Sáng tác

Hương bần. Truyện ngắn của Nguyễn Hiệp

Nguyễn Hiệp
Truyện 06:00 | 16/06/2025
Baovannghe.vn- Mấy mươi năm trôi qua như cái chớp mắt, câu hát của người thương ngày nào vẫn còn ngân ngân trong đầu ông Tỵ, mới rợi như vừa nghe, như vừa đây, những âm thanh ngọt ngào chạm thấu con tim đó đã khiến bước chân ông bao lần dừng lại, ngập ngừng khi hành quân trong rừng sác, nơi truông tràm.
aa

“Lẻ đôi… em chịu lẻ đôi,

Hoa tàn… em cũng đợi, bần trôi… em cũng… chờ.”

Mấy mươi năm trôi qua như cái chớp mắt, câu hát của người thương ngày nào vẫn còn ngân ngân trong đầu ông Tỵ, mới rợi như vừa nghe, như vừa đây, những âm thanh ngọt ngào chạm thấu con tim đó đã khiến bước chân ông bao lần dừng lại, ngập ngừng khi hành quân trong rừng sác, nơi truông tràm. Nhớ! Ông vẫn nhớ như in người con gái mặc chiếc áo bà ba đen ấy. Dẫu biết rằng giờ đây mọi chuyện đã khác xưa rồi nhưng ông vẫn tin mình may mắn khi từng có được một tình yêu chung thủy. Ông cũng từng thương nhớ đến quặn thắt con tim và cũng từng có những cuộc hẹn hò, gặp gỡ trong lửa đạn, hiểm nguy rình rập, từng nếm đủ “mùi mè” của hai thái cực tin yêu hạnh phúc và ghen tuông phẫn nộ, cố nhớ để sống và cố quên để sống. Làm người mà!

Hương bần. Truyện ngắn của Nguyễn Hiệp
Minh họa Đỗ Dũng

Cái câu “Làm người mà” giúp ông dìu được bao nhiêu ba đào về chân trời khác. Ông như rặng bần trước nhà mình, tấm thân lặn hụp ngày hai lần trong nước lớn nước ròng, năm mấy lần trong mùa nước dâng ngập đầu, trong mùa nước cạn gốc trơ phơi cùng nắng gió mà vẫn vững vàng. Tất cả ông đều nhớ hết, thậm chí là thấu hết nhưng ông không thích nói gì nữa cả. Im lặng không phải là không có gì để nói, đơn giản vì không thích nói mà thôi, đôi khi trong đời sống, mọi lời nói đều thừa thãi. Còn nhớ những ngày chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết gang tấc, ông chỉ khát khao một điều được sống, đui què sứt mẻ gì cũng được miễn sao được sống, được trở về với người con gái có giọng hát ngọt ngào đang đợi ông. Ông đã toại nguyện. Không mấy ai khi chiến tranh kết thúc trở về lại được người tình trong mộng chờ đợi ôm chầm lấy trong nước mắt và thành vợ thành chồng viên mãn như ông. Mấy ai trở về trên đôi nạng gỗ mà vẫn có được tình yêu trọn vẹn như ông?! Trong cuộc gặp gỡ định mệnh khi nàng chèo ghe chở đội công tác của ông qua sông, ánh mắt ông đã gặp ánh mắt nàng. Duyên do ông trời se chớ người biết đâu là tìm, mà lần, mà ráp hai người không quen biết lại với nhau như thế. Và nàng đã tất tả băng mình trong bùn lầy, bất chấp mưa lạnh tìm được ông đang ngất lịm trong lùm lao rậm khi đội “tiền trạm” của ông chuẩn bị cho trận đánh vào chi khu bị lộ và bị phục kích. Nàng đã sơ cứu, đợi ông tỉnh lại, đặt ông lên ghe, phủ lá, phủ rau trái ngụy trang để chở ông, người sống sót duy nhất vào lại trong cứ. Ông đã bị choáng vì máu ra nhiều và kiệt sức, đường đạn xuyên vào phần mềm. Lúc ấy, giữa ông và nàng không có gì ràng buộc cả, chỉ những ánh mắt biết nói, chỉ những chăm chút dịu dàng, chỉ lời hứa ngập ngừng, run rẩy: “Sẽ đợi! Em sẽ đợi anh về!” Trong cơn đau đớn, ê ẩm của cơ thể, ông vẫn nghe như uống trọn từng lời nói, từng lời hát ngọt ngào rưng rưng ấy khi chiếc ghe ấy ngập ngừng sắp sửa từ từ nhè nhẹ khua nước rời khỏi cứ. Hình ảnh chiếc áo bà ba đen xa dần nhưng câu hát vẫn còn đọng lại trong trái tim ông cho đến bây giờ, ngay cả khi nàng đã bỏ ông mà đi, những âm thanh kỳ diệu của tình yêu vẫn cứ như rót mật vào tâm hồn ông. Những cuộc gặp nhau ít oi sau đó chưa đếm hết các ngón trên bàn tay nhưng cũng tạo được niềm tin yêu về nhau đằm sâu hơn. Nhiều lúc ông Tỵ cứ nghĩ mình được bấy nhiêu đó trong kiếp này đã là phúc ba đời rồi.

Ông nghe đồng đội kể khi bị đạp mìn trọng thương lần nữa, hai chân ông nát bét, máu me trộn thịt xương bể vụn còn lại thành hai cái nùi lòng thòng đỏ nhầy ám ảnh, ông đã ngất lịm nhiều ngày, tưởng sự sống đã vĩnh viễn bỏ ông mà đi. Hy sinh. Đồng đội ai cũng nghĩ vậy. May lúc ấy có bác sĩ giỏi trong phố vừa ra cứ, tuy phải tháo khớp cả hai bên chân nhưng thực sự “vị cứu tinh” ấy và các đồng chí y tá đã cứu sống ông Tỵ một cách kỳ diệu trong điều kiện phẫu thuật thiếu thốn đủ bề. Những ngày đêm sau phẫu thuật, chốc chốc ông Tỵ lại lên cơn mê sảng, luôn miệng gọi tên cô gái có giọng hát ngọt ngào ấy. Hình ảnh cô ấy cứ hiển hiện trước mắt, lời hát của cô ấy cứ văng vẳng, văng vẳng nài níu, thiết tha khiến linh hồn ông không nỡ rời đi. Ông đã từ cõi chết trở về cũng nhờ tiếng gọi của tình yêu, nhờ níu dựa, bám giữ vào tình yêu ấy. Nhất định ông phải sống, phải trở về cưới nàng, như ông đã nắm tay nàng, nhìn sâu vào mắt nàng mà hứa như thế. Và ông đã làm được, đã phục hồi, đã trở về khi chiến tranh kết thúc. Do là thương binh hạng nặng đang điều trị nên mãi đến tháng sáu âm lịch năm ấy ông mới tìm đến được ngôi nhà như cái thum lá chằng đụp bên rặng bần này của nàng và bà má già. Ông còn nhớ như in cuộc gặp lại của mình và nàng khi rặng bần đang rộ trái. Bông bần không thơm nhưng trái bần chín thì thơm nức mũi, hương bần chín nồng nàn lan tỏa khắp nơi, hương trên mặt nước, hương trên bờ kinh, hương bần thấm trong từng chiếc nón lá của người qua kẻ lại và hương trái bần chín ngày xa xưa ấy đã thấm vào tận tâm hồn ông.

Nước đã chảy. Bần đã rơi. Nhưng hương bần ngày hạnh phúc trong đời ông không bao giờ phai nhạt.

*

Ông Tỵ chế thêm ly trà nóng nữa rồi ngồi thần ra nơi rặng bần già bên bờ kinh trước nhà. Có cái bàn trà này là do thằng Thân, cái thằng thiệt được, chẳng biết nó tìm đâu mang về miếng ván vuông vuông, một hai cứ nói tía đóng lên mấy trụ rễ thở của rặng “thủy liễu” làm bàn trà mà ngồi uống nước cho sướng. Ông thấy cũng hay nên loay hoay cưa thêm khúc cây dừa làm cục đôn ngồi bên cạnh. Vậy là rặng bần trước nhà giờ không chỉ có tấm ván cầu ao nối dài đoạn bè rễ, không chỉ có cự củi lúc nào cũng đầy vun mút đầu trụ mà còn thêm “bộ bàn ghế” để ông ngồi uống trà. Đôi khi nó lại thành nơi của người đàn ông cô đơn một mình nhâm nhi ly đế với vài con sặc khô. Cũng có khi mồi mè là ba bốn trái bần chấm muối hoặc vài con mắm linh kẹp bần chua mà cuộc độc ẩm lặng yên kéo đến tận khuya. Những ngày nước lớn dâng ngập thì đành chịu, mọi sinh hoạt đều co rút trong nhà, còn lại, ông thường ngồi bên cái bàn trà đó, ngồi im lặng hàng giờ. Mỗi đêm, mỗi đêm, nơi rặng bần bên bờ kinh này, ông đã lấp sáng bầu trời của mình bằng tình thương yêu hết lòng hết dạ dành cho thằng Thân, đứa con trai mà ông tin là Trời ban cho mình sau chừng ấy mất mát, khổ đau, thử thách của cõi trần ai lắm nỗi.

Mấy lần ông quơ cặp nạng đứng dậy rồi lại ngồi xuống, cổ cứ ngoái ngoái xoay xoay ra phía con kinh bàng bạc phớt xanh hút mắt. Ông lại bần thần không biết thằng Thân đi làm từ sáng giờ, gần chạng vạng rồi mà vẫn chưa nghe tiếng ghe của nó, chẳng biết cơm nước gì chưa?!

Thằng Thân trở thành con trai của ông cũng là chuyện định mệnh hi hữu. Chợt nhớ lại mồn một mọi chuyện, ông nghĩ chắc chắn có sự xếp đặt của đấng bề trên.

…Hừng đông. Ông vồi vội rửa mặt rồi chống nạng qua hông nhà vác tay lưới lên vai. Mùa này bao nhiêu cá trong vùng ngập lũ bơi hết ra sông, ra kinh, nhiều nhất là cá linh, nên chỉ giăng một tua lưới sáng sớm kéo lên đã đủ ăn mấy ngày, có khi dư phải làm khô, làm mắm cất dành. Ông chống nạng, vác tay lưới nghiêng qua nghiêng lại chống nạng đi ra rặng bần, nơi buộc chiếc ghe nhà. Bỗng mắt ông sáng rỡ, có gì đó rất lạ trôi tấp vào đám rễ bần cách đó chục bước chân. Ném vội tay lưới vào lòng ghe, ông hấp tấp lội ra. Run run giở tấm khăn phủ bên trên, ông chợt giật mình lui người lại, tim đập dồn dập, hai tay run khan. Là một đứa con nít đỏ hỏn nằm trong cái thúng. Ngay lúc ấy, một tiếng khóc ngoe ngoe yếu ớt vang lên. Còn sống! Ông nhào tới, phấn chấn đưa nhanh chiếc thúng vào bờ.

- Mình ơi! Mình ơi! Ra mà coi! Ông hối hả chống nạng vào nhà gọi vợ, trong bụng nghĩ đây là ông trời có mắt đã ngó tới vợ chồng ông nên cho đứa con này. Nhưng vợ ông lại không nghĩ vậy. Vợ ông vừa dụi mắt vừa băng trong nhà ra, thấy đứa bé, cô ấy chợt sầm mặt xuống. Có gì đó như một cú đánh trúng huyệt của cô ấy, trúng vào nỗi buồn và cũng là niềm khao khát sâu thẳm bên trong của người đàn bà khi vợ chồng sống với nhau chừng ấy năm mà chưa có được một mụn con.

- Trời ơi! Đồ oan gia ở đâu mà mang về nhà? Thấy vợ ông quay lại trừng mắt, lu loa nặng lời, ông nhẹ giọng:

- Tội mình à, cũng là con người mà, bỏ trôi trên kinh nó sẽ chết đó…

Sau mấy câu lớn tiếng của vợ ông, chẳng mấy chốc mà trước cửa nhà đã đông nghẹt những người hàng xóm hiếu kỳ. Vài người chạy tới, rồi vài chục người chạy tới. Có người bỏ cả việc đang làm dở chạy tới. Mấy chiếc xuồng ba lá qua lại trên kinh thấy đám đông bu đen bu đỏ nhộn nhạo trên bờ cũng tò mò tắp vô coi. Rồi chẳng biết từ đâu ra, mọi người truyền tai nhau câu chuyện động trời, đó là con rơi của ông Tỵ, ông dụ dỗ tòm tem với “người ta” trong những lúc đi thả lưới và “người ta” đã trả con cho ông. Càng lúc câu chuyện trên trời rớt xuống ấy càng được thêm mắm thêm muối bởi những người đàn bà quê đang tụ năm tụ ba to to nhỏ nhỏ xì xà xì xầm kia. “Tội nghiệp! Nó lấy gì nuôi con mà không trả chớ, đồ ác nhơn ác đức, đồ râu xanh.” “Nhìn bộ râu mép rậm rịt của chả là thấy dâm đãng rồi à!” “Phải nuôi thôi, máu mủ mà!” Những lời dị nghị xì xầm to nhỏ cuối cùng đã vang lên thành một mệnh lệnh, một thắt nút buộc vào vợ chồng người thương binh nghèo khổ. Vợ ông vẫn sa sầm ngồi thần trong góc nhà, chợt mắt nàng sáng lên, nàng bật dậy: “Nó ở thì tui đi! Rước “người ta” về đây luôn đi!” Hàng xóm thấy xót xa cho vợ ông, người không phải hàng xóm cũng thương cảm cho vợ ông. Ở đời, có những câu chuyện không thật nhưng được miệng đời thêu dệt thì cảm giác lại thật hơn cả thật, tình ngay lý gian, cũng không hẳn có tình lý gì ở đây, cứ như trò đùa ác nghiệt của đám đông, mà thôi, biết làm sao được. Nghĩ vậy nên ông cũng không chống chế làm gì, nói gì đó lúc này cũng như đổ dầu vào lửa, những ngọn lửa hồ đồ đang lên đồng ấy. Cũng có những người đến nghe rồi lặng lẽ bước đi, không nói gì nhưng đa phần như những kẻ nhập đồng, hùa vào với nhau. Họ đồng loạt tin, đồng loạt phán xét, đồng loạt bày tỏ, chỉ tay, hất mặt mà buông một án phạt nghiệt ngã cho gia đình ông: Bôi tro trát trấu vào mặt vợ vậy ai còn sống chung được! “Thương binh mà làm vậy ảnh hưởng đến thanh danh người lính quá!” “Què mà không biết thân biết phận, lại còn…” Bao nhiêu lời hằn học kết tội, bao nhiêu lời nói ỏn xót cảm thương nhao nhao ngoài kia khiến vợ ông càng bị kích động, càng được nước làm mình làm mẩy, đập hai tay bành bạch xuống đất, dậm hai chân lạch phạch xuống đất, nước mắt ràn rụa, miệng không thôi than trời trách đất: Trời ơi là trời! Ông trời xuống đây mà coi nè! Tui ăn ở một đời hết lòng hết dạ, chờ chờ đợi đợi… Vậy mà giờ, ngó mà coi, sao ông trời ác với tui dữ vậy nè! Tui cắt cái mặt này mà ném đi hay sao đây? Tui chui xuống đất được hay sao? Tui đi, tui đi, cho ông vừa lòng, cho ông hả hê cái dạ phản bội của ông… Trong lúc ông Tỵ đang lấy chiếc áo của ông ủ cho đứa bé, rồi run run bón vào cái miệng chúm chím, nhỏ xíu xiu ấy chút nước thì vợ ông nhanh tay quơ vội quần áo chạy bay ra khỏi nhà. Ông quơ nạng khua dạt đám đông ra mà nhào theo, nhào theo. “Mình ơi, mình đừng đi! Đừng đi mình ơi! Mình biết không phải vậy mà…” Chẳng biết vô tình hay cố ý mà đám đông ấy trở nên bức tường khó vượt qua vô cùng, rồi ông vấp cây nạng vào chân ai đó ngã vật xuống giữa những con người hiếu kỳ và kích động…

Ông Tỵ đưa tay dụi dụi đôi mắt đang rưng rưng đỏ của mình. Mọi chuyện cứ ào đến như cơn ác mộng. Cho đến giờ này, đôi khi ông cũng không tin nổi đâu là cõi mơ đâu là đời thật. Vợ ông quá biết câu chuyện động trời kia do ai đó dựng lên, không thành có, trắng thành đen, vậy mà cô ấy vẫn bị kích động, vẫn đầm đìa nước mắt. Nước mắt đàn bà có tin được không?! Lẽ nào cứ điều gì đám đông tin là mình phải tin theo hay sao? Lẽ nào? Nhiều đêm, nằm gác tay lên trán, ông đã hỏi và không trả lời được, hay những câu hỏi ấy chính là những câu trả lời, ông cũng không chắc lắm. Một thân một mình, loay hoay bữa rau bữa cháo, ông đã nuôi thằng Thân lớn lên như ngày nay. Ông bỏ ngoài tai bao nhiêu lời thị phi, phỉ báng, phán xét, kết tội, bao nhiêu lời dị nghị như thật của thiên hạ độc mồm độc miệng thêu dệt, dựng lên. Nào là… có bà đi kéo rớ sớm đã thấy tận mắt hai người đang làm chuyện ấy. Nào là… cứ ngày ngày kéo lưới ông Tỵ lại sớt cho “người ta” phân nửa; “người ta” mơn mởn, gái mới lớn mà dám hại đời con gái của nó. Còn độc địa hơn nữa là họ say sưa, hào hứng rót vào tai nhau câu chuyện pha hơi hướm tiếu lâm. Chuyện có thằng trai, là bồ, là mèo của “người ta” ấy, thề độc sẽ “xin” bàn chân của gã râu xanh nhưng khi phừng phừng vác lưỡi mác sáng choang đến gặp gã thì ngẩn tò te, hạ hỏa vì… gã chẳng còn bàn chân nào để “xin” cả, chẳng lẽ lại phạt vào cây nạng gỗ… Họ kể, họ cười ra nước mắt, họ ôm bụng mà cười, đấm thùm thụp vào lưng nhau mà cười. Có người té lăn xuống kinh ướt như con chuột lột rồi mà vẫn còn cười ngặt cười nghẽo trong dòng nước. Họ kể, họ hăng lên, phồng mang trợn mắt, tay trái chỉ lên, tay phải chỉ xuống, họ nói đến phun nước miếng, nước bọt về những bài học đạo đức, phải như thế này, phải như thế kia, làm người ai làm “dzậy”, làm người sao làm “dzậy”?!… Chuyện đầy lỗ tai tới mức những người thương binh, đồng đội cũ của ông thoạt đầu nhìn ông bằng ánh mắt ái ngại, bán tín bán nghi, sau thì lạnh lùng xa cách, lánh mặt ông luôn.

Vị bí thư chi bộ cũng là chi hội trưởng hội cựu chiến binh xã mời ông Tỵ lên làm việc. Ông Tỵ vừa đặt hai cây nạng dựa vào ghế thì vị bí thư đanh mặt lại, gằn từng tiếng sắc lạnh:

- Tôi không hiểu tại sao đồng chí có thể làm một việc vô đạo đức như thế?

- Việc gì?

- Một người đàn ông có vợ lại đi dụ dỗ, ép buộc con gái nhà người ta có con với mình chớ còn việc gì nữa

- (Im lặng)

- Sự việc rành rành ra đó rồi, cả xã người ta biết hết, đồng chí có muốn nói gì nữa không?

- (Im lặng)

- Đồng chí có biết mình vi phạm điều lệ Đảng và điều lệ hội cựu chiến binh, làm ảnh hưởng đến thanh danh các đảng viên và cựu chiến binh khác không?

- Tôi không vi phạm

- Ngoan cố!

- (Im lặng kéo dài)

- Đủ rồi! Mời… ông về! Thật ghê tởm!

Cuộc “làm việc” chỉ vậy nhưng qua tuần sau, có người đến đưa cho ông quyết định ông bị khai trừ khỏi Đảng. Ông Tỵ cầm tờ giấy chỉ còn biết lắc đầu rồi thở ra một hơi dài thườn thượt. Mọi chuyện sao cứ như đùa?! Người ta quên đi xương máu của ông, quên đi cuộc trở về từ cõi chết của ông nhẹ nhàng, giản đơn quá!

Mà thôi, phần ông thì sao cũng được, sức chịu đựng của ông đã được tôi luyện trong chiến tranh rồi, đau nhất là thằng Thân tới tuổi đi học rồi mà “cuộc tấn công” vẫn chưa chấm dứt. Gặp đâu họ cũng kêu thằng Thân bằng cái tên kỳ cục là “thằng Cặc Bần”, là họ muốn gợi lại “câu chuyện trả con”, chuyện cái thúng vướng vào đám cặc bần định mệnh trước nhà ông ngày nào. Mấy đứa học trò tinh nghịch còn được người lớn mớm vào miệng những bài hát tục tĩu để chúng vô tư vừa hát vừa vỗ tay mỗi khi thấy Thân đi ngang qua:

“Nước chảy… cặc bần, cái mà cặc bần… run lẩy bẩy cái mà… run lẩy bẩy,

Gió đưa… úi à… dái mít… úi à… dái mít… giãy tê tê. Giãy tê tê… úi à giãy tê tê…”

Có khi chúng ngứa miệng sửa nhại câu ca dao cũ ra ý châm chọc cả tía Thân:

“Chiều chiều xuống bến ba lần,

Trông em không thấy, thấy cây bần cõng con…”

Chúng hát rồi chúng cười hơ hớ, ngoảnh mặt đi chỗ khác khiến thằng Thân bầm gan tím ruột, tức muốn hộc máu. Thằng Thân nhiều lần đi học về, quăng cặp ào vào góc nhà ngồi khóc ti tỉ suốt buổi. Thiệt tội nghiệp! Sau này hơi lớn chút, nó tránh nói đến hai tiếng ấy, cứ gọi là rễ thở hay phế căn gì gì đó. Ngay cả nhắc đến cây bần nó cũng “dị ứng”, gọi tên là cây thủy liễu. Chẳng biết học ở đâu mà nó kể vanh vách: Khi bị quân Tây Sơn rượt chạy, vua Gia Long trải qua những ngày cơ khổ ở miền Tây này. Vua được người dân cho ăn trái bần chấm mắm, thấy ngon quá nên nghĩ cây mọc dưới nước, thân mềm mại, đẹp vậy, trái ngon vậy mà cái tên “bần” nghe không đúng nên vua ban cho tên mới là “thủy liễu”…

Nghĩ tới người vợ ra đi biền biệt ông lại thở ra một hơi dài thườn thượt. Thật là nghịch cho cái lý ở đời! Chiến tranh xa cách, nay sống mai chết lại yêu thương, đợi chờ; chỉ để gặp nhau, được trong vòng tay nhau mà bất chấp hiểm nguy, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng nhưng ở bên nhau rồi, chung một nhà rồi thì lại không có nhau. Thiệt đau! Sau này, trong sâu thẳm trái tim mình ông Tỵ cũng biết có một mâu thuẫn như thế: Nửa ông muốn sống với vợ đến răng long đầu bạc, nửa lại đồng tình phân ly để một mình chịu nỗi đắng cay. Nàng đã “thiệt lanh trí” tìm được cái cớ quá hợp để giũ áo ra đi mà vẫn được dư luận không kết tội, thậm chí là thương cảm. Có những chuyện sống để bụng chết mang theo, ông cũng từng có những ngày đau đớn, lòng ngập sóng ghen tuông khi bắt gặp vợ mình ăn nằm với “người bạn” hàng xóm. Ông đã vài lần tận mắt thấy được cơ thể trần truồng của họ quyện vào nhau dưới ánh trăng. Mỗi lần cái khối sáng màu da người nhờ nhờ ấy dập duềnh, dập duềnh là tim ông thắt lại, đau nhói từng cơn. Sau mỗi lần chứng kiến như vậy, người ông suy sụp, tiều tụy hẳn, hai mắt sâu hóm vì mất ngủ, vì kìm nén, nuốt hận vào người. Nhưng nói ra thì cái nhục của thằng đàn ông bị cắm sừng càng lớn hơn nên đành nuốt, đành dìm nỗi đau đớn ấy vào sâu đáy lòng mình. Xét cho cùng cũng tại mình, tại mình hết! Lần hồi ông đã coi như mình không thấy, cứ chống nạng ngang qua, đưa mắt ngang qua như chuyện của ai đó xa lạ. Con người cũng không dễ mà nguội lạnh, không dễ mà trơ mặt trơ lòng “ngang qua” bi kịch đau thương của chính mình như vậy. Sôi giận chớ! Phẫn nộ chớ! Đau lắm chớ! Nhiều khi thả lưới xong, bơi một mình qua khỏi doi đất theo meo bên kia bờ, giữa dòng nước kinh vắng vẻ, ông đã áp miệng mình vào mặt nước mà gào chửi thật to cho hả giận. Ông chửi đời trái ngang. Ông chửi chiến tranh ác nghiệt. Ông chửi người phản bội. Và chửi mình hèn hạ. Ông chửi mãi, chửi mãi, to nữa, to nữa, la lên, gào lên, thét lên đến khi những vòng sóng nước đồng tâm bắt đầu từ đôi môi muốn rách toạc, muốn rướm máu của ông mà tỏa ra, tỏa ra gợn cuộn đến tận bờ kinh, hết vòng sóng này đến vòng sóng khác mới thôi. Chửi nguôi. Đuối sức. Trống rỗng. Ông tự đánh lừa mình bằng cảm giác nhẹ người, là ông nghĩ vậy chớ không hẳn. Buồn cười quá, cay đắng quá ông lại ngửa cổ lên trời mà cười thành tiếng, thành một tràng dài, lại nghĩ khá khen cho cái sự đời giỏi trớ trêu, mộng không ra mộng, thực không ra thực, giả thật lộn tùng phèo. Cười xong ông lại khua khua, lúc lắc hai khúc thịt ngăn ngắn, tròn lẵng gọi là phần chân còn lại ấy mà bơi vào bờ, lại về với rặng bần, lại về với đám cặc bần lô nhô, môi miệng thản nhiên khép lại như miệng con hến, con trai, nếu cần phải nói, ráng lắm chỉ miễn cưỡng thều thào ba tiếng “Làm người mà!” Ừ thì làm người mà, phải đủ cả buồn vui chớ!

*

Nước chảy đã chảy rồi. Bần trôi đã trôi rồi. Nước không qua cầu hai lần. Trái bần trôi không quay về gốc cũ. Nhiều lúc ông nhìn trái bần trôi trong dòng nước bàng bạc kia mà như thấy đủ cả mắt mũi miệng, lại nghe văng vẳng từ đó phát ra tiếng hát, tiếng hát ma mị lắm. Ông cố xua đi, xua đi. Ông tát vào má mình mấy cái thiệt mạnh, bên má phải, rồi má trái, rồi hai tay hai bên lia lịa. Nhưng quả là cuộc xua đuổi ký ức từ trái bần ấy vô cùng khó khăn. Nó cứ trôi lượn lờ, cứ chập chờn, cứ ám vào người ông như vết thương định mệnh, vết thương đọa đày. Tía con ông còn phải sống chớ, sống không bằng chết sao chịu nổi! Cũng phải có niềm vui mà hít thở trên trần gian này chớ, không thì sao gọi là sống!

Như cây bần trước khi trổ bông phải trải qua thời kỳ rụng lá xác xơ, có niềm vui nào mà không phải trả giá. Nhiều lúc ngồi nhìn mặt nước kinh, mỗi khi có trái bần còn nguyên năm sáu cánh đài rơi chém xoẹt xuống, nước toác ra như vết thương nhưng rồi nước khỏa lấp giỏi, vết thương ấy tự lành rất lẹ, mặt nước lại phẳng phiu trở lại ngay. Ông ước gì vết thương trong lòng mình cũng lành nhanh như vậy.

Thời chiến tranh thì nhớ để sống còn bây giờ lại cố quên để sống.

Cay đắng nhưng cũng hay! Mà nào dễ dàng gì, chỉ là khỏa lấp được lúc nào hay lúc ấy thôi. Có những buổi sáng, buổi chiều, ông và thằng Thân ngồi ngắm mê man cảnh rặng bần nở bông sáng dìu dịu cả mặt kinh. Mỗi bông hoa bần nở là điều kỳ diệu in vào mắt người, đài bông mặt ngoài màu xanh lá cây nhưng mặt trong lại phớt tím, tim tím chút như gợi thôi, như xa xôi, bóng gió về lòng chung thủy mong manh của con người. Cánh bông bần trăng trắng hơi ngả xanh, thuôn thuôn đẹp mê hồn…

“Lẻ đôi… em chịu lẻ đôi,

Hoa tàn… em cũng đợi, bần trôi… em cũng… chờ.”

Câu hát ngày nào lại vang vang ngân ngân từ mặt nước, từ trái bần trôi, từ hương bần chín, từ xác bần rã mục ven bờ nhưng giờ thì kèm theo vị nhẫn đắng, tê dại từ thẳm sâu trong tâm can.

Hai tía con ông cứ ngồi im lặng vậy mà ngắm, thằng Thân thỉnh thoảng lại thì thầm: “Thiệt đẹp! Thiệt đẹp!” Ông cũng gật theo: “Ừ đẹp thiệt!” Cái thằng Thân, ông trời cũng sinh tính, nó từ lâu đã giống ông, cần lắm mới nói, vui lắm mới nói, còn buồn trường kỳ thì lặng yên, thì miệng hến, thì liền tay liền chân công việc, công việc và công việc. Âu cũng là sự sắp đặt của ông trời! Mỗi tiếng kêu “Tía” của nó vang lên khiến ông thấy ấm lòng, khiến ông thấy cuộc đời này còn đáng sống lắm.

Mấy năm nay, Thân đi làm công ty cũng có thu nhập, đời sống hai tía con cũng đỡ khổ. Lại cũng lúc tía con đang ngồi ngắm bông bần nở, nó chợt nói:

- Tía! Mình sửa nhà nghen tía!

- Tiền đâu mà sửa con.

- Con có, mà lương con sắp lên nữa rồi tía. Ông sếp cứ khen con làm giỏi!

- Ừ thì liệu cơm gắp mắm nghen con! Vậy trưa nay tía nấu nồi canh chua cá thác lác với bần, con tranh thủ chèo ghe về nhà ăn nghen, mừng trước cho việc đại sự!

Thằng Thân nghe vậy thì vui ra mặt, nó dạ dạ liên tục rồi xăng xái đứng dậy lo công việc. Thân to khỏe, mới mười chín mà ngực đã vồng lên đá tảng, lại giỏi giang, mặt mày cân đối, chỉ duy đôi mắt u buồn. Cái tên Thân của nó cũng do ông đặt trong giai đoạn tâm hồn ông trống rỗng, đơn giản vì năm nhặt được nó, cũng là năm bi kịch của gia đình ông rơi vào năm Thân.

*

Gọi là sửa nhà nhưng gần như bỏ hết mớ lá mục, bẹ dừa, nilon chằng đụp ấy để xây lại. Theo lời thằng Thân là xây bọc bốn bức tường rồi lợp tôn là xong, tiền tô vách, mua cửa nhiều lắm tía, con sợ đổ nợ. Thằng Thân mỗi khi đi làm về lại chở theo trên ghe một ít vật liệu. Nay, mấy bao xi măng. Mai, nửa thiên gạch. Mốt, mấy tấm tôn. Thấy con chịu khó lại biết tính toán vừa túi tiền ông Tỵ mừng lắm.

- Tía! Tía nằm xuống ngủ cho thẳng lưng đi tía! Thằng Thân thấy ông Tỵ ngồi dựa vào tường mà ngủ thì gọi giật nhưng ông hé mắt ra lắc đầu:

- Tía thích… ngồi một chút! Ngủ đi con! Thiệt ra là mấy ngày nay ông thấy tức ngực, khó thở lắm, nằm xuống là ông không thở được, lúc trưa nay, sau cơn ho kéo dài, ông khạc ra cục đờm lẫn máu. Ông có đến nhà người y tá mua thuốc, bà ấy sau khi nghe nói chỉ buông ba tiếng gọn lỏn: Viêm phổi rồi. Ông giấu Thân vì sợ con lo lắng trong khi chuyện nhà cửa đã khiến nó đứ đừ.

Sáng, Thân chèo ghe đi làm, khi bước chân xuống ghe nó còn nói vói lên:

- Tía! Chiều nay, con chở hai ông thợ về xây nhà đó nghe tía!

Ông gật gật, đôi mắt cố vui với con nhưng nghe chừng hơi thở khó khăn, ngột ngạt quá. Ông Tỵ cố gắng chống nạng đến ngồi cạnh bàn trà. Cơn sốt đã nhanh chóng khiến ông ớn lạnh, đổ mồ hôi ướt lạnh hai bên thái dương. Cơn sốt càng lúc càng cao, ông chống được hai cây nạng đứng lên rồi nhưng lại đổ ập xuống.

Đang làm ở công ty thì thằng Thân được người làng nhắn gọi về, lúc ấy cơ thể ông Tỵ đã cứng lạnh.

- Tía ơi! Con sắp làm nhà mới cho tía ở mà, sao tía không đợi con!? Thằng Thân gào lên, đằm đìa nước mắt.

Chi hội Cựu chiến binh nghe tin đã nhanh chóng có mặt lo hậu sự. Người thương binh già phun rượu phì phì ướt nhẹp hai cánh tay ông Tỵ, cho mềm da thịt để sắp xếp thế nằm được thẳng thớm. Khi thay chiếc quần đùi, ông dừng lại, trợn tròn mắt, bàng hoàng, giữa hai khối thịt tròn lẵng gọi là hai chân ấy là một vùng trống trơn, phẳng lì. Giữa vết sẹo kéo da nhẵn bóng chỉ còn chút gợn gợn qua thời gian là một lỗ nho nhỏ còn dấu rịn ra mấy giọt nước tiểu khai khai. Người cựu chiến binh già cho người ra sân gọi ông bí thư chi bộ vào. Vừa nhìn thấy háng người chết, ông Bí thư đã tái mét mặt mày, hai chân run run sụp quỳ xuống bên cạnh giường liệm. Dân làng đang tụ tập bên ngoài cũng bắt đầu truyền tai nhau điều gì đó mà mặt người nào cũng đột nhiên biến sắc, biến sắc, biến sắc.

Ngoài kia, rặng bần vẫn trĩu trịt một mùa trái chín, những chùm trái chốc chốc lại đong đưa theo gió. Bông bần không thơm nhưng trái bần chín thì thơm nức mũi, hương bần chín nồng nàn lan tỏa khắp nơi.

Quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế

Quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế

Baovannghe.vn - Mới đây, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, Thường trực phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã tổ chức triển lãm Việt Nam – Bản sắc, nhân văn và hội nhập. Sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Những trải nghiệm mới mẻ về thị giác qua triển lãm "Ảo thị"

Những trải nghiệm mới mẻ về thị giác qua triển lãm "Ảo thị"

Baovannghe.vn - Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức khai mạc Triển lãm Ảo thị. Sự kiện được tổ chức nhằm giúp khám phá thế giới thị giác đầy bất ngờ, thách thức mọi giới hạn của cảm nhận thông thường và khiến khán giả Việt Nam vô cùng hào hứng.
Đọc truyện: Dấu son trên đảo - Truyện ngắn của Nhụy Nguyên

Đọc truyện: Dấu son trên đảo - Truyện ngắn của Nhụy Nguyên

Baovannghe.vn - Giọng đọc và hậu kỳ: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Từ triển lãm "Nghệ thuật thiết kế bìa sách, báo, tạp chí Việt Nam 2025" - Đôi điều tản mạn

Từ triển lãm "Nghệ thuật thiết kế bìa sách, báo, tạp chí Việt Nam 2025" - Đôi điều tản mạn

Baovannghe.vn - Trong kỷ nguyên công nghệ số - thời đại 4.0, công nghệ in ấn phát triển mạnh, nghệ thuật thiết kế bìa sách báo, tạp chí ngày càng thuận lợi giúp các nhà thiết kế, họa sĩ tạo ra những bìa ấn phẩm đẹp, bắt mắt hấp dẫn bạn đọc, truyền tải thông điệp nội dung, tinh thần bên trong của ấn phẩm, nhất là đối với ấn phẩm văn chương, nghệ thuật.
Khai mạc "Tuần văn hóa sách Trung Quốc - ASEAN"

Khai mạc "Tuần văn hóa sách Trung Quốc - ASEAN"

Baovan nghe- Công ty tập đoàn thương mại sách Quốc tế Trung Quốc (CIBTC) phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam - XUNHASABA vừa tổ chức lễ khai mạc “Tuần văn hoá sách Trung Quốc - ASEAN: Giới thiệu sách và giao lưu văn hóa”.