Truyền thông có vai trò quan trọng với công tác dân số. Nhờ có tuyên truyền cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin với nội dung và hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng mà nhận thức, hành vi của người dân dần thay đổi. Từ đó, chất lượng dân số đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh: Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển.
Hội nghị tuyên truyền công tác Dân số trong tình hình mới cho đội ngũ cộng tác viên Dân số - KHHGĐ huyện Như Xuân năm 2023. |
Là một tỉnh đông dân, trong những năm qua, công tác Dân số của tỉnh Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp trên; sự phối hợp các ban, ngành đoàn thể. Đặc biệt, công tác truyền thông được triển khai rộng rãi đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu và phù hợp với nhóm đối tượng. Thông qua các Mô hình, Đề án triển khai tại địa phương đã góp phần vào sự thành công của công tác Dân số.
Thực hiện Quyết định số 537/QĐ-TTg, ngày 17/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình truyền thông Dân số đến năm 2030; Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã tham mưu cho Sở Y tế, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND, ngày 17/7/2020 về việc thực hiện Chương trình truyền thông Dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Mục đích của Chương trình truyền thông là nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, chuyển đổi hành vi và ủng hộ tích cực của toàn xã hội trong việc giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội góp phần phát triển bền vững. Chương trình được triển khai từ năm 2021 đến năm 2030 tại 27 huyện, thị, thành phố, với đối tượng tác động là cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể; Trưởng các thôn, bản; Các chức sắc tôn giáo; trí thức, những người có uy tín trong cộng đồng; Người cao tuổi; Nam, nữ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; Trẻ em vị thành niên, thanh niên; Nhóm dân số đặc thù (dân di cư, biên giới, hải đảo, đồng bào theo đạo, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, người lao động tại các khu chế xuất khu công nghiệp tập trung…).; Cán bộ cung cấp dịch vụ (sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi); Phóng viên các cơ quan báo chí, cán bộ truyền thông và cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin cơ sở.
Với mục đích và đối tượng tác động như trên, trong 02 năm 2021 và 2022, Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Trung tâm Y tế 27 huyện, thị, thành phố triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình truyền thông Dân số. Cụ thể, đã tổ chức 57 Hội nghị, với 3.345 người tham gia nhằm cung cấp thông tin về Dân số và Phát triển, các văn bản chính sách hiện hành liên quan đến dân số và truyền thông dân số cho các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và huyện. Tập huấn cho 05 lớp với 250 người là cộng tác viên dân số; Nhân bản hơn 140.000 tờ rơi các loại, 7.500 cuốn cẩm nang về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình dành cho tuổi vị thành niên; sản xuất 05 cụm Pano, 196 cái poster, 248 băng zôn. Sản xuất 03 phóng sự, đăng tải 03 chuyên trang tuyên truyền trên báo; viết hơn 2.000 bài tuyên truyền với 8.400 lần phát thanh trên loa truyền thanh của xã. Tổ chức 270 cuộc nói chuyện chuyên đề về giới tính khi sinh, bình đẳng giới, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, các chính sách mới về dân số và phát triển....cho 13.500 đối tượng là vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người cao tuổi.
Những hoạt động trên của Chương trình truyền thông Dân số đã góp phần vào kết quả chung của công tác dân số. Năm 2022, quy mô dân số của tỉnh 3.751.500 người; mức giảm sinh 0,1%o; tỷ số giới tính khi sinh 113 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai là 67%.
Trong 9 tháng năm 2023, Chi cục DS-KHHGĐ đã triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình như: tổ chức Hội nghị cung cấp về công tác Dân số và Phát triển cho các cấp chính quyền, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông, đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở các lớp tập huấn và kiểm tra, giám sát...
Thạch Thành là 1 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Hàng năm, căn cứ Hướng dẫn của Chi cục về việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ nói chung và Chương trình truyền thông Dân số nói riêng; Trung tâm Y tế huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Văn Vũ - Trưởng phòng Dân số - Truyền thông GD&SK, Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành cho biết “Xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức các vấn đề về Dân số. Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động đổi mới nội dung và các hình thức tuyên truyền, vận động về công tác Dân số và Phát triển. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình truyền thông Dân số đến năm 2030 đã bước đầu mang lại hiệu quả. Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình, Trung tâm Y tế đã tổ chức tiếp nhận các sản phẩm truyền thông như: tờ rơi, sách, poster,... để cấp phát các đối tượng và treo tại trạm Y tế các xã. Tổ chức phát thanh trên loa truyền thanh xã. Các hoạt động trên đã dần thay đổi nhận thức của người dân về công tác dân số, thực hành bình đẳng giới, không kết hôn cận huyết thống.”
Có thể nói, hoạt động truyền thông trong công tác dân số đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới hiện nay. Trong thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tiếp tục tham mưu nhằm tăng cường sự vào cuộc của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ dân số. Coi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục luôn là mũi nhọn hàng đầu và là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công công tác dân số và phát triển góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Bài và Ảnh: Lê Linh Nga