Sự kiện & Bình luận

Trái tim lớn, trí tuệ lớn vì nước, vì dân

Hồ Quang Lợi
Tin 24 giờ
10:00 | 25/07/2024
Trong khoảng 40 năm được nhiều lần tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cảm nhận rõ bản lĩnh, trí tuệ lớn, tầm nhìn rộng mở của người đứng đầu Đảng ta
aa

Là một người chuyên viết bình luận về đời sống quốc tế và quan hệ đối ngoại của Việt Nam, được trực tiếp tham gia và chứng kiến nhiều sự kiện đối ngoại nổi bật của đất nước trong khoảng 40 năm qua và được nhiều lần tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cảm nhận rõ bản lĩnh, trí tuệ lớn, tầm nhìn rộng mở của người đứng đầu Đảng ta để lãnh đạo đất nước nắm bắt cơ hội, vượt qua những bão tố, thác ghềnh của thời cuộc.

Chưa ai có thể quên cách nay một tháng, ngày 20-6-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù sức khoẻ không được tốt, vẫn tiếp và hội đàm với Tổng thống Nga V. Putin thăm chính thức Việt Nam. Đấy là chuyến thăm lần thứ 5 của người đứng đầu nước Nga đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hoà XHCN Việt Nam và Liên bang Nga (1994-2024). Chuyến thăm đó đã để lại những ấn tượng rất sâu đậm và tốt đẹp đối với Tổng thống Nga V. Putin. Lúc này, nhớ lại những hình ảnh, giọng nói Tổng Bí thư trong sự kiện ngoại giao trên đây, trái tim chúng ta trào dâng xúc động: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng không một ngày được ngơi nghỉ, cho đến những ngày cuối đời vẫn tận hiến tài năng và tâm sức cho đất nước, cho nhân dân...

Trái tim lớn, trí tuệ lớn vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ ngày 5-10/7/2015 và hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 7/7/2015.

Như vậy, chỉ trong vòng 9 tháng, từ tháng 9-2023 đến tháng 6-2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp và hội đàm với ba nguyên thủ của ba cường quốc lớn nhất thế giới: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V. Putin trong các chuyến thăm chính thức Việt Nam; đưa quan hệ của nước ta với ba cường quốc này lên tầm vóc mới, cao nhất và sâu sắc nhất. Đó là điều chưa từng có không chỉ trong lịch sử ngoại giao Việt Nam mà còn trong các mối bang giao quốc tế. Những chuyến thăm cấp cao có dấu ấn lịch sử liên tiếp đó đã xác lập một vị thế chiến lược mới của Việt Nam trong một thế giới đang biến động sâu sắc, thể hiện vai trò, uy tín cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Trong mấy thập niên gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm hẹn có sức hút mạnh cho sự hợp tác, nhưng đồng thời cũng là nơi cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc. Nhìn ra toàn cầu có thể thấy không ít nước có hoàn cảnh tương tự, đã bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đua tranh quyền lực giữa các nước lớn, trở thành công cụ, con bài chiến lược, thậm chí là chiến trường đẫm máu của dạng “chiến tranh ủy nhiệm”. Mất quyền tự chủ, thở bằng bình oxy của người khác, đánh mất mình là bài học đắt giá nhất trong mối bang giao quốc tế.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam đã tìm ra phép “cân bằng động” trong quan hệ với các nước lớn để hóa giải bão tố, sóng ngầm từ cạnh tranh chiến lược giữa họ. Có thể khẳng định rằng, bằng những bước đi uyển chuyển, khéo léo theo trường phái “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đã tạo bước đột phá, nhưng vẫn duy trì được sự hài hòa “cân bằng động” trong bối cảnh mới rất nhạy cảm và đầy thách thức. Là nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước, với bản lĩnh, trí tuệ và một năng lực dự cảm đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo và điều hành nhịp nhàng các bước triển khai chiến lược đối ngoại của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh các cường quốc hàng đầu thế giới cạnh tranh, đối đầu gay gắt, gây nên những dòng xoáy dữ dội trong quan hệ quốc tế.

Lần đầu tiên, khái niệm “ngoại giao cây tre Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 năm 2016. Tiếp đó, tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên vào tháng 12-2021, Tổng Bí thư nêu rõ rằng, “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam”. Và “trường phái” này đã thực sự được nâng lên tầm lý luận khi tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 ngày 19-12-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, Việt Nam hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” rất đặc sắc và độc đáo: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam...”

Trái tim lớn, trí tuệ lớn vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi dạo trong khu Nhà sàn Hồ Chủ tịch ngày 13/11/2017. Ảnh: Giang Huy

Thành công của trường phái “ngoại giao cây tre Việt Nam” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết và thực hành, bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết, nhân ái, hòa hiếu; từ khí phách quật cường, không bao giờ chịu quỳ gối khuất phục trước cường quyền của dân tộc Việt Nam; từ tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết nhưng không cực đoan, mà luôn gắn liền tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế cao cả; từ đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, mở ra một không gian đối ngoại rộng lớn; từ những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, nâng cánh cho ngoại giao vươn xa…

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ ngày 10 đến 11-9 -2023 được giới quan sát và truyền thông quốc tế bàn luận rất nhiều, nhất là về vị thế của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn đang diễn ra rất quyết liệt ở châu Á - Thái Bình Dương. Việc sắp xếp chuyến đi của Tổng thống Mỹ trong một hoàn cảnh đặc biệt đã cho thấy Mỹ rất coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện rõ sự linh hoạt, năng động của ngoại giao Việt Nam. Một sự kiện ngoại giao đẹp đã được cả hai phía phối hợp thực hiện và thành công mỹ mãn. Ban đầu, Tổng thống Joe Biden mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ. Do điều kiện chưa cho phép, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa thực hiện được chuyến thăm đó và đã gửi thư mời Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam. Để thực hiện chuyến thăm này, phía Hoa Kỳ đã có những nỗ lực chưa từng có tiền lệ, điều chỉnh chương trình hoạt động đối ngoại của cả Tổng thống và Phó Tổng thống.

Trái tim lớn, trí tuệ lớn vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga ngày 5-8/9/2018 theo lời mời của ông Putin.

Dấu ấn lịch sử của chuyến thăm trên đây là hai bên đã ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và đề ra những phương hướng lớn cho hợp tác trong 10 năm tới và lâu hơn nữa. Đây là văn kiện hết sức quan trọng với 10 trụ cột, bao trùm tất cả các lĩnh vực. Điều đó cho thấy, hợp tác hai nước không chỉ được mở rộng mà còn đi vào chiều sâu và thực chất hơn; không chỉ trên bình diện hợp tác song phương mà trong các vấn đề khu vực và ở tầm toàn cầu. Tuyên bố chung là văn kiện này hàm chứa nhiều nội dung quan trọng mà hai bên đều gửi gắm trong đó những mong ước, những kỳ vọng và cả những cảm xúc hướng tới tương lai.

Việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ là một cột mốc rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam. Lần đầu tiên, nước ta có quan hệ từ cấp độ đối tác chiến lược với toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Anh và Pháp), qua đó tạo khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng, góp phần củng cố thế đối ngoại vững chắc cho đất nước. Sau khi từ Việt Nam trở về Mỹ, lời đầu tiên trong bài phát biểu tại Khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng LHQ ngày 19-9-2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là hình mẫu vượt qua quá khứ, từ đối thủ thành đối tác để giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương. Trên diễn đàn quốc tế lớn nhất, với sự tham dự của 150 người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, cùng đại diện lãnh đạo của nhiều nước và tổ chức quốc tế, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh: Không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Hoa Kỳ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất.

Nhớ lại năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc rất thành công chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Nhìn trên mọi góc độ, đây thực sự là một chuyến đi lịch sử. Quả thực, cách đấy 20 năm, khó có thể hình dung cảnh tượng tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng ở Washington, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đàm đạo cởi mở, thân mật và thực chất với Tổng thống Mỹ. Nước Mỹ không có một hệ thống thể chế và vị trí lãnh đạo tương ứng như Việt Nam, nên việc lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đón tiếp với nghi lễ chính thức rất trang trọng dành cho người đứng đầu một đảng chính trị, mà đó lại là Đảng Cộng sản Việt Nam, thì quả thực đây là một sự kiện rất đặc biệt, vượt quá suy nghĩ thông thường của nhiều người. Và chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vừa nêu không chỉ là phép thử liều cao mà đã trở thành bằng chứng sống động cho thấy rõ Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị và mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới. Phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chính là việc duy trì hài hòa “cân bằng động” quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn, tránh phụ thuộc vào một đối tác nào.

Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam, chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 2023, chúng ta đã đón nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hai cường quốc này đang coi nhau là đối thủ chiến lược và đang cạnh tranh rất quyết liệt. Chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hai ngày 12 và 13-12-2023 với việc ký Tuyên bố chung mang dấu ấn lịch sử, theo đó, hai bên nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, thể hiện sự tin cậy lẫn nhau, làm sâu sắc thêm và nâng quan hệ đối tác chiến lược Việt - Trung lên một tầm cao mới. Chuyến thăm này là một trong hai chuyến công du quan trọng của ông Tập Cận Bình trong năm 2023 (chuyến thăm đầu tiên là đến Nga) thể hiện đầy đủ sự coi trọng quan hệ với Việt Nam của lãnh đạo Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường cung ứng hàng hoá lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là thị trường thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc và lớn nhất trong ASEAN.

Từ nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả ba cường quốc Trung Quốc, Nga và Mỹ. Cấp độ đối tác chiến lược toàn diện có “những mẫu số chung”, nhưng với mỗi cường quốc lại có sự tương đồng và sự khác biệt, đòi hỏi Việt Nam vừa phải có bản lĩnh vừa phải có sự năng hoạt, uyển chuyển, ứng xử phù hợp. Thực tế lịch sử đã chứng minh Việt Nam và Nga gắn bó với nhau trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống, kế thừa giá trị tốt đẹp từ thời Liên Xô, nhưng hiện nước ta cũng đang chịu tác động tiêu cực từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Chúng ta tuyên bố rõ ràng: Việt Nam chọn công lý và chính nghĩa chứ không chọn bên! Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 6 -2024 vừa rồi, Tổng thống Nga V. Putin đã đánh giá cao đường lối, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam. Với Trung Quốc là nước lớn, láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, tương đồng về thể chế chính trị nhưng còn có những tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Trong vấn đề Biển Đông, chúng ta đề cao các thỏa thuận và quy tắc đã đạt được, đặc biệt là việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước về Luật Biển 1982. Mục tiêu cao nhất là giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng tránh đối đầu và xung đột vũ trang, đảm bảo môi trường hòa bình và ổn định để phát triển. Trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc của chúng ta là “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng của nhau, giải quyết bất đồng trên tinh thần hữu nghị, tuân thủ triệt để Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Về quan hệ Việt - Mỹ, mặc dù đã trải qua quá khứ đau thương nặng nề, nhưng hai bên đã có tầm nhìn chiến lược, nỗ lực lớn để “vượt qua khác biệt”, “phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” và đã đạt được những bước tiến dài, trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Nền tảng để xây dựng và phát triển quan hệ Việt - Mỹ là hai bên tôn trọng chế độ chính trị của nhau. Đây là điều cốt lõi nhất.

Đã từng xuất hiện đây đó những lo ngại cho rằng Việt Nam đang “mắc kẹt” trong mâu thuẫn, đối đầu căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa Mỹ với Nga. Nhưng thực tế đã cho thấy bước đột phá đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên cấp độ cao nhất đã không gây trở ngại, xáo trộn quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, với Nga và với các nước lớn khác. Chúng ta đã chủ động trao đổi cởi mở và chân thành để các nước hiểu rõ chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Có thể thấy rõ, mặc dù theo đuổi mục tiêu chiến lược khác nhau, thậm chí xung đột nhau, nhưng các nước lớn đều tôn trọng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam. Trong ba khoá liền đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Tổng Bí thư, Việt Nam đã thực sự có một tư thế chiến lược mới ngày càng vững chắc.

Cùng với việc phát triển quan hệ với các cường quốc Trung Quốc, Nga và Mỹ, chúng ta cũng tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các đối tác quan trọng, các nước bạn bè truyền thống như Lào, Campuchia, Cuba, các nước ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước EU... Điều này tạo ra cục diện đối ngoại rộng mở, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, tạo đan xen lợi ích sâu rộng, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước. Trong đó, có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Quy mô nền kinh tế của nước ta năm 2023 đạt 430 tỉ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN, đứng trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài...

Thành công nổi bật có ý nghĩa lịch sử của trường phái “ngoại giao cây tre” đã góp phần làm sáng rõ nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.” Với những cống hiến xuất sắc, những đóng góp to lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo lỗi lạc, có vị trí đặc biệt trong trái tim nhân dân Việt Nam. Bởi vậy, một nỗi lo lắng âm thầm nhưng rất sâu sắc lan đi trong lòng mỗi người dân khi có thông báo của Bộ Chính trị về sức khoẻ của Tổng Bí thư. Dẫu đã chuẩn bị tinh thần, nhưng khi có tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, người dân vẫn bàng hoàng, đau tiếc. Trong nỗi đau thương lớn, càng cảm nhận rõ hơn tình cảm yêu quý, kính trọng của nhân dân dành cho vị lãnh đạo của mình. Tin buồn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần nhanh chóng lan khắp toàn cầu, tạo nên niềm xúc động lớn. Cuba tuyên bố để quốc tang. Lãnh đạo nhiều nước, các tổ chức quốc tế đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc, đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhà lãnh đạo kiệt xuất”, “người anh em vĩ đại”, “con người tuyệt vời”… đóng góp tích cực cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong cộng đồng quốc tế. Báo chí và truyền thông quốc tế đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và thực hiện thành công chính sách đối ngoại “cây tre Việt Nam”.

Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo luôn đau đáu, trăn trở vì sự phát triển của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Có những người mà “cái chết ươm mầm sự sống”, sự ra đi của họ lại thúc giục bao người bước tiếp cuộc hành trình. Nguyễn Phú Trọng thuộc về những lớp người như vậy.

Một trái tim lớn vì đất nước vì nhân dân đã ngừng đập…

Niềm thương tiếc và lòng cảm phục thấm sâu, lan xa…

Hà Nội ngày 20-7-2024

Hồ Quang Lợi | Báo Văn nghệ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam Những bức tranh, điêu khắc ánh sáng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Hà Nội ra công điện về Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”; “Văn nghệ sỹ phải mang khát vọng lớn”
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".