“Cây là một sinh vật, chúng không ngừng tiến hoá để biết chăm bón, biết tìm cách cho các hạt mầm được bảo vệ, được nuôi dưỡng, được phát tán”. (Lâm)
Mục đích ban đầu của tôi khi đến Mường Lựm là sẽ “bò” lên bản Ôn Ốc để thăm rừng pơmu cổ thụ bao quanh bản. Một bài báo trên tờ Văn nghệ Dân tộc năm 2006 đã kể: 10 năm về trước (đến nay là 30 năm) có một người đàn ông đã từng gạ người Ôn Ốc rằng ông ta sẽ bỏ tiền làm giúp dân bản một con đường. Đổi lại, mỗi gia đình cung cấp cho ông ta một mét khối gỗ pơmu.
Một trong những cây bách xanh đầu dòng ít ỏi hiện nay ở Mường Lựm. |
Ôn Ốc là một bản người Mông, khi đó vốn xa xôi, thậm chí còn bị cô lập với chính trung tâm xã Mường Lựm. Con đường 16 km nối từ quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện Yên Châu tỉnh Sơn La chỉ đến trung tâm xã, bỏ qua mấy bản Ôn Ốc, Pa Khôn, Dảo... Thế nên, đề nghị đó còn gì hấp dẫn hơn cơ chứ, trong khi, gỗ quý tự nhiên ở sẵn trên rừng. Thế mà “không” đấy. Người dân Ôn Ốc biết rất rõ giá trị của những cánh rừng pơmu cổ thụ ở bản mình, và họ cũng biết rằng nạn phá rừng đang diễn ra tại các cộng đồng, rất cần tìm những giải pháp để cứu rừng, cứu lấy những di sản thiên nhiên vô giá đó. Họ biết rằng con đường có thể làm được, có thể mua được, nhưng rừng pơmu nếu bị tàn phá sẽ không bao giờ tái sinh được nữa.
Ba mươi năm sau câu chuyện ấy, anh bạn Kiều Duy Khánh, một người quê gốc Hà Tây, đã sinh ra, lớn lên và hiện đang sinh sống ở Yên Châu, Sơn La “rủ rê” rằng hãy đến với Mường Lựm, để một lần chiêm ngưỡng mảnh đất và con người kỳ lạ này, thì tôi đã nghĩ ngay đến rừng pơmu cổ thụ đã được kể trong bài báo nọ, tự hỏi bây giờ rừng cây đó còn không. Kiều Duy Khánh nói ở Mường Lựm, pơmu nổi tiếng gắn với câu chuyện về con đường đến bản Ôn Ôc năm xưa, nhưng bách xanh mới là chuyện đang diễn ra ở nơi này.
Mường Lựm bấy lâu được biết đến là “xứ sở bị lãng quên”. Đúng ra, phải là xứ sở từng bị lãng quên. “Lựm” trong tiếng Thái, nghĩa là quên. Nơi này từng rất xa xôi hẻo lánh, là một “vùng cao nội địa”, trước đây không có đường đến, lại nằm giữa Mộc Châu và Yên Châu, nên các Phìa, Tạo “quên” cả thu thuế. Người dân sinh sống tự cấp tự túc, không có điều kiện giao lưu với bên ngoài. Thời Pháp xâm lược, người Pháp đã lập căn cứ của họ ở đây, Việt Minh cũng lập căn cứ, và tại đây, chi bộ đảng đầu tiên của Yên Châu đã ra đời, dưới một gốc đa cổ thụ.
Để thêm sức nặng “kéo” chúng tôi đến với Mường Lựm, Kiều Duy Khánh kể: Xứ này, ngoài một cái hồ nhân tạo do người dân tự đắp ngăn nước suối lại để tưới tiêu, còn có một cái hồ tự nhiên tên là hồ Lốm. Đây là một cái hồ nhỏ, chừng 1,2ha, nằm giữa thẳm xanh những dãy núi đá vôi sừng sững. Khác với những hồ trên núi, thường lấy nước từ các khe suối, hồ Lốm đưa ra một thách đố cho những người khám phá: nguồn của nó ở đâu. Nhiều người dân nơi đây từng thấy hai con cá lớn, mỗi con chừng nửa tạ, nhưng khi hồ cạn thì không thấy chúng, hồ đầy thì chúng lại vẫy vùng. Người ta ngờ rằng nước hồ thông với sông Đà. Nhiều người đã làm phép thử bằng cách khắc dấu lên những quả bưởi và thả xuống hồ, quanh hồ có rừng ổi, ổi rừng chín vàng, thơm lựng, rụng xuống và người ta có thể thấy lại chúng ngoài sông Đà. Chuyện một hồ nước trong núi có nguồn ngầm thông với sông tôi đã nghe kể vài lần ở đâu đó, và cũng có thể xảy ra với kết cấu địa tầng đá vôi lắm chứ. Yên Châu là vùng đất có nhiều hang động đá vôi nổi tiếng tuyệt đẹp. Chi Đảy là một hang động đá vôi kỳ vỹ không kém những hang động nổi tiếng trên cả nước, nhưng theo ông Đào Quang Tố, một nhà nghiên cứu văn hóa Thái, thì Yên Châu còn nhiều hang động đẹp hơn thế. Cho nên, việc một dòng sông, hay hang động ngầm còn ẩn giấu biết đâu lại là điều có thể. Nghe có vẻ huyền bí, đáng sợ, mà… hấp dẫn.
Những quả bách xanh |
Năm 2009, con đường nối từ quốc lộ 6 vào trung tâm xã Mường Lựm mới được trải nhựa, nhưng nay, nó đã xuống cấp nghiêm trọng. Không quá gian khổ để đến đây, nhưng cũng có thể nói là gian khổ. Hai bên đường du khách có thể gặp những nếp nhà đặc trưng của người Mông và người Thái. Có thể thấy một đàn xe Win đậu bên đường đợi chủ uống rượu trong một ngôi nhà từ sáng tới tối. Cây lương thực chủ đạo là ngô. Ngô trải miên man trên các sườn núi. Ngô ở đây không “khủng”, nhưng bắp đều và chắc lẳn. Trước khi vào Mường Lựm, chúng tôi đã gặp nhà nghiên cứu văn hóa Đào Quang Tố. Ông bảo đất Mường Lựm tốt, khí hậu và nguồn nước trong lành, cây cối sống lâu, nhiều cây thuốc quý, nên không chỉ cây, người sống thọ (tỷ lệ người cao tuổi trên 90 ở đây rất cao) mà con vật cũng sống lâu đến bạc đầu bạc cả đuôi.
Mường Lựm đang trong những ngày nghỉ lễ Độc lập, tiếng hát karaoke vang động núi rừng. Tôi vẫn hướng về Ôn Ốc với câu hỏi lớn trong đầu: Rừng pơmu quý báu ở đó có còn không. Nhìn một bưu phẩm gửi cho một phụ nữ Mông trên Ôn Ốc nằm trên bàn của một gia đình người Thái ở Mường Lựm, tôi hỏi vì sao. Chủ nhà nói người dân Ôn Ốc vẫn đặt mua hàng online, nhưng các shiper không muốn mất quá nhiều thời gian và công sức để giao hàng, nên họ đều gửi ở bản trung tâm Mường Lựm, và chủ nhân của các món hàng sẽ đích thân xuống xã để nhận. Mới hay, đường đến Ôn Ốc còn 10 km nữa tính từ nơi chúng tôi đang đứng, nhưng chưa được trải nhựa, và nếu gặp trời mưa thì chỉ còn cách… lội bộ. Tôi nhớ ấn tượng của mình về con đường này qua bài báo trên Văn nghệ Dân tộc. Đó là con đường của sức dân, của tình đoàn kết và trí tuệ của người Mông các bản Ôn Ốc, Dảo, Pa Khôn. Chỉ là, 30 năm đã trôi qua, con đường ấy vẫn chưa được đầu tư trải nhựa hay đổ bê tông, nên cứ khi mưa xuống, giao thông lại trở nên vất vả. Cũng chỉ mới tháng trước, Kiều Duy Khánh gửi cho tôi bức ảnh một người đàn ông tươi cười đứng giữa một con đường lầy lội khủng khiếp, bảo “Đường đến bản Dảo đấy.”
Chiều Mường Lựm, bầu trời chìm đắm trong màu xám bạc và lạnh lẽo của cơn mưa đầu mùa. Ngay khi mưa vừa tạnh, mây trắng phủ trùm lên những dải núi bao quanh bản. Tôi ngắm mây trắng và nghĩ về bách xanh. Thì, chưa thể đến Ôn Ốc ngắm rừng pơmu cổ thụ, ta nói về bách xanh Mường Lựm vậy. Chẳng phải ở Mường Lựm, bách xanh là một trong những “đặc sản” được báo chí nhắc đến đó sao. Bách xanh Mường Lựm nổi tiếng không chỉ là cây gỗ quý hiếm mà còn gắn với câu chuyện bán mua sôi nổi cách đây không lâu.
“Dũng kể cho chúng mình nghe về bách xanh Mường Lựm đi” – Tôi hỏi Hoàng Dũng, cậu trưởng bản trẻ tuổi của bản trung tâm Mường Lựm. Dũng đang dẫn chúng tôi đi men theo cánh đồng lúa để đến một xóm nhỏ khá tách biệt với cụm dân cư thăm một cụ bà thọ 106 tuổi. Trên cánh đồng này có nếp tan Mắc Đươi, một trong những đặc sản nổi tiếng Mường Lựm. Lúa Mắc Đươi đương thì con gái, cao và xanh hơn các giống lúa khác xung quanh. Nghe nói, Mường Lựm có một gia đình trồng được đặc sản Mắc Đươi ngon nhất, bởi khu vực trồng lúa này nằm tách biệt, lúa không bị lai tạp với các loại giống lúa khác. Chợt nghĩ, với đặc sản độc đáo như thế, có lẽ người Mường Lựm cần có một cánh đồng chuyên canh Mắc Đươi, để giữ được giống lúa quý thuần chủng.
Lại nói về bách xanh. Hoàng Dũng hào hứng kể: Bách xanh là một loài gỗ quý, quý như thế nào thì mọi người đều đã biết. Trước hết là mùi thơm. Gỗ bách xanh thơm đến nỗi, nếu có một gia đình nào đó đang xẻ một cây gỗ bách xanh, thì cả vùng đều biết, bởi mùi thơm của nó lan tỏa rất xa. Chà, mùi thơm đó mãnh liệt đến thế ư? Đúng vậy, Dũng nói, chính vì mùi thơm rất đặc biệt mà bách xanh ở Mường Lựm đã bị tận diệt. Người ta không chỉ chặt cây lấy gỗ, mà còn đào cả rễ cây lên, đến cả những mảnh vụn nhỏ trong quá trình chặt, cưa thân cây người ta cũng gom về bán với giá 2000đ 1kg. Bách xanh có giá trị lớn không chỉ ở gỗ dùng trong xây dựng hay mỹ nghệ, mà còn với công nghệ… làm đẹp và… phong thủy. Người ta cho rằng tinh dầu bách xanh có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe và sắc đẹp, như giảm căng thẳng, tăng cường miễn dịch, cải thiện trí nhớ, chống lão hóa, giúp da khỏe mạnh, tóc chắc khỏe. Về phong thủy, bách xanh cũng được cho rằng do mùi thơm và do sống lâu đời giữa thiên nhiên, hấp thụ tinh hoa đất trời, nên gỗ bách xanh có thể xua đuổi tà khí, đem lại vượng khí cho ngôi nhà và con người.
Nhưng, để có những chai tinh dầu quý hiếm cho người ta làm đẹp, cải thiện sức khỏe, thì bách xanh phải có tuổi đời vài trăm năm thậm chí ngàn năm. Qúy, hiếm như thế, với những cái túi đầy tiền và những cái đầu hám lợi của con người, thì bách xanh tự nhiên trên những dãy núi đá triệu triệu năm kia, nếu không được gìn giữ nghiêm ngặt, thì làm sao còn nữa. Hoàng Dũng cười khi tôi hỏi về bách xanh trên những khu rừng: Chắc không còn nữa đâu, đến cả rễ người ta còn đào hết nữa cơ mà.
“Chắc không còn nữa” thì tôi hiểu là “đã không còn nữa”. Trước đây, cảnh mua bán bách xanh ở đây đã diễn ra rất sôi động. Chỉ cần hình dung một chút, là cái quang cảnh mua bán tấp nập ấy đã khiến cho người ta đau lòng. Ba mươi năm trước, người dân bản Ôn Ốc đã kiên quyết không đổi mỗi nhà một mét khối gỗ pơmu lấy một con đường, bởi họ biết rõ giá trị của rừng di sản sống ấy.
Bách xanh tự nhiên đã hết, bấy giờ người ta mới nghĩ đến việc trồng lại, gây lại bách xanh, trước hết là trên mảnh đất gia đình mình sinh sống. Nghe Dũng nói, tôi mới để ý, quả là, trên đất Mường Lựm, hễ dừng chân ở nhà nào, tôi cũng đều thấy có bách xanh. Những cây bách xanh được trồng mới này, cây cao nhất cũng chỉ mới hơn hai mét, còn lại là những cây vài chục phân. Thì ra, còn có câu chuyện ươm giống bách xanh và hiện tượng “sốt” cây bách xanh non ở xứ này.
Mường Lựm có một “chuyên gia về bách xanh”, tiếc là khi chúng tôi tìm đến thì anh đã bận… đi uống rượu. Trước cửa nhà anh có một cây bách xanh, dù chưa to lớn, nhưng đang trĩu quả. Theo Hoàng Dũng, bách xanh ra quả mỗi năm một lần. Khi cơn sốt bách xanh tràn qua Mường Lựm, chủ của cây bách xanh nhỏ kia đã ý thức việc nhân giống loài cây quý hiếm của núi rừng này. Việc nhân giống không hề dễ dàng. Bách xanh rất “chảnh”, muốn ươm hạt để hạt nảy mầm thành cây con cần đòi hỏi vài khâu quan trọng, quan trọng nhất là khi cây nảy mầm, chỉ cần một vết chích nhỏ của côn trùng gây hại, thì nó cũng sẽ “từ chối lớn”, nên quá trình ươm giống cần chu đáo, nâng niu.
Ba năm trước, bách xanh non đã tạo nên một cơn sốt. Khi đó người dân ở các vùng lân cận, trong đó có Mộc Châu phân phối cây con. Lâu nay, nói đến bách xanh Sơn La, người ta chủ yếu ca ngợi bách xanh Mộc Châu, và có người còn tự tin khẳng định bách xanh Tây Bắc chỉ Mộc Châu mới có. Nhưng đó là những ý kiến không đủ độ tin cậy, bởi bách xanh là loài cây quý hiếm, phân bố ở các vùng núi cao. Mường Lựm là một nơi có khí hậu khá khác biệt, nhiệt độ mùa hè nhiều khi thấp hơn 2 đến 3 độ so với vùng khác. Mùa đông thì rất lạnh, xuất hiện tuyết và băng giá. Với một miền khí hậu như thế, đâu chỉ bách xanh, mà cỏ không cao, cây không quý mới lạ. Chẳng phải Mường Lựm có nhiều loài thảo dược quý hiếm, và cũng nhiều người bốc thuốc Nam nức tiếng đó thôi.
Dũng kể, lúc cao điểm, một cây bách xanh non chỉ 20cm đã có giá 500.000 đ, lớn hơn chút là tiền triệu trở nên. Ngày nay, chỉ ba chục ngàn đồng là có một bách xanh non. Và Dũng cũng kể, hồi đó, người dân giữ bách xanh non như giữ một tài sản quý. Bách xanh mua về, trồng xuống đất nhà mình rồi cũng cần bảo vệ nghiêm ngặt, vì cây non rất đắt đỏ, hiếm hoi, nên nếu không trông giữ cẩn thận, thì người ta cũng sẽ… trộm mất. Đã có trường hợp cây non trồng xuống còn bị trộm bứng lên.
Càng nghe kể về bách xanh, tôi càng thấy xót xa, dù chưa hề được ngửi thấy mùi thơm huyền thoại của loại gỗ này. Có thể hiểu những băn khoăn của chúng tôi, Hoàng Dũng nói: “Em sẽ cho anh chị thấy bách xanh thơm như thế nào.”
Cậu xuống nhà, chìa ra cho chúng tôi xem một mảnh gỗ… bình thường. Nhưng khi cậu dùng dao gọt một miếng gỗ nhỏ ra, thì trời ơi, quả thực cái mẩu gỗ bé xíu trên tay ấy tỏa ra một mùi thơm dịu ngọt. Đặt miếng gỗ gần mũi hơn mà hít ngửi, thì đúng là… tỉnh cả người. Tôi cảm thấy dường như đã được tận hưởng cái hương thơm của đất trời ngàn năm tích tụ trong thớ gỗ nhỏ nhoi vậy. Thì ra, gỗ bách xanh dùng để dựng nhà, làm đồ gia dụng, chỉ tỏa hương thơm khi… bị gọt. Mà cái mùi hương đó, mấy chục năm sau cũng không biến tan đi, cứ ủ trong gỗ như vậy, cho dù có bị lấp sâu trong đất.
Chiều Mường Lựm, trong cơn mưa đầu mùa trắng xóa, tôi nghe người dân nói về rừng ba mươi năm về trước. Ba mươi năm trước, rừng còn có những đàn sói lớn, chúng về bắt trâu bò, người dân đi qua, còn thấy sói lục đục trong bụng một con trâu lớn. Ba mươi năm trước, rừng còn nhiều thú lắm, chim chóc cũng nhiều. Nay “chúng đã rủ nhau bỏ đi đâu hết cả rồi”. Tôi nhớ buổi trưa hôm trước, ở nhà Kiều Duy Khánh, khi chúng tôi bàn tán về những đàn khỉ và chim chóc ở hang Chi Đảy, Khánh nói: “Lạ thật, từ khi có lệnh cấm súng kíp, thì thú rừng cũng đi đâu hết cả”. Câu chuyện đau lòng này đơn giản thôi: Khi không còn săn bắn bằng súng kíp, người ta chuyển sang săn bắn bằng những phương pháp tàn độc mà lặng lẽ hơn. Vì không có tiếng súng săn, người ta tự mê rằng lũ thú rừng đang được để yên ổn.
Trong những ngày này, câu chuyện về rừng lại đang nóng lên ở một tỉnh miền trong. Người ta quyết định phá một lượng lớn rừng để xây hồ. Lâm, một người bạn mà tôi thường không bỏ sót một chia sẻ nào của cậu về khoa học và đời sống viết: “Người ta có thể phá rừng rồi lại trồng rừng, có thể thay thế một cây bị đốn hạ bằng một cây khác trồng mới. Nhưng mãi chẳng thể bù lấp hoặc đánh cắp được thời gian, những cội cây ngàn năm làm sao có thể được thay thế hoàn toàn bằng một cây mới vài năm tuổi...
Diện tích rừng nguyên sinh ở Việt Nam vào năm 2020 chỉ còn lại 0.25%, giảm quá nhanh quá nhiều chỉ trong vòng một nửa đời người mà nếu so với đời cây chắc cũng chỉ là khoảnh khắc. Tốc độ giảm rừng nguyên sinh ở Việt Nam cao thứ 2 thế giới chỉ sau Nigeria, năng lực tái tạo rừng lại thuộc hàng thấp. Chúng ta đang cắn xé chính không gian sống của mình…”
Ba mươi năm trước… Cái mốc ba mươi năm lại lôi tôi về với rừng pơmu quanh bản Ôn Ốc, nơi mà cách chúng tôi đứng chừng 10km. Sau cơn mưa, núi phủ trùm những đám mây trắng nõn. Hoàng Dũng nói, ở đây mùa đông và xuân mây mù thường xuyên phủ kín đất trời. Tôi đã từng thấy những hàng pơmu ẩn trong sương và mây mù vùng cao với nhiều trầm tư ngẫm ngợi, vừa ngưỡng mộ, vừa xót xa. Đến bây giờ tôi vẫn băn khoăn, vì sao người ta có thể ca ngợi một thợ săn nào đó đã “có công” giết hàng ngàn thú rừng? Vì sao người ta có thể trầm trồ ngưỡng mộ một ngôi nhà gỗ hàng chục tỉ đồng, những đồ gỗ nội thất xương máu của rừng, của thời gian, của di sản cơ chứ?
Kiều Duy Khánh cho tôi số điện thoại của ông phó chủ tịch Mường Lựm, nói muốn hỏi gì cứ hỏi ông ấy. Tôi nhiều lần nhìn dãy số điện thoại đó, vài lần định cầm máy bấm gọi cho ông, để hỏi ông về rừng pơmu Ôn Ốc, nhưng rồi tôi lại không gọi. Tôi không biết mình có thực sự sẵn sàng đón nhận thông tin mà tôi đang cần biết hay không. Nếu là một tin tốt, rằng rừng cây gỗ quý ấy vẫn được bảo vệ, giữ gìn thì còn gì vui hơn, nhưng nếu là một tin xấu… Tôi nghĩ đến những cây bách xanh non đang hồn nhiên lớn lên nhờ tay người ươm và vun tưới ở Mường Lựm. Một ngày nào đó Mường Lựm sẽ chìm trong sắc xanh của bách. Và những cây bách xanh non ấy sẽ phải mất ít nhất một trăm năm nữa mới có thể có giá trị cao để khai thác. Người ta trồng bách xanh như đang tặng cho con cháu đời đời sau một món quá quý giá. Chỉ là, muốn hít ngửi hương thơm của bách xanh, người ta lại phải tạo cho chúng một vết thương, như thể trầm hương trong rừng sâu núi thẳm, để có miếng trầm quý hiếm đối với con người, cây cũng phải đánh đổi bằng những vết thương sâu hoáy...
Mường Lựm 9/2023
Ghi chép của An Cư
Nguồn Văn nghệ số 38/2023