Sự kiện & Bình luận

Áp lực là... động lực!

Bùi Đức Thọ
Giáo dục
07:00 | 27/08/2024
Baovannghe.vn - Chuyên mục “Tiếng nói nhà văn” của báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam - số 32 (3363) ngày 10-8-2024 có bài viết “Một ý tưởng cần lưu ý” của nhà văn Lê Hoài Nam. Tác giả hoan nghênh và ủng hộ ý tưởng cho rằng: Sang năm học mới 2024-2025, với 3 bộ sách giáo khoa của 3 nhóm biên soạn rất khác nhau về nội dung, mỗi địa phương và mỗi trường sẽ chọn một bộ mà mình thấy phù hợp.
aa

Chuyên mục “Tiếng nói nhà văn” của báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam - số 32 (3363) ngày 10-8-2024 có bài viết “Một ý tưởng cần lưu ý” của nhà văn Lê Hoài Nam. Tác giả hoan nghênh và ủng hộ ý tưởng cho rằng: Sang năm học mới 2024-2025, với 3 bộ sách giáo khoa của 3 nhóm biên soạn rất khác nhau về nội dung, mỗi địa phương và mỗi trường sẽ chọn một bộ mà mình thấy phù hợp. Khi thi tốt nghiệp nếu ra đề theo bộ sách của một nhóm biên soạn thì học sinh học theo sách của hai nhóm còn lại sẽ gặp khó khăn và ngược lại. Bởi vậy kỳ thi tốt nghiệp môn Văn lớp 12 năm học 2024-2025, có thể sẽ ra một đề thi chung mà nội dung nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. Đồng thời, tác giả cũng phân tích khá thấu đáo về những cái lợi to lớn khác của sự thay đổi trên đây, ngoài lý do bất cập vì học sinh sẽ chỉ học 1 trong 3 bộ sách giáo khoa của 3 nhóm biên soạn rất khác nhau về nội dung...

Tiếng nói khá thuyết phục trên đây của nhà văn là dựa trên ý tưởng của một chương trình tọa đàm trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Nhưng nay thì điều đó không còn là “ý tưởng” nữa mà đã chính thức là một chủ trương có tính pháp quy. Cụ thể là đầu tháng 8-2024 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2024-2025. Trong đó, riêng môn Ngữ văn theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, Bộ hướng dẫn trường học tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kì. Đây là một quyết định hết sức đúng đắn, góp phần tạo nên bước ngoặt căn bản không chỉ trong việc thi cử lâu nay, mà còn là một bước đi vững chắc để từng bước tiến tới một nền giáo dục khai phóng, hiện đại.

Ảnh Infonet
Ảnh Infonet

Tuy nhiên, sự thay đổi trên đây cũng tạo nên một áp lực rất lớn đối với thầy và trò vốn đã quen với cách dạy và học thụ động lâu nay. Trước hết là đối với giáo viên, làm sao để ra được đề kiểm tra chất lượng khi không dùng văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu, quả là một khó khăn không nhỏ. Yếu tố quan trọng nhất để ra được đề kiểm tra môn Ngữ văn theo yêu cầu mới là nguồn ngữ liệu phải có chất lượng cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Trong khi hiện nay, các nguồn ngữ liệu từ sách báo điện tử trên internet tuy phong phú nhưng “thật-giả” lẫn lộn, nguồn gốc không rõ ràng. Mặt khác, lại không thể tùy tiện sử dụng các ngữ liệu “hay-đúng-tốt” vì còn liên quan vấn đề bản quyền tác giả. Ấy là chưa kể có văn bản dễ hiểu, nhưng cũng có những văn bản không phải ai cũng có thể cảm thụ được, nhất là những văn bản của văn học đương đại và “hậu hiện đại”. Bởi vậy, giải pháp khả dĩ là giáo viên có thể thông qua các kênh thông tin, tổ chức hội nhóm cùng tìm và chọn lọc, tạo thành kho tư liệu có kiểm duyệt để sử dụng lâu dài, có thể coi như là cơ sở để lập nên những bộ đề có chất lượng. Các bộ đề sau khi được biên soạn và thông qua, rất nên cho học sinh thực hành trên lớp vào giờ ôn tập. Sau khi kiểm tra hoặc thi, giáo viên có thể hướng dẫn lại, như một cách “rút kinh nghiệm thực tế” từ chính những đề ấy để rèn kỹ năng cho học sinh, giúp họ có nhu cầu và kỹ năng tiếp cận với nhiều kênh thông tin trong quá trình học tập tiếp theo. Một đề thi hoặc kiểm tra hay có thể được bổ sung, hoàn thiện và sử dụng nhiều năm. Tuy nhiên những cách làm như vừa nêu trên cần hết sức tránh trở thành một biến tướng của hình thức “học tủ” trước đây.

Từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục đã có nhiều thay đổi về cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và năng lực học sinh, theo hướng mở rộng phạm vi kiến thức ngoài sách giáo khoa. Sự thay đổi này xuất hiện từ trước khi có hướng dẫn “tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kì”. Đây trước hết là sự thay đổi nhận thức nhằm chú trọng hơn việc đào tạo và rèn luyện tư duy sáng tạo, độc lập cho học sinh. Một thời gian dài, chúng ta đã đào tạo một thế hệ rất giỏi lý thuyết nhưng kém kỹ năng thực hành; dẫn đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động phải “đào tạo lại” rất lãng phí nhiều mặt. Môn Ngữ văn là ví dụ sinh động nhất cho việc thay đổi cách thiết kế đề thi, theo hướng mở rộng ngữ liệu ra ngoài sách giáo khoa.

Tất nhiên, với việc ra đề thi tốt nghiệp các cấp hay thi tuyển sinh đầu cấp, thì những người ra đề phải là giáo viên cốt cán, hoặc chuyên viên của bộ môn do sở giáo dục & đào tạo quản lý... Và một đề thi cho các kỳ thi trên đây nhất thiết phải được thông qua rất nhiều cấp “soi xét”. Ấy thế mà đôi khi vẫn có những sự cố đáng tiếc, như mới đây đề thi tuyển sinh vào lớp 10 cho khối trường chuyên ở một tỉnh miền núi, đoạn văn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã bị trích dẫn sai từ và thừa chữ. Cụ thể, câu văn chính xác của tác giả là: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”; nhưng đề thi lại dẫn là: “Thơ ca không làm ra lúa gạo, vàng trắng nhưng thơ ca làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”. Đối chiếu 2 ngữ liệu, sẽ thấy đề thi đã dẫn sai từ “gạo trắng” thành “vàng trắng” và thừa ra 2 chữ “thơ ca” ở mệnh đề thứ hai. Chuyện sai sót khi sao chép, trích dẫn thì có muôn vàn lý do khách quan hoặc chủ quan ngoài ý muốn của con người; và khi “sự đã rồi” thì cũng có thể được thông cảm nếu người gây ra sai sót có thái độ cầu thị. Nhưng trong trường hợp trên đây, nhà trường và các cấp quản lý cao hơn vẫn khăng khăng rằng tuy đề trích dẫn sai và thừa chữ, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến chất lượng bài làm của học sinh. Quan điểm đó có thể được chấp nhận, bởi việc trích dẫn ngữ liệu sai, đương nhiên cách hiểu văn bản cũng đi theo hướng sai ấy và đáp án cũng sẽ theo hướng hiểu sai tác phẩm. Đến lượt học sinh sẽ vẫn làm bài theo cái “ngữ liệu sai” in trong đề thi và được chấm điểm theo một đáp án “đúng”. Cái sự “đúng” ở đây là đúng với ngữ liệu ở trong đề thi, chứ không phải đúng với tinh thần của tác phẩm gốc. Do đó việc tuyển sinh cũng sẽ không ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Tiếc là, giá những người có trách nhiệm trong việc “trích dẫn sai” có một sự “trần tình” thỏa đáng và có một lời xin lỗi gửi tới tác giả đoạn trích và đông đảo phụ huynh, thì đúng là sự việc cũng không có gì nghiêm trọng.

Nhân sự việc trên đây, cũng cần kể thêm một “áp lực” nữa của chuyện thi cử khi đề thi và kiểm tra môn Ngữ văn sẽ không dùng những ngữ liệu có trong sách giáo khoa, ấy là sự “săm soi” của báo chí và mạng xã hội. Giáo dục đang là một trong những lĩnh vực “nóng” của đời sống xã hội. Mọi việc liên quan đến những vấn đề nhà trường và ngành giáo dục luôn luôn được dư luận hết sức quan tâm, nhất là các hoạt động kiểm tra đánh giá chất lượng, thi tốt nghiệp các cấp và thi tuyển sinh. Và đề thi các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Ngữ văn thường bị “săm soi” nhiều nhất, đôi khi cũng có khen nhưng chê là chủ yếu. Trước vốn đã thế, nay ngữ liệu đề thi không nằm trong sách giáo khoa càng dễ bị “săm soi, mổ xẻ” hơn. Vẫn biết báo chí và mạng xã hội là một kênh phản biện rất cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên, không phải lúc nào báo chí và mạng xã hội “chê” cũng đều đúng. Bởi vậy, cần hết sức tránh tâm lý “đẽo cày giữa đường”, thiếu chính kiến và tự tin, bị dư luận dẫn dắt. Điều quan trọng hơn là phải có kỹ năng xử lý “khủng hoảng truyền thông” khi có những sự cố trong thi cử nói riêng và các hoạt động của ngành giáo dục nói chung.

Đúng là hoạt động dạy và học đang chịu “thập diện áp lực” trong giai đoạn đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện và trong bối cảnh xã hội có nhiều xáo trộn sâu sắc như hiện nay. Tuy nhiên, theo biện chứng khách quan thì có áp lực mới tạo nên những xung đột và đột biến. Với sự chuẩn bị công phu từ nhiều năm nay, hi vọng bước tiếp theo của tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên và toàn ngành sẽ vượt qua những thách thức trước mắt. Và những áp lực hiện hữu sẽ tạo nên động lực góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà bước vào một thời kỳ mới ở tầm cao mới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điều chỉnh tiêu chuẩn cá nhân biên soạn sách giáo khoa Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với tất cả các khối lớp Bộ Giáo dục & Đào tạo: Tổ chức khai giảng năm học mới 2024-2025 gọn nhẹ, phù hợp Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái Sửa quy định dạy thêm để "điều trị" bệnh ép học thêm
Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai và rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ