Buổi diễu hành "Việt Phong Hội Tụ" diễn ra tại cố đô Huế chiều 8-6 thu hút hơn 1.200 bạn trẻ, người yêu văn hóa Việt và du khách tham dự. Sự kiện này là một trong những sự kiện cộng đồng nằm trong khuôn khổ Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế - Festival Huế 2025, do Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế tổ chức.
![]() |
Ảnh VOV. |
Hình ảnh một người mẫu trong vai “hoàng hậu” ngồi kiệu rước đi giữa phố Huế, được hơn 10 người mặc trang phục giống "đội âm công" gánh đi, đã gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. Điều đó không khó hiểu. Ở Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng đất như Huế, nơi lưu giữ ký ức cung đình sâu đậm, trang phục tang lễ, biểu tượng âm dương, các quy tắc điển lễ… không đơn thuần là hình thức mà gắn liền với thiêng liêng, với nỗi sợ, và với một lịch sử chưa bao giờ chỉ là quá khứ.
Ở đây, sự phản cảm mà nhiều người cảm nhận không hẳn xuất phát từ việc “không đúng phục trang”, mà đến từ một chấn thương văn hóa chưa được xoa dịu, việc đảo lộn giữa cái sống và cái chết, giữa biểu tượng của quyền quý và hình ảnh gợi nhắc tang chế. Tâm trí đại chúng thường lưu giữ những mã biểu tượng thị giác rất mạnh, màu áo, kiểu nón, nhịp điệu di chuyển… Tái hiện sai, hoặc thiếu tri thức văn hóa vùng miền, sẽ dễ dẫn đến sự vỡ mạch cảm xúc.
Ở nhiều nước, từ carnival của Brazil đến lễ hội hóa trang Venice, việc “chơi” với hình tượng lịch sử luôn là một hình thức phản tư và trình diễn sáng tạo. Tuy nhiên, để “chơi” một cách có chiều sâu thì điều kiện tiên quyết là, phải hiểu được thứ mình đang chơi là gì. Cổ phục, dù đã trở thành trào lưu tích cực trong giới trẻ Việt, vẫn là một trường nghĩa phức tạp. Đó là nơi ký ức dân tộc, mỹ học lễ nghi, và hệ thống biểu tượng ngầm giao thoa nhau.
Trong trường hợp này, sự vội vàng và ngây thơ khi mượn hình ảnh “hoàng hậu” cùng một đội lính phu kiệu thiếu kiến thức thẩm mỹ vùng miền đã dẫn đến phản ứng dữ dội từ công chúng. Nhất là khi biểu tượng ấy lại gợi nhắc đến Nam Phương hoàng hậu, một nhân vật có vị trí lịch sử đặc biệt, gắn với giai đoạn suy tàn của triều Nguyễn và lịch sử cận đại.
Tuy nhiên, sự kiện “Việt Phong Hội Tụ” vẫn là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc đưa cổ phục trở lại đời sống cộng đồng. Hơn 500 bạn trẻ từ khắp ba miền đã tự nguyện tham gia, chi trả chi phí để góp mặt trong đoàn diễu hành, điều đó cho thấy lòng yêu mến sâu sắc với văn hóa dân tộc. Nhưng tình yêu ấy cần được dẫn dắt bởi tri thức.
![]() |
Lính phu kiệu triều Nguyễn trong nghi lễ tế Nam Giao, Huế, năm 1942. Ảnh tư liệu. |
Nhiều ý kiến cho rằng cần có cái nhìn bao dung, và nhìn nhận như là “một cuộc chơi của người trẻ, không nên quá khắt khe”. Tuy vậy, bản thân những người tổ chức và người tham gia cũng cần hiểu rằng, văn hóa không chỉ là sân chơi, mà còn là trách nhiệm. Không có lễ hội nào, dù vui nhộn hay phóng khoáng đến mấy, lại đứng ngoài lề cảm xúc cộng đồng.
Vấn đề sâu xa hơn là, ta đang nhìn cổ phục như một loại di sản cần bảo tồn, hay như một xu hướng thẩm mỹ hiện đại để tái tạo. Nếu coi nó là di sản, thì tính chính thống và chuẩn mực là điều không thể xem nhẹ. Nếu coi nó là trào lưu văn hóa đại chúng, thì cần thiết lập một không gian “an toàn” cho việc chơi, thử, sai, nhưng cũng cần có giới hạn.
Khi người trẻ mặc cổ phục để tôn vinh văn hóa, đó là dấu hiệu tích cực. Nhưng khi cổ phục được mặc lên thân thể mà không kèm theo tri thức, thì chính nó có thể trở thành vết rạn trong ký ức tập thể. Cổ phục không thể chỉ là tấm áo đẹp, mà là một hình thức ký ức, nơi ký ức cộng đồng luôn sẵn sàng phản ứng khi bị chạm đến. Lễ hội không chỉ là nơi trình diễn mà còn là nơi học hỏi, học cách lắng nghe cảm xúc xã hội, học cách bước đi giữa hiện tại và quá khứ mà không làm tổn thương ký ức.
Nếu muốn văn hóa sống trong đời sống, ta phải để nó đi cùng sự hiểu biết. Để người trẻ được “chơi” với di sản, nhưng chơi với tất cả lòng tôn trọng. Bởi mỗi hình ảnh, như chiếc kiệu hoàng hậu giữa phố, không đơn thuần là một bức ảnh đẹp hay xấu, mà là một mảnh ký ức chung mà tất cả chúng ta đang cùng chia sẻ và gìn giữ.