Ngày 27/4, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 đã tổ chức khai trương Trung tâm Báo chí, nhằm phục vụ công tác tuyên truyền cho các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Trung tâm Báo chí phục vụ Đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, đặt tại Trụ sở Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh (số 14 Alexandre de Rhodes, phường Bến Nghé, quận 1).
Đến dự khai trương Trung tâm báo chí phục vụ Đại lễ 30/4 có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; ông Mai Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL); ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo và các đại biểu tham dự Lễ khai trương Trung tâm Báo chí Đại lễ kỷ niệm 30/4. Ảnh: BTC |
Trung tâm được khai trương nhằm truyền tải những giá trị lịch sử, ý nghĩa to lớn và khí thế hào hùng của ngày 30/4/1975 đến với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, công tác thông tin tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí về các sự kiện, chương trình trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm.
Đây sẽ là nơi tổ chức điều hành và hướng dẫn các hoạt động báo chí liên quan đến Lễ kỷ niệm cho các phóng viên trong nước và nước ngoài; cung cấp thông tin về các hoạt động của Lễ kỷ niệm; cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động tác nghiệp của phóng viên; xử lý các yêu của hoạt động báo chí của phóng viên, bao gồm cả các yêu cầu tìm hiểu, đưa tin, làm phóng sự về Việt Nam của phóng viên nước ngoài.
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, mạnh mẽ của báo chí cả nước và quốc tế. Trong đó, có sự tham gia của 169 phóng viên quốc tế của 39 hãng thông tấn báo chí và 17 quốc gia; hơn 630 phóng viên từ 81 cơ quan báo chí trong nước đăng ký tác nghiệp đại lễ. Thành phố sẽ tiếp đón, tạo điều kiện để đội ngũ phóng viên, biên tập viên tác nghiệp thuận lợi, từ đó truyền tải những thông tin, hình ảnh về buổi lễ đến đồng bào cả nước và nhân dân thế giới, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Hoạt động của Trung tâm Báo chí đóng vai trò rất quan trọng vào sự thành công của hoạt động tác nghiệp bảo chí tại Lễ kỷ niệm. Vì vậy, các các ban, ngành, đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động báo chí; tổ chức cho lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên tác nghiệp một cách hiệu quả nhất, đảm bảo tính xuyên suốt trong quá trình diễn ra đại lễ, nhất là việc chụp hình, truyền hình ảnh, truyền âm thanh trực tiếp cho Lễ kỷ niệm.
Trong khuôn khổ Lễ ra mắt Trung tâm Báo chí phục vụ Đại lễ kỷ niệm 30/4, Ban Tổ chức cũng phát hành đặc biệt Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)" và khai mạc triển lãm trang Nhất ngày 30/4 của Báo Nhân Dân các năm (1975, 1980, 1985, 1990, 1995, 2000, 2005, 2010, 2015 và 2020).
Từ ngày 29/4 – 1/5, tại Bảo tàng Đà Nẵng sẽ có hai suất chiếu phim 3D Mapping Câu chuyện Đà Nẵng - The Story of Da Nang vào lúc 19h30 - 20h30 và 21h - 22h mỗi ngày. Bộ phim được trình chiếu tại mặt tiền tòa nhà Bảo tàng Đà Nẵng.
Phim 3D Mapping Câu chuyện Đà Nẵng - The Story of Da Nang sử dụng thiết bị chuyên dụng chiếu ánh sáng trực tiếp vào bề mặt tòa nhà 42 Bạch Đằng, kết hợp với âm thanh tạo nên hiệu ứng 3D Mapping.
Đây là công nghệ lần đầu tiên được trình chiếu ngoài trời tại thành phố Đà Nẵng, với sự kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng hình ảnh sống động, nhằm tái hiện câu chuyện lịch sử, văn hóa, khát vọng phát triển đi lên không ngừng của thành phố Đà Nẵng.
Bộ phim gồm 3 phần nối tiếp nhau, giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Nẵng xuyên suốt qua các giai đoạn lịch sử.
![]() |
Hình ảnh phim 3D chiếu lên mặt tiền tòa nhà Pháp cổ hiện là Bảo tàng Đà Nẵng. Nguồn: BTĐN |
Phần 1 của bộ phim là Khởi nguồn Đà Nẵng, tái hiện quá trình hình thành mảnh đất, cư dân và diễn tiến lịch sử thời kỳ tiền, sơ sử đến thời kỳ cổ - trung đại, gắn liền với các vương quốc cổ xưa, đặc biệt là dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, Chăm-pa, Đại Việt.
Phần 2 chủ đề Khúc tráng ca đấu tranh tái hiện cuộc đấu tranh trường kỳ của quân và dân Đà Nẵng chống lại thực dân phương Tây do Pháp dẫn đầu (1858 - 1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975); đồng thời, tái hiện quá trình hình thành và phát triển đô thị Đà Nẵng.
Phần 3 chủ đề Vươn mình trỗi dậy tái hiện công cuộc xây dựng, kiến thiết thành phố Đà Nẵng sau ngày giải phóng 29/3/1975; những dấu ấn, thành tựu khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 1997 và đặc biệt, giai đoạn thành phố chuyển mình trong kỷ nguyên hội nhập, phát triển, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu của cả nước và khu vực.
Phim 3D Mapping Câu chuyện Đà Nẵng - The Story of Da Nang là lời tri ân sâu sắc tới các bậc tiền nhân, các thế hệ cha ông và là điểm nhấn du lịch mới lạ - hấp dẫn - ấn tượng giữa lòng thành phố, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng nói chung và công trình Bảo tàng Đà Nẵng tại địa điểm 42 - 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú nói riêng đến với du khách trong và ngoài nước.
Mới đây, tại Công viên và Bảo tàng Đất nung Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã khai mạc trại sáng tác gốm Hành trình của Đất với sự tham gia của 13 nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, các nghệ nhân làng nghề gốm Thanh Hà, Hội An.
Hành trình của gốm là câu chuyện về hành trình nghệ thuật từ đất đến tác phẩm – một hành trình vẫn đang tiếp diễn, từ truyền thống đến hiện tại, từ bàn tay nghệ nhân đến tâm hồn người nghệ sĩ.
Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đồng thời cũng kỷ niệm 10 năm thành lập Công viên và Bảo tàng Đất nung Thanh Hà.
Từ những khối đất thô sơ, các nghệ sĩ sẽ tạo nên các tác phẩm gốm đương đại, phản ánh sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, cũng chính là câu chuyện hành trình nghệ thuật từ đất đến tác phẩm gốm.
![]() |
Từ những khối đất thô sơ, với cảm xúc, sự sáng tạo, mỗi nghệ sĩ sẽ tạo nên những tác phẩm gốm nghệ thuật. Ảnh: BTC |
Trong khuôn khổ sự kiện, các nghệ sĩ tham gia trại sáng tác cũng sẽ có những hoạt động giao lưu kết nối với cộng đồng như: Giao lưu, chia sẻ cùng người dân, các anh/chị thợ làng gốm Thanh Hà; đêm Gala nghệ thuật, tôn vinh vẻ đẹp của gốm, những người đã gắn bó với Công viên Đất nung Thanh Hà.
Ra đời vào năm 2015, tại làng gốm Thanh Hà hơn 500 năm tuổi nổi danh, Công viên đất nung Thanh Hà là một “bảo tàng gốm” của tư nhân đầu tiên ở Hội An.
Tại Công viên có các khu bảo tàng, giới thiệu, trưng bày sản phẩm các làng nghề gốm truyền thống Việt Nam; làng gốm Thanh Hà;...
Làng gốm Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, XVII, hưng thịnh nhất vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được triều đình Nguyễn ghi vào sách Đại Nam Nhất Thống Chí, phần thổ sản Quảng Nam.
Năm 2019, nghề gốm Thanh Hà đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.