KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/04/1975 - 30/04/2023)
Cho đến 30 tháng 04 năm nay, chúng ta đã kết thúc chiến tranh được gần nửa thế kỷ. Sự thật sau khi cuộc chiến tranh bằng bom đạn kết thúc, người dân Việt Nam vẫn phải chiến đấu chống lại một cuộc chiến tranh khác. Đó là chống lại chính sách cấm vận của chính quyền Mỹ, chống lại sự áp đặt của những nước phương tây. Cuộc chiến tranh thứ hai không tiếng bom đạn là một cuộc chiến tranh bảo vệ tư thế và vị thế của dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử khác. Và cuối cùng, dân tộc Việt Nam đã đòi được sự công bằng chính đáng cho mình và từng bước xây dựng tư thế và vị thế của một dân tộc trước thế giới.
Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, một lần nữa thể hiện vị thế của Dân tộc Việt Nam trước thế giới. Ảnh: TTXVN |
Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho độc lập, tự do của một dân tộc của người Việt Nam đã trở thành biểu tượng cho các dân tộc bị áp bức và bị áp đặt. Một dân tộc cũng giống như một con người phải được tồn tại bình đẳng dưới mặt trời như mọi người khác. Qua hai cuộc kháng chiến, Việt Nam đã trở một VÍ DỤ của nhân loại. Và giờ đây, sau gần một nửa thế kỷ kết thúc chiến tranh, dân tộc Việt Nam đã và đang xây dựng vị thế mới của mình trong một thế giới phẳng. Từ một dân tộc bị nô lệ trở thành một dân tộc tự do, Việt Nam từng bước được đặt vào những vị trí quan trọng trong cán cân toàn cầu ở những tổ chức lớn trên thế giới. Dân tộc Việt Nam lúc này có một vị thế hơn bao giờ hết trước thế giới như lời khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong cách nhìn của tôi, vị thế ấy được xây dựng trên ba nền tảng quan trọng nhất: văn hóa, chính trị và kinh tế. Không chỉ đối với Việt Nam mà đối với mọi quốc gia, nếu ba nền tảng này không bền vững, không phát triển thì quốc gia đó sẽ không thể phát triển, không thể xây dựng được một xã hội văn minh và tiến bộ.
Nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam đã hun đúc lên tư thế, tâm thế và vị thế của Việt Nam. Chỉ có lòng tự tôn dân tộc cao nhất, dân tộc Việt Nam mới có đủ ý chí, khát vọng và sức mạnh đi qua những cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc nhất để khẳng định “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông ngìn thuở vững âu vàng” này, để cho thấy niềm kiêu hãnh làm người của cả dân tộc. Bom đạn và bao mất mát triền miên trong các cuộc chiến tranh đã không một lần làm cho dân tộc Việt Nam quỳ gối. Khát vọng hòa bình, lòng tự trọng dân tộc, tình yêu thương nhân ái với con người chính là những yếu tố quan trọng nhất và cũng là những vẻ đẹp kỳ vĩ nhất của văn hóa Việt Nam. Chính nền văn hóa lâu đời và kỳ vĩ này đã nâng vị thế của dân tộc Việt Nam trước tất cả các dân tộc trên thế giới. Một chính khách Mỹ đã nói: “Người Mỹ đã thua về quân sự, thua về ngoại giao chính trị trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng người Mỹ đã thắng khi phát hiện ra một nền văn hóa – nền văn hóa Việt Nam”. Chính điều đó mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chân lý: “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Tháng 11 năm 2021, Hội nghị văn hóa toàn quốc do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì tái khẳng định chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tái khẳng định sự quan trọng của văn hóa trong sự phát triển đất nước Việt Nam và xác lập căn cước dân tộc Việt Nam trước mọi dân tộc khác. Văn hóa chính là lẽ làm người, đạo làm người. Một dân tộc không tạo ra được nhân cách với những giá trị nhân văn mang tính nhân loại thì dân tộc đó không được tôn trọng trước các dân tộc khác. Và văn hóa mới là bằng chứng duy nhất để minh chứng độc lập và chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Khi những cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam thì điều thuyết phục họ và thay đổi họ đầu tiên chính là những vẻ đẹp văn hóa của người Việt Nam. Đây là chân lý và nó được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.
Chính trị Việt Nam là một nền chính trị đã và đang được các quốc gia nghiên cứu ngày một sâu rộng. Việt Nam là một trong bốn quốc gia còn lại trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã biết tới chiến tranh lạnh kéo dài giữa hai hệ thống chính trị chính của thế giới. Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông âu sụp đổ đã lâu. Không ít người trên thế giới và cả người Việt Nam tin rằng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ sụp đổ. Nhưng nền chính trị Việt Nam vẫn đứng vững tới lúc này và đang mở rộng mối quan hệ đa chiều với các quốc gia có nền chính trị khác biệt. Nếu nền chính trị Việt Nam không thấu hiểu lợi ích của dân tộc, không có khả năng hòa đồng với các quốc gia trên thế giới, không mang lại sự phát triển và tiến bộ cho đất nước thì vị thế của nền chính trị Việt Nam nói riêng và vị thế của dân tộc Việt Nam nói chung trên thế giới không có được như bây giờ. Sự hợp tác song phương, chính sách đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam cũng như sức nặng trong vai trò của Việt Nam trong các tổ chức, các diễn đàn… thế giới đã minh chứng những bước đi của nền chính trị Việt Nam. Sự hiện hiện của các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam trên thế giới đã không còn những khoảng cách mang tính “thù địch” hay “phe phái” như trong thời chiến tranh lạnh. Những câu hỏi hay những cách nhìn mang mục đích chính trị về một đất nước cộng sản hầu như đã xóa nhòa trên nền chính trị chung của thế giới mà thay vào đó là một thái độ tôn trọng, hợp tác và hữu nghị. Các chính sách bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, chống tham nhũng, thúc đẩy dân chủ, bảo vệ người dân trong đại dịch covid của Việt Nam thực thự thuyết phục các quốc gia khác trên thế giới. Bởi ở đó là chủ nghĩa nhân văn, đời sống dân chủ, lợi ích con người và lợi ích chung toàn cầu đã chứng minh một cách thuyết phục nhất tính ưu việt của một nền chính trị.
Chúng ta đã bước vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21. Thời gian cứ thế lao đi và không dừng lại chờ bất cứ sự chần chừ nào, bất cứ sự vô cảm nào, bất cứ sự tư lợi nào và bất cứ sự trốn tránh nào. Nếu chúng ta chỉ sống như vậy, thời gian sẽ nghiền nát chúng ta dưới bánh xe của nó để đi về phía trước. Tổ tiên, ông bà và các thế hệ cha anh chúng ta đã làm lên vị thế của dân tộc Việt Nam bằng máu, bằng nước mắt trong các cuộc chiến tranh cho độc lập, tự do. Thế hệ trẻ ngày nay tiếp tục sứ mệnh giữ vững và đẩy cao vị thế của dân tộc hơn nữa trong một thời đại mới nhưng không phải bằng máu, bằng nước mắt, mà bằng trí tuệ, bằng lòng tự tôn dân tộc, bằng giấc mơ lớn của con người Việt Nam và bằng sự dâng hiến không vụ lợi cho mỗi con người và cho dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một cuộc đấu tranh không phải vì phạm vi một nền kinh tế mà là cuộc đấu tranh để bảo vệ nhân cách của một dân tộc. Cuộc đấu tranh ấy chống lại lòng tham, thói ích kỷ, sự vô cảm đến độc ác của con người trước lợi ích của dân tộc, sự vô liêm sỉ trong đạo làm người và những hành động phản bội lại truyền thống làm người của con người Việt Nam và chà đạp lên những vẻ đẹp văn hóa mà các thế hệ người Việt Nam đã bền bỉ dựng xây trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Tất cả những gì mà con người Việt Nam trong đó có thế hệ trẻ, đang khát vọng, đang sáng tạo, đang tranh đấu và dâng hiến là để làm ra điều quan trọng nhất của một dân tộc: PHẨM GIÁ CON NGƯỜI. Và một dân tộc chỉ có thể làm nên vị thế của mình với niềm kiêu hãnh trước mọi dân tộc trên trái đất này là khi dân tộc đó biết làm ra PHẨM GIÁ CON NGƯỜI.
Nguyễn Quang Thiều
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2023