Vào tối 3/4/2025 tại Quảng trường Lâm Viên, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, sẽ diễn ra Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lâm Đồng (3/4/1975 – 3/4/2025) hướng tới 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Lâm Đồng không chỉ thể hiện sự trân trọng, tri ân quá khứ mà còn khắc họa chặng đường nửa thế kỷ dựng xây và phát triển đầy xúc cảm tự hào.
Đây là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, Lễ kỷ niệm được tổ chức nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của Nhân dân Việt Nam nói chung, quân và dân Lâm Đồng nói riêng, qua đó tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề Nam Tây Nguyên vui ngày giải phóng là điểm nhấn tại lễ kỷ niệm. Giữa quảng trường Lâm Viên, trên một sân khấu rộng mở, được thiết kế khoáng đạt, hiện đại, bản hòa âm đa sắc của các loại hình nghệ thuật trong chương trình hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc đối với người xem.
![]() |
Các nghệ sĩ tham gia chương trình. Ảnh: BTC |
Tham gia chương trình nghệ thuật là những gương mặt nghệ sĩ đã ghi dấu ấn tên tuổi trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam như NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Trần Tựa, Diva Mỹ Linh, ca sĩ Khánh Linh; ca sĩ Isaac; nhạc sĩ Yphon Ksor; nghệ sĩ Violin Trịnh Minh Hiền; nhóm nhạc “Dòng thời gian” cùng các cô gái trẻ Xuân Nhi, Quỳnh Thi, Phượng Anh; các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ Trung tâm VHNT Lâm Đồng. Tham gia chương trình có 70 diễn viên múa đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng.
Chương trình nghệ thuật gồm hai phần: Nhạc Cách mạng và Nhạc Đại chúng. Dòng chảy âm nhạc xuyên suốt, được bố cục chặt chẽ trong thời lượng 70 phút, gồm 3 chương: Giải phóng miền Nam; Nam Tây Nguyên vui giải phóng và Lâm Đồng ngày mới.
Nối dài cảm xúc hoan ca trong phần nhạc đại chúng là những ca khúc mang âm hưởng tươi mới, những tác phẩm thịnh hành trên thị trường âm nhạc Việt Nam, được thể hiện qua giọng ca của diva Mỹ Linh: Hương Ngọc Lan; Tháng 4 về; Tóc ngắn.
Xen kẽ các tiết mục hát, múa là những thước phim phóng sự, clip ngắn được thực hiện công phu, góp phần bổ trợ cho những thông điệp, cảm xúc mà chương trình nghệ thuật mong muốn đưa đến cho khán giả.
Ngày 25/3 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức chương trình tổng kết nghệ thuật năm 2024, trình chiếu 29 bộ phim xuất sắc được sản xuất trong năm. 29 tác phẩm phim tài liệu, khoa học có chất lượng nghệ thuật cao, phản ánh những vấn đề thời sự, những góc nhìn được xã hội quan tâm.
Đáng chú ý, nhiều tác phẩm hấp dẫn, cuốn hút người xem bởi ngôn ngữ, phong cách mới mẻ, thể hiện sự tìm tòi, tâm huyết, trách nhiệm của những người làm phim tài liệu, khoa học với đời sống xã hội. Nhiều tác phẩm mang ngôn ngữ mới mẻ, là những thước phim phản ánh chân thực nhịp đập thời đại.
![]() |
Hình ảnh trong bộ phim "Trong lòng thành phố tôi yêu”. Ảnh: BTC |
Cùng với những bộ phim về đề tài lịch sử như Chia lửa cùng Điện Biên; Nhà giáo đi B, nhiều tác phẩm mang tới người xem những câu chuyện, thông điệp sâu sắc. Phim Trong lòng thành phố tôi yêu, phản ánh những gương mặt, chân dung những người lao động đặc biệt yêu nghề, lạc quan và yêu đời, bền bỉ cống hiến cho dù công việc nặng nhọc “ở dưới lòng thành phố”.
Không đầu hàng số phận khắc hoạ chân dung những con người có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vượt qua số phận, đóng góp những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời và xã hội. Đó là những nhân vật truyền cảm hứng cho không chỉ những người cùng cảnh ngộ mà còn là tấm gương sáng cho người khác noi theo.
Hằng năm, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thường tổ chức những buổi tổng kết nghệ thuật để toàn bộ nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên cùng được xem lại các tác phẩm của mình nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng phim.
29 bộ phim là những lăng kính để các cán bộ, nghệ sĩ của Hãng phim cùng nhìn lại những tác phẩm đã ra đời trong năm qua; cùng đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ kinh nghiệm nhằm mục đích nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.
Đồng hành cùng lịch sử dân tộc và những chặng đường phát triển của đất nước, nhiều tác phẩm đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời là những di sản điện ảnh quý giá lưu trữ cho các thế hệ mai sau.
Chiều 25/3 tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, đã khai mạc Triển lãm Sắc thái Tây Hồ của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng.
Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng sinh năm 1954, tại Hà Nội. Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông thường xuyên tham gia các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, các triển lãm nhóm và cá nhân, góp mặt ở các trại sáng tác, có tranh trong các bộ sưu tập trong và ngoài nước.
Nguyễn Quốc Thắng lập nghiệp không bằng nghề bút màu vải vẽ, nhưng sắc màu và quang cảnh vùng hồ luôn âm ỉ thôi thúc ông khao khát trở lại với cây cọ, ghi lại những chuyển biến tinh tế của thiên nhiên và cuộc sống nơi đây.
Những bức vẽ họa nét đẹp và nhịp sống Hồ Tây như mang theo những cảm xúc, sự gắn bó và tình yêu của người họa sĩ. Sự say mê và cái vẻ lãng đãng trong từng bức tranh cũng như cuốn theo cả những xúc cảm của công chúng yêu hội họa.
![]() |
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng giới thiệu tác phẩm với bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh: BTC |
Tranh Hồ Tây của Nguyễn Quốc Thắng không tìm một địa chỉ gửi gắm cụ thể, không khuôn hẹp người xem ở phạm vi lứa tuổi hay vùng miền, mà mở ra một con đường chung – một ngã tư chung – của tất cả những người đã một lần đến tìm, đi ngang qua.
Với ông, hội họa vẫn là một vùng đất mở nhưng kiên định, không thể hòa tan. Hội họa đón nhận mọi góc nhìn, nhưng không chạy theo xu hướng; lắng nghe những thay đổi của đời sống, nhưng không dễ dàng đánh mất bản sắc.
Những bức tranh của Nguyễn Quốc Thắng không chỉ kể về ánh sáng và chuyển động, ngày xưa và hôm nay của gương hồ, mà còn lưu giữ những xúc cảm lặng lẽ, riêng tư của người nghệ sĩ – để rồi mỗi người xem, theo cách của mình, cũng tìm thấy một phần suy tư trong đó.
Triển lãm Sắc thái Tây Hồ kéo dài đến hết ngày 4/4/2025.