Chiều ngày 18/1 Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về “ Tình đoàn kết chiến đấu ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia”. Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu trong “ Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào”; “ Năm hữu nghị Việt Nam -Campuchia”. Đồng thời cũng là năm đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật có sự tham gia của quân đội ba nước.
Phát biểu tại lễ tổng kết, ghi nhận những thành công từ cuộc thi Thiếu tướng Hồ Bá Vinh Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tuyên huấn khẳng định, những tác phẩm dự thi đều bám rất sát chủ đề, nội dung yêu cầu. Đặc biệt những tác phẩm đạt giải có giá trị nội dung, nghệ thuật cao, góp phần ca ngợi, tuyên truyền, giới thiệu và củng cố tình đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Việt Nam - Lào – Campuchia. Đồng thời bổ sung và làm phong phú thêm kho tàng di sản văn học nghệ thuật của ba nước Đông dương nói chung và của mỗi nước nói riêng.
Cuộc vận động cuộc thi viết được Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát động vào tháng 3/2017. Sau 9 tháng triển khai, BTC đã nhận được 1.707 tác phẩm của 791 tác giả. Trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam nhận được 626 tác phẩm của 353 tác giả tham gia cả 5 loại hình nghệ thuật. Quân đội nhân dân Lào đã nhận được 479 tác phẩm của 185 tác giả tham gia 4 loại hình nghệ thuật. Quân đội Hoàng gia Campuchia nhận được 602 tác phẩm của 253 tác giả, tham gia cả 5 loại hình nghệ thuật.
Qua 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo đã có 133 tác phẩm đạt giải thưởng gồm Giải A với 14 tác phẩm ( Việt Nam 5 tác phẩm; Lào 4 tác phẩm; Campuchia 5 tác phẩm). Giải B: 27 tác phẩm( Việt Nam 10 tác phẩm; Lào 8 tác phẩm; Campuchia 9 tác phẩm) Giải C 40 tác phẩm ( Việt Nam 15 tác phẩm; Lào 12 tác phẩm; Campuchia 13 tác phẩm). Ngoài ra còn có 52 tác phẩm đạt giải khuyến khích ( Việt Nam 20 tác phẩm; Lào 16 tác phẩm; Campuchia 16 tác phẩm).
Phía Hội nhà văn Việt Nam có nhà văn Nguyễn Anh Ngọc ( Anh Ngọc) đạt Giải A với 2 tác phẩm: “ Từ Tuônxleng đến Ăngco” và “Đêm nghe tiếng còi tàu ở Puốc Xát”.
PV