Bộ Quốc phòng giao Quân khu 7 tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” vào tối ngày 20/4/2025 tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, huy động khoảng 425 diễn viên đang hoạt động ở tất cả các đoàn văn công trong Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng khoảng 600 diễn viên quần chúng. Tổng số diễn viên tham gia chương trình hơn 1.000 người.
![]() |
Một tiết mục nghệ thuật tại điểm cầu Thành phố Buôn Ma Thuột trong chương trình nghệ thuật "Bản trường ca hòa bình" . Ảnh minh họa. Nguồn TT&ĐS |
Vào tối 21/4/2025, tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam, Bộ Quốc phòng cũng giao Quân khu 7 tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt thính phòng với chủ đề “Bài ca thống nhất”.
Vào tối 29/4/2025, tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam, Bộ Quốc phòng giao Quân khu 7 tổ chức chương trình nghệ thuật “Rừng vọng”.
Đây đều là những chương trình nghệ thuật đặc biệt đều hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), khẳng định tầm vóc vĩ đại của chiến thắng lịch sử 30-4-1975 - chiến thắng kết thúc vẻ vang Chiến dịch Hồ Chí Minh, đưa non sông về một mối.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa công bố kết quả Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 16 (2024 – 2025). Theo đó, Giải thưởng Lớn Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 thuộc về công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (năm 2024); tác giả: KTS Hiroshi Miyakawa, KTS Trịnh Việt A, KTS Michio Oizumi, KTS Nguyễn Đình Đông, KTS Gen Sugiyama (Công ty Nikken Sekkei LTD).
Công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, vị trí nằm trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) là thiết chế văn hóa tạo ấn tượng và sức thu hút lớn với công chúng. Kể từ khi mở cửa, Bảo tàng đã trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ đối với đông đảo du khách trong nước và quốc tế khi đến Thủ đô.
![]() |
Giải thưởng Lớn Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia thuộc về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: BTC |
Giải thưởng lần thứ 16 đã nhận được 239 công trình, tác phẩm dự thi, trong đó Hạng mục Nhà ở có 88 công trình; Hạng mục công trình công cộng có 65 công trình.
Hạng mục Kiến trúc công nghiệp, bảo tồn và thích ứng di sản có 8 công trình; Hạng mục Kiến trúc nội – ngoại thất có 27 công trình.
Hạng mục kiến trúc cảnh quan có 9 công trình; Hạng mục Quy hoạch có 29 dự án; Hạng mục Ấn phẩm, Nghiên cứu – lý luận phê bình kiến trúc có 13 tác phẩm.
Các công trình, tác phẩm dự thi khá đa dạng, độc đáo, linh hoạt trong thiết kế, ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng.
Đặc biệt, tại Giải thưởng lần này có nhiều công trình công cộng có giá trị cao về kinh tế, văn hoá và chính trị, xã hội cũng như nhiều công trình có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng.
Kết quả, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 16 bao gồm: 1 Giải thưởng Lớn, 5 giải Vàng, 12 giải Bạc, 35 giải Đồng và 1 giải thưởng cho tác phẩm được cộng đồng yêu thích và bình chọn nhiều nhất, Bằng khen đơn vị đạt nhiều thành tích tại Giải thưởng và Giải thưởng Vì sự phát triển Kiến trúc.
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia là giải thưởng được tổ chức xét chọn, trao giải định kỳ 2 năm 1 lần do Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ VHTTDL tổ chức.
Giải thưởng nhằm thúc đẩy sáng tạo, tôn vinh tác giả, tác phẩm kiến trúc xuất sắc trên toàn quốc, góp phần định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc.
Chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Thành phố Huế (26/3/1975 – 26/3/2025) và Thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND TP Huế và 31tỉnh/thành phố thực hiện Triển lãm Không gian du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam.
Đây là hoạt động văn hóa, du lịch quan trọng trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Huế 2025 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh của đất nước và con người Việt Nam.
Triển lãm gồm nhiều nội dung phong phú và hấp dẫn, như: Khu triển lãm chung mang tên Không gian du lịch, di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam giới thiệu đến công chúng nhiều nôi dung trưng bày đặc sắc như: du lịch qua các miền di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, những di sản được UNESCO vinh danh.
Các hình ảnh các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mọi miền cả nước qua những bức ảnh đẹp, nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia.
![]() |
Hình ảnh Nhà hát Lớn Hà Nội tại Triển lãm. Ảnh: BTC |
Nội dung các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay đưa khách tham quan đến những vùng đất một thời là Kinh đô Việt Nam, nơi khắc sâu dấu ấn lịch sử văn hóa từ ngàn đời, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của đất nước; hình ảnh du lịch, di sản văn hóa các vùng kinh đô Việt Nam: Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thành phố Huế và Hà Nội.
Di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam tập trung giới thiệu các di sản văn hóa dân tộc của các vùng trên đất nước Việt Nam như: Văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ; văn hóa vùng thung lũng và núi cao phía Bắc; văn hóa vùng Nam Bộ trưng bày một số nhạc cụ dùng trong đờn ca tài tử Nam bộ…
Không gian triển lãm Lụa Việt Nam và câu chuyện áo dài là những câu chuyện về tơ lụa Việt Nam, qua những tấm lụa tinh hoa, đa sắc màu, là sắc thái văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đồng thời, trưng bày và giới thiệu các bộ sưu tập áo dài Việt Nam của các nhà thiết kế, tôn vinh và lan tỏa hình ảnh vẻ đẹp của người phụ nữ với những chiếc áo dài qua từng thời kỳ để nâng tầm áo dài thành một “vật phẩm văn hóa” trong ngoại giao, phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam đến với thế giới.
Bên cạnh đó là không gian văn hóa trà Việt giới thiệu sản phẩm và giao lưu văn hóa trà của các tỉnh: Điện Biên, Hà Giang, Thái Nguyên...
Không gian Du lịch di sản văn hóa và danh thắng của 31 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng, miền trên toàn quốc, giới thiệu những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội, danh thắng tiêu biểu; các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch; ẩm thực và sản vật tiêu biểu của các địa phương như Hà Giang; Điện Biên; Vĩnh Phúc; Bắc Ninh; Thanh Hóa; Phú Yên; Huế…
Xuyên suốt các ngày diễn ra Triển lãm là các chương trình nghệ thuật đặc sắc quy tụ các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ nhiều tỉnh, thành gồm các tiết mục mang đậm bản sắc của mỗi vùng miền tham gia triển lãm: chương trình nghệ thuật Lung linh những sắc màu di sản, Về miền Hương Ngự, Nhịp sống trẻ, giao lưu nghệ thuật Việt Nam quê hương tôi.
Đặc biệt, tối 30/4 sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước Việt Nam vang khúc khải hoàn…
Triển lãm là hoạt động văn hóa có ý nghĩa, góp phần tăng cường giao lưu giữa các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch và văn hóa nghệ thuật và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 27/4 – 2/5/2025 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thành phố Huế (số 41A Hùng Vương, quận Thuận Hóa, Thành phố Huế).