Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn chương của ông không đồ sộ, chủ yếu là truyện ngắn. Đề tài quen thuộc trong sáng tác của ông là làng quê vùng Kinh Bắc. Tuy vậy, Kim Lân để lại trong tâm trí người đọc những ấn tượng khó quên phong cách của một ngòi bút bình dị mà đặc sắc, tài hoa, khó bị trộn lẫn, ít bị phôi pha theo thời gian.
Từ Kim Lân, đối với riêng tôi, có ba bài học cần ghi nhớ:
Số lượng và chất lượng
Trước hết cần nói rằng, lịch sử văn học đã từng có rất nhiều nhà văn tài danh, mà sự nghiệp sáng tạo của họ không những đồ sộ về số lượng tác phẩm, mà chất lượng văn chương đều thuộc về hàng kinh điển. Những con người khác thường này để lại cho ta sự ngưỡng mộ, sự kính trọng, sự mơ ước, nhưng những bài học thiết thân, sát sườn với ta thì xem ra rất khó thực hiện. Kim Lân thì không như vậy. Với ông “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, ông viết không nhiều, chuyên về một thể loại, lại “gác bút” sớm, vậy nhưng dấu ấn ông để lại thì sâu đậm. Chỉ với ba thiên truyện: Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí… câu chữ của Kim Lân gan lỳ thách thức thời gian, bàng quan với thời tiết chính trị, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc, rồi ở lại đó làm thành một phần phẩm chất tâm hồn người đọc. Thực ra Kim Lân có nhiều hơn thế. Một thống kê cho biết ông có 27 truyện, trong đó có 14 truyện viết và in trước Cách mạng, 13 truyện viết và in sau Cách mạng (In trong các tập: Nên vợ nên chồng, 1955, Con chó xấu xí, 1962). Nhưng như vậy đối với một đời viết cũng chưa phải đã nhiều, nếu không muốn nói là ít, rất ít. Vậy mà nói đến ông, người ta liên tưởng đến những tên tuổi lừng danh cùng thời như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao… Chẳng phải vì ông là bạn bè với họ. Vậy thì phải có điều gì đặc biệt Kim Lân mới được nhớ đến như vậy. Đó chính là tài năng. Đó chính là sự lịch lãm của một ngòi bút yêu cái đẹp, yêu con người, luôn nhìn thấy ở con người khát vọng vươn tới, cho dù có rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế nào. Ý niệm thẩm mỹ dễ nhận thấy ở Kim Lân là khả năng phát hiện cái đẹp còn lại, cái lương thiện trường tồn ở con người bình thường trong những hoàn cảnh không bình thường. Những điều ấy trong văn của ông bình dị, tự nhiên, không lên gân, không làm dáng, không “phải đạo”. Mạch văn được dẫn dắt bởi một tâm hồn thánh thiện. Nguyễn Khải từng nói: “Đó là thần viết, thần mượn tay người để viết nên những trang sách bất hủ” (Nghề văn cũng lắm công phu, 2005). Vì “thần viết” nên không có nhiều, không cần nhiều chăng?.
Ý thức của người viết
Kim Lân chủ yếu viết theo bút pháp hiện thực, một hiện thực không nghiêng về tố cáo, vạch trần những thói hư tật xấu của xã hội thường thấy… như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố. Trong tác phẩm của ông, một hiện thực mà cốt lõi là chủ nghĩa nhân đạo như một mạch ngầm mang tính chủ quan của nghệ sỹ, như một phẩm chất của ngòi bút. Ông kể về nạn đói, nhưng để nói về tình người và niềm hy vọng của con người còn lại trong sự khốn cùng (Vợ nhặt). Ông nói về cảnh đẹp của những ngôi làng trong kháng chiến, để nói về tình yêu làng, cũng là tình yêu nước của những người dân quê trong hoạn nạn chiến tranh (Làng). Ông miêu tả vẻ bề ngoài xấu xí, hôi hám của một con chó nhưng đích đến là nói về lòng trung thành của loài vật với chủ, và ngầm lên án sự bất lương và thực dụng của con người (Con chó xấu xí). Những điều tưởng đâu rất bình dị nhưng là căn cốt của con người, của tính người, mang ý nghĩa nhân văn, nhân loại sâu sắc. Như vậy, hiện thực trong quan niệm của Kim Lân không đơn thuần là cái nhìn thấy, mà là một hiện thực đã được nghiền ngẫm mang ý thức chủ quan của người viết, và thấm đẫm tinh thần nhân đạo, mà bất cứ người cầm bút nào cũng phải hướng tới.
Mặt khác, nếu trong tác phẩm của Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố, cuộc đời của anh Pha và chị Dậu cho đến kết thúc tác phẩm vẫn “tối như mực” thì nhân vật của Kim Lân đã bắt đầu thấy ánh sáng. Hoặc là trong tâm hồn họ, vang vọng đâu đó bước chân của Việt Minh, của những người đi phá kho thóc của giặc, hoặc là rất đỗi tự hào, sung sướng khi biết làng mình không theo giặc, cho dù làng bị giặc đốt trụi. Nhưng ngay cả điều đó, ngòi bút của ông cũng chỉ mới hé mở, đủ để làm ấm lòng người đọc, chứ không sa vào thuyết giáo. Văn học nhiều lúc chỉ cần hé mở như vậy. Phần còn lại là của người đọc. Đó chính là cái điều mà M.Gorki thường yêu cầu ở các nhà văn: “Nhìn vào đống gỗ mục hôm nay, phải thấy sẽ cháy lên ngọn lửa tương lai”.
Sự khiêm nhường cần thiết
Kim Lân tự “rửa tay gác kiếm” khá sớm. Từ sau 1960 đến năm ông mất 2007 hầu như ông không viết nữa. Có lần ông tâm sự: “Viết được thì viết. Không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều giả, đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, tr.352). Lựa chọn im lặng cũng là một thái độ sống tích cực trong lĩnh vực văn chương, khi thấy đã đến lúc cần sự im lặng. Ít khi thấy Kim Lân đăng đàn ở các Hội nghị, Hội thảo, hoặc ồn ào ở chỗ đông người. Hồi ông phụ trách công tác bồi dưỡng các nhà văn trẻ của Hội Nhà văn, nếu ai đó cần học hỏi điều gì, Kim Lân cứ thủ thỉ tâm tình, không sách vở, lý sự nhiều, chỉ nói những gì mình có, mình nghĩ, những kinh nghiệm của riêng mình. Người viết thế hệ sau nhận được ở ông những bài học chân thành của một bậc thợ cả dễ gần, hiền lành, không giấu nghề. Ông khác hẳn với một vài người cầm bút khác, người thì suốt đời chẳng đọc ai, chẳng đọc gì nhưng thường khinh bạc coi ai cũng chẳng ra gì, người thì hợm hĩnh đòi “thách đấu với Nguyễn Du”, “thách đấu với 50 nhà thơ Việt hiện đại”… Kim Lân để lại ấn tượng trong chúng ta bằng cách khác, cái cách của một người lịch lãm, thấm sâu văn hóa làng quê, thấu hiểu bài học làm người, cách của một tài năng độc đáo, độc đáo ngay trong sự khiêm nhường để tránh không làm tổn thương người khác. Nếu quá trình sống của mỗi người là sự tự họa bức chân dung của người đó trong ký ức của người đối diện, thì đó chính là bức chân dung ông tự vẽ trên trang giấy tâm hồn người bên cạnh. Chính vì vậy, ông càng thêm lớn, càng thêm gần, càng thêm nhớ tiếc trong mỗi chúng ta.
Nguồn Văn nghệ số 47/2020