Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 527/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thông báo nêu: Trong 11 tháng của năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta, bên cạnh đó nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế, tác động ảnh hưởng sau COVID-19 còn kéo dài. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tổng thể chung, kết quả đạt được là cơ bản, nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trực tiếp thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; trong đó có sự đóng góp của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tăng trưởng tín dụng 11 tháng năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa kịp thời theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: (i) tín dụng cho vay trung và dài hạn tiếp tục gặp khó khăn; (ii) tăng trưởng tín dụng còn thấp, mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng là rất lớn; (iii) kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là 120.000 tỷ xây dựng nhà ở xã hội; (iv) nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro của một số các tổ chức tín dụng yếu kém, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Thông báo nêu rõ những nguyên nhân còn tồn tại. Cụ thể:
Đối với các tổ chức tín dụng: (i) hồ sơ cho vay vẫn còn phức tạp, khó khăn, thủ tục hành chính rườm rà; (ii) lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhất là lãi suất cho vay; (iii) vẫn còn hiện tượng tiêu cực, sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, nhất là việc cấp tín dụng, lãi suất ưu đãi cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các ngân hàng thương mại.
Đối với doanh nghiệp và người dân: (i) kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu gặp khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cả tín dụng doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng, tín dụng về đầu tư; (ii) một số doanh nghiệp có nhu cầu vay, nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn; (iii) mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả; (iv) quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng thương mại còn thiếu linh hoạt trong khi phải bảo đảm, kiểm soát các tiêu chuẩn tín dụng theo quy định, không hạ chuẩn tín dụng.
Do vậy, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ là các tổ chức tín dụng cần phải bám sát, bình tĩnh, nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn, ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, ban hành các cơ chế chính sách tín dụng phải sát với tình hình theo tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chủ thể liên quan, không duy ý chí, bảo thủ và không chủ quan, lơ là, thiếu thực tế.
Các chủ thể có liên quan từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, người dân phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức đồng lòng, hơn lúc nào hết cần phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái, càng khó khăn phải càng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý việc nào dứt việc đấy.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh việc điều hành thông qua các công cụ theo nguyên tắc thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ các công cụ mang tính hành chính trong điều hành và quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2023, lưu ý điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, các Công điện, Công thư của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ từ tháng 10 năm 2022 đến nay, nhất là Công thư số 460/LĐCP ngày 31 tháng 10 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ, Thông báo số 225/TB-VPCP ngày 15 tháng 6 năm 2023 của Thường trực Chính phủ, Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2023, Thông báo số 237/TB-VPCP ngày 22 tháng 6 năm 2023, Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2023, văn bản số 687/TTg-KTTH ngày 27 tháng 7 năm 2023, Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2023, Công điện số 1224/CĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2023 và các văn bản khác có liên quan.
Thực hiện các giải pháp tín dụng chủ động, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay, tài sản bảo đảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi và dễ dàng hơn, đồng thời phải bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Khẩn trương hoàn thiện, sớm trình cấp thẩm quyền các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng để tạo điều kiện cho vay thuận lợi hơn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô… nhằm kích cầu tín dụng, tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức, góp phần loại bỏ tín dụng đen.
Tiếp tục có giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả chỉ đạo triển khai quyết liệt chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm các điều kiện/yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản và người mua nhà. Tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện kịp thời hiệu, quả các Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay hoặc kéo dài thời gian thực hiện đối với các Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN và Thông tư số 06/2023 nhằm phù hợp với tình hình thực tế, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng nhằm hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản số 2878/TB-TTKQH ngày 16 tháng 10 năm 2023. Nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ mới cho các dự án xanh, chuyển đổi số.
Triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. Xử lý xong các ngân hàng mua bắt buộc theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng, kịp thời cảnh báo, phát hiện sớm rủi ro và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định đối với tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau, việc tư vấn, giới thiệu khách hàng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, việc tư vấn, bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số, đặc biệt an toàn mạng, chống xâm nhập hệ thống lấy tiền trong tài khoản của ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công an tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững. Phối hợp Bộ Xây dựng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…); đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng trong các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các tổ chức tín dụng nhà nước. Nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng và lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Đẩy mạnh thanh tra, nghiêm cấm việc cấp tín dụng, lãi suất thấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, lợi ích nhóm của các ngân hàng thương mại.
Tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đối với chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, mỗi ngân hàng thương mại nghiên cứu, xây dựng Đề án riêng để đẩy mạnh cho vay đối tượng này.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu.
Tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số; tiếp tục phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, cải tiến hệ thống thanh toán nội bộ, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, kết nối, tích hợp liền mạch với các dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số.
Cùng với đó là tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức tín dụng đến công chúng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều hành chính sách tài khóa phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thực hiện nghiêm việc thu thuế, phí và lệ phí bằng các công cụ số, hóa đơn điện tử, nhất là đối với xăng dầu, dịch vụ ăn uống; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm.
Đẩy mạnh các giải pháp để thực sự ổn định, phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, lành mạnh an toàn hiệu quả, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc phát hành, chào mua, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời tham mưu, đề xuất chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển thị trường; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình các dự án, tiến độ triển khai, giải ngân vốn, các khó khăn vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn về quy hoạch, đấu thầu dự án, đấu giá và giao đất…
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án bất động sản và tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn và xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy các địa phương công bố các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện triển khai vay vốn thuộc chương trình tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm để tháo gỡ, khó khăn cho thị trường bất động sản; có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có giải pháp kịp thời phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do, qua đó thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng các đơn hàng xuất khẩu, từ đó tạo công ăn việc làm và gia tăng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đối với hệ thống ngân hàng; phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử cho khách hàng tại các cửa hàng xăng dầu; xử lý nghiêm theo quy định các cửa hàng xăng dầu vi phạm.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tập trung cho khắc phục hậu quả nhưng phải xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm pháp luật theo quy định. Có giải pháp quyết liệt xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ, tạo điều kiện củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để khẩn trương có giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, các tiêu cực trong hạn mức tăng trưởng tín dụng và cho vay không đúng quy định, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Các Bộ, cơ quan liên quan: Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… tập trung triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, tạo điều kiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ủy ban nhân dân các tình, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan và các cấp chính quyền trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, người dân trong tháo gỡ khó khăn về tiếp cận tín dụng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Các Hiệp hội ngành nghề tăng cường nắm bắt thông tin, tình hình, khó khăn, vướng mắc của các hội viên và phản ánh kịp thời đến cấp có thẩm quyền. Đồng thời, hỗ trợ các hội viên tăng cường kết nối, tăng thêm sức mạnh đoàn kết, cùng vượt qua khó khăn./.
CP