Theo thông tin mới nhất, năm nay 30% học trò học lớp cuối cấp THPT không đăng ký dự xét tuyển vào Đại học. Con đường học Đại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp.
Sự thay đổi này trong tư duy của xã hội là điều đáng mừng, bởi lẽ việc chọn đường đi cho nghề nghiệp tương lai đang được hướng theo khả năng thực có của mỗi học trò. Con số không nhỏ sinh viên học Đại học tốt nghiệp ra trường thất nghiệp và sự thay đổi lựa chọn của người học buộc giáo dục Đại học hiện tại phải đối diện với rất nhiều vấn đề nan giải cần giải quyết. Vây giáo dục Đại học phải làm gì trong sự khủng hoảng này? Đó là câu hỏi đặt ra không phải dễ dàng tìm ngay ra câu trả lời nhưng buộc phải có đáp án phù hợp hoàn cảnh khách quan của thời đại thì mới mong giáo dục Đại học thực hiện được sứ mạng của mình đối với nhân dân, đất nước.
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet |
Thiển nghĩ, trong sự khủng hoảng này, nếu các nhà quản lý giáo dục không mạnh mẽ chuyển hướng tư duy, chấp nhận “đau đớn”, làm một cuộc cách mạng để “lột xác” thực sự thì sẽ còn luẩn quẩn, bùng nhùng, dai dẳng mãi với những “ung nhọt” âm ỉ, mang chứa từ lâu trong giáo dục. Cuộc cách mạng giáo dục Đại học để đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng sự phát triển của xã hội cần hướng đến mục tiêu: Chất lượng đào tạo Con Người. Mà chất lượng đào tạo Con Người thì không phải chỉ nhằm đến việc đào tạo nghề một cách đơn thuần! Muốn vậy bước đầu giáo dục Đại học phải đổi mới toàn diện, triệt để ở các khâu then chốt nhất như: Làm sạch môi trường giáo dục Đại học; Triệt để đổi mới chương trình đào tạo; Đổi mới quan niệm thi, tuyển sinh.
1/ Đổi mới đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nhà trường - làm sạch môi trường giáo dục Đại học
Vấn đề đặt ra là các nhà quản lý có dám mạnh dạn làm cuộc cách mạng giáo dục Đại học bắt đầu từ việc cách mạng đội ngũ giảng viên và những người làm việc trong môi trường giáo dục Đại học? Cụ thể là rà soát lại các đối tượng yếu kém cả về năng lực chuyên môn lẫn nhân cách để sắp xếp lại trật tự, kỷ cương trong nhà trường. Cái này thực sự không dễ làm nhưng nếu đồng thuận và có cách làm khoa học, khách quan vẫn thực hiện được, vì con người và kết quả công việc hằng ngày phơi bày khá rõ ràng. Trong đội ngũ giảng viên Đại học cần loại ra những người yếu kém về chuyên môn, thiếu một tấm lòng đối với công việc. Thử hỏi một nền giáo dục mà “văn hóa phong bì” tràn vào tác oai, tác quái như một lẽ đương nhiên trong giao tiếp, ứng xử thầy - trò thì sự công bằng còn đâu và sinh viên lấy gì làm chỗ dựa cho niềm tin để phấn đấu hướng về lý tưởng sống đẹp?!
Bên cạnh đó, việc xóa bỏ những khâu trung gian, quản lý “chồng” quản lý, gây phiền hà hành chính, làm cản trở sự phát triển của giáo dục Đại học cũng cần được quán triệt trong toàn hệ thống. Bộ máy hành chính của các trường Đại học cần phải phát huy chức năng sinh ra là để phục vụ việc Dạy - Học của giảng viên và sinh viên chứ không phải là “trại tế bần” ban phát công việc, là nơi nhận “con ông cháu cha”, để làm “quan chức” và lũng đoạn môi trường văn hoá của giáo dục Đại học.
2/ “Thay máu”, đổi mới triệt để chương trình đào tạo – chìa khóa giải quyết vấn đề sản phẩm giáo dục kém chất lượng
Đổi mới triệt để chương trình đào tạo (chứ không phải chỉ đổi tên môn học, “cải cách” thêm bớt chương trình một cách lười nhác trong tư duy). Chương trình giáo dục Đại học hiện đại phải chuyển hướng mạnh theo xu hướng liên môn, liên ngành trong đào tạo. Xu hướng sử dụng nhân lực hiện nay cho thấy sự thiếu hụt, trống rỗng về tri thức của các chuyên ngành liên quan chuyên môn được đào tạo sẽ rất khó để sinh viên ra trường có thể linh hoạt, làm việc hiệu quả. Một số môn khoa học nhân văn như văn học, văn hoá, lịch sử và nghệ thuật cần phải được dạy - học chất lượng trong hệ thống Đại học để mang lại cho sản phẩm giáo dục một “phông” văn hoá nhất định. Xoá “mù” nhân văn và “mù” nhân cách, xoá căn bệnh lạnh lùng, vô cảm, vô tình, thiếu tôn trọng người khác trong mọi quan hệ, ứng xử đang tràn lan như nấm trong xã hội hiện nay. (Mà đáng sợ hơn nó còn ngang nhiên tồn tại trong những môi trường mang tiếng có nhiều người “học cao”, có chức, có quyền mà không phân biệt nổi giá trị sống thật là gì, chạy theo hư danh và làm giàu bất chính).
3/ Đổi mới quan niệm thi, tuyển sinh
Thực tế thi cử cho thấy, các nhà quản lý giáo dục đã thực sự lúng túng trước sự bung vỡ của các khối u mà thực tế nó đã “mưng mủ” trong suốt thời gian khá dài qua. Hầu hết thời gian giáo dục nhà trường chỉ đầu tư để “chống đỡ” việc thi cử. Các thầy, cô và học trò thì tập trung dạy – học để thi; Các nhà quản lý thì tìm cách để khống chế gian lận thi cử... Vậy tại sao không nghĩ đến những cách quản lý, những cách làm để những kẻ gian lận không còn cách gian lận? Cần nhìn vào thẳng vào thực tế, kỳ thi THPT quốc gia từ lâu nó đã là một kỳ thi đầy tính “kịch”. Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi, học ôn thi là một “màn kịch hoàn hảo”. Kết quả thi tốt nghiệp bao giờ cũng rất cao, (cho dù có vài năm Bộ Giáo dục & Đào tạo đã giương cao khẩu hiệu “nói không với bệnh thành tích” và tổ chức hẳn hai lần thi tốt nghiệp cho học trò phổ thông, giảng viên Đại học phải đi làm “bức tường” ngăn tiêu cực tràn vào các kỳ thi dưới cái mác “thanh tra ủy quyền của Bộ” đề “dọa” học trò không được “quay cóp” và giáo viên sở tại không được dung túng cho hành vi gian lận… nhưng kết quả đâu lại vào đó (!). Đấy là còn chưa kể đến trong quá trình làm thi, các thầy/cô và các nhà quản lý các cấp liên tục nhận được “lệnh” điều chỉnh biểu điểm chấm cho kết quả “khả quan” phù hợp với nhiều vấn đề liên quan đến “uy tín” của ngành giáo dục trước xã hội), vậy còn tổ chức thi THPT quốc gia làm gì cho tốn kém tiền của công sức của nhân dân, gây áp lực làm khổ giáo viên và học trò?
Các nhà quản lý có thể đưa ra lý lẽ: Thi là để kiểm tra đầu ra của chất lượng giáo dục (!). Thử hỏi, chất lượng gì khi thi cử diễn ra chỉ là để thi “diễn” như vậy. Cho dù có mỗi năm rất nỗ lực “đổi mới” thi cử, nhưng thực chất đó chỉ là cái vỏ mà nội dung căn cốt của vấn đề không thay đổi được gì. Tại sao nhà trường phổ thông dạy các trò 12 năm học, mỗi trò kinh qua ít nhất 24 kỳ thi kiểm tra đánh giá chất lượng mà cuối cùng các sở Giáo dục & Đào tạo không đủ tự tin để cấp cho các em học xong THPT một tấm giấy chứng nhận với dòng chữ “Đã học xong chương trình giáo dục phổ thông” để các em có thể bước vào đời với nhiều con đường lựa chọn? Tại sao lại buộc cứ kéo dài một cuộc thi gây nhiều áp lực cho học sinh, cho phụ huynh và kéo theo nó nhiều giá trị nhân văn trong giáo dục nhà trường bị băng hoại?
Tiếp đó, vấn đề tuyển sinh vào Đại học có thể giải quyết theo cách là sau khi nhận giấy chứng nhận đã học xong chương trình phổ thông, các trò có thể tùy theo năng lực xin đi học nghề hoặc học tiếp Đại học (theo đúng như xu hướng thức nhận hiện nay của xã hội). Như vậy, các trường Đại học tùy theo đặc thù của ngành nghề mình đào tạo phải có một hệ thống tiêu chí minh bạch, đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng để tuyển sinh (Ví dụ: Trường sư phạm đào tạo ngành nghề dạy học thì tiêu chí tuyển người làm thầy/cô giáo trong tương lai phải khác các trường đào tạo kỹ sư nông nghiệp, công nghiêp..v.v…). Thiết nghĩ, đây mới thực sự là “giao quyền tự chủ cho đại học”, bởi chỉ khi nào được tự chủ thật sự trong quản lý chọn người học thì tự mỗi đại học mới có những cách thức sử dụng nhân lực phù hợp, trọng thị nhân tài, phát triển thương hiệu của nhà trường theo con đường xây dựng uy tín chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Nếu Đại học nào không đi theo đúng quy luật, người học quay lưng lại không lựa chọn để học bởi chất lượng đào tạo yếu kém thì sự “tự hủy”, tự tan rã cũng là tất yếu, và điều đó cũng không có gì đáng phải nuối tiếc bởi nếu tồn tại một trường Đại học chỉ là nơi để “kinh doanh” bằng cấp thì chỉ mang lại hệ lụy xấu, nặng nề cho xã hội mà thôi!
Khủng hoảng để phát triển âu cũng là quy luật phát triển của cuộc sống! Giáo dục Đại học của chúng ta cũng không nằm ngoài quy luật này. Bình tĩnh, sáng suốt để tìm hướng đi đúng và phù hợp điều kiện phát triển của hoàn cảnh lịch sử xã hội - đó là điều tối quan trọng vào thời điểm mang tính quyết định này. Tuy nhiên, mỗi người tham gia vận hành trong cỗ máy của giáo dục Đại học cần phải ý thức rất rõ: chừng nào mục tiêu đề ra thiếu rõ ràng, chỉ chung chung, hoặc loanh quanh kiểu “con kiến mà leo cành cụt”; việc thực hiện “đổi mới” chỉ mang tính chất khẩu hiệu hô hào, phong trào mà không được thực thi có kế hoạch, bài bản, khách quan, khoa học, giao đúng việc, đúng người thì chừng đó giáo dục Đại học sẽ tiếp tục tuột dốc trong khi bánh xe lịch sử của nhân loại vẫn lăn đều hướng về đỉnh cao phía trước...!
Nguồn Văn nghệ số 23/2019