Sự kiện & Bình luận

TỰ ĐỊNH HƯỚNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG TỐT

Chính trị xã hội
08:42 | 17/10/2019
Nhưng hữu thần không có nghĩa là tự nhiên tốt, dù có điều kiện để tốt. Thì trong cuộc đời, chẳng đã có bao người đầy đủ điều kiện vẫn không khá nổi đấy sao. Còn một cái gì nữa, một cái gì để từ người hữu thần có thể vươn tới người tử tế
aa

Vậy, rốt cuộc, tôi là người vô thần hay hữu thần? Từ nhỏ, tôi đã được dạy dỗ, được giáo dục để trở thành người vô thần. Nhưng rồi, theo thời gian, trải qua bao thăng trầm, tự mình chiêm nghiệm được một số điều, tôi bỗng dưng trở thành người hữu thần lúc nào không biết.

Đầu tiên, là tôi theo đạo thờ cúng ông bà, như hàng trăm triệu người Việt trải qua bao nhiêu đời đã theo. Thờ cúng ông bà là hiếu nghĩa, đồng thời cũng là niềm tin: tin rằng ông bà dù mất đã lâu vẫn dõi theo mình, vẫn phù hộ mình, và vẫn nhắc nhở mình sống sao cho tử tế. Bây giờ, có bao nhiêu người thờ cúng ông bà, nhưng để thực sự có một niềm tin, và thực sự muốn nghe, trong im lặng, những lời nhắc nhở của ông bà về chính cách sống của mình, thì tôi nghĩ, số người đó cũng không có quá nhiều. Đó là những người hữu thần. Và họ sống có niềm tin.

Rồi, tôi tin vào Trời Phật. Với tôi, Trời và Phật vừa nhị thể vừa nhất thể. Đó là Đấng Tối cao, cứ ngỡ ở quá xa chúng ta, nào ngờ, luôn ở bên ta, hay trên đầu ta chỉ “cách ba thước”. Đến Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc là Tập Cận Bình còn tin và công khai nói ra điều đó. Nước Mỹ thì từ xưa tới giờ không có một Tổng thống nào là vô thần cả.

Nhưng hữu thần không có nghĩa là tự nhiên tốt, dù có điều kiện để tốt. Thì trong cuộc đời, chẳng đã có bao người đầy đủ điều kiện vẫn không khá nổi đấy sao. Còn một cái gì nữa, một cái gì để từ người hữu thần có thể vươn tới người tử tế. Người duy tâm (theo cách nói phân biệt duy tâm, duy vật) tin ý thức có trước, tin “thiện căn ở tại lòng ta”. Nhưng dù trong sâu thẳm mình có căn thiện, thì nếu không biết “trục vớt” nó ra, không biết sử dụng nó trong cuộc đời, thì tin ý thức có trước hay vật chất có trước liệu đã ăn thua gì ?

Người có niềm tin vào điều thiện là người bình dị. Người biết quảng thiện cũng là người bình dị. Có những lúc họ sống như thầm lặng, sống ít lời, không quen chém gió. Nhưng họ hành thiện. Và tuyệt đối tránh xa cái ác. Tham sân si chẳng đụng tới họ được. Dù họ ít lên chùa, cũng không dày công cúng Phật những của ngon vật lạ. Khi đi viếng Đền thờ Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, thấy nơi này người đến cầu tài cầu lộc thường cúng heo quay cho Bà Chúa, tôi chợt hiểu: không phải Bà Chúa Xứ thích nhận heo quay để dùng cho mình, bởi có thể Bà ăn chay trường, nhưng bà nhận heo quay để ban cho những người nghèo (thông qua những người giữ Đền), những người nghèo vốn rất ít khi được ăn một miếng thịt heo quay. Bà thương người nghèo, bà là Bà Chúa của lưu dân Nam Bộ, vậy thôi. Không hiểu sao, khi đảnh lễ trước tượng Bà Chúa Xứ, tôi cảm nhận được một luồng mát lành thanh thản nào đó tràn ngập con người mình. Dù tôi không cầu tài, chẳng cầu lộc, chỉ cầu an. Vậy thì mình cần gì nhất trong cuộc đời? Là người đã trải qua chiến tranh và nhiều sự khốn khó, tôi thấy sự an lành là cần thiết nhất cho mình và gia đình mình. Rộng ra, là cho đất nước mình. Nghèo thì khổ, nhưng có thể chịu được, và vẫn có thể có hạnh phúc, nhưng mất an lành là mất tất cả.

Nếu những quan chức tham nhũng nghĩ ra được điều đó, có thể họ sẽ thay đổi. Lại nhớ một câu thơ của nhà thơ Nga :

Tôi cần gì ư?

Một giọt sữa

Một mẩu bánh mỳ

Và cả trời ấy

Và mây ấy…

Nhu cầu vật chất có thể chỉ vừa đủ, nhưng nhu cầu tinh thần là vô hạn. Viết câu này vào dịp có Ngày doanh nhân Việt Nam, e có gì sai sai? Vì nói tới doanh nhân là phải nói tới khát vọng làm giàu. Chỉ kinh doanh để vừa đủ ăn thì bao giờ giàu nổi? Nhưng khát vọng làm giàu không bao giờ mâu thuẫn vói khát vọng về một đời sống tinh thần phong phú, một đời sống tinh thần vươn tới cái vô hạn vô cùng. Mà cái khát vọng thứ hai này thì không chỉ giành riêng cho những người giàu có. Nó giành cho tất cả mọi người.

Nhân ngày doanh nhân, xin nói thêm một chút về “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trước tiên, phải khẳng định, xã hội chủ nghĩa cũng là một mô hình xã hội, như nhiều mô hình xã hội khác. Nó có ưu việt hơn những mô hình khác hay không thì phải nhìn vào thực tế, phải kiểm định qua thực tế, chứ không phải qua danh xưng hay cách nói cách viết, dù có “rồng bay phượng múa” đi chăng nữa. Kinh tế thị trường thì ai cũng biết cả rồi, nhưng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa biết chuyện này rất chậm, phải qua nhiều thập niên và trải qua bao thăng trầm, khốn khổ, kiểu như qua đợt đổi tiền năm 1985 còn tác hại hơn bất cứ trận siêu bão nào. Đã gọi là nền kinh tế thị trường, như thế với nhiều nước, đã là đủ. Nhưng nếu Việt Nam gọi thêm là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì phải giải thích vế sau. Nếu ngay từ đầu, chúng ta giải thích đơn giản thế này, thì ai cũng hiểu, và đại đa số nhân dân sẽ ủng hộ hết mình. Giải thích là: Định hướng xã hội chủ nghĩa cho kinh tế thị trường Việt Nam nhắm vào hai lĩnh vực, đó là lĩnh vực Giáo dục và lĩnh vực Y tế. Định hướng đây sẽ là nền giáo dục phổ thông miễn phí (giống như nền giáo dục phổ thông dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Còn với lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thì định hướng sẽ là lĩnh vực có bảo hiểm y tế toàn dân và đặc biệt quan tâm đến người nghèo… Đó sẽ là hai định hướng nhân văn, nhân đạo nhất của một chế độ, nó không đối lập với nền kinh tế thị trường tự do và cởi mở, nhưng nhất định không cho phép kinh tế thị trường (nhằm thu lợi nhuận tối đa) nhào vào trong hai lĩnh vực này.

Bây giờ, trong thực tế, thì ai cũng thấy, ở Việt Nam kinh tế thị trường đang tàn phá hai lĩnh vực giáo dục và y tế như thế nào. Sự tàn phá ấy, nhiều khi đã tới mức tàn bạo, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, kể cả những “giá” rất bẩn… Thử so sánh giữa Cu Ba và Mỹ về việc “định hướng” hai lĩnh vực này xem thế nào nhé. Cu Ba quá nghèo, còn Mỹ quá giàu, điều này ai cũng thấy. Nhưng ở Cu Ba, trẻ em đi học không mất tiền suốt bậc học phổ thông. Mỹ thì không được như vậy. Ở Cu Ba, người dân được chăm sóc y tế miễn phí. Ở Mỹ thì có mỗi chương trình ObamaCare cũng bị Tổng thống nhiệm kỳ kế tiếp đòi nay bỏ mai xóa. Chương trình ấy nhằm chăm sóc y tế gần như (tôi nói gần như) miễn phí đối với người nghèo. Chỉ với một “định hướng” rõ ràng và giản dị như thế thôi, tôi bảo đảm, chế độ chính trị của Cu Ba dù ai thích hay ai ghét, vẫn cứ trường tồn. Vì nó được đa số người dân Cu Ba ủng hộ.

“Định hướng tốt” là như vậy. Nếu chúng ta làm được điều đó, lo gì người dân quay mặt với chủ nghĩa xã hội, dù chúng ta vẫn còn khá nghèo.

Nguồn Văn nghệ số 42/2019


Một chuyến đi thiệt dài. Truyện ngắn dự thi của Ngân Kim

Một chuyến đi thiệt dài. Truyện ngắn dự thi của Ngân Kim

Baovannghe.vn - Thứ… ngày… tháng… năm… Cái dòng đơn giản nầy ngay cả học trò mẫu giáo còn điền được vậy mà với Sòng giờ đây là một sự đánh đố. Thiệt. Hổng có dóc. Sòng chỉ rõ đang là tháng tám, mùa bão nổi. Sống nhờ biển cả mà, chỉ nhớ được tháng mấy, vụ cá gì để chuẩn bị lưới. Đơn giản vậy thôi.
Sông chảy về đâu. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Như Hiền

Sông chảy về đâu. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Như Hiền

Baovannghe.vn - Chị Hậu đóng cửa, con chó béc giê hung tợn xích nằm một chỗ bất chợt vụt dậy. Nhìn hàm răng nhọn hoắt, dãi từ miệng nó nhễu ra chị rùng mình.
Thử hình dung - Thơ Đoàn Xuân Hòa

Thử hình dung - Thơ Đoàn Xuân Hòa

Baovannghe.vn- Thời vô tính cừu Đô-ly, chó Nhật/ Mớ bù xù từ lồng kính sinh ra
Mẹ già - Thơ Ngô Mậu Tình

Mẹ già - Thơ Ngô Mậu Tình

Baovannghe.vn - Gió mưa sông bạc mái đầu/ Mẹ cha rũ hết lo âu cơ hàn/ Cho con với những bình an/ Nhọc nhằn đi giữa vô vàn yêu thương.
Thông điệp của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn

Thông điệp của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn

Baovannghe.vn - Với phương châm “Chính trực - Chuyên nghiệp - Đoàn kết - Sáng tạo - Hiệu quả” BSR đã hoàn thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Dầu khí