Sáng 26/12, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VNCDLL) tổ chức Hội thảo “Hai mươi năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: Từ Unesco đến cộng đồng”.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tham dự hội thảo có PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; PGS TS Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành quỹ đổi mới sáng tạo VinGroup - VinIF; Đại sứ Lê Hồng Vân – Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Unesco cùng đông đảo đại diện các tổ chức cộng đồng, nghệ nhân và người thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Hội thảo có mục tiêu đánh giá việc thực hiện Công ước UNESCO 2003, liên hệ với Luật di sản văn hóa và chỉ ra tác động của Công ước đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam, tạo ra một diễn đàn đối thoại đa chiều và khách quan, nhằm chia sẻ thông tin, thảo luận nhận diện các thách thức và những tồn tại trong công tác bảo vệ di sản trong những năm qua. Đồng thời, đây cũng là cơ hội chia sẻ các trường hợp điển hình về các thực hành tốt và bài học kinh nghiệm, với điểm nhấn là Tp. Hà Nội. Cuối cùng, hội thảo đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả trong bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, trong đó có việc điều chỉnh và sửa đổi Luật di sản văn hóa.
PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề cao sự đóng góp của các cá nhân bản địa trong việc bảo vệ và thực hành di sản, trong đó, sự giữ gìn và phát huy của giới trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, việc lưu truyền di sản đảm bảo sự giao lưu văn hóa giữa các nước và xây dựng đời sống tinh thần cho nhân dân thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, PGS cũng mong muốn có thể tạo ra diễn đàn đối thoại đa chiều và khách quan, nhằm chia sẻ thông tin, thảo luận, nhận diện các thách thức và những tồn tại trong công tác bảo vệ di sản , để các tổ chức và cá nhân cùng chung tay xây dựng ý kiến, đánh giá việc thực hiện Công ước Unesco trong bảo vệ di sản văn hóa Phi vật thể tại Việt Nam.
PGS TS Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành quỹ đổi mới sáng tạo VinGroup - VinIF phát biểu tại hội thảo |
Đánh giá tổng quan về việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Nội, PGS TS Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành quỹ đổi mới sáng tạo VinGroup - VinIF cho biết, di sản luôn là lĩnh vực được nước ta coi trọng và thực hành nghiêm trong suốt 20 năm qua. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão hiện nay, chúng ta càng cần tuyên truyền về các tinh hoa văn hóa, việc giao thoa giữa khoa học và văn hóa… nhằm tiếp tục khẳng định những đóng góp tích cực trong thực hiện công ước của Unesco của Việt Nam.
Theo đó, hội thảo đã thành công phân tích các khía cạnh mà nước ta cần phát huy dựa vào Công ước Unesco 2003 và Luật di sản Việt Nam, kiến nghị và đề ra kế hoạch hành động bảo vệ văn hóa cổ truyền, từ đó nhìn lại chặng đường 20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Nội với sự phát biểu và đóng góp của đông đảo nghệ nhân, người thực hành tín ngưỡng như thờ Mẫu Tam phủ; hát xoan Phú Thọ; Ca trù; hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc; cộng đồng thực hành nghệ thuật Diều và Nghề nặn con giống bột Xuân La (TP Hà Nội)...
Tin, ảnh: Nguyễn Hà Phương