Chỉ còn ít ngày nữa học sinh cả nước sẽ bước vào năm học mới 2024-2025 - năm học được xác định là mở đầu cho một chu trình hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời cũng là năm bản lề để các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư cho giáo dục giai đoạn 5 năm 2025-2030. Chính vì vậy, những nỗ lực của ngành giáo dục nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung đang được kỳ vọng sẽ đem lại những đột phá mới cho giáo dục.
Tuy nhiên, về lý thuyết là vậy, thực tế, toàn ngành giáo dục đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.... Đây là hai vấn đề đã tồn tại nhiều năm, trở thành lực cản trong chiến dịch đổi mới toàn ngành giáo dục, nhưng ở lĩnh vực ngành không thể tự giải quyết. Luật Nhà giáo sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng Mười tới đây đã được kỳ vọng tạo ra xung lực mới cho giáo dục, đào tạo. Nhưng, trong khi xung lực mới chưa có, tình trạng thiếu trường lớp, giáo viên đã và đang khiến cho cơ hội học tập của nhiều học sinh trở nên khó khăn hơn.
Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Các em phải đi học xa nhà, phải ngồi trong lớp học sĩ số đông, nhiều thầy cô giáo phải căng mình chăm sóc nhiều em nhỏ ( bậc mầm non), dạy nhiều lớp do thiếu giáo viên;... và để giảm áp lực cho thầy cô, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, giáo viên dạy tiếng dân tộc… Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo, ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Số liệu từ Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, năm học 2024-2025 số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023-2024 tăng 19.856 giáo viên (giáo viên mầm non còn thiếu tăng 6.000 người, giáo viên phổ thông còn thiếu tăng 13.856 người). Nguyên nhân chính do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng (mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp). |
Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72 của Trung ương; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao đồng thời chỉ đạo các địa phương có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.
Cùng với những nỗ lực của ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi tham dự Hội nghị của ngành giáo dục đã đặt ra yêu cầu, các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết sớm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho công tác dạy và học, vì sự nghiệp đào tạo nhân lực cho đất nước. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Ngành giáo dục, đào tạo cần lấy phương châm đặt ra là “lấy học sinh làm trung tâm;” “lấy nhà trường làm nền tảng,” “lấy thầy, cô giáo làm động lực;” đồng thời đảm bảo yêu cầu đặt ra là phải: “học thật, thi thật, nhân tài thật,” “thực tâm, thực tài, thực nghề”.
Cụ thể hóa các văn bản, chỉ đạo, thời gian qua, các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành sư phạm của học sinh. Nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, “giữ chân” giáo viên... cho thấy đã có những chuyển động quan trọng để giải quyết được những khó khăn đặt ra đối với vấn đề đội ngũ.
Năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị các Sở GD-ĐT thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông. Bộ yêu cầu các địa phương bảo đảm tỷ lệ phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học (35 học sinh/lớp); có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học, hoạt động giáo dục và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định. |
Ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh, trung bình tăng từ 20.000 - 40.000 HS / năm học, nên trong kế hoạch về xây dựng trường lớp, TP đã đặt mục tiêu hoàn thành xây mới 4.500 phòng học trong giai đoạn 2023-2025, tăng thêm 3.537 phòng học so với thời điểm hiện tại. Riêng năm học 2023-2024, TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng 48 trường học, với tổng số phòng học xây mới là 512, tăng thêm 367 phòng so với năm học 2022-2023. Các trường học mới được đưa vào sử dụng tập trung ở các quận 5, 10, Bình Thạnh, H.Hóc Môn và TP.Thủ Đức…
Dự kiến năm học 2024-2025, TP.HCM sẽ hoàn thành 71 trường học mới, với 1.469 phòng học xây mới. Đến năm học 2025-2026, sẽ tiếp tục hoàn thiện 47 trường học mới, đưa vào sử dụng 1.134 phòng học mới.
Còn tại thành phố Hà Nội, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, giai đoạn 2025 - 2030, toàn thành phố có kế hoạch xây thêm 30-35 trường THPT công lập, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Để hoàn thành mục tiêu này, các quận huyện đã dành quỹ đất để xây dựng trường và hiện trong giai đoạn rà soát. Ví như, quận Cầu Giấy sẽ xây thêm 3 trường THPT công lập; quận Tây Hồ sẽ xây 8 trường nữa từ bậc mầm non tới THPT từ nay tới năm 2025...; quận Hoàng Mai khởi công xây dựng 17 trường công lập. Có 4 dự án trường học từ mầm non tới THPT dự kiến hoàn thành trong năm học 2024-2025. Đặc biệt, có 7 trường liên cấp tiểu học, THCS - THPT hiện đại đã được lên kế hoạch đầu tư công trung hạn và bố trí nguồn vốn để xây dựng.
Cũng liên quan đến vấn đề thiếu trường lớp, tại văn bản số 348/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thể hiện rõ quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất, cao nhất của Chính phủ đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Công văn cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành Giáo dục, những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc của ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, rà soát và đề xuất các biện pháp, giải pháp cụ thể về những vấn đề có tính đặc thù, khắc phục từng bước các bất cập trong hệ thống giáo dục, đào tạo ở các địa phương (trong đó có vấn đề thiếu trường, lớp học cấp mầm non, phổ thông ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...)... để kịp thời kiến nghị, tìm giải pháp tháo gỡ, trên tinh thần không để bất kỳ một em học sinh nào, vì bất kỳ lý do nào bị bỏ lại phía sau.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị được xem là cần thiết để ngành giáo dục, đào tạo có được sự quan tâm cần thiết, những điều kiện cần thiết để toàn ngành thực hiện thành công nhiệm vụ. Năm học mới đang đến gần, những khó khăn sẽ dần được đẩy lùi, nhường chỗ cho những thành công mới từ những quyết tâm mới. Và chắc chắn, với những giải pháp đồng bộ, toàn ngành sẽ nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống về trường lớp, giáo viên hiện nay.
Minh Nguyệt | Báo Văn Nghệ
--------
Bài viết cùng chuyên mục: