Việc quản lý dạy thêm và học thêm theo dự thảo mới của Bộ GD &ĐT không cấm tuyệt đối việc dạy thêm và học thêm, nhưng nhấn mạnh vào việc Dạy- học theo nhu cầu chính đáng.
Cụ thể, đối với những trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì không tổ chức dạy thêm, học thêm. Như vậy, việc dạy thêm, học thêm sẽ không diễn ra ở những trường đã và đang giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ( thiết kế bắt buộc tiểu học dạy học 2 buổi/ngày).
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Việc dạy thêm - học thêm đa phần tập trung ở những bộ môn thuộc tổ hợp chuyên đề lựa chọn - dẫn đến có sự phân biệt môn chính, môn phụ; giáo viên chính, giáo viên phụ không có lợi cho giáo dục. Do đó, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường được dự thảo hướng đến chính là xác định đúng việc phải dạy thêm là cần thiết. Hay nói đúng hơn, nhà trường, giáo viên phải có được những lý do chính đáng trả lời cho câu hỏi, tại sao phải tổ chức học thêm; mục tiêu của học thêm là gì; nội dung ra sao, thời lượng thế nào… Đề xuất này được nêu trong tổ chuyên môn để mỗi người đều có quyền nêu suy nghĩ, ý kiến của họ.
Trên thực tế, nhu cầu học thêm của học sinh là có thật, và có hai hình thức học thêm tạm coi là chính đáng:
- Học thêm đối với học sinh học lực yếu hoặc hơi đuối thì học thêm chính là tạo thêm cơ hội cho các em củng cố kiến thức.
- Học thêm đội tuyển, để học sinh có học lực khá, giỏi có thể có những hỗ trợ giúp đột phá kiến thức tại các kỳ thi dành cho học sinh giỏi. Và học thêm luyện thi - do học sinh có nhu cầu thực sự
Đây chính là hai kênh học thêm chính đáng và được xã hội đồng thuận. Tuy nhiên, thực tế, nhiều lớp học thêm đã được tổ chức, mà dưới góc độ đánh giá của không ít phụ huynh là " ép" các con phải theo học dưới hình thức ngụy trang: viết đơn tự nguyện theo học. Dẫn đến học thêm trở thành gánh nặng cho học sinh và phụ huynh các em.
Luật Viên chức, luật Công chức đã quy định công chức, viên chức không tổ chức kinh doanh nên nhà giáo trong cơ sở công lập sẽ không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường mà chỉ được tham gia dạy thêm. Việc xây dựng dự thảo nhằm cấm những hiện tượng tiêu cực, không đàng hoàng trong dạy thêm, học thêm, không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học. |
Với dự thảo mới, nhà giáo (bao gồm cả hiệu phó) trường công lập khi dạy thêm ngoài nhà trường thì phải báo cáo rõ hiệu trưởng để lưu hồ sơ. Nếu trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh của mình đang theo học tại lớp dạy thêm gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh thêm học.
Như vậy, Bộ GD & ĐT không cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình khi bản thân các em và phụ huynh có nhu cầu và mong muốn học thêm nhằm bổ trợ kiến thức là hoàn toàn chính đáng và tôn trọng tối đa sự tự nguyện là một chủ trương chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận từ xã hội và của chính người trong cuộc
Trước đó, để chẩn trị bệnh dạy thêm, học thêm, Bộ GD &ĐT đã ban hành thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm có thu tiền bao gồm: điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục tổ chức dạy thêm, học thêm; hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Văn bản này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm. Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm nhà trường... chứ không giải quyết được tận gốc của vấn đề gây bức xúc như việc ép học sinh của mình học thêm, bớt lại kiến thức để dạy bù vào những buổi học thêm... khiến dư luận xã hội bất bình.
Chính vì vậy, yêu cầu công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp chính là một trong những giải pháp có thể chẩn trị bệnh ép học sinh học thêm mà Dự thảo quản lý học thêm, dạy thêm Bộ GD &ĐT hướng đến.
Minh Nguyệt | Báo Văn Nghệ
--------
Bài viết cùng chuyên mục