Kỳ họp thứ 6 quốc Quốc hội khoá XIV đã chính thức biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Trong đó, một trong những vấn đề được đưa vào luật này là việc cấp văn bằng, chứng chỉ Đại học, trong đó có quy định mới, công nhận giá trị bằng chính quy, tại chức tương đương nhau. Mặc dù vậy, băn khoăn về quy định mới này chưa hẳn đã hết, bởi trên thực tế, việc tuyển sinh, đào tạo và chuẩn "đầu ra" giữa những người học ở các loại hình đào tạo văn bằng này vẫn còn có độ vênh nhất định nếu như không muốn nói là còn có khoảng cách khá xa, không dễ lấp đầy.
Chuẩn hoá chương trình, nội dung
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học mới được quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 quốc hội khoá XIV, chỉ quy định văn bằng giáo dục Đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, gồm: bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Quy định này đã được hiểu là bằng chính quy, bằng tại chức, bằng từ xa, bằng liên thông, hay văn bằng hai là tương đương. Với việc thông qua này, thì sự phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo đã không còn.
Còn nhớ, cách đây không lâu, tỉnh Quãng Ngãi có một quyết định được dư luận đánh giá cao khi đã loại khỏi quy hoạch tất cả những người sinh từ 1976 tới thời điểm ra quyết định (năm 2017) không có bằng đại học chính quy, kể cả những người học tại chức nhưng đã có bằng thạc sĩ, nhằm chuẩn hoá bằng cấp, kiến thức trong bộ máy hành chính công của tỉnh. Tuy nhiên việc làm này cũng nhận được không ít ý kiến phản đối khi cho rằng, bổ nhiệm cán bộ dựa trên bằng cấp là bảo thủ, thậm chí lỗi thời vì theo xu hướng chung hiện nay, học tại chức khi đi làm có nhiều kinh nghiệm công tác hơn. Do đó, trong quy trình bổ nhiệm nên đánh giá năng lực thực tế cán bộ đó qua kết quả công việc, còn bằng cấp (tại chức hay chính quy) chỉ nên coi là yếu tố điều kiện cần để tuyển dụng hoặc bổ nhiệm.
Chúng ta đều biết, trên thế giới, các trường Đại học chỉ có một chương trình đào tạo, một chuẩn đầu ra cho một bậc đào tạo. Do đó, với bất kỳ sinh viên, học viên nào tích lũy đủ tín chỉ của chương trình thì được cấp bằng, không phân biệt loại hình đào tạo nào (liên thông, văn bằng 2, trực tiếp hay giáo dục từ xa...), nên thế giới cho đến thời điểm hiện tại chỉ có chung một bằng đại học duy nhất. Nhưng ở Việt Nam lại khác, do vấn đề lịch sử, giáo dục đại học hiện vẫn tồn tại 2 hệ đào tạo khác nhau: chính quy và không chính quy. Ở mỗi loại hình đào tạo đều mang tính chất đặc thù khác nhau. Nếu như chính quy là tuyển chọn học viên khắt khe qua thi tuyển đầu vào và hình thức học tập, tập trung tại trường, đảm bảo tính liên tục từ 4-5 thậm chí 7 năm. Thì tại chức lại không quá khắt khe về thi tuyển đầu vào, thậm chí nhiều trường còn “tháo khoán” để thu hút học viên. Trong quá trình học, trường cũng không yêu cầu học viên tuân thủ thời gian đào tạo như đại học chính quy, mà chủ yếu là do trường và học viên sắp xếp thời gian học, theo khung chương trình học tập của trường. Vì vậy, chỉ nhìn vào hai hình thức đào tạo nói trên cũng đủ thấy đã bộc lộ không ít bất cập. Chưa kể, thống kê của nhiều trường đại học hiện nay cho thấy, khối lượng của chương trình đào tạo của hệ tại chức chỉ bằng 75% hệ chính quy. Và như vậy, xét một vài khía cạnh nhất định, có thể khẳng định chất lượng của hệ tại chức nói chung vẫn còn kém xa hệ chính quy.
Thu hẹp dần khoảng cách
Công bằng mà nói, việc tiến tới thống nhất văn bằng đại học chính là thể hiện sự tiến bộ, cập nhật xu hướng thế giới. Đồng thời cũng là bước đệm quan trọng để sinh viên tại chức và chính quy khi ra trường có cơ hội tìm việc làm giống nhau mà không phải lo lắng đến tấm bằng ghi “chính quy” hay ‘tại chức” trở thành rào cản. Thế nhưng, để thay đổi được thực tế về công tác đào tạo, năng lực thực học của cử nhân vẫn còn là câu chuyện không chỉ làm đau đầu các nhà quản lý, mà còn là câu chuyện về niềm tin của xã hội đã và đang đặt vào hệ đào tạo được cho là cao nhất trong khung giáo dục quốc dân hiện nay. Và nếu tương đương bằng cấp chính thức được xác lập thì liệu có công bằng không đối với những cử nhân đã bỏ thời gian, công sức theo học liên tục tại các trường đại học, và buộc phải trải qua những kỳ thi nghặt nghèo để có được tấm bằng cử nhân. Thực ra, đây hầu hết là những băn khoăn xuất phát từ thực tiễn giáo dục hiện nay. Đó là lối dạy và học nặng về lý thuyết, giáo trình vay mượn, học không đi đôi với hành của hầu hết các trường đại học hiện nay (không phân biệt chính quy hay tại chức) kéo dài hàng chục năm, đã cho ra lò những cử nhân nặng về lý thuyết mà không có kiến thức thực tiễn. Và kết quả, thì tất cả chúng ta đều thấy, đó là tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp không tìm nổi việc làm năm sau luôn cao hơn năm trước. Và điều đó đã biến giấc mơ về một thế hệ tương lai vừa hồng vừa chuyên không thể trở thành hiện thực mà ngược lại, họ đã, đang trở thành gánh nặng cho gia đình và gián tiếp gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội hiện nay.
Có rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra để khẳng định sự bất cập đang tồn tại giữa hai loại hình đào tạo này, nhưng chung quy lại chính phương pháp, tư duy điều hành giáo dục tại các trường (coi tại chức là một kênh làm kinh tế nhằm duy trì hoạt động giảng dạy chính thống) là nguyên nhận chính, tạo nên bức tranh màu xám cho giáo dục đại học nói chung hiện nay. Song song với đó là tư tưởng xã hội hoá giáo dục đại học. Cho rằng đây là bậc học giành cho tất cả mọi người dân nếu có nhu cầu. Và tư tưởng vào đại học là con đường duy nhất để tăng quan tiến chức, hay có một vị trí quan trọng trong hệ thống công quyền đã ăn sâu trong tiềm thức của biết bao thế hệ người dân Việt Nam, đã và đang tạo nên sự mất cân đối nghiêm trọng về nguồn nhân lực: Thừa thầy - thiếu thợ. Tình trạng này chỉ có thể chấm dứt, khi việc kiểm định chất lượng đào tạo, công khai minh bạch trong thi cử từ tại chức đến chính quy được thực hiện triệt để. Và thêm vào đó, cũng cần có báo cáo chính thức, đánh giá chất lượng đào tạo hệ tại chức, hệ chính quy trên một chuẩn chương trình, từ đầu vào đến đầu ra từ các cơ quan độc lập, từ đó đưa ra lộ trình chuyển đổi cụ thể, chứ không thể công nhận tương đương bằng cấp ngay, e rằng “ dục tốc bất đạt”. Và hẳn lúc đó những lo lắng về chất lượng của tấm bằng Đại học của người dân mới thực sự được cởi bỏ.