Dự thảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ được xem là có nhiều điểm mới. Thứ nhất là bên cạnh chi thường xuyên, đầu tư xây dựng cơ bản, có nhấn mạnh đến việc thực hành tiết kiệm, chủ yếu tập trung vào quản lý sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công.Tthứ hai, đó là đã đưa ra được những biện pháp quyết liệt để thực hiện thực hành tiết kiệm đã nói ở trên như: thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng; Thực hiện nghiêm việc xử lý các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch. Thứ ba, trong năm 2017, sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, kiên quyết thu hồi diện tích nhà, đất sử dụng cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định và trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới. Về xe công, sẽ tuyệt đối hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền. Việc mua sắm mới xe ô tô của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định...
Công bằng mà nói, đây hầu hết là những vấn đề nóng được dư luận quan tâm trong nhiều năm qua. Cụ thể ở đây là nhà công vụ, là xe công thuộc tài sản công mà Chính phủ giành cho các cán bộ cấp cao đang tại vị, để họ có thể yên tâm thực thi nhiệm vụ một cách tốt nhất. Và trong trường hợp cụ thể này, nhà công, xe công nên được hiểu không phải là tài sản “tĩnh” mà phải luân phiên phục vụ cán bộ. Thế nhưng, thực tế lại khác, nhiều cán bộ chủ chốt khi hết nhiệm kỳ, việc trả lại nhà công vụ, xe công lại trở thành vấn đề cực chẳng đã, khiến báo chí, dư luận xã hội phải nhiều phen “ dở khóc, dở cười” .
Tài sản công là tài sản toàn dân, được hình thành từ tiền thuế của dân. Do đó việc “siết” tài sản công là hoàn toàn phù hợp để chống lãng phí, giảm thất thu ngân sách trong bối cảnh nợ công tăng cao, điều mà không chỉ người dân đồng tình mà Chính phủ cũng nên ủng hộ. Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư 01 được coi là cụ thể hóa Điều 61, luật Nhà ở 2005: “Nhà ở công vụ phải được sử dụng đúng mục đích và đúng đối tượng. Khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác hoặc nghỉ công tác thì người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ”. Thế nhưng việc triển khai thông tư này cũng không hề suôn sẻ.
Có thể lấy một ví dụ về quy định của Chính phủ đối với cán bộ địa phương diện Chính phủ quản lý được sử dụng xe công với mức giá cụ thể. Hay số tiền mà Bộ Tài chính đưa ra trong khoán kinh phí xe công hiện tiết kiệm được 3.400 tỷ đồng/ năm. Chưa kể số lượng xe công, lái xe công diện dôi dư chuyển nhiệm vụ khác cũng giúp tiết kiệm một khoản kinh phí không nhỏ. Sau Bộ Tài chính đến Hà Nội và nhiều Bộ, ngành khác đã tiến hành khoán kinh phí xe công. Hiệu ứng xã hội từ việc làm này hẳn không nhỏ.
Còn nhớ cuối tháng 10/2012), khi tiếp xúc với cử tri TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói rất giản dị rằng khi nghỉ ông sẽ về quê, trả lại nhà cho Đảng. “Nhà tôi nhỏ thôi, 51m2, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy” ... Trả lại nhà công vụ, hay xe công khi hết nhiệm kỳ là một việc nên làm, và với những tấm gương nói và làm như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã và đang góp phần củng cố lòng tin trong quần chúng nhân dân về một quyết tâm xây dựng chính phủ hành động, liêm chính.
PV