Sự kiện & Bình luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sâu lắng tình dân

Dương Hòa
Chính trị xã hội
12:31 | 23/07/2024
“Trong sâu lắng tình dân” là tựa đề cuốn sách của tác giả Nguyễn Hồng Hải (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2015). Cuốn sách là tập hợp các bài viết của tác giả đã được đăng trên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) sau các chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà anh được may mắn tham gia trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2014.
aa

Tác giả Nguyễn Hồng Hải hiện là Đại tá, Phó tổng biên tập Báo QĐND, đã chia sẻ về sự ra đời cuốn sách: “Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011), tôi có vinh dự được Ban biên tập Báo QĐND giao nhiệm vụ của một phóng viên chuyên trách tham gia các chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để đưa tin, bài, kịp thời tuyên truyền trên báo. Bên cạnh việc đưa tin về những chuyến công tác nói trên, tôi còn viết các bài bút ký, ghi chép, phản ánh tâm tư, tình cảm của nhân dân và tình cảm của bạn bè quốc tế với Đảng, Nhà nước và dân tộc ta, thông qua đại diện trực tiếp là người đứng đầu hệ thống chính trị của đất nước...”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sâu lắng tình dân
Cuốn sách khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bất ngờ và xúc động.

Nội dung cuốn sách được chia làm hai phần: Phần thứ nhất “Trong sâu lắng tình dân” là những câu chuyện từ các chuyến công tác tới cơ sở ở trong nước; phần thứ hai “Nồng ấm trong vòng tay bạn bè” là những câu chuyện trong các chuyến công tác nước ngoài của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

1. Trong phần thứ nhất của cuốn sách, qua các bài viết đã cho thấy chân dung một Tổng Bí thư của Đảng luôn sát sao cơ sở, quan tâm, tìm hiểu tới từng vấn đề của người dân, doanh nghiệp và đưa ra những định hướng, chỉ đạo cụ thể; là tình cảm, sự kính trọng, tin yêu của cán bộ, nhân dân những nơi Tổng Bí thư đến công tác. Đồng thời qua đó cũng phản ánh quá trình chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng đã và đang đi vào thực tiễn sinh động ra sao.

Cách làm việc “bốn cấp cùng bàn việc cơ sở” gần như đã thành thông lệ, nếu điều kiện cho phép, khi đến thăm, làm việc ở địa phương nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều đến gặp gỡ cán bộ, người dân của một xã vùng sâu, vùng xa, thuộc diện khó khăn nhất của địa phương đó, rồi mới làm việc với huyện, tỉnh. Trong lần đến làm việc với cán bộ, nhân dân xã Phú Hiệp (Tam Nông, Đồng Tháp, ngày 24-11-2012), khi nghe đồng chí Bí thư Đảng ủy xã báo cáo tình hình địa phương khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng cao nhiều, Tổng Bí thư đã đưa ra câu hỏi cho các đồng chí cán bộ thử lý giải xem vì sao đời sống nhân dân lại khá lên nhanh trong khi Tam Nông là vùng chua mặn, nhiễm phèn của tỉnh, cuộc sống trước đây gặp vô vàn khó khăn?

Qua các ý kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm nhất đến mô hình cánh đồng mẫu lớn và hợp tác xã kiểu mới, vì vậy trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp sáng hôm sau, đồng chí đã đề nghị các đại biểu tập trung đi sâu vào hai vấn đề này. Khi đến xã Long Mỹ, (Mang Thít, Vĩnh Long, ngày 26-11-2012), Tổng Bí thư lại rất quan tâm hỏi về những thuận lợi và khó khăn của một xã ven đô, ngay cạnh TP Vĩnh Long. (Bài “Bốn cấp đồng lòng bàn việc nhà nông”).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sâu lắng tình dân
Cuốn sách “Trong sâu lắng tình dân” của tác giả Nguyễn Hồng Hải.

Ngày 6-1-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc tại xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai)-một xã biên giới nhiều năm nay có thành tích vượt bậc trong xóa đói giảm nghèo. Tại đây, đồng chí đã mời bí thư chi bộ bản Na Nhung 1 Nông Văn Dùng nói chuyện và hỏi xem sinh hoạt chi bộ có đều không, nội dung sinh hoạt chủ yếu là gì? Rồi Tổng Bí thư hỏi thêm: “Trong bản có đồng bào 5 dân tộc chung sống, vậy vấn đề ma chay, cưới xin, chi bộ có lãnh đạo không?”. Cuối buổi, Tổng Bí thư hỏi bất ngờ: “Trong bản đã có nhiều nhà giàu, có nhà mua được cả ô tô, vậy nhà bí thư chi bộ có giàu không?”. Khi bí thư chi bộ trả lời rằng “chưa giàu”, Tổng Bí thư vui vẻ nói, cũng là một nhiệm vụ cho đảng viên “đảng viên ở nông thôn phải nghĩ cách làm giàu để nêu gương cho bà con...” (Bài “Cầu nối quan trọng của Đảng với nhân dân”)

Trong chuyến đi cơ sở, trực tiếp gặp gỡ người dân vùng Tây Bắc tháng 1-2013, khi gặp gỡ nhân dân xã Trạm Tấu (Trạm Tấu, Yên Bái), Tổng Bí thư hỏi Bí thư Đảng ủy và các nông dân thử lý giải xem tại sao đất đai ở đây rộng rãi, màu mỡ nhưng vẫn có 71% hộ nghèo. Những chương trình phát triển lớn của Nhà nước, Chính phủ đều đầu tư về đây, vì sao chúng ta chưa phát triển được? (Bài “Mong có thêm nhiều mô hình, điển hình từ thực tiễn”).

Rồi khi đến xã Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La), tháng 1-2014, một địa phương đã thành công đưa cây cà phê từ Tây Nguyên về trồng, làm thay đổi cuộc sống người dân; nhưng trên đường, khi thấy những đồi cà phê bị sương muối ăn sạch lá, Tổng Bí thư đã nêu vấn đề với cán bộ và nhân dân xã: Đồng chí cán bộ nào cho tôi biết, thiệt hại do sương muối gây cho cà phê năm nay là bao nhiêu? Năm nào cũng vậy hay chỉ năm nay sương muối mới gây hại? Giải pháp cho vấn đề này thế nào? (Bài “Cùng nông dân tìm giải pháp đột phá”).

Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Dương, đến thăm công ty TNHH MTV May Bình Dương, Tổng Bí thư đã đi kiểm tra một vòng từ khu điều hành sản xuất đến nhà ăn, nhà trẻ, nhà ở của công nhân. Đồng chí dừng lại lâu nhất ở khu nhà ở của công nhân, vào một số phòng, chăm chú lắng nghe công nhân kể về tình hình đời sống của mình; hỏi han về các vấn đề thu nhập, nhà trọ, cuộc sống… cụ thể của công nhân. (Bài “Mọi cấp, mọi ngành cùng chăm lo công tác an sinh xã hội”)…

Sâu sát cơ sở, quan tâm tới bà con nhân dân ở các vùng miền, ngành nghề, nhất là những vấn đề bất cập, khó khăn của nhân dân và cán bộ cơ sở, đồng thời biểu dương những mô hình, cách làm hay cần nhân rộng. Trong những lần đến cơ sở, Tổng Bí thư luôn nhận được tình cảm yêu mến và sự chia sẻ cởi mở, chân tình của nhân dân.

“Lần đầu tiên trong cuộc đời lão nông, tôi được dự hội nghị có đủ bốn cấp từ Trung ương đến xã, dưới sự chủ tọa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng bàn việc chăm lo đời sống cho nông dân. Chúng tôi rất cảm động và thấy Đảng cũng như đồng chí Tổng Bí thư thật gần gũi, thân thiết”.

Đó là chia sẻ của ông Võ Trường Chinh ở Phú Đức, Tam Nông, Đồng Tháp sau buổi làm việc của Tổng Bí thư với địa phương. (Bài “Bốn cấp đồng lòng bàn việc nhà nông”). Khi biết tin đoàn công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang làm việc với cán bộ xã Đông Thanh (Lâm Hà, Lâm Đồng, ngày 6-12-2012), bà con trong xã đã hẹn nhau đến trụ sở UBND xã để xin gặp. Rồi khi Tổng Bí thư vừa làm việc xong bước ra sân, bà con đến vây quanh. Tổng Bí thư bắt tay, hỏi chuyện nhân dân, nhiều người đã bày tỏ mong mỏi “Ao ước được một lần gặp Tổng Bí thư để nói rằng: Dân chúng tôi ủng hộ sự nghiệp chống tham nhũng của Đảng nhiều lắm, mong Tổng Bí thư vững tay chèo lái sự nghiệp cao cả này”. Còn bà con xã Quảng Tâm (Tuy Đức, Đắc Nông) đã trân trọng dành chiếc áo truyền thống của người Mơ Nông tặng Tổng Bí thư khi đến địa phương. (Bài “Trong sâu lắng tình dân”)...

2. Không chỉ để lại dấu ấn đậm nét với cán bộ, nhân dân trong nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tạo được tình cảm, sự trân trọng của bạn bè quốc tế qua những chuyến công tác tới các nước, thể hiện trong phần thứ hai của cuốn sách - “Nồng ấm trong vòng tay bạn bè”. Đó là những ánh mắt chan chứa niềm tin, những lời chào hỏi ân cần và những vòng tay bè bạn nồng nhiệt, chân thành của người dân Cuba anh em. Đảng, Nhà nước Cuba trao huân chương Hôn-xê Mác-ti, phần thưởng cao quý nhất, tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những cái ôm hôn nồng ấm. (Bài “Việt Nam - Cuba: Nồng ấm trong vòng tay bạn bè”); là cuộc gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp bên bờ ruộng với người nông dân Cuba với câu chuyện chân tình, gần gũi, về những cách làm thiết thực, hiệu quả, trong đó có sự góp sức của máy móc thiết bị từ Việt Nam chuyển sang. (Bài “Cùng trăn trở bên luống cày với nông dân Cuba”); hay cùng những người bạn Anh chìm trong niềm xúc động sâu lắng khi nghe lại câu chuyện người thanh niên Nguyễn Tất Thành ở London (Bài “Luân Đôn sôi động và sâu lắng”); là câu chuyện trên đất Thái Lan, giữa gần 500 kiều bào Việt Nam ở Thái Lan, có cụ bà tóc bạc phơ, mặc áo dài, đeo Huân chương kháng chiến hạng Nhất tự đẩy xe lăn xin mọi người nhường lối để lên chụp ảnh cùng đồng chí Tổng Bí thư. Toại nguyện khi được đón bác Tổng Bí thư sang thăm Thái Lan, bà muốn thưa với bác rằng, “Chúng tôi tuy ở xa Tổ quốc nhưng quê hương vẫn trong trái tim chúng tôi. Ở đâu biết làm theo Cụ Hồ, ở đó người Việt Nam như đang ở trên quê hương mình” (Bài “Theo dấu chân Bác Hồ trên đất Thái”).

Đó còn là sự tôn trọng, tin tưởng của những doanh nhân Singapore, chẳng hạn như ông Kê-vích với nguyện vọng “Mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm các khu công nghiệp do ông đầu tư vào Việt Nam để Tổng Bí thư có thể cho ông những ý kiến chỉ đạo giúp ông làm tốt hơn nữa công việc kinh doanh của mình”. (Bài “Sự tin cậy là nguồn vốn quý nhất”); hay chuyến thăm Italia (tháng 1-2013) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng thống Giorgio Napolitano gọi là chuyến thăm lịch sử, không chỉ bởi chuyến thăm nâng tầm quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược, mà chuyến đi đã hé mở nhiều nhịp cầu hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc. (Bài “Kết nối những tấm lòng vì Việt Nam”)…

Đã gần một thập kỷ cuốn sách ra đời, chỉ 259 trang gồm 36 bài viết với những câu chuyện thực tế sinh động, khách quan, đã phần nào cho thấy một chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sâu sắc, trí tuệ, giản dị trong sâu lắng tình dân và nồng ấm trong vòng tay bè bạn quốc tế.

Bài và ảnh: Dương Hòa - Báo Quân đội nhân dân

Lan tỏa nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư về phát triển văn hóa Người biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sau mỗi cuốn sách, tôi trưởng thành hơn! Một số cuốn sách tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Sách của tác giả Hàn Quốc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp được in ở Việt Nam Nhà văn Hàn Quốc dành 10 năm soạn sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
www.qdnd.vn
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.