Ngày 5/8/ 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, hệ thống giáo dục phổ thông gồm 12 năm với 2 giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp, tích hợp mạnh ở tiểu học và THCS, phân hóa mạnh ở cấp THPT. Các môn ở cả 3 cấp được chia thành nhóm bắt buộc và tự chọn. Môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tuỳ ý, tự chọn trong nhóm môn học, hoặc tự chọn trong môn học. Tiếp đến ngày 12/4/2017, Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố dự thảo lần hai được xem là đã tiếp thu và chỉnh lý so với lần 1. Đồng thời chính thức lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận xã hội, các chuyên gia và nhà giáo. Đợt lấy ý kiến lần hai được Bộ ấn định kéo dài đến hết ngày 29/4/2017. Tuy nhiên, trước ý kiến trái chiều của dự luận xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo tăng thêm thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 30/5/ 2017. Và sau hai lần lấy ý kiến và chỉnh lý, ngày 29/7 chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã chính thức được thông qua. Song vẫn còn nhiều băn khoăn khi cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa xuất phát từ thực tiễn giáo dục hay nói đúng hơn nếu triển khai sẽ phải đối mặt với sự thách thức của lý thuyết và thực tiễn.
Từ lý thuyết…
Chương trình tổng thể, tức là bộ khung của chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, đã chính thức được thông qua vào ngày 29/7. Theo đó, chương trình mới sẽ phân hóa thành các bộ môn bắt buộc: bắt buộc có phân hóa và môn tự chọn bắt buộc. Dự kiến chương trình mới bắt đầu được triển khai từ năm học 2018-2019. Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến tích cực, không ít chuyên gia nhận định chương trình mới còn nặng nề, tụt hậu so với thế giới và chưa phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện tại. Đi sâu hơn vào phần nội dung, cũng có không ít ý kiến đã chỉ ra rằng, chương trình tiểu học hiện tại và chương trình tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể không khác nhau nhiều. Thậm chí nhiều muôn học đã phải trở về với tên gọi ban đầu như Địa lý và Lịch sử, Đạo đức… Cho thấy đây chưa hẳn đã là cuộc “thay máu” thực sự trong giáo dục.
Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố vào ngày 12/4, giáo dục phổ thông 12 năm sẽ chia làm hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).
Theo đó, sự thay đổi mạnh nhất thuộc về giai đoạn THPT bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.
Trong dự thảo cũng xuất hiện những môn học/hoạt động giáo dục mới như môn học Giáo dục Kinh tế và pháp luật hay Hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Trên thực tế, để có được những môn học hướng đến tích hợp một phần hoặc toàn phần theo xu hướng chung của thế giới, nhiều môn học mới có tên gọi mới đã được biên soạn dưới hình thức cắt gọt (chứ chưa phải là tinh gọn) ghép lại với nhau như môn Tự nhiên và Xã hội ở bậc tiểu học, hay môn Giáo dục Công dân ở bậc Trung học phổ thông, (học sinh tại Hà Nội còn học thêm chuyên đề Nếp sống thanh lịch). Những môn học này về mặt lý thuyết là cung cấp cho các em những kiến thức đúng như tên gọi của môn học. Nhưng thực tế lại không đúng như kỳ vọng. Ghi nhận chung cho thấy việc cắt ghép này trong một chừng mực nào đó đã biến quá trình dạy và học trong trường phổ thông không thể đi đến đầu đến đũa. Bên cạnh đó còn đẩy một lượng lớn giáo viên từ chỗ có việc làm chuyển sang diện dôi dư. Và đây cũng là lý do châm ngòi cho những xung đột về quan điểm giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo với các tỉnh thành khi đề xuất chuyển giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông thậm chí tiểu học thuộc diện dôi dư nói trên sang dạy mầm non. Chưa bàn đến những bất cập trong đào tạo và đào tạo lại, chỉ cần nhìn vào những đòi hỏi hết sức khắt khe về tiêu chuẩn giáo viên bậc mầm non đủ thấy ý tưởng nói trên là hoàn toàn phi thực tiễn. Bởi không phải cứ là giáo viên thì dạy học cấp nào cũng được.
… Đến những bất hợp lý trong thực tiễn
Cho đến thời điểm hiện tại, sự kỳ vọng về một chương trình giáo dục tổng thể có thể sắp xếp lại các môn học hợp lý, tránh dàn trải, giảm tải chương trình và có tính tập trung, hướng nghiệp cao cho học sinh, vẫn còn là vấn đề nóng hổi được truyền thông cả nước và mạng xã hội đăng tải. Thế nhưng, khác với những kỳ vọng ban đầu, các môn học được đưa ra trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã không xuất phát từ thực tiễn giáo dục Việt Nam. Thậm chí nhiều môn học còn trở thành thách thức không nhỏ đối với hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay, như nhưng môn khoa học mang tính trải nghiệm, phát triển năng lực nhận thức, năng lực cảm thụ… Vốn được xem là vô cùng mới mẻ, và cần có lộ trình cụ thể để đào tạo giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai môn học. Sẽ có rất nhiều nhu cầu của người học khi chương trình mới được triển khai và phía Bộ Giáo dục & Đào tạo là ngân hàng kiến thức sẽ không thể đáp ứng chỉ trong một sớm một chiều.
Còn nhớ, năm học 2012-2013, Dự án Mô hình trường học mới VNEN triển khai tại 63 tỉnh, thành phố với tổng số trường tham gia Dự án là 1.447 trường. Từ đó cho đến nay, mỗi khi nhắc đến mô hình trường học mới VNEN là các giáo viên lại thở dài ngao ngán khi dự án đầy những bất cập nhưng vẫn thí điểm khắp nơi và chưa có dấu hiệu dừng lại. Dù rằng trên cương vị Bộ chủ quản, Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ ra công văn khuyến khích các trường triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng VNEN, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của nó để đổi mới phương pháp. Tinh thần chung là như vậy, nhưng thực hiện thế nào thì Bộ không hướng dẫn, thành thử mỗi trường áp dụng VNEN mỗi khác. Và cho đến nay thì đã có không ít tỉnh, thành gửi đơn về Bộ Giáo dục & Đào tạo cho dừng VNEN.
Quay trở về với chương trình giáo dục tổng thể vừa được thông qua, dư luận vẫn đang trông chờ những thay đổi cụ thể ở từng môn học. Tuy nhiên, dù thay đổi theo chiều hướng mới hoàn toàn hay có sự kế thừa cái cũ phù hợp thì điều tối thiểu cần hiểu đó là đối tượng của giáo dục là khoa học, đạo đức và nghệ thuật. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có khoa học, kỹ thuật để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Có Chân-Thiện-Mỹ để xã hội mỗi ngày một hoàn thiện hơn, tơi đẹp hơn.