"Trong và ngoài căn phòng tôi": Hai thế giới của Trần Nhã Thụy. được viết từ trong 2 năm dịch COVID-19, thời điểm mà ngay cả việc bước ra khỏi căn phòng riêng, ngôi nhà riêng cũng trở nên xa xỉ.
Vì vậy, "Trong và ngoài căn phòng tôi", hội tụ nhiều phong cách: tản văn, thơ, có bài có kết cấu như một truyện cực ngắn, có bài chỉ vài dòng như một chiêm nghiệm, một phát hiện, một phản tư; hội tụ nhiều vấn đề, nhiều suy nghĩ kiểu "tùy tưởng lục" (ghi chép lan man theo tâm tưởng).
Nhưng tựu trung có 2 góc nhìn: quan hệ giữa con người và thiên nhiên; quan hệ giữa con người và con người; hoặc kết hợp từ mối quan hệ với thiên nhiên để suy rộng ra những gì liên quan đến con người. Ví dụ "Chiều chiều", "Chiều chiều lại nhớ", "Mùi hương thôn dã", "Ngụ ngôn mới của ếch và bò cạp"…Rất nhiều câu chuyện trong cuốn tạp văn này đã trả lời cho sự "hướng ra ngoài": chuyện về giáo dục, về sự tự trọng ("Lời xin lỗi khó đến vậy sao?"), về những sự kiện nhức nhối xã hội ("Bởi tôi là một phần loài người" nói về 39 người Việt tử nạn trong container ở Anh Quốc), về vụ việc Đoàn Thị Hương ("Khi thế giới là một game"), nỗi đau COVID-19 ("Chiếc vòng để lại")… Kết hợp với những bài viết về COVID-19 trong tập viết chung "Viết từ thành phố lockdown" càng chứng tỏ tâm thế "công dân" của Trần Nhã Thụy. Và từ không gian, thời gian tâm thế ấy mà người đọc nhìn rộng, nghiệm ra thế sự. Do đó, cuốn sách không chỉ chứa đựng những chiêm nghiệm của tuổi trung niên. Không còn là những vồ vập hăm hở mà có độ chững lại của thời gian, quan sát và phát biểu. Người đọc phải đọc thật chậm và cùng suy nghĩ. Bởi Viết văn, không chỉ là để giải tỏa nỗi buồn mà còn bày tỏ được điều gì cần thiết cho con người, cho cộng đồng.
Thảo Vy ( tổng hợp)