Ngày 24-7, tại Nhà Quốc hội, Ban soạn thảo đề án thành lập Bảo tàng Quốc hội Việt Nam, đã họp phiên thứ nhất.
Cụ thể, tại phiên họp, các ý kiến thống nhất nhận định, tổ chức và hoạt động của Phòng Truyền thống Quốc hội hiện đã đáp ứng đủ các tiêu chí để xem xét thành lập Bảo tàng Quốc hội Việt Nam.
Bảo tàng Quốc hội Việt Nam sẽ là công trình ý nghĩa, thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2026); đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng khi đến thăm, tìm hiểu tại Nhà Quốc hội.
Trước đó, báo cáo thực trạng công tác tổ chức, hoạt động của Phòng Truyền thống Quốc hội, đại diện Vụ Thông tin - VPQH cho biết, Phòng Truyền thống Quốc hội bắt đầu đi vào hoạt động từ Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa X nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử Quốc hội của các đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức VPQH.
Từ thực tiễn vận hành Phòng Truyền thống Quốc hội và thực tế khảo sát tại một số bảo tàng trong nước, theo hướng dẫn số 1443/BVHTTDL-DSVH ngày 14.4.2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như quy định tại Điều 49 Luật Di sản văn hóa, thì tổ chức và hoạt động của Phòng Truyền thống Quốc hội hiện đã đáp ứng đủ các tiêu chí để xem xét thành lập Bảo tàng Quốc hội Việt Nam.
Việc thành lập Bảo tàng Quốc hội Việt Nam cũng góp phần nâng cao nhận thức của cử tri và Nhân dân về cơ cấu tổ chức, hoạt động và vị trí, vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị; khơi dậy, khích lệ, động viên Nhân dân phát huy truyền thống lịch sử, đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của dân tộc.
VN