Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc phối hợp với Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, doanh thu của ngành webtoon đã tăng trưởng đều đặn từ năm 2017 với 379,9 tỷ won, vượt 1.000 tỷ won vào năm 2020, và đạt con số ấn tượng hơn 2.000 tỷ won vào năm 2023.
Webtoon: Ngành công nghiệp sáng tạo tỷ đô của Hàn Quốc. Ảnh: forbes.com. |
Các nền tảng kỹ thuật số đóng vai trò chủ đạo trong sự tăng trưởng này, chiếm 64,4% tổng doanh thu, tương đương 1.494 tỷ won, tăng 25% so với năm 2022. Đáng chú ý, các nền tảng lớn như Naver Webtoon và Kakao Piccoma không chỉ thống trị thị trường nội địa mà còn mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ ra quốc tế.
Webtoon Hàn Quốc đã và đang vươn tầm thế giới, với Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 40,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo sau là Bắc Mỹ (19,7%), Trung Quốc đại lục (15,6%), Đông Nam Á (12,3%), và châu Âu (8,2%).
Trong số đó, Kakao Piccoma nổi bật khi dẫn đầu nền tảng truyện tranh kỹ thuật số tại Nhật Bản từ năm 2020. Năm 2023, nền tảng này đạt kỷ lục với khối lượng giao dịch hàng năm 100 tỷ yên, trở thành ứng dụng mà người dùng điện thoại thông minh Nhật Bản chi tiêu nhiều nhất.
Nếu K-pop và điện ảnh từng giúp làn sóng Hallyu lan tỏa toàn cầu, thì giờ đây, webtoon đang trở thành "người kế nhiệm" tiềm năng. Cốt truyện hấp dẫn, đa dạng thể loại từ lãng mạn, gia đình, hành động, đến ly kỳ, kinh dị đã chinh phục hàng triệu độc giả toàn cầu.
Hơn nữa, việc chuyển thể webtoon thành phim hoặc series truyền hình nổi tiếng như Itaewon Class, Sweet Home hay The World of the Married đã tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, giúp webtoon tiếp cận nhiều đối tượng khán giả hơn.
Sự bùng nổ của webtoon không chỉ thúc đẩy doanh thu, mà còn góp phần lan tỏa văn hóa Hàn Quốc ra thế giới. Với các nền tảng công nghệ tiên tiến và đội ngũ sáng tạo không ngừng đổi mới, ngành webtoon đang khẳng định vị thế là một trong những trụ cột chính của ngành công nghiệp sáng tạo Hàn Quốc.
Phan Chi Ngọc (dịch và tổng hợp)