Sáng ngày 08.11.2021, tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (số 275 Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Bảo tàng Văn học Việt Nam (08.11.2011 – 08.11.2021) và ra mắt website baotangvanhoc.vn.
Do hoàn cảnh đại dịch Covid-19 phải thực hiện giãn cách, không thể tập trung đông người, nên lễ kỷ niệm và khai trương website chỉ tổ chức giới hạn trong nội bộ bảo tàng.
Tham dự buổi lễ có nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng VHVN cùng toàn thể cán bộ, nhân viên đang công tác tại bảo tàng.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn – Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam
Trong bài phát biểu khai mạc, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhắc lại quá trình hình thành và phát triển của bảo tàng: Theo Quyết định số 1987/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng Văn học Việt Nam được thành lập ngày 8.11.2011.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cũng bày tỏ lòng biết ơn với thế hệ tiền nhiệm: nguyên Giám đốc BTVHVN – nhà thơ Hữu Thỉnh và các nhà văn, nhà thơ đã bỏ công sức và tâm huyết xây dựng nên BTVHVN trong gần hai mươi năm qua.
Trải qua nhiều năm xây dựng, sưu tầm hiện vật quý, giá trị và trưng bày, đến ngày 26.6.2015, Bảo tàng Văn học Việt Nam chính thức mở cửa đón khách đến tham quan. Sau 10 năm thành lập, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã trở thành địa chỉ văn hóa được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Đây chính là địa điểm bảo tồn, lưu giữ những di sản tinh hoa của văn hóa dân tộc; góp phần quan trọng vào việc giáo dục kiến thức lịch sử, văn hóa, văn học, khơi dậy niềm tự hào và truyền thống yêu văn chương cho các thế hệ mai sau.
Giám đốc cùng toàn thể cán bộ, nhân viên BTVHVN
Tại buổi lễ, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ thay mặt cán bộ, nhân viên bảo tàng, công bố ra mắt trang thông tin điện tử của bảo tàng với tên miền: baotangvanhoc.vn. Giám đốc bảo tàng cũng nhấn mạnh những công việc cần tiến hành trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng của bảo tàng, bao gồm: Ưu tiên sưu tầm, bổ sung hiện vật gốc; thành lập Hội đồng Khoa học Bảo tàng VHVN; phát triển bào tàng số; đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường nâng cao chuyên môn cho cán bộ, nhân viên.
Hiện tại, Bảo tàng VHVN đã kiện toàn bộ máy tổ chức gồm các phòng ban chuyên môn: Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm, Phòng Kiểm kê – Bảo quản, Phòng Trưng bày – Truyền Thông, Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Tài vụ; đồng thời xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tốt.
Thời gian tới, với những đổi mới trong phương thức phục vụ, Bảo tàng VHVN hy vọng sẽ thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn, ấn tượng đối với công chúng trong nước và quốc tế khi đến khám phá văn hóa và văn học Việt Nam.
Nguồn Vanvn