Ngày 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thường kỳ của Chính phủ về xây dựng pháp luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục hạn chế, vướng mắc, tạo điều kiện phát triển.
Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá quan trọng nhất, là động lực, nguồn lực cho phát triển. Trong bối cảnh đó, việc kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, phát huy mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thường kỳ của Chính phủ về xây dựng pháp luật tháng 9 |
Khẳng định, kỳ họp tháng 9 cũng là kỳ họp thứ 9 của năm 2024, nên việc xem xét, cho ý kiến đối với việc thông qua 5 dự án luật, đề án, gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế; Đề án xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là cấp thiết bởi đây là những dự án luật và đề án vừa tạo điều kiện cho việc quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển xã hội.
Nhấn mạnh một số nguyên tắc, yêu cầu xây dựng các luật này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, bám sát các chủ trương mới trong các nghị quyết, kết luận của Đảng để cụ thể hóa; đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết; cái gì hiệu quả nhất, tốt nhất cho đất nước thì làm, cái gì tốt thì kế thừa, cái gì chưa tốt thì sửa đổi, luôn đổi mới, cái gì thấy đúng thì cương quyết làm; trường hợp quy định khác các luật hiện hành thì phải xác định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật, bảo đảm thống nhất trong quá trình thi hành. Đồng thời, cần phân công rõ người, rõ việc, một việc chỉ một người làm, ai làm tốt nhất thì giao; có sự phối hợp giữa các cơ quan. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cần được thuyết minh, giải trình đầy đủ, rõ ràng, có số liệu, lập luận để bảo đảm tính thuyết phục với cơ quan có thẩm quyền. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát; tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm để bảo đảm linh hoạt. Đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục rườm rà, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan các cấp; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin cho và môi trường phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dễ dẫn tới sai phạm, khuyết điểm, mất cán bộ; rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án đầu tư công vào khai thác. |
Thủ tướng cũng cho rằng khối lượng công việc tại kỳ họp rất lớn, nên các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần nêu ý kiến thẳng thắn, tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng, những vấn đề còn ý kiến khác nhau để bảo đảm tiến độ và chất lượng kỳ họp.
Vũ Anh | Báo Văn Nghệ
------
Bài viết cùng chuyên mục: