Tối 15/11, tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, Lễ bế mạc và trao giải thưởng Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 được diễn ra. BTC đã trao tổng cộng 116 huy chương, trong đó 12 huy chương vở diễn và 104 huy chương diễn viên.
Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTT&DL Thành phố Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức. Liên hoan góp phần bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật Cải lương trong giai đoạn hội nhập.
Liên hoan diễn ra từ ngày 25/10 – 15/11, với sự góp mặt của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ 29 đơn vị, đoàn nghệ thuật cải lương cùng với 33 vở diễn.
BTC đã trao tổng cộng 116 huy chương, trong đó 12 huy chương vở diễn và 104 huy chương diễn viên. Ảnh: BTC |
Liên hoan Cải lương toàn quốc năm nay đa dạng về đề tài và phong phú về cách thể hiện. Trong 33 vở diễn, có 2 vở đề tài danh nhân văn hóa nghệ thuật dân tộc; 11 vở diễn đề tài lịch sử; 7 vở diễn.
Theo Hội đồng nghệ thuật, cùng với những vở diễn được dàn dựng công phu, diễn thi nghiêm túc để đạt hiệu ứng vở diễn một cách tốt nhất, còn xuất hiện một vài vở diễn bị “phô” về việc xác định vấn đề; kết cấu kịch bản và tổ chức mâu thuẫn, xung đột kịch còn bất hợp lý...
Kết quả, BTC Liên hoan đã trao 4 Huy chương vàng cho các vở: Chất ngọc - Cầm thi giang (đơn vị Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ); Người con của rừng tràm (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An); San hô đỏ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và Xuân Hương nữ sĩ (Nhà hát Cải lương Hà Nội); 8 Huy chương bạc cho vở diễn; 41 Huy chương vàng cho diễn viên và 63 Huy chương bạc cho diễn viên.
Phát biểu tổng kết, bế mạc Liên hoan, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông - Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan chia sẻ: Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 là hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp nhằm phát hiện, tôn vinh những tác phẩm, vở diễn và những cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật của sân khấu Cải lương. Đồng thời là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật Cải lương phục vụ Nhân dân.
Chiều 15/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thương hiệu lụa DeSilk đã ra mắt bộ sưu tập lụa cao cấp Khơi dậy tinh hoa, nối dài di sản. Đây không chỉ là một bộ sưu tập thiết kế lụa cao cấp mà còn là một hành trình nghệ thuật, một sự kết nối từ quá khứ tới hiện tại, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho những người yêu nghệ thuật và thời trang.
Tại buổi ra mắt bộ sưu tập, bà Văn Hằng – người sáng lập thương hiệu DeSilk cho biết, bộ sưu tập lụa "Khơi dậy tinh hoa, nối dài di sản" lấy cảm hứng từ 9 Bảo vật quốc gia của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bao gồm “Cánh cửa chạm rồng” (Chùa Keo, tỉnh Thái Bình), Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Chùa Mật, tỉnh Thanh Hóa), Phật bà Quan Âm (chùa Hội Hạ, tỉnh Vĩnh Phúc), Bình phong (họa sĩ Nguyễn Gia Trí), Hai thiếu nữ và em bé (họa sĩ Tô Ngọc Vân), Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc (họa sĩ Dương Bích Liên), Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (họa sĩ Nguyễn Sáng), Gióng (họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm), Em Thúy (họa sĩ Trần Văn Cẩn).
Mỗi sản phẩm trong bộ sưu tập là một hành trình nghệ thuật mang theo những nét độc đáo riêng biệt, từ các bảo vật là những bức sơn mài cho tới những đường chạm khắc tinh xảo trên các bảo vật từ chất liệu gỗ đều được chuyển hóa đầy khéo léo trên chất liệu lụa mềm mại.
Việc đưa bảo vật quốc gia vào lụa là một sự kết hợp thú vị, mang đến những giá trị mới góp phần đưa di sản văn hóa đến gần hơn đến với công chúng. Ảnh: BTC |
Mỗi mẫu thiết kế được chuyển hóa từ các Bảo vật quốc gia là kết quả của một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, giữ nguyên tinh thần nghệ thuật từ các tác phẩm gốc, đồng thời thổi vào các thiết kế mới phong cách sáng tạo hiện đại. Qua bộ sưu tập này, DeSilk mong muốn kết nối quá khứ và hiện tại, đưa nghệ thuật truyền thống vào cuộc sống đương đại qua các thủ pháp nghệ thuật số tinh tế. Mỗi thiết kế trên nền lụa mời gọi người xem cùng hòa mình vào dòng chảy văn hóa, để cảm nhận sâu sắc tinh thần nghệ thuật Việt Nam qua từng thời kỳ.
Bảo tàng Mỹ thuật hiện đang lưu giữ hàng vạn những tác phẩm mỹ thuật trong đó có 9 bảo vật quốc gia – đó là những tác phẩm đỉnh cao của nền mỹ thuật Việt Nam. Việc đưa bảo vật quốc gia vào lụa là một sự kết hợp thú vị, mang đến những giá trị mới góp phần đưa di sản văn hóa đến gần hơn đến với công chúng. Đây cũng là mục tiêu mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang hướng tới nhằm lan tỏa giá trị nghệ thuật Việt không chỉ đến với riêng công chúng Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế...
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. |
Ngày 9/11, ca sĩ Dương Triệu Vũ đăng tải thông báo về show diễn vào dịp Lễ Tạ ơn, diễn ra ngày 27/11 tại Mỹ. Chương trình quy tụ các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Như Quỳnh, Nguyễn Hồng Nhung… khiến khán giả thắc mắc do vào tháng 7, UBND TPHCM đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) sau vụ cài huy hiệu 'lạ' khi diễn trong live show Ngày em thắp sao trời tại TP.HCM.
Tại quyết định này, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nhận mức xử phạt hành chính 27,5 triệu đồng. Ngoài ra, nam ca sĩ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động biểu diễn 9 tháng. Tuy nhiên, quyết định này không nói rõ phạm vi cấm diễn. Đại diện Sở VHTT&DL Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm hiện chưa có chế tài đối với việc cấm lưu diễn đối với cá nhân, tổ chức đang thi hành quyết định xử phạt trong nước, cụ thể trường hợp Đàm Vĩnh Hưng.
Chiều 15/11, liên quan đến việc nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đi diễn tại Mỹ trong thời gian chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động biểu diễn 9 tháng, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt - Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết: "Chúng tôi đã nắm bắt thông tin và đang trong quá trình xử lý. Trong khoảng 2, 3 ngày tới Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ có phản hồi về vụ việc này".