Từ ngày 9-11/12, Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất lần thứ hai của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất được tổ chức ngày 10/12 là sự kiện mang tính toàn cầu đầu tiên của UN Tourism về du lịch nông thôn, dự kiến thu hút sự tham dự của 300 đại biểu từ cơ quan quản lý cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân. Hội nghị đồng thời sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh YouTube chính thức của UN Tourism.
Với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm tốt và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn, Hội nghị sẽ thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.
Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng và những đóng góp của du lịch trong việc thúc đẩy phát triển nông thôn, Hội nghị sẽ tập trung vào ba chủ đề chính: Chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn; thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn.
Du khách quốc tế tham gia làm nông nghiệp cùng người dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Chinhphu.vn |
Hội nghị dự kiến quy tụ các diễn giả từ cơ quan quản lý du lịch các quốc gia thành viên UN Tourism, các làng thuộc Mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism, các tổ chức quốc tế như FAO, PATA, WB, ADB, MTCO, các chuyên gia du lịch từ khu vực tư nhân (Booking.com, Fliggy, JTB, Intrepid, Planeterra, Rustic Hospitality…), các học giả và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch nông thôn. Trong khuôn khổ Hội nghị, phiên họp thường niên Mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism sẽ được tổ chức ngày 9/12, tập hợp các thành viên của Mạng lưới Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism để xây dựng khung chiến lược của mạng lưới và định hướng phát triển trong tương lai. |
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng sẽ tổ chức chương trình tham quan sẽ mang đến cơ hội khám phá các sản phẩm du lịch nông thôn và văn hóa nổi bật của tỉnh Quảng Nam khi trải nghiệm vẻ đẹp yên bình của làng rau Trà Quế, tìm hiểu nghệ thuật làm gốm truyền thống tại làng gốm Thanh Hà và đến thăm phố cổ Hội An - mảnh đất hội tụ và giao thoa của những nền văn hóa Đông-Tây.
Bộ phim My beautiful mom – Người mẹ xinh đẹp của tôi hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức được ký kết trong chiều 9/12, giữa Công ty Cổ phần BC Pictures, Công ty Cổ phần Tiền Phong và Công ty Cổ phần SJ World (Hàn Quốc). Phim dự kiến ra mắt năm 2025.
Bộ phim My beautiful mom - Người mẹ xinh đẹp của tôi do biên kịch người Hàn viết nhưng có nội dung thuần Việt 100%.
Kịch bản được nghiên cứu rất kỹ về văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, suy nghĩ, tình cảm… của người Việt Nam để khắc họa một câu chuyện đầy xúc động về tình mẫu tử với bối cảnh chính ở thành phố cảng Hải Phòng. Câu chuyện kể về sự hy sinh thầm lặng của người mẹ tàn tật, bằng cả tinh thần, của cải và tính mạng của mình để người con trai duy nhất của bà chạm đến thành công.
Ký kết hợp tác sản xuất phim “Người mẹ xinh đẹp của tôi”. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Bối cảnh được xây dựng hết sức quen thuộc và sống động ở thành phố cảng cùng các địa danh nổi tiếng khác ở Việt Nam. Ẩm thực Việt, văn hóa Việt được khai thác đậm nét. Đặc biệt, nghề cạo rỉ tàu, một công việc hết sức bình dị nhưng nặng nhọc của người phụ nữ miền biển sẽ lần đầu tiên lên màn ảnh Việt.
Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tiên và lớn nhất được hợp tác sản xuất giữa Hàn Quốc và Việt Nam kể từ sau đại dịch Covid-19. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ của Việt Nam sẽ tham gia với vai trò đồng đạo diễn cùng đạo diễn Hàn Quốc Yoo Cheol Young trong dự án hợp tác văn hóa lớn này. Bộ phim sẽ được quay hoàn toàn tại Việt Nam và hậu kỳ sẽ thực hiện ở Hàn Quốc. Phim có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Tiền Phong, một trong những đơn vị truyền thông uy tín hàng đầu Việt Nam sẽ bảo chứng cho một tác phẩm uy tín, đầy tính nghệ thuật nhưng cũng mang đậm hơi thở đời sống đương đại.
Phim dự kiến sản xuất cũng như ra mắt vào năm 2025 và sẽ gửi đi tranh cử ở các liên hoan phim uy tín trên thế giới.
Bộ phim “Người mẹ xinh đẹp của tôi” là dự án khởi động cho thỏa thuận hợp tác giữa Công ty sản xuất Hàn Quốc, SJ World Company; Công ty Cổ phần BC Pictures và Công ty Cổ phần Tiền Phong của Việt Nam. Mục đích của thỏa thuận hợp tác là góp phần phát triển văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, cũng như mong muốn nâng tầm văn hóa Việt, giới thiệu một nền điện ảnh Việt Nam hiện đại, phát triển đang dần hòa nhịp chung với điện ảnh châu Á và thế giới.
Sự kiện Hành trình qua nét bút - Từ văn hóa khoa cử đến nghệ thuật bút máy hiện đại đã thu hút hàng trăm người yêu thích chữ viết tay, sưu tầm bút và văn hóa thư pháp tại Hà Nội.
Sự kiện diễn ra tại Tiền đường nhà Thái học trong di tích Văn miếu-Quốc tử giám. Tại sự kiện, khách tham quan có dịp trải nghiệm không gian nghệ thuật thư pháp trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tìm lại giá trị của chữ viết tay trong thời đại số hóa.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh: “Sự kiện Hành trình qua nét bút hôm nay không chỉ là dịp để chúng ta tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa viết tay, mà còn là lời nhắc nhở mỗi người về giá trị của chữ viết trong cuộc sống hiện đại. Một nét chữ chỉn chu là sự phản ánh tâm hồn, tính cách và cả lòng quý trọng đối với tri thức. Đó là giá trị xuyên suốt mọi thời đại – từ sĩ tử xưa với bút lông, đến thế hệ hôm nay với bút máy. Sự kiện hôm nay cũng mang đến một thông điệp sâu sắc: Chúng ta cần không ngừng gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp này, nhất là trong bối cảnh chữ viết tay đang dần bị lãng quên bởi sự tiện lợi của công nghệ. Hãy để mỗi nét chữ, dù viết bằng bút lông hay bút máy trở thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa tri thức và tâm hồn và giữa con người với con người”.
Du khách trải nghiệm viết chữ Hán Nôm. Ảnh: BTC |
Sự kiện bao gồm 3 khu vực: Khu trưng bày các bộ sưu tầm bút máy cao cấp; khu trải nghiệm thư pháp và gian hàng thương mại của nhiều thương hiệu bút máy Việt Nam. Trong đó, khu vực trải nghiệm thu hút được nhiều khách tham quan nhất tại sự kiện.
Tại đây, khách tham quan có cơ hội tập viết chữ thư pháp Hán Nôm và trải nghiệm sơn mài truyền thống trên bút máy.
Chiều cùng ngày, Tọa đàm về bút máy diễn ra, đã thu hút đông đảo khách tham dự bởi những câu chuyện đến từ nhiều góc nhìn khác nhau giữa đại diện thương hiệu bút máy, các nhà nghiên cứu văn hóa và nhà văn am hiểu về chữ viết.
Sự kiện Hành trình qua nét chữ đã tạo nên một cầu nối văn hóa độc đáo, gắn kết vẻ đẹp truyền thống với hơi thở hiện đại, khẳng định giá trị bền vững của nghệ thuật viết tay trong dòng chảy thời gian.