Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, ngày 1-11, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và thảo luận về ngân sách năm 2016, kế hoạch năm 2017. Qua thảo luận, đa số đại biểu cho rằng, cần tăng cường quản lý tài chính, siết chặt kỷ luật đầu tư công chính là lối thoát hiểm cho nền kinh tế.
Nguồn Internet |
Thảo luận tại hội trường về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, các ý kiến cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng chỉ ra rằng, việc tái cơ cấu đầu tư công còn chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực, bố trí vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm chưa được giải quyết; nhiều công trình dở dang, đình hoãn và giãn tiến độ; tình trạng tiêu cực, lãng phí trong xây dựng cơ bản vẫn còn phổ biến.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Nguyên do là tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, đặc biệt là sự suy thoái của nền kinh tế thế giới. Mặt khác, trong thực hiện, giá trị GDP không đạt theo dự toán làm tỷ lệ nợ công tăng (như năm 2015 nợ công tăng thêm 0,9% so với GDP dự toán).
Bên cạnh đó, tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại đều không đạt yêu cầu. Trong 5 năm qua đều phải điều chỉnh chính sách để giảm thu nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Ngược lại, mức chi cho an sinh xã hội, chi giảm nghèo, chi tăng lương đều tăng...
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, bộ đang tiến hành rà soát và sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý nợ công; tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nợ công, bảo đảm giữ vững an ninh tài chính quốc gia như mục tiêu đề ra… Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài, đồng thời tái cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất nợ công.
Giải trình thêm về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện đang tồn tại hai quan điểm mâu thuẫn nhau, đó là cần phải tập trung đầu tư ưu tiên cho một số ngành, lĩnh vực và địa phương có tính động lực, đầu tàu, lan tỏa để thúc đẩy phát triển nhanh hơn và có đóng góp cho nguồn thu của ngân sách nhiều hơn.
Tuy nhiên, các địa phương đang khó khăn về kinh tế - xã hội cũng cần nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa phương khác. Bộ trưởng khẳng định, kế hoạch đầu tư công phải được xây dựng trên các quan điểm phù hợp với kế hoạch phát triển 5 năm; khả năng cân đối ngân sách nhà nước, chú trọng thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác; có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách khó khăn thì cần lựa chọn mục tiêu, định hướng cấp bách để ưu tiên đầu tư...
Về định hướng đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020, có ý kiến cho rằng đang còn dàn trải và nguồn vốn đầu tư cho giao thông đang còn lớn, đặc biệt vốn trái phiếu chính phủ đang chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đó, một số lĩnh vực chưa được quan tâm nhiều như nông nghiệp, y tế, biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, về định hướng đầu tư trong báo cáo là định hướng đầu tư tất cả các nguồn vốn ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu chính phủ nên báo cáo trình Quốc hội phải nêu đầy đủ định hướng đầu tư 14 ngành, lĩnh vực đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt. Trong dự kiến phương án phân bổ vốn kế hoạch trái phiếu chính phủ thì dành tỷ trọng lớn cho Ngành Giao thông - Vận tải là nhằm thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn giai đoạn 2016-2020 trước hết phải ưu tiên bố trí đủ để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước rồi mới đến các dự án chuyển tiếp. Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án nêu trên nếu còn thì mới bố trí khởi công mới.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. Đã có 18 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, đề cập sâu về cơ cấu chi, phương thức chi; chi đầu tư phát triển; giải pháp giảm chi thường xuyên trong cơ cấu chi ngân sách; các nguồn thu và công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; công tác quản lý, điều hành ngân sách; các nguyên tắc, cơ cấu phân bổ chi ngân sách năm 2017 và các giải pháp cơ bản để thực hiện dự toán ngân sách.
Như vậy, đây là lần đầu tiên Chính phủ chính thức xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả 5 năm và trình Quốc hội xem xét, thông qua theo Luật Đầu tư công.