Việc quản lý chủ yếu là theo ngành dọc của các bộ, ngành, cơ quan chủ quản mà chưa có sự tham gia của các ngành, lĩnh vực liên quan. Điều này dẫn đến một số hệ quả như quản lý di sản thiếu tính bền vững, xung đột giữa bảo tồn di sản và tăng trưởng kinh tế…
Thiếu chuyên nghiệp và chắp vá
Những bài học lớn từ việc quản lý di sản, như công trình kiến trúc khổng lồ trái phép ở lõi di sản Tràng An (Ninh Bình) hay khoan đục để treo bảng tại tháp Chăm cổ ở Bình Định…, vẫn còn rất tươi mới. Các sai sót trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có nhiều nguyên nhân; trong đó có sự thiếu hụt về nhân lực của ngành di sản.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Bộ VH-TT-DL nhìn nhận, trên thực tế, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa còn mỏng, năng lực quản lý và chuyên môn còn nhiều hạn chế; các dự án như thống kê, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích vẫn chưa được xây dựng, triển khai kịp thời.
Việc thiếu cả “thầy” lẫn “thợ” trong ngành bảo tồn di sản có thể thấy rõ nhất trong công tác trùng tu và tôn tạo di tích. GS-TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ: “Nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích của nước ta phần lớn không được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn, hệ quả là có nhận thức khác nhau về những nguyên tắc và quan điểm bảo tồn di tích”.
Đình Chu Quyến - một trong số ít các công trình được đầu tư tu bổ bài bản, giữ được giá trị của di sảnTình hình thực tế của lực lượng bảo tồn di tích hiện nay là tính chuyên nghiệp chưa cao, lực lượng phân tán. Người được đào tạo không được tham gia dự án bảo tồn di tích; đa số các cán bộ quản lý di tích địa phương đều là kiêm nhiệm, không được bổ túc kiến thức chuyên sâu về bảo tồn. Do vậy, nhiều hành vi xâm phạm di tích không được ngăn chặn kịp thời, các quyết định phạt hành chính, thậm chí kỷ luật cán bộ cũng không thể cứu vãn.
Song, không chỉ với di sản vật thể mà ngay với di sản phi vật thể thì sự am tường về chuyên môn cũng là yếu tố sống còn góp phần nuôi dưỡng tinh hoa văn hóa trong cộng đồng. GS Trần Lâm Biền nhiều lần trăn trở khi nhấn mạnh rằng, chưa khi nào yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực cho việc bảo tồn di sản nói chung và trùng tu di tích nói riêng quan trọng, cấp thiết như thời điểm này. Ông còn chỉ ra những phương án về lâu dài cần phải tính đến là đào tạo đội ngũ “thầy” giỏi. Chỉ có thầy giỏi thì mới có thể xây dựng được đội ngũ thi công - đối tượng trực tiếp chạm vào “cơ thể” di tích, tâm huyết và có tài.
Di sản cần phải hòa nhập
Sau một thời gian dài xây dựng đề án, từ năm 2020, chương trình đào tạo thạc sĩ di sản - Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên. Đây được coi là bước đột phá trong đào tạo về di sản tại Việt Nam hiện nay, nhờ lần đầu tiên áp dụng “tư duy tổng thể và cách tiếp cận liên ngành cùng với các công cụ, kỹ thuật và công nghệ hiện đại”, nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị di sản bền vững.
TS Nguyễn Kiều Oanh, Phó Chủ nhiệm Khoa các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, thay vì đào tạo đơn ngành về bảo tồn, bảo tàng, phục chế… chương trình đồng thời trang bị cho người học các kỹ năng nghề nghiệp có tính thực tiễn cao. Nhờ đó, người học có đủ khả năng nhận diện, phân loại, đánh giá, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong nghiên cứu, thực hành và quản lý di sản. Những vấn đề liên quan như chính sách về di sản ở cấp độ quốc tế, quốc gia, đánh giá được tình hình thực thi chính sách; làm chủ được các phương pháp công cụ trong quản lý và lập kế hoạch di sản… cũng được đưa vào chương trình đào tạo.
Nhận định về tính thiết yếu của chuyên ngành này, TS Phạm Cao Quý, Cục Di sản văn hóa Bộ VH-TT-DL cũng khẳng định, ngành học này nằm trong sự phát triển chung của xã hội, của thế giới hiện nay, khi tiếp cận di sản theo hướng mới hơn, tổng hòa hơn.
“Nếu trước kia chúng ta tiếp cận di sản chỉ theo góc độ lịch sử, để bảo tồn và giữ nguyên trạng nó, phục vụ cho việc giáo dục, phát huy một phần để thu hút du lịch đơn thuần, việc mở ra ngành di sản học sẽ xây dựng nên một cách tiếp cận mới đối với di sản. Đó là bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững. Nghĩa là di sản phải hòa nhập, phục vụ đời sống đem lại nguồn lực, sinh kế cho chính con người ngày hôm nay, ứng phó lại những vấn đề bất bền vững trong mối quan hệ giữa di sản và cuộc sống đương đại”, TS Phạm Cao Quý nói.
Với sự ra đời của chương trình đào tạo trên, kỳ vọng đóng góp vào thị trường lao động nguồn nhân lực phù hợp, góp phần giải quyết bài toán về bảo tồn và gìn giữ di sản ở mức độ sâu sắc hơn.
VĨNH XUÂN
Nguồn SGGP