mình không có duyên với thơ, Đỗ Kim Cuông chuyển sang văn xuôi, lúc viết truyện, lúc viết ký. Năm 1984 truyện ngắn “Kỷ vật của ông già sông Dinh” của anh được trao giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh mừng, chúng tôi cũng mừng. Sau phút xao động với thành tích ban đầu, tất cả lại rơi về nếp cũ thầy giáo Cuông hàng ngày lên lớp, lúc rỗi lại đá bóng, nuôi gà công nghiệp và viết văn. Nếu cứ bình lặng như vậy, chẳng biết cuộc đời anh sẽ đi đến đâu. May sao đúng lúc ấy anh nhận được cú hích lớn, là một trong hai đại diện của nền văn học Phú Khánh dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc.

Chuyện xảy ra như sau. Giữa năm 1985, nhà thơ Hữu Thỉnh lúc bấy giờ là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, được Ban Thư ký giao nhiệm vụ hành phương Nam làm công tác nhân sự. Đến Nha Trang buổi chiều, buổi tối anh tới tìm tôi ở số 6 Lý Tự Trọng. Sau cái bắt tay thân tình, anh nói ngay: “Anh vào Nam chuyến này là để làm công tác nhân sự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ hai sẽ tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng Tám. Ở Phú Khánh anh tính mời em. Em thấy thế nào?”

Tôi lắc đầu: “Không được đâu anh ơi. Em là người của Hội Văn nghệ Nha Trang. Theo nguyên tắc tổ chức, muốn em đi, anh phải làm việc với Hội. Nhưng khi anh đặt vấn đề này ra thì các ông Giang Nam, Nguyễn Gia Nùng sẽ phản đối và đề cử Thế Vũ. Anh không biết tình hình văn nghệ ở đây, phái Phú Yên, phái Khánh Hòa đánh nhau dữ lắm. Em không thuộc phái nào nên sẽ bị phái Khánh Hòa của ông Nam, ông Nùng loại thôi”(3)

“Thế cơ à ?” - Hữu Thỉnh ngạc nhiên.

Tối hôm sau tôi tới nhà khách Tỉnh ủy ở số 3 Nguyễn Chánh thăm anh. Vừa thấy tôi, Hữu Thỉnh mắt tròn mắt dẹt lôi ngay vào phòng ấn ngồi xuống ghế nói liền một hơi: “Đúng như em nhận định. Hôm nay họp, khi anh vừa đề xuất em, các ông Giang Nam, Nguyễn Gia Nùng phản đối quyết liệt và đề cử Thế Vũ. Thế Vũ thì không được rồi, em… cũng không đi được. Vậy Phú Khánh chọn ai đây, hay bỏ trống?”

Tôi đề xuất: “Anh cho Đỗ Kim Cuông và Tôn Nữ Thu Thủy đi. Thơ Thu Thủy chắc anh đã đọc, còn Đỗ Kim Cuông năm ngoái được giải truyện ngắn của Văn nghệ quân đội đấy”

“Ààà...ừừừ…” - Hữu Thỉnh trầm ngâm.

Thế là từ chỗ chỉ có một đại biểu là tôi như dự kiến ban đầu, Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ hai họp ở Hà Nội năm ấy, tỉnh Phú Khánh có hai đại biểu. Với Tôn Nữ Thu Thủy, hội nghị không tạo dấu ấn gì, phẩm chất thi sĩ của nàng vẫn ở mức 200 %, chẳng thêm được tẹo nào. Nhưng với Đỗ Kim Cuông, hội nghị là một cú hích lớn. Giống như vừa được tiếp thêm năng lượng, trở về anh lao vào làm việc như điên. Tôi sang chơi lúc nào cũng thấy anh ngồi bên bàn: Viết! Viết! Viết! Chung quanh bản thảo bày la liệt. Gần chục năm bộ đội, trực tiếp đánh nhau với địch trên chiến trường Trị Thiên, trải bao phen sống chết. Bây giờ là lúc anh ngồi “viết để trả món nợ cho những người đã khuất và cho cả những người lính sau một cuộc chiến may mắn trở về”(4). Nhìn anh mắt dại đờ như mắt cá chết, tôi cũng ngại. Nhưng thấy tôi xuất hiện, cặp mắt ấy lập tức sinh động trở lại. Anh vội vã đứng dậy kéo tôi đến bên bàn đọc cho nghe những đoạn, những chương đắc ý. Nếu tôi khen, mũi anh phổng lên nói một cách hưng phấn: “Tôi nuôn nuôn có những đỉnh cao mới”.

Nếu tôi chê hoặc tỏ ý không tán đồng ở những điểm này nọ, anh xí xóa ngay: “Ông yên tâm, tôi trường vốn lắm”.

Và quả là anh trường vốn thật, sau tiểu thuyết đầu tay Người đàn bà đi trong mưa (Nxb Phụ nữ - 1986), đều đặn anh cho ra đời mỗi năm một hoặc hai tiểu thuyết: Một nửa đại đội (1987), Hai người còn lại (1988), Giáp ranh (1989), Miền hoang dã (1990); Thung lũng tử thần (1990); Mảnh sân sau u ám (1991); Vùng trời mộng ảo (1991); Ngươi dị hình (1995)… Những tiểu thuyết kể chuyện những người lính từng sống trong cuộc chiến và cũng những con người ấy trở về sau chiến tranh, làm công chức, làm nông dân, làm những “con người bình thường của cuộc sống”, đối diện với cái đói, cái nghèo, với các tệ nạn nhức nhối của xã hội cùng những bi kịch, mất mát của chính họ.

Lấy Sau rừng là biển soi, ta sẽ rõ điều này. Một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính quê đồng bằng Bắc bộ, từng sống chết bên nhau ở Trị Thiên, gặp lại nhau sau chiến tranh, những hồi ức xen lẫn với bao vất vả trong cuộc mưu sinh hiện tại. Mỗi người một số phận khác nhau. Thái, nhân vật xưng “tôi” rời chiến trận về dạy học; Huynh về làng quê; Hùng may mắn hơn, trở thành sĩ quan, được đi học Liên Xô, nhưng rồi hư hỏng phải vào tù. “Sự tích” nhân vật như thế tưởng cũng khó nâng tầm tư tưởng của tiểu thuyết. Nhưng điều này nằm trong ý đồ đưa nhân vật vào các “địa hạt” bình thường - giáo dục và nông thôn của tác giả. Nhờ vậy tác phẩm có lý do để chạm đến những vấn đề xã hội và triết lý sâu sắc của nhân dân trong nỗi lo cơm áo hàng ngày.

Hoặc Trang trại hoa hồng, tiểu thuyết xuất bản gần đây nhất của Đỗ Kim Cuông là câu chuyện về người lính chiến đấu ở vùng sâu vào những năm khó khăn ác liệt sau Tết Mậu Thân 1968, bị thương được nhân dân cứu và nuôi giấu, chữa lành vết thương, soi đường để đưa lên núi tìm về đơn vị nhưng bị địch phục kích, lại bị thương, lần này nặng hơn, lại tiếp tục được nuôi giấu chữa thương, được con gái chủ nhà yêu thương, nên cùng nhau trốn về một thành phố khác, sống trong tình yêu ngọt ngào. Đơn vị tưởng anh đã chết, làm giấy báo tử gửi về địa phương. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, một đồng đội, là người cùng quê với người lính phát hiện, tố giác người lính chiêu hồi. Anh bị bắt vào trại cải tạo… Viết về chiến tranh, nhưng khác với những tiểu thuyết trước, lần này Đỗ Kim Cuông không nhằm miêu tả những trận đánh, sức nóng của đạn bom, mà tập trung chủ yếu vào số phận con người, với những hy sinh mất mát không gì bù đắp được…

Với mấy chục đầu sách đã xuất bản, ở một chừng mực nào đó Đỗ Kim Cuông được xem như một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết. Tuy vậy tôi thích truyện ngắn của anh hơn, truyện ngắn vì nó ngắn, anh quán xuyến được. Còn tiểu thuyết của anh, nói như nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong “Đọc tiểu thuyết Đỗ Kim Cuông vẫn còn có thể nhận ra nhiều nhược điểm của kiểu tiểu thuyết sự kiện, ít trau chuốt về ngôn từ, nhất là những trang miêu tả về tình yêu khô khan, lạnh lẽo như vốn cố hữu của thế hệ nhà văn trưởng thành từ chiến tranh thường lấy sự kiện nói thay cho ngôn từ.”

Tuy vậy, những quyển sách dần dà cũng làm nên tên tuổi một nhà văn. Dựa vào chúng, anh bước chân vào con đường hoạn lộ, đặng hoàn thành đích đến của cuộc đời và đây mới là động cơ chính, thôi thúc anh giáo quèn trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang Đỗ Kim Cuông ngày nào cầm bút.

Văn nghệ số 44/ 2016

Sao đổi ngôi
Biển Cồn Đen - Thái Bình. Ảnh Internet

1. Chữ của Nam Cao.

2. Tranh sơn dầu của Leonardo da Vinci (1.452-1.519)

3. Hồi ấy tỉnh Phú Khánh có hai Hội Văn Nghệ hoạt động độc lập: Hội Văn Nghệ tỉnh và Hội Văn Nghệ thành phố Nha Trang. Nhà văn Nguyễn Gia Nùng thuộc biên chế của Hội Văn Nghệ tỉnh, nhưng ông và ông Giang Nam được thành ủy Nha Trang mời tham gia Ban Thư ký Hội Văn Nghệ Nha Trang. Trong một chừng mực nào đó, hai ông giữ vai trò quyết định nhiều hoạt động của Hội.

4. Tự bạch của nhà văn Đỗ Kim Cuông.

Thời tiết ngày 13/11: Bắc Bộ tăng nhiệt nhẹ, ngày nắng

Thời tiết ngày 13/11: Bắc Bộ tăng nhiệt nhẹ, ngày nắng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 13/11: Bắc Bộ tăng nhiệt nhẹ, ngày nắng. Nam Bộ mưa giông rải rác.
Apple Music ra mắt sách ảnh trị giá 450 đô la: tôn vinh 100 album hàng đầu

Apple Music ra mắt sách ảnh trị giá 450 đô la: tôn vinh 100 album hàng đầu

Baovannghe.vn - Apple Music vừa ra mắt một cuốn sách ảnh đặc biệt đắt đỏ trị giá 450 đô la, để kỷ niệm danh sách 100 album hàng đầu của mình. Được thiết kế để trở thành một vật phẩm sưu tầm quý giá, Apple Music: 100 Album Hay Nhất là sản phẩm hợp tác giữa Apple và công ty in ấn xa xỉ Assouline. Cuốn sách dày 208 trang này không chỉ là một bản ghi kỷ niệm những thành tựu của âm nhạc mà còn là biểu tượng của sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ.
Liên hoan phim châu Âu lần thứ 23 tại Việt Nam

Liên hoan phim châu Âu lần thứ 23 tại Việt Nam

Baovannghe.vn - Liên hoan phim châu Âu lần thứ 23 tại Việt Nam (EUFF 2024) sẽ diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 14/11 đến ngày 28/11/2024.
Tiếp nhận tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi

Tiếp nhận tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi

Baovannghe.vn - Sáng 12/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra buổi giao lưu Giới thiệu sự nghiệp nghệ thuật của vua Hàm Nghi; Ra mắt sách Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Họa sĩ ở Alger của Tiến sĩ Amandine Dabat; và sau đó là Lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) do vua Hàm Nghi sáng tác.
Thông cáo báo chí số 19, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 19, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn- Thứ Ba, ngày 11/12/2024, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội và một số nội dung khác