Chuyên đề

Bài ca Côn Sơn - Một tiếng thở dài bất tận

Vũ Bình Lục
Văn học nhà trường
20:47 | 04/12/2024
Baovannghe.vn - Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi là bài thơ thể hiện tập trung tiêu biểu hồn cốt cái thú lâm tuyền của người ẩn sĩ, đồng thời là những quan niệm về nhân sinh, về lẽ tiến thoái (xuất - xử) của nhà Nho không gặp thời.
aa

Ta, là nhân vật trữ tình chủ thể. Nhân vật này đôi khi cũng tự phân thân, để ta đối diện với chính ta, như một thủ pháp nghệ thuật thường thấy trong văn chương nghệ thuật nói chung.

Đoạn đầu, tả cảnh rừng suối Côn Sơn và qua đó là sự hòa quyện, sự tương thích giữa thiên nhiên và con người, ở đây là tác giả, với tư cách là nhân vật trữ tình chủ thể.

Côn Sơn có khe

Tiếng nước chảy rì rầm

Ta lấy làm đàn cầm.

Như thế là tiếng nước chảy từ khe suối, không biết có từ bao giờ, cứ rì rầm hát ca không dứt, ngày cũng như đêm. Ta lấy tiếng suối ấy làm tiếng đàn. Đó là thanh âm trầm bổng của núi rừng, của suối khe réo rắt trong veo phổ mãi vào đất trời non nước.

Côn Sơn có đá

Mưa xối rêu xanh đậm

Ta lấy làm chiếu thảm.

Rêu phủ trên đá làm chiếu, làm thảm để nằm nghỉ ngơi. Trong núi còn có muôn dặm xanh biếc rừng thông, ta ở trong đó, tha hồ ngơi nghỉ. Lại còn nghìn mẫu trúc xanh biếc trong rừng, ta tha hồ ngâm nga bên gốc...

Đoạn thơ cũng biểu hiện sự đắm say hòa điệu của tâm hồn thi nhân trước vẻ đẹp mộng mơ tinh khiết của núi rừng. Có cái nồng thắm thiết tha say đắm. Có cái ung dung tự tại, phong lưu thoát tục...

Vậy là thiên nhiên đã quá hào phóng, ban tặng cho thi nhân vô vàn những suối những khe, những thảm đá phủ xanh rêu, những bát ngát rừng tùng, những xanh tươi ngàn mẫu trúc... Và ta, như một chủ nhân thực sự, tự do tự tại, làm bạn với thiên nhiên và hơn thế, làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống của chính mình.

Đoạn thơ cũng biểu hiện sự đắm say hòa điệu của tâm hồn thi nhân trước vẻ đẹp mộng mơ tinh khiết của núi rừng. Có cái nồng thắm thiết tha say đắm. Có cái ung dung tự tại, phong lưu thoát tục...

Bốn câu tiếp đó, thi nhân tự đối diện với chính mình, chất vấn chính mình:

Ngươi sao còn chửa về đi,

Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc.

Muôn chung chín đỉnh có làm gì?

Nước lã cơm rau miễn tri túc!

Một câu hỏi cho chính mình, rằng Côn Sơn quê nhà đẹp như thế, có thể sống cuộc đời tự do với rừng suối, chẳng phiền lụy đến ai, cũng chẳng cần phải cầu cạnh đến ai, chẳng phải phục dịch ai... Vậy mà đã quá nửa đời người lăn lóc với gió bụi rồi, sao vẫn còn cấn cái lăn tăn làm gì mà chửa chịu về? Muôn chung chín đỉnh có làm gì? Mựợn tích xưa (Vạn chung cửu đỉnh) để chỉ quan to, ăn lộc muôn thùng thóc, nghĩa là quan thượng phẩm, vinh hoa phú quý đã vào hàng bậc nhất rồi. Cửu đỉnh (chín cái đỉnh), chỉ ngôi vua, có cả thiên hạ trong tay, của cải và quyền lực đều ở mức tột đỉnh... Người ta ở đời lao tâm khổ tứ, vào sinh ra tử, chẳng qua cũng chỉ vì những cái gọi là Muôn chung nghìn tứ ấy thôi, nhưng rốt cuộc để làm gì kia chứ, khi mà sự tồn tại của con người cũng chỉ có giới hạn? Muôn chung cửu đỉnh, đâu có phải là sự vĩnh cửu? Vậy cả đời lăn lóc khổ sở vì nó để làm gì? Thà rằng nước lã cơm rau, thế cũng là đủ, và biết thế là đủ (tri túc). Đó là những lời phản biện chính mình, cũng chính là thực tế, là quy luật tồn tại của vật chất, là "Biện chứng của tự nhiên" vậy!

Bài ca Côn Sơn - Một tiếng thở dài bất tận
Tranh minh họa: Freepik.

Phần tiếp theo, lại dẫn những ví dụ cụ thể, minh chứng cho cái lẽ Muôn chung chín đỉnh có làm gì ở trên. Ví như Đổng Trác vàng ngọc chất đầy nhà, làm đến Tể tướng, nắm cả thiên hạ nhà Hán trong tay, thế mà cuối cùng cũng bị anh con nuôi là Lã Bố giết, chết rất thảm thương. Lại ví như Nguyên Tải đời Đường, làm đến Trung thư Thị lang, tham nhũng, của cải chất đầy nhà, hồ tiêu tám trăm hộc, cuối cùng rồi cũng bị giết. Đó là những kẻ tham mà ngu. Nhưng cũng có những người được xem là hiền, như Bá Di với Thúc Tề, không chịu ăn thóc nhà Chu, để giữ lòng trung với triều trước, bỏ vào núi Thú Dương, sau chết đói ở đó. Tác giả bình luận:

Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu

Cũng đều muốn thỏa lòng sở dục!

Cuối cùng, sau những đúc kết, chiêm nghiệm về việc đời, lại quay về than thở. Tác giả viết tiếp bài ca: Người đời trong trăm năm/ Rốt cuộc như thảo mộc, rồi cũng héo tàn mục nát như cây cỏ mà thôi! Thân cát bụi lại trở về cát bụi, có chi mà rộn! Những buồn lo, sướng khổ đổi chỗ cho nhau, như vật đổi sao dời, xưa nay vẫn thế. Nguyễn Trãi có lần nói rằng Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi! (thơ Nôm). Bây giờ thì Một tươi một héo vẫn tương tục, chả có gì lạ. Thế nên:

Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,

Chết rồi ai vinh với ai nhục?

Quả là Thế sự du du nại lão hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca (Đặng Dung). Cái lẽ của trời đất là muôn thuở, cái lẽ của cõi người sinh diệt, cũng là muôn thuở vậy, cần gì phải phân vân tính toán chi nhiều? Cho nên:

Nhân gian ví có bọn Sào Do

Khuyên hãy nghe ta ca một khúc!

Nhàn tản, ẩn dật, yếm thế, vốn không phải là bản tính và sở nguyện của Ức Trai. Ông chỉ thể hiện nó như một cách tự tiêu khiển, hoàn toàn bất đắc dĩ, bởi không biết làm gì hơn! Bài ca Côn Sơn, do đó, chỉ có thể xem như một tiếng thở dài của một người anh hùng thất cơ lỡ vận mà thôi!

Đó là hai câu kết của Bài ca Côn Sơn. Ở chốn nhân gian này, ví như có bọn Sào Phủ và Hứa Do, tức những bậc cao sĩ ở thời xa xưa trong lịch sử Trung Quốc, thì Hãy nghe ta ca một khúc! Sào Phủ và Hứa Do coi khinh quyền lực và danh vọng, vua Nghiêu nhường ngôi cho, cũng không thèm nhận. Giả sử, ở nhân gian có bọn người cốt cách thanh cao như thế, thì hãy nghe ta ca một khúc! Vậy đó là khúc ca gì? Ca ngợi phẩm giá của các cao sĩ Sào Phủ và Hứa Do chăng? Quả có thế! Muốn noi theo tấm gương của các vị tiền bối ấy chăng? Quả đúng thế! Muốn mau chóng rũ bỏ tất cả mà về với rừng suối Côn Sơn chăng? Cũng đúng như thế!

Nhưng Nguyễn Trãi vốn là một nhà Nho luôn ôm ấp lý tưởng đại dụng. Ông muốn đem hết tài năng của mình phục vụ đất nước, cho đến sức tàn lực kiệt mới thôi. Con người hành động ở Nguyễn Trãi luôn hướng về dân đen, muốn "lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ". Chẳng thế mà Tiên sinh từng viết: Còn có một niềm âu việc nước / Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung (thơ Nôm). Tiếc thay, Thế gian biến cải vũng nên đồi (Nguyễn Bỉnh Khiêm) thời thế đổi thay, lòng người biến đổi, nông sâu hiểm độc khó lường. Và Hoa thường hay héo cỏ thường tươi! Ức Trai không có chỗ đứng, không có cơ hội để thi thố hết tài năng, đành ôm hận bất lực. Nhàn tản, ẩn dật, yếm thế, vốn không phải là bản tính và sở nguyện của Ức Trai. Ông chỉ thể hiện nó như một cách tự tiêu khiển, hoàn toàn bất đắc dĩ, bởi không biết làm gì hơn! Bài ca Côn Sơn, do đó, chỉ có thể xem như một tiếng thở dài của một người anh hùng thất cơ lỡ vận mà thôi!

Hội Nhà văn Việt Nam
Gia tài cuối đời của lão Chù. Truyện ngắn dự thi Phùng Phương Quý

Gia tài cuối đời của lão Chù. Truyện ngắn dự thi Phùng Phương Quý

Baovannghe.vn - Lão Chù đột ngột qua đời, sau bốn ngày kêu mệt và bỏ ăn. Chân núi Nóng, nơi có căn nhà nhỏ của lão mấy hôm dịu mát hẳn, gió xào xạc trong những ngọn bạch đàn
Văn Đắc – Người lấy thơ làm của trong nhà

Văn Đắc – Người lấy thơ làm của trong nhà

Baovannghe.vn - Thơ Văn Đắc khi chạm đến nỗi đau thường thiên về chia sẻ ngẫm ngợi còn sự buồn nơi ông lại nhẹ nhàng thanh sáng. Cũng có khi ta thấy ông bươn bả trong tâm tưởng, trong cảm xúc; ví như khi vào độ tuổi xưa nay hiếm
Đi chùa - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Đi chùa - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Baovannghe.vn- Thắp nhang khấn Phật trên chùa/ mà tai nghe rõ nắng mưa bên đời
Thời tiết ngày 5/12: Bắc Bộ nhiều mây, đêm và sáng trời lạnh

Thời tiết ngày 5/12: Bắc Bộ nhiều mây, đêm và sáng trời lạnh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 5/12: Bắc Bộ nhiều mây, sáng sớm có sương mù nhẹ. Đêm và sáng trời lạnh.
Lúc sống nguyện như tia lửa cháy rực rỡ, lúc chết nguyện như bông tuyết nhẹ nhàng rơi

Lúc sống nguyện như tia lửa cháy rực rỡ, lúc chết nguyện như bông tuyết nhẹ nhàng rơi

Ngày 4 tháng 12 năm 2024, nữ văn sĩ, biên kịch, nhạc sĩ, và nhà sản xuất phim nổi tiếng Quỳnh Dao được phát hiện đã qua đời tại nhà riêng ở Đạm Thủy, Đài Bắc - Đài Loan, hưởng thọ 86 tuổi. Giờ đây, khi huyền thoại khép lại, nhìn lại cuộc đời bà, quả đúng như lời bà từng nói: "Lúc sống, nguyện như tia lửa, cháy rực cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Lúc chết, nguyện như bông tuyết, nhẹ nhàng rơi xuống, hòa vào cát bụi." Dưới đây xin giới thiệu trích đoạn từ cuốn sách "Câu Chuyện Của Tôi" của nữ sĩ Quỳnh Dao.