Công trình "Bảo tàng Đạo Mẫu" (xã Hiền Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) do KTS Nguyễn Hà thiết kế đã tạo dấu ấn đặc biệt tại Hội nghị kiến trúc quốc tế The World Around 2024. "Bảo tàng Đạo Mẫu"cũng là công trình ấn tượng trong suốt 20 năm hành nghề kiến trúc của chị.
Công trình có kiến trúc đương đại, dựng nên từ 5 triệu viên ngói cổ và hàng triệu viên gạch thất cổ mua từ 500 nhà dân khắp cả nước. Ngoài nơi thờ Mẫu,"Bảo tàng Đạo Mẫu" đây còn là không gian nghệ sĩ Xuân Hinh muốn lưu giữ và truyền bá nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc như hát văn, hầu đồng, quan họ, tranh cổ dân gian…
Dự kiến, Bảo tàng Đạo Mẫu sẽ chính thức được NS Xuân Hinh mở cửa tham quan |
Diễn thuyết trước các KTS hàng đầu thế giới, nữ KTS đến từ Việt Nam cho thấy sự khác biệt trong tư duy làm nghề thông qua việc tìm kiếm tính thiêng trong mỗi dự án kiến trúc.
Tại Hội nghị, văn hóa Đạo Mẫu của Việt Nam được giới thiệu tới bạn bè quốc tế theo từng lớp lang, từ lịch sử hình thành, tính ảnh hưởng và việc thực hành Đạo Mẫu trong công trình Bảo tàng Đạo Mẫu. Đó là dấu ấn như xây dựng bằng ngói cổ, tạo ra tính thiêng thông qua các lớp lang kiến trúc, cách đặt để ánh sáng và tạo nên yếu tố vi khí hậu... Công trình được ví như "một sự diễn giải đầy chất thơ về lịch sử vật chất địa phương trên một khu vườn cây ăn trái bên ngoài thủ đô Việt Nam".
Kết hợp giữa xây dựng truyền thống với hình thức hiện đại, công trình là minh chứng cho quá trình đô thị hóa cảnh quan nông thôn ở Việt Nam, đồng thời bảo tồn một di sản văn hóa đang bị đe dọa.
Trước khi được giới thiệu tại Hội nghị The World Around 2024, công trình Bảo tàng Đạo Mẫu của nghệ sĩ Xuân Hinh do KTS Nguyễn Hà thiết kế đã được vinh danh là Dự án kiến trúc tốt nhất năm 2023 do tạp chí Domus xếp hạng. Công trình cũng giúp KTS Nguyễn Hà trở thành người Việt đầu tiên nhận được giải thưởng kiến trúc quốc tế danh giá Moira Gemmill vào tháng 3/2024.
Chia sẻ về công trình của mình, KTS Nguyễn Hà cho biết, với chị, kiến trúc nên là sự lan tỏa để hỗ trợ con người phát triển khả năng cảm thụ tinh thần của chính mình. Và chỉ có con người đủ can đảm hoặc đủ dũng cảm để từ bỏ sự tìm kiếm bên ngoài mới có thể chạm tới được nội tại bên trong. Khi không gian kiến trúc đạt đến trạng thái tĩnh lặng, thì những người sống trên đó hoặc cư trú trên đó có xu hướng nhìn vào bên trong chính mình, có thể có những hoạt động để nhìn thấy ở chính mình. Đây là điều tôi luôn tìm kiếm khi thực hiện một dự án".
AT