Sự kiện & Bình luận

Có một Trường Sa xanh. Bút ký của Trần Dũng

Trần Dũng
Bút ký phóng sự 08:30 | 22/06/2025
Baovannghe.vn- Với mỗi người Việt Nam, Trường Sa là một quần đảo, một vùng biển đầy gian lao, thử thách. Đâu phải ngẫu nhiên mà mỗi bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, cái tên Trường Sa, Hoàng Sa đều được nhắc đến, bởi gần như hai phần ba số cơn bão, hai phần ba số ngày biển động hàng năm đều đi qua vùng biển này, càn quét quần đảo này.
aa
Có một Trường Sa xanh. Bút ký của Trần Dũng
Minh họa Đặng Tiến

1. Trường Sa xanh

.. Và những thử thách khác, còn to lớn hơn, mà ngày mỗi ngày, vùng phên giậu biên cương Trường Sa ưỡn ngực đón nhận cho sự bình yên Tổ quốc. Ngày chúng tôi đến đảo Cô Lin, viên sĩ quan chỉ huy mỉm cười, tay chỉ sang ngôi nhà cũ ba tầng trông khá bề thế mà những ngọn sóng của không ít cơn bão mạnh từng chồm qua sân thượng, và vị mặn nước biển đã hằn lại vết hoen gỉ trên mái nhà, trên ngọn anten thu phát sóng. Anh nói:

- Cứ sau mỗi cơn bão, mỗi đợt gió dữ sóng to đi qua là từ đất liền, những bộ phận công binh, kĩ thuật nhanh chóng có mặt, sửa chữa, bảo trì trang thiết bị để cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân trên quần đảo Trường Sa ổn định cuộc sống, sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng vùng biển đảo Tổ quốc!

Sự khắc nghiệt của thủy văn, thời tiết biển Đông đến bê tông, sắt thép cũng khó trơ gan. Nhưng, lạ lùng thay, ngay giữa bao cơn sóng gió triền miên ấy, một màu xanh ngan ngát của Trường Sa đón bước chân, thu hút ánh nhìn của mỗi chúng tôi.

Ở những đảo vốn là bãi đá ngầm rạn san hô như Đá Thị, Cô Lin, Len Đao… mặt bằng tôn tạo được vẫn đang rất hạn chế, đáp ứng ở chừng mực nhất định nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, học tập, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đóng quân. Đảo nào cũng vậy, các góc sân đều trở thành “khoảng vườn” với nhiều loại rau xanh thường thấy trong bữa cơm gia đình người Việt. Sân bê tông, phía dưới là đá san hô nên đất trồng, phân bón hữu cơ, hạt giống đều từ đất liền gian khổ vượt biển mang ra. Các anh đã tận dụng từng chiếc khay nhựa, thùng xốp và bất cứ vật dụng nào có thể để làm chậu gieo hạt, cấy tỉa. Vài chậu hợp lại thành một ô vườn riêng biệt, được quây kín bởi lớp lưới mùng, vừa che chắn hơi muối từ gió biển, vừa giữ độ ẩm thích hợp cho những hạt mầm li ti vạch đất chui lên, xòe bàn tay tươi non, mơn mởn. Mỗi ô vườn đều được đánh dấu bằng tên bộ phận phụ trách. Chúng tôi hiểu, riêng trên các đảo ngầm Trường Sa, mỗi cái tên được ghi lên bảng là cả sự cố gắng lâu bền, sự thi đua thực sự cho màu xanh trên đảo bén rễ, đâm cành.

Nước sạch, một nhu cầu bức thiết và được xem là tối thiểu phải có của cuộc sống bình thường, thì ở Trường Sa là cả vấn đề. Nước vệ sinh, tắm giặt hàng ngày được lọc ra từ nước biển, mà chính xác là nước không mặn chớ chưa hẳn là nước ngọt, còn nước ăn uống được trữ lại trong suốt mùa mưa, sử dụng dần trong mùa nắng, thiếu thì được tiếp tế từ đất liền, cách xa vài trăm hải lí. Chúng tôi hình dung, những năm mưa muộn, nắng nóng gay gắt, mới thấy hết ý nghĩa câu khẩu hiệu sống của người lính Trường Sa: Mỗi giọt nước ngọt như giọt máu của mình!

Đã “như là máu”, tất nhiên, phải được trân trọng, sử dụng một cách khoa học, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao nhất. Có một quy tắc chung ở đây là mỗi giọt nước ngọt đều được tái sử dụng nhiều lần, trước hết cho người và cuối cùng là tưới tắm màu xanh vườn rau cải. Vậy đó, mà theo chân anh chiến sĩ trực nhật, chúng tôi hé cửa bước vào và không khỏi ngạc nhiên khi trong khoảng không gian mát rượi, những tầng rau được canh tác theo chiều thẳng đứng không gian, phía trên là giàn dưa leo, bí xanh, khổ qua… lủng lẳng trái che chắn cho các loại cải xanh, cải ngọt, rau đay, rau muống, mồng tơi… xòe lá xanh mướt mắt. Chúng tôi thật sự cảm thấy trân trọng trước con số vài chục, vài trăm kí rau xanh được thể hiện trên bản báo cáo hoạt động của cán bộ, chiến sĩ từng đảo và càng xúc động hơn khi số rau xanh nghĩa tình ấy được cán bộ, chiến sĩ Hải quân tặng lại cho những ngư dân trên các tàu cá hoạt động tại ngư trường Trường Sa không may gặp sự cố phải neo lại tại các âu tàu.

Bước chân lên các đảo nổi Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa Lớn… là mỗi người chúng tôi như được trút bỏ cái nắng nóng gay gắt của buổi trưa tháng Tư Trường Sa, khoan khoái tản vào những vòm xanh mênh mông trên đảo. Những loại cây bản địa từng bao đời gắn bó với đất biển, đá biển nơi đây như tra bông vàng, phong ba, bàng trái vuông… được bàn tay con người trồng tỉa, chăm sóc cẩn thận đang rợp cành tỏa bóng. Những loại cây khẳng định được ưu thế chống xâm thực của gió, của sóng biển như phi lao, bạch đàn… mới được đưa về những năm qua đã nhanh chóng vươn lên, tạo thành những vành đai xanh bảo vệ. Một giống cây quen thuộc của miền Tây sông nước quê tôi, cây dừa, cũng vượt ngàn trùng sóng gió ra góp vào màu xanh Trường Sa một ánh nhìn nhẹ nhàng, dễ chịu. Những khoảng đất trống chung quanh các ngôi nhà trên đảo được dành riêng cho các loại cây ngắn ngày như chuối, đu đủ, rồi các liếp rau, liếp cải xanh non. Cũng những loại cây trái quen thuộc ấy nhưng nay gặp lại giữa đảo xa Trường Sa khiến mỗi người chúng tôi như ngỡ ngàng, xúc động.

Được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ân cần mời dĩa dưa hấu đỏ mọng trên đảo Đá Tây A hay dĩa đu đủ chín vàng trên đảo Sinh Tồn, nhiều người trong đoàn không giấu được vẻ ngỡ ngàng. Tôi tin rằng hương vị miếng trái cây tưởng hết sức bình thường mà người đất liền chúng tôi cắn thử trên đảo Trường Sa hôm ấy sẽ đi theo suốt cả cuộc đời của những con người thường xuyên sống giữa vùng đất nhiều trái thơm quả lạ.

Trên chuyến tàu quay về, chị nhà thơ xứ dừa Bến Tre bật mí một phát hiện khá tinh tế: Ở Trường Sa, còn một loại cây xanh rất phổ biến mà trong đất liền chúng ta chưa phải đã quen nhìn. Đó là “Cây năng lượng xanh”! Phát hiện này nhanh chóng được sự đồng thuận của cả đoàn, bởi ai cũng thấy nhưng không phải ai cũng nhận ra. Ở tất cả các đảo, dù đảo nổi hay đảo chìm, những trụ điện gió, điện mặt trời được ưu tiên lắp đặt đã đảm bảo phần lớn nguồn năng lượng xanh – sạch, phục vụ đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Từ nguồn năng lượng này, các trang thiết bị chuyên dụng cho công tác sẵn sàng chiến đấu của người lính đến tiện nghi sinh hoạt đời thường của người dân như chiếc máy lạnh, tivi, điện thoại… đã thu hẹp đáng kể khoảng cách đời sống giữa đất liền và hải đảo vốn cách nhau hơn 300 hải lí. Cũng từ những “cây năng lượng xanh này” đã tạo điều kiện hình thành một số doanh nghiệp dịch vụ hậu cần nghề biển như sửa chữa nhỏ miễn phí máy móc hỏng hóc, cung cấp xăng dầu, nước đá bằng với giá trong đất liền, biến đảo Đá Tây A thành chỗ dựa đáng tin cậy đối với hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân Việt Nam vươn khơi bám biển. Dưới chân “Cây năng lượng xanh”, chúng tôi mời nhau ly cà phê đá, ly trà đá… mà những đoàn ra đảo vài năm trước chẳng thể nào có được.

Dưới màu xanh mênh mông ấy, những mái đầu xanh của một thế hệ trẻ đang học tập, vui chơi trong những ngôi trường ngói đỏ. Các em sinh ra trên đảo, lớn lên cùng đảo, rồi tạm rời đảo về đất liền theo đuổi việc học hành, mai này sẽ gắn bó và góp phần làm cho màu xanh trên đảo Trường Sa thêm sinh sôi, bền vững.

Dưới màu xanh mênh mông ấy, cứ chiều chiều, tiếng chuông chùa lại ngân nga, đồng vọng góp cho mạch sống, tâm hồn Việt Nam thêm vững vàng trước sóng gió biển Đông.

Từ đất liền, chúng tôi mang ra Trường Sa những tình cảm thiêng liêng vô bờ bến. Từ màu xanh Trường Sa, chúng tôi mang về đất liền một niềm tin không lay chuyển trước thế đứng vững rễ bền cội của một vùng phên giậu xa xôi.

2. Phía ấy, Gạc Ma!

Trong cuộc đời thường rày đây mai đó, tôi đã dự không biết bao nhiêu buổi tưởng niệm, mặc niệm trước anh linh những anh hùng liệt sĩ hi sinh cho Tổ quốc, trước các bậc liệt tổ, liệt tông trong bữa cúng gia tiên chiều cuối năm hoặc trước những oan hồn lang thang vất vưởng sau những sự biến thảm khốc của thiên tai, hỏa hoạn. Nhưng, chắc chắn rằng, chưa bao giờ tôi chứng kiến được sự trang nghiêm thực sự bao trùm toàn bộ không gian và nỗi xúc động xâm chiếm, tràn ngập tâm trí, tình cảm của mỗi con người như buổi lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc diễn ra vào buổi sáng hôm ấy, ngày 02/5/2025, tại khu vực tam giác biển Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma.

Buổi sáng. Biển lặng. Còi tàu vọng lên ba hồi dài…

Hơn hai trăm bốn mươi con người từ khắp mọi miền Tổ quốc, quân sự, dân sự, cán bộ nhà nước, doanh nhân các ngành nghề, nhà báo cùng văn nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn… cùng tham gia Đoàn công tác số 15 ra thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa, trên con tàu Trường Sa 571 của Vùng 4 Hải quân, đã tề tựu trên boong. Mỗi người mang trên mình một ngọn cờ Tổ quốc như trong tim đã sẵn thắm một màu đỏ thiêng liêng sông núi bốn ngàn năm hội tụ. Ai tới trước, đứng trước. Người tới sau, nối hàng ngang, tiếp thêm hàng dọc. Chân nối chân. Vai sát vai. Lặng lẽ. Trang nghiêm. Cả một bãi cọc Bạch Đằng giang ngàn năm trước từng đánh bại những đoàn thủy binh hùng hậu của bọn xâm lược phương Bắc, cả Nam Hán rồi Tống lẫn Nguyên, sáng nay sừng sững dựng lên trên mặt biển Đông khi mặt trời vừa thức giấc.

Tiếng nhạc Hồn tử sĩ chầm chậm cất lên làm cho bầu không khí trên boong tàu như cô đặc lại. Những đôi chân tạo thế trụ bất khả chuyển lay cho mỗi người trước từng nhịp sóng biển và cũng để tạo thế liên kết của cả khối người thêm vững vàng, bền chặt. Những bàn tay vốn còn xa lạ chợt tìm lấy, siết chặt vào nhau. Bao cảm xúc trào lên, rồi dồn nén vào sâu thẳm tâm hồn khiến cho gương mặt mọi người như đanh lại. Có tiếng nghiến chặt răng. Có tiếng sụt sịt mũi. Có giọt nước mắt rơi. Khối cọc Bạch Đằng giữa biển Đông vẫn lặng im, sừng sững.

Tàu Trường Sa 571 neo lại trên vùng biển gần đảo ngầm Cô Lin, hướng mắt nhìn sang bãi đá Gạc Ma, nơi bàn tay hung bạo loài ác quỷ đang hàng ngày bóp nghẹn muôn triệu trái tim người Việt Nam. Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma vốn là ba bãi đá san hô tạo nên một khu vực tam giác quan trọng trên vùng biển quần đảo Trường Sa thân yêu của chúng ta. Giọng vị chủ lễ tưởng niệm, Đại tá Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân Bùi Quang Thuyên vừa trầm hùng, vừa bi thiết vang lên, lan ra, lan thật xa trên sóng nước…

… Kế thừa truyền thống giữ nước, giữ biển, làm chủ biển của cha ông từ ngàn xưa, trong chiến dịch Mùa xuân 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã giành quyền tiếp quản, khẳng định chủ quyền trên các đảo, bãi đá và vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa từ tay quân đội Sài Gòn. Do tiềm lực quốc gia khi đó còn nhiều hạn chế, ở các đảo chìm, bãi đá, rạn san hô… chúng ta chỉ tiến hành công tác quản lí bằng quan sát, tuần tra định kì mà chưa có điều kiện xây dựng. Đến đầu năm 1988, thừa cơ hội Việt Nam gặp khó khăn, một số nước chung quanh đẩy mạnh các hoạt động quân sự chiếm đóng trái phép một số đảo, bãi đá ngầm thuộc chủ quyền Việt Nam. Trước tình thế đó, dù trong hoàn cảnh hết sức eo hẹp, chúng ta cũng cố gắng tiến hành xây dựng, củng cố các đảo ngầm, bãi đá như Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le… Gần như ngay lập tức, Trung Quốc cũng đưa tàu hải quân dùng vũ lực xâm chiếm trái phép, ồ ạt xây dựng trên đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ, Xu Bích… Không dừng lại ở đó, với giấc mộng ngông cuồng độc chiếm biển Đông như cha ông họ bao đời vênh váo tự xưng là trung tâm văn minh nhân loại, tháng 3/1988, Trung Quốc tiếp tục huy động một lực lượng lớn tàu chiến, bao gồm tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa, tàu hộ vệ pháo, tàu đổ bộ, tàu vận tải… hùng hổ tiến về các đảo ngầm Gạc Ma – Len Đao – Cô Lin, mà các chiến sĩ Công binh Hải quân Việt Nam được vận chuyển trên các tàu vận tải loại nhỏ HQ 505, HQ 604, HQ 605 không trang bị vũ khí, đang thi công xây dựng, thực thi quyền chủ quyền của mình trên biển.

Tờ mờ sáng ngày 14/3/1988, phía Trung Quốc cho một đại đội đổ bộ lên bãi đá Gạc Ma. Tổ ba chiến sĩ, do thiếu úy Trần Văn Phương chỉ huy cùng chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh, dùng máu và tính mạng mình kiên quyết bảo vệ lá cờ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay sau đó, tàu HQ 604 thả neo gần bãi đá bị hư hỏng nặng trước sức tấn công bằng pháo 100mm của hai chiến hạm Trung Quốc. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy cán bộ, chiến sĩ trên tàu chống trả quyết liệt.

Tại bãi đá Len Đao, tàu HQ 605 bị tàu hải quân Trung Quốc bắn cháy và chìm xuống biển.

Trước tình thế bất lợi đó, tại bãi đá Cô Lin, Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo, cho tàu HQ 505 ủi bãi, quyết lấy thân tàu làm công sự chiến đấu bảo vệ đảo, vừa triển khai lực lượng giữ cờ vừa cho xuồng cao tốc vượt sóng sang cứu hộ số thủy thủ tàu HQ 604 chìm trên phía bãi đá Gạc Ma. Hai tàu hải quân Trung Quốc quay sang tiến công, bắn cháy tàu HQ 505 khi đã trườn hai phần ba thân tàu lên bãi đá. Xác tàu HQ 505 cháy dở, vững vàng trụ vào bãi đá, mũi hiên ngang ghếch về ánh mặt trời vẫn một thời gian dài sừng sững như một cột mốc chủ quyền đặc biệt của Tổ quốc Việt Nam trước sóng gió biển Đông, trước dã tâm hung bạo của kẻ cường quyền. Sự mưu trí, sáng tạo của Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tinh thần, ý chí chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận hi sinh của cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 505 đã kiên cường giữ được bãi đá Cô Lin, Len Đao trong trận hải chiến đẫm máu trên vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma1…

Một tháng sau, khi các chiến sĩ Công binh Hải quân Việt Nam ổn định, tiếp tục thi công xây dựng trên bãi đá Cô Lin và Len Đao, các tàu hải quân Trung Quốc từ Gạc Ma lại giở thói côn đồ, hung hăng tiến về, hình thành thế bao vây, uy hiếp. Được tin, một phi đoàn gồm bảy chiến đấu cơ thuộc binh chủng Không quân Hải quân Việt Nam từ đất liền bay ra, phát đi thông điệp cứng rắn. Phía Trung Quốc tản ra, rồi lui quân…

Sự kiện Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao ngày 14/3/1988 mãi mãi in đậm trong tâm trí người Việt Nam. Trên vùng biển chúng tôi có mặt sáng nay, ngày ấy, sáu mươi bốn cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh cùng mười một chiến sĩ khác bị thương. Máu các anh đã lắng đọng vào vị mặn nước biển, thân xác các anh đã hòa vào lớp lớp sóng biển, anh linh các anh đã quyện vào từng ngọn gió trùng khơi nhưng tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh sẽ mãi là thiên sử anh hùng, bất diệt.

Chúng tôi nghe trong tiếng sóng biển Đông cuồn cuộn tiếng gươm khua tiếng súng nổ, có tiếng thét xung phong, có tiếng gào tức tưởi; trong vị mặn giọt nước biển Đông kết tinh bao máu đào xương trắng của bao anh linh các liệt sĩ trận hải chiến Gạc Ma, trận hải chiến Hoàng Sa; của bao lượt lính thú dự bữa cơm khao lề rồi bước chân lên thuyền buồm, không hẹn ngày trở lại; của bao bạn chài, bạn lưới vì chén cơm manh áo mà vất vưởng oan hồn theo cánh buồm tấm lưới nơi cuối bãi đầu gành. Chúng tôi nghe trong gió biển Đông âm ba tiếng bước chân các anh về lau giọt mồ hôi cho mẹ cha sau buổi cày đồng nắng cháy, lau giọt nước mắt cho vợ con những chiều trống không, quạnh quẽ.

Tiếng sụt sịt mũi, nhẹ thôi rồi ngưng lại. Giọt nước mắt lăn ra, ngắn thôi rồi đọng lại. Những hàm răng nghiến chặt và những ánh mắt long lanh hướng về phía ấy, Gạc Ma!

3. Những bãi cọc ở Trường Sa

Trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa lần này, một hình ảnh phổ biến và gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là ở rìa mép chung quanh rạn san hô của các đảo chìm Đá Thị, Cô Lin, Len Đao, Đá Tây B, Đá Tây C… đều có những bãi cọc nhiều lớp, ngày đêm vững vàng ngâm mình trong nước biển, nằm chếch khoảng 30 độ so với phương thẳng đứng, hướng ngọn ra ngoài khơi. Khi thủy triều lên, đầu cọc lé đé mặt nước, khi ẩn khi hiện theo từng cơn sóng biển. Khi thủy triều xuống, nửa thân cọc nhô hẳn lên như sẵn sàng phơi ra cho hết dãy dãy, hàng hàng những thân trụ màu đồng đen, rắn chắc, vạm vỡ, bám chân chặt vào đá, ưỡn ngực thách thức mọi phong ba bão táp. Nhìn những bãi cọc khá phổ biến khắp các đảo chìm, tôi ngập ngừng hỏi viên sĩ quan chỉ huy đảo Cô Lin về tác dụng của nó và được anh trả lời:

- Đó là những bãi cọc bảo vệ đối với các đảo chìm, bãi đá hay các rạn san hô trước các hoạt động quân sự xâm nhập trái phép. Vị trí bãi cọc giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo xác định một cách chính xác khoảng cách các mục tiêu khi còn khá xa và mật độ, độ nghiêng của cọc ngăn cản, không để tàu địch xâm nhập vào bãi cạn, đổ bộ quân tiếp cận đảo!

Nghe viên sĩ quan từng nhiều năm gắn bó với Trường Sa giải thích, chúng tôi nghĩ ngay đến những bãi cọc lừng danh trên sông Bạch Đằng mà Tiên vương Ngô Quyền rồi Đại Hành Hoàng đế Lê Hoàn và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã tiêu diệt quân Nam Hán (938) của cha con Lưu Cung - Hoằng Tháo, quân Tống (981) của Hầu Nhân Bảo và quân Nguyên Mông (1288) của Ô Mã Nhi – Phàn Tiếp, đánh bại luôn ý chí xâm lăng nước ta của những triều đại hùng mạnh đương thời phương Bắc. Một trận thắng thì có thể do ngẫu nhiên, may mắn nhưng đến ba trận đại thắng, mà cả ba đều mang tính quyết định thành bại từng cuộc chiến tranh, ngay trên cùng một đoạn sông, một cách đánh, cách nhau gần 300 năm trước những kẻ thù hùng mạnh hơn gấp bội, chứng tỏ cha ông ta từ ngàn xưa đã hiểu rất rõ sở trường, sở đoản của đội quân xâm lược, hiểu rõ từng mạch sông thế nước quê nhà để sáng tạo ra nghệ thuật thủy chiến phù hợp rất riêng Việt Nam, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn. Những bãi cọc trên sông Bạch Đằng ở đầu và cuối thế kỉ thứ X có thể cũng không khác là bao so với bãi cọc trên đoạn sông ấy cuối thế kỉ XIII nhưng chắc chắn cách bày binh bố trận, phương thức thủy chiến của Hưng Đạo Đại vương đã vươn tầm nghệ thuật hơn hẳn so với Đại Hành Hoàng đế hay Tiền vương Ngô Quyền, đủ để khiến cho kẻ thù dù binh hùng tướng mạnh, mưu mô thâm hiểm tới đâu, cuối cùng cũng phải vùi thây và vùi danh dưới vũng bùn Bạch Đằng lịch sử.

Gần 500 năm sau, mùa xuân năm 1785, một trận Bạch Đằng mới diễn ra trên đoạn sông Tiền Nam bộ. Lần này, bãi cọc truyền thống của cha ông đã hóa thân vào những cội bần, những đám dừa nước ven sông và tấm lòng yêu nước của ngàn vạn “dân ấp, dân lân” sở tại. Chính sự hiểu biết đến nằm lòng của về con nước thủy triều của những con người chân lấm tay bùn ấy đã được binh tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ biến thành thứ vũ khí lợi hại khôn lường, tiêu diệt mấy vạn quân Xiêm của đôi hổ tướng Chiêu Tăng – Chiêu Sương trong ngày nước rong Rạch Gầm – Xoài Mút.

Gần 200 năm sau nữa, mùa xuân năm 1968, thêm một trận Bạch Đằng được tái hiện trên sông Hiếu bắc miền Trung. Lần này, bãi cọc truyền thống của cha ông hóa thân vào mấy trăm chiếc cọc tre, cọc phi lao sẵn có tại địa phương, cộng thêm lượng dây thép gai, mìn và ngư lôi cải tiến, kết hợp với nghệ thuật chiến đấu của Đặc công thủy, Hải quân Việt Nam đã nhấn chìm bảy trong số 12 tàu chiến của quân đội Hoa Kì, từ Cửa Việt tiến vào Đông Hà, chuẩn bị chi viện cho chiến trường Đường 9 – Khe Sanh.

Còn nhớ, tháng 3/1961, khi về thăm quân chủng Hải quân Việt Nam vốn vẫn còn rất non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần dạy bảo: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam chứ không phải hải quân của thế giới!”2. Lời dạy này đã trở thành phương châm, tư tưởng chủ đạo cho việc xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam không chỉ trong giai đoạn khó khăn đầu thập niên 1960, cả nước dốc toàn lực cho công cuộc giải phóng miền Nam mà vẫn giữ nguyên giá trị trong tình hình thế giới và khu vực hiện nay và quân chủng Hải quân được xác định là một trong những lực lượng ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại. Từ vài thập niên trở lại đây, Nhà nước đã tập trung nguồn lực lớn đầu tư trang thiết bị, phương tiện, vũ khí hiện đại cho sự nghiệp bảo vệ biển và bờ biển như tàu chiến các loại, tàu ngầm, máy bay SU-30, tàu hộ vệ tên lửa… và chắc chắn rằng, ở mỗi đảo mà chúng ta đang quản lí tại vùng biển Trường Sa, trang thiết bị, vũ khí không ngừng được đổi mới, hiện đại hơn song song với việc nâng cao năng lực chiến đấu của Hải quân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Và, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Bờ biển, vùng biển ta dài và rộng. Và, chắc chắn rằng, trang thiết bị, vũ khí của ta không ngừng hiện đại hóa thì đối phương cũng không dừng lại. Trong bối cảnh đó, tư tưởng chủ đạo trong xây dựng và chiến đấu của Hải quân Việt Nam là “phải tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển (vùng biển) nước ta và vũ khí trang bị mình có… Hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên”.

Những bãi cọc Bạch Đằng ngàn năm xưa từng xuôi Nam về Rạch Gầm – Xoài Mút, lại ra Trung tới sông Hiếu – Cửa Việt, nay tiếp tục vượt sóng gió biển Đông ra giăng khắp các đảo chìm Trường Sa. Truyền thống đánh giặc, thắng giặc của cha ông qua lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đang sát cánh cùng mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân tại vùng phên dậu xa xôi này.

Đứng trước bãi cọc đảo Đá Thị, chúng tôi nghe âm vang từ sóng biển lời tuyên cáo trước đất trời của cha ông xưa đang thấm vào máu thịt, hun đúc thành ý chí mỗi con người hôm nay:

…“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Và, gió biển cũng hòa khúc hùng ca:

… “Sử tri Nam quốc anh hùng

chi hữu chủ”.

------------------

1. Tập thể tàu HQ 505 và các cá nhân Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Lanh, Vũ Phi Trừ, Vũ Huy Lễ đều đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tập 8, tr.36.

Đà Nẵng - Hành trình trở về với dấu xưa

Đà Nẵng - Hành trình trở về với dấu xưa

Baovannghe.vn - Ngày 11/7, Bảo tàng Đà Nẵng chính thức khai mạc triển lãm chuyên đề "Đà Nẵng - Dấu xưa vang vọng", với sự tham gia của hàng loạt nhà sưu tập tâm huyết từ Bắc chí Nam.
Đọc truyện:  Phù sa mặn - Truyện ngắn của Tạ Thị Thanh Hải

Đọc truyện: Phù sa mặn - Truyện ngắn của Tạ Thị Thanh Hải

Baovannghe.vn - Giọng đọc và hậu kỳ: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Nhạc sĩ Huy Tuấn nói gì về “tin đồn” sẵn sàng ngồi “ghế nóng”, chỉ cần cát-xê lớn?

Nhạc sĩ Huy Tuấn nói gì về “tin đồn” sẵn sàng ngồi “ghế nóng”, chỉ cần cát-xê lớn?

Baovannghe.vn - Là một trong những gương mặt uy tín và bận rộn nhất trong làng nhạc Việt, nhạc sĩ Huy Tuấn thường xuyên được mời “cầm cân nảy mực” tại nhiều sân chơi nghệ thuật. Vị giám khảo “Điểm hẹn tài năng 2025” tiết lộ, anh không nề hà cuộc thi lớn hay nhỏ, nhưng quan trọng sân chơi đó phải thực sự truyền cảm hứng cho anh và cả cộng đồng.
Con Mada sau vườn. Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoài Nam

Con Mada sau vườn. Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoài Nam

Baovannghe.vn - Nhà thằng Xịt ở ngay giữa xóm chợ sầm uất, nhà phố san sát nhau, nhưng phía sau nhà lại có khu vườn dài hun hút, đủ loại cây cối um tùm.
Gần tới Vũng Tàu

Gần tới Vũng Tàu

Baovannghe.vn - Hải tựa lưng vào thành xe, mắt hướng về con đường mà du khách sẽ đi xuống và quyết định tự mình tìm ra Thắm, chẳng cần hỏi thăm ai.