Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã cho ra mắt cuốn sách mang tên “Việt Nam – Khát vọng Hòa bình” vừa được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành.
Đây là cuốn sách thứ ba của Ủy ban Hòa bình Việt Nam sau cuốn “65 năm Ủy ban Hòa bình Việt Nam” điểm lại quá trình hình thành và phát triển của các phong trào và tổ chức hoạt động vì hòa bình ở Việt Nam và cuốn “Tiếng hát Hòa bình” - một tuyển tập thơ xưa và nay của Việt Nam và quốc tế vào năm 2015.
Theo đó, “Việt Nam – Khát vọng Hòa bình” gồm ba phần chính và một số phụ lục là một tập hợp các bài viết từ nhiều góc độ – lý luận, chính trị, lịch sử, kinh tế – của nhiều tác giả từng gắn bó với hoạt động của Ủy ban Hòa bình Việt Nam, cùng một số tư liệu Việt Nam và quốc tế.
Phần thứ nhất đề cập những khía cạnh khác nhau của hòa bình và chiến tranh, vấn đề hàng đầu của mọi thời đại, từ xã hội nguyên thủy, qua các thời kỳ chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, đến nay.
Phần thứ hai gồm một loạt bài viết về quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước Việt Nam về hòa bình. Chúng ta có thể tìm thấy ở đây những nghiên cứu công phu dành cho các chủ đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh và hòa bình; Chính sách đối ngoại hòa bình của Đảng và Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sau khi đất nước thống nhất, và trong quá trình Đổi Mới; Một số vấn đề lý luận về Hòa bình và Quyền con người; Pháp luật quốc tế và khu vực về quyền hòa bình; Thành tựu và thách thức về việc bảo đảm quyền hòa bình trên thế giới và trong khu vực hiện nay; Vai trò của Phật giáo Việt Nam trong bảo vệ hòa bình và một bài về Giáo hội Công giáo với hòa bình và quyền con người.
Phần thứ ba nêu một số vấn đề của phong trào hòa bình và đoàn kết quốc tế và cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân ta hiện nay.
Cuối cùng là phần phụ lục với nghiên cứu về các vấn đề an ninh phi truyền thống, thông tin về một số tổ chức, phong trào hòa bình là đối tác của Ủy ban Hòa bình Việt Nam hoặc cơ chế đa phương mà Ủy ban Hòa bình Việt Nam là thành viên, Hội nghị lần thứ nhất các quốc gia châu Á và châu Phi họp tại Bandung, Indonesia, năm 1955.
Viết Lời tựa cho cuốn sách, ông Uông Chu Lưu giới thiệu: “Là một quốc gia đã phải trải qua và chịu nhiều hậu quả nặng nề của nhiều cuộc chiến tranh nên Việt Nam hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình”. Bởi vậy, cuốn sách là tư liệu nghiên cứu quý giá giúp bạn độc hiểu sâu sắc hơn về các vấn đề hòa bình và tư tưởng hòa bình của Việt Nam.
PV