Sự kiện & Bình luận

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều bất cập

Trần Hữu Sơn
Chính trị xã hội
08:00 | 16/07/2024
Nhận thức của cộng đồng xã hội về di sản văn hóa dân tộc, cũng như vai trò công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc từng bước được nâng cao.
aa

Nổi bật là công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với các hoạt động kinh tế - xã hội của các địa phương, với các sinh hoạt cộng đồng; hướng tới xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.

Tuy nhiên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí là sai phạm; đặc biệt là với các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, bởi đây là loại hình di sản có cấu trúc và đặc trưng riêng. Các đặc trưng này đã chi phối rất nhiều đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy vấn đề này còn nhiều bất cập. Nguyên nhân quan trọng là chưa nắm được đặc trưng cơ bản của di sản, cũng như ảnh hưởng của những đặc trưng này đến di sản. Từ đó ở nhiều địa phương, bảo tồn di sản phi vật thể không đúng, không tôn trọng vai trò cộng đồng và các thành tố liên quan chặt chẽ đến di sản.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều bất cập

Có một thực tế ở nhiều địa phương hiện nay là sau khi di sản được vinh danh, việc bảo tồn di sản đã nảy sinh nhiều yếu tố bất cập. Thậm chí, có địa phương di sản đã biến dạng hoặc đánh mất vai trò của chủ nhân di sản; đem di sản tách rời khỏi không gian, môi trường sản sinh ra di sản. Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên đây là bởi những người quản lý văn hóa ở cơ sở đã vô tình hoặc cố ý “bỏ qua” những đặc trưng và cấu trúc của di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đã có những chủ trương và biện pháp (cách làm) phản tác dụng, thậm chí phản khoa học trong việc bảo tồn, phát huy di sản ở các địa phương.

Trong mọi di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng thì giá trị luôn luôn đóng vai trò hạt nhân cốt lõi của di sản. Trên cơ sở nhu cầu xã hội, mỗi cộng đồng đều hình thành nên một hệ thống giá trị khác nhau về tự nhiên, kinh tế, tri thức, tâm linh, đạo đức, thẩm mỹ v.v... Mọi giá trị trên đây đều nảy sinh từ nhu cầu cơ bản của con người, của cộng đồng, các giá trị đều mang tính cộng đồng, tính tộc người... Tuy nhiên, cũng có những giá trị mang tính phổ quát của cả một dân tộc, của nhân loại. Các giá trị ấy phản ánh quan niệm, tư tưởng của một cộng đồng, một tộc người. Các giá trị ấy được thể hiện sâu đậm, rõ nét. Nhất là các thành tố tôn giáo - tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội v.v... Các thành tố này nhiều khi còn mang tính thiêng, tạo ra các không gian thiêng ở vào những thời điểm thiêng. Các thành tố tôn giáo - tín ngưỡng tuy không phải là giá trị nhưng nhiều khi lại được phản ánh là cốt lõi của di sản; nhất là các di sản mang đặc trưng tôn giáo - tín ngưỡng. Ví dụ như “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đều là tín ngưỡng thờ then. Sự tiếp xúc giữa các thầy then với thần linh hoặc các nghi thức nhảy của người Dao quần chẹt, tục nhảy lửa của người Dao đỏ ở một số địa phương của tỉnh Hà Giang... thực chất là nghi lễ lên đồng, giao tiếp với thần linh của người Dao.

“Vỏ bọc” ngoài cùng của di sản là các thành tố văn hóa, nghệ thuật như: nghệ thuật ngôn từ (lời bài cúng, lời bài hát...); nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, múa, sân khấu...); nghệ thuật tạo hình (trang trí trên bàn thờ, trang phục...); nghệ thuật ẩm thực (trò chơi) v.v... Chính các thành tố văn hóa nghệ thuật này đã tạo nên một giá trị khác của di sản, đó là giá trị nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ. Vì thế nhiều người lại nhầm các thành tố văn hóa - nghệ thuật là hạt nhân của di sản. Do đó, ở nhiều nơi chỉ chú trọng bảo tồn các thành tố này mà quên bảo tồn các yếu tố hạt nhân, không chú trọng đến giá trị của di sản hoặc các yếu tố thiêng của di sản.

Như vậy, việc nhận diện bảo tồn, phát huy di sản nhất thiết phải gắn với cấu trúc và đặc trưng của di sản. Tuy phân chia ra làm ba “vòng lớp” của di sản như vừa phân tích trên đây, nhưng các yếu tố này đều có đặc trưng chỉnh thể nguyên hợp. Một di sản văn hóa không phải là số cộng các thành tố văn hóa với nhau mà tất cả các thành tố đều có quan hệ hữu cơ, kết cấu chặt chẽ. Các thành tố chi phối lẫn nhau, một thành tố thay đổi thì thay đổi toàn bộ di sản. Ví dụ như hạt nhân giá trị của Then thay đổi thì các thành tố khác về tôn giáo - tín ngưỡng, về nghệ thuật cũng đều thay đổi. Di sản then không còn là “thực hành then” mà chỉ còn là các thành tố đơn lẻ như hát then, đàn tính; hoặc như hát xoan nếu không hát ở cửa đình mà đưa lên trình diễn ở sân khấu thì cũng không còn là di sản nguyên gốc mà chỉ là tiết mục biểu diễn nghệ thuật hát xoan. Đặc biệt, các di sản của các dân tộc thiểu số liên quan nhiều đến tôn giáo - tín ngưỡng mà không hiểu được thành tố tôn giáo - tín ngưỡng thì thực chất không hiểu được di sản đó. Vì vậy, trong thực tế, rất nhiều tên gọi của di sản ở vùng dân tộc miền núi đều sai vì không hiểu được cấu trúc, đặc trưng chỉnh thể nguyên hợp của di sản.

Các di sản đều gắn chặt với không gian văn hóa sản sinh ra di sản. Đó có thể là không gian thiêng ở đình làng, ở nơi có các địa điểm hay các sự tích thiêng hoặc không gian thiêng của bản làng như khu rừng cấm của người Dao, khu rừng lễ hội của người Hà Nhì, sườn núi có đá thiêng của lễ hội gầu tào người Mông. Các không gian thiêng tuy chưa cấu trúc thành loại hình văn hóa nghệ thuật của di sản nhưng nó lại là một bộ phận cực kỳ quan trọng của di sản. Bất cứ một di sản nào cũng đều gắn chặt với không gian (không gian thiêng hoặc không gian trần tục). Ví dụ: di sản “Thực hành nghi lễ then” thì phải gắn với bàn thờ then; di sản “Hát trống quân Đức Bác” phải gắn với ngôi đình - trung tâm thiêng của lễ hội Cầu Đinh; di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ” phải gắn với các không gian thiêng là các đền, phủ... Nhưng khi bảo tồn di sản, ở nhiều địa phương lại không chú trọng về không gian. Bảo tồn di sản “Thực hành nghi lễ then” ở nhiều nơi lại coi vai trò của các ông then, bà then cũng như không gian thờ then là mê tín, dị đoan nên không chú trọng mà chỉ coi trọng phần nghệ thuật biểu diễn như hát then, đàn tính. Hoặc bảo tồn di sản “hát xoan” lại không chú ý đến nghi lễ hát ở cửa đình mà chủ yếu tập hát phổ cập cho học sinh ở các trường học. Những hiện tượng bảo tồn như trên đã phá vỡ cấu trúc của di sản, thậm chí, làm cho di sản biến dạng.

Một vấn đề nữa cũng rất cần quan tâm là di sản luôn gắn liền với chủ thể (chủ nhân) của di sản. Nhiều chủ nhân di sản là các nghệ nhân, đặc biệt là cộng đồng. Nhưng thực tiễn hiện nay rất nhiều di sản (nhất là lễ hội), cộng đồng bị gạt ra bên lề. Cộng đồng không được tham gia vào việc tổ chức, thực hành các di sản. Thay vào đó là bộ máy hành chính của nhà nước hoặc các doanh nghiệp. Đặc trưng của di sản là phải gắn chặt với chủ nhân sản sinh ra di sản. Nhưng không có sự tham gia của cộng đồng như hiện nay thì di sản đã mất chủ nhân và biến dạng.

Xét tổng thể thì văn hóa vốn thuộc về cộng đồng, do vậy bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phải hướng tới cộng đồng. Chính cộng đồng dân cư tại chỗ là người trực tiếp bảo vệ, thực hành cũng như phát hiện sự xuống cấp, những hành vi xâm hại di sản văn hóa. Đồng thời phải tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, hợp tác... về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, các hoạt động trưng bày giới thiệu di sản văn hóa… Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, chúng ta có thể tiếp cận được những quan điểm mới, những cách làm hay của các nước trong việc xử lý các vấn đề chung của thế giới về di sản văn hóa, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với di sản văn hóa Việt Nam.

Tiến sĩ, Viện Văn hóa dân gian TRẦN HỮU SƠN

Báo Văn nghệ số 28/2024

Thêm 26 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đệ trình UNESCO 2 Di sản văn hóa phi vật thể Thêm 8 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Khai mạc Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga Một ngôi làng – Ba di sản văn hóa thế giới
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.