Sự kiện & Bình luận

Vẫn chuyện quản lý, bảo tồn di sản

Chính trị xã hội
08:51 | 29/02/2020
Trong khoảng mươi mười năm trở lại đây, câu chuyện quản lý, bảo tồn di sản vốn trở thành điểm nóng không chỉ của riêng ngành di sản thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mà còn là mối quan tâm của hầu hết người dân trước nhiều di sản, di tích đã biến mất và cũng có không ít di sản, di tích đang chờ ngày… mất tích
aa

Trong khoảng mươi mười năm trở lại đây, câu chuyện quản lý, bảo tồn di sản vốn trở thành điểm nóng không chỉ của riêng ngành di sản thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mà còn là mối quan tâm của hầu hết người dân trước nhiều di sản, di tích đã biến mất và cũng có không ít di sản, di tích đang chờ ngày… mất tích. Những tưởng sau khi Luật Di sản ra đời và có hiệu lực, di sản đã có thể sống tốt trong đời sống cộng đồng, nhưng, di sản vẫn đang chảy máu, thậm chí bị bức tử… Và mới đây, câu chuyện về trạm phát sóng Bạch Mai tại số 10 Đại La (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) lại tiếp tục làm dư luận bất an về tính nghiêm minh của luật pháp và số phận của những di sản trước cơn lốc của đô thị hoá.

Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ thô bạo

KHI DI SẢN BỊ ĐÁNH ĐỔI

Đài Tiếng nói Việt Nam vừa có công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị xem xét bảo tồn ngôi biệt thự cổ (nhóm 2) thuộc trạm phát sóng Bạch Mai tại số 10 Đại La (quận Hai Bà Trưng). Công văn này cũng đồng thời được gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để báo cáo. Tại công văn này, Đài Tiếng nói Việt Nam mong muốn phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tìm được phương án phù hợp để vừa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đường trên cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, vừa bảo tồn, lưu giữ được trạm phát sóng Bạch Mai, một công trình kiến trúc lịch sử đặc biệt cho thế hệ mai sau, theo một số phương án bảo tồn như ý kiến của một số chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch: giữ lại tòa nhà tại vị trí hiện tại, hoặc di chuyển tòa nhà sang một vị trí khác, hoặc giữ lại một phần của tòa nhà, chỉnh trang thành địa chỉ lịch sử về trạm phát sóng Bạch Mai.

Theo Quy hoạch mở rộng đường vành đai 2 của thành phố Hà Nội, ngôi biệt thự cổ nêu trên và một số công trình thuộc trạm phát sóng Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Phần còn lại sẽ được Công ty cổ phần Xây dựng thương mại dịch vụ văn hóa (đơn vị quản lý tòa nhà này) xây dựng khu nhà cao tầng (chiều cao không quá 46 m). Trả lời trên báo Tuổi trẻ, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân - phó chủ tịch Hội Nghiên cứu - bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam - nói rằng việc chủ công trình đập bỏ tòa nhà cho thấy “họ đã đặt lợi ích của đơn vị cao hơn lợi ích cộng đồng”, bởi nguồn lợi kinh tế thu được là quá lớn cho chủ công trình từ việc phá dỡ để xây nhà cao tầng. Đứng trên góc độ chuyên môn, kiến trúc sư cũng cho rằng, việc khôi phục hình dáng của tòa nhà này không khó nhưng vì giá trị nguyên gốc ở những vị trí bị phá dỡ đã không còn nên công trình cũng bị giảm giá trị tổng thể.

Đây là một việc làm đáng tiếc mà các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội do buông lỏng quản lý và chưa nhận thức đầy đủ về giá trị văn hoá của những di sản, dẫn đến ban hành những quyết định đi ngược lại với lợi ích cộng đồng.

Số phận của trạm phát sóng và ngôi biệt thự cổ trên phố Đại La chỉ như một lát cắt trong vô vàn những ngôi biệt thự cổ, những công trình văn hoá được xếp hạng di tích lịch sử những đã bị xâm hại thô bạo để biến thành những nhà hàng, trung tâm thương mại, vì những giá trị kinh tế quá lớn do những ngôi biệt thự này đem lại như: đều nằm trên các trục đường lớn, có giá thị trường lên đến cả tỷ đồng/m2. Không riêng gì Hà Nội, tình trạng xâm hại một phần hoặc bức tử di sản, di tích còn xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, hiện số lượng những ngôi biệt thự cổ của thành phố còn không nhiều. Đơn cử, đường Nguyễn Đình Chiểu từng có 53 căn nhưng hiện chỉ còn 24; đường Hai Bà Trưng có 40 căn giờ chỉ còn khoảng 20; đường Lê Quý Đôn và Mạc Đĩnh Chi nay chỉ còn 6 trong số 20 căn… Do các di sản này không được bảo tồn, nhiều chủ sở hữu chưa có ý thức gìn giữ dẫn đến nhiều di sản bị tàn phá không thương tiếc…

CÔNG NGHỆ CÓ GIỮ ĐƯỢC GIÁ TRỊ NGUYÊN GỐC CỦA DI SẢN?

Sự biến mất của di sản trong đời sống đương đại hiện nay có nhiều nguyên nhân đến từ khách quan và chủ quan, nhưng dù là nguyên nhân nào thì việc di sản bị xâm hại hay bức tử đều nhận được sự quan tâm từ dư luận xã hội. Đã có nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành được tổ chức từ cấp quốc gia cho đến cấp quốc tế chỉ để đánh giá, phân tích và đưa ra những giải pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị lõi của di sản trong đời sống cộng đồng. Song dù đã có những khuyến nghị và giải pháp cụ thể cho công tác bảo tồn, phục dựng những di sản, thì tình trạng di sản bị xâm hại, bức tử, hay làm mới một phần, thậm chí toàn diện vẫn xảy ra. Câu chuyện về bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí - một bảo vật quốc gia đã bị hư hại do công tác vệ sinh không đúng là một trong những ví dụ đau lòng về công tác bảo tồn đã và đang được trao cho những người không đủ tâm, tầm đảm nhận. Trước bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” dư luận xã hội đã từng sốc trước di sản chùa Nôm thuộc tỉnh Hưng Yên được làm mới. Sau những cuộc thanh tra liên ngành, kết luận đã được đưa ra với những nội dung: phần được làm mới thuộc quần thể kiến trúc chùa Nôm, còn phần lõi - cái làm nên hồ cốt chùa Nôm vẫn được giữ nguyên giá trị, kèm theo những lý giải cho những công trình mới thuộc quần thể di tích có một phần phục dựng lại là một phần làm mới phục vụ cho giá trị du lịch tâm linh….

Từ công tác bảo tồn trên có thể thấy, dù xuất phát điểm là giá trị văn hoá - tâm linh - hay giái trị kinh tế thì những di tích, di sản luôn đứng trước những nguy cơ hư hỏng, hoặc biến mất một đi không trở lại. Do đó, việc tìm kiếm những phương pháp bảo tồn mới từ công nghệ được cho là giải pháp cấp thiết để cứu di sản, như cách mà Đại nội Huế đang làm trong chương trình “VR - Đi tìm hoàng cung đã mất” với việc trải nghiệm góc nhìn mô phỏng về hoàng cung Huế của 200 năm về trước thông qua 4 dịch vụ VR phi thuyền, VR hải đăng, VR kính viễn vọng, VR lăng Khải Định. Hay cổng Ngọ Môn, Đại nội Huế được làm sạch bằng công nghệ phun rửa áp lực cao bằng hơi nước nóng (steam cleaning) - công nghệ Đức để làm sạch lớp rêu phong và trả lại mầu sắc gần như ban đầu của di tích được xây dựng từ 186 năm trước… là những thành quả mà công nghệ đem lại. Không bàn đến giá trị kinh tế, mà chỉ cần nhìn dưới góc độ văn hoá cũng đủ thấy, đây chính là cách giúp thế hệ sau vẫn còn nhớ và biết đến di sản đã từng gắn liền với văn hóa, lịch sử của đất nước, do hoàn cảnh hay vì một lý do nào đó, những di tích này không còn nữa.

Quay trở lại với biệt thự cổ và quần thể di sản trạm phát sóng phố Đại La, cũng đã có ý kiến dùng công nghệ 3D, thậm chí 4D để phục dựng lại quần thể di sản. Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng, dù có làm như vậy thì đây cũng chỉ là những hình ảnh, còn giá trị thực của quần thể di sản thì đã không còn nữa. Tuy nhiên theo TS Nguyễn Thị Hậu, thì sự chênh về mặt mỹ thuật giữa hình ảnh 3D và hình ảnh thật là có thể chấp nhận. Đây là vấn đề hết sức bình thường, không nên quá cực đoan. “Điều này rất tốt khi nó mang lại tính toàn vẹn cho di sản, giúp công chúng tiếp cận dễ hơn; đồng thời hiểu và đánh giá giá trị của di sản tốt hơn”, tiến sĩ Hậu khẳng định. Trên thực tế, dù có hoàn hảo đến mấy, kỹ thuật số không thể thay thế bản gốc, cũng không thể thay thế những kỹ thuật tỉ mỉ do chính bàn tay con người sáng tạo nên. Nhưng xét về mặt tổng thể, về mục đích sử dụng của những công trình công nghệ hay do từ chính con người tạo ra thì mục đích sử dụng của nó chính là đem đến cho cộng đồng những thông điệp cụ thể. Với di sản, thì đó là những giá trị từ vỉa tầng văn hoá ẩn sâu trong mỗi lớp trầm tích làm nên di sản, còn những công trình kiến trúc, văn hoá lại là những giá trị sống trường tồn qua bao thế hệ người dân Việt Nam, chúng nuôi dưỡng, xây dựng và giúp chúng ta học hỏi từ văn hóa truyền thống để sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn trong cộng đồng. Và trên hết, việc sử dụng công nghệ có thể hạn chế phần nào sự xâm thực từ bàn tay con người đến giá trị gốc, một trong những xu hướng được coi trọng trên thế giới. Vẫn biết “Số hóa” di sản là xu hướng hợp thời, quan trọng nhất là nó mang di sản đến với cộng đồng một cách rộng rãi. Ngược lại, cộng đồng cảm thấy di sản gần gũi với mình, từ đó sẽ tiếp cận ở những góc độ khác nhau. Chúng ta đã có số hoá những tác phẩm văn học, vậy nên số hoá di sản, hay những công trình nghệ thuật cũng không có gì cần phải bàn cãi. Nhưng nếu những di sản, những công trình nghệ thuật có chung số phận với trạm phát sóng Bạch Mai như trên đề cập, còn chưa kịp nhận quyết định di sản, chưa kịp thực hiện những công tác bảo vệ cần thiết thì liệu rằng những nhà khoa học có kịp số hoá di sản khi những giá trị kinh tế của nó quá lớn so với giá trị văn hoá đã bị cơ quan quản lý phá bỏ một cách thô bạo. Và có lẽ, câu chuyện bảo tồn di sản từ thủ công hay bằng công nghệ vẫn sẽ là đề tài của nhiều cuộc hội thảo và của toàn xã hội.

Nguồn Văn nghệ số 9/2020


Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...