Văn hóa nghệ thuật

Bất tử với Thăng Long - Dấu ấn của một Hà Nội thiêng liêng và hào hoa

Văn hóa nghệ thuật
08:27 | 10/10/2022
Vở kịch Cải lương Bất tử với Thăng Long ra mắt khán giả Thủ đô vào tháng 8-2022 hiện đang được biểu diễn tại các cụm rạp. Mới đây, Đoàn Cải lương truyền thống của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã quyết định đưa vở diễn tham gia tranh giải tại Liên hoan Sân khấu thủ đô. “Bất tử với Thăng Long” khắc họa chân dung và ca ngợi công lao to lớn của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương - một vị tướng tài của triều đình nhà Nguyễn đã hết lòng bảo vệ thành Hà Nội khi bị thực dân Pháp đánh chiếm và quyết hi sinh tại Thăng Long chứ không dâng thành cho giặc
aa

KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954-10/10/2022)

Vở kịch Cải lương Bất tử với Thăng Long ra mắt khán giả Thủ đô vào tháng 8-2022 hiện đang được biểu diễn tại các cụm rạp. Mới đây, Đoàn Cải lương truyền thống của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã quyết định đưa vở diễn tham gia tranh giải tại Liên hoan Sân khấu thủ đô. “Bất tử với Thăng Long” khắc họa chân dung và ca ngợi công lao to lớn của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương - một vị tướng tài của triều đình nhà Nguyễn đã hết lòng bảo vệ thành Hà Nội khi bị thực dân Pháp đánh chiếm và quyết hi sinh tại Thăng Long chứ không dâng thành cho giặc.

Từ tri ân tiền nhân…

Phân cảnh Tổng đốc Nguyễn Tri Phương khấu đầu tạ lỗi với dân trong vở Bất tử với Thăng Long

Vở cải lương Bất tử với Thăng Long được dàn dựng theo kịch bản của tác giả Nguyễn Sỹ Chức, chuyển thể cải lương Nguyễn Đình Tư, do Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn và được thể hiện bởi Đoàn Cải lương truyền thống của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Vở diễn kể lại câu chuyện về đại thần Nguyễn Tri Phương tuân lệnh triều đình làm Tổng đốc Hà Nội và đã cùng quân, dân Hà Nội quyết tử bảo vệ thành Hà Nội thời điểm bị giặc Pháp xâm lược. Câu chuyện về một vị tướng xuất thân bần nông nhưng tài giỏi xuất thần Nguyễn Tri Phương đã trở thành huyền thoại và hình mẫu của nhiều loại hình nghệ thuật gắn với những chiến công giữ thành Hà Nội, được lưu truyền qua nhiều thế hệ không chỉ với người Hà Nội nói riêng mà còn với tất cả người dân Việt Nam nói chung.

Khi bị thương, bị giặc Pháp bắt, dụ hàng, Nguyễn Tri Phương đã nêu cao dũng khí với câu nói bất hủ “Nếu ta chỉ gắng sống lay lắt, thì sao bằng ung dung chết vì việc nghĩa”. Với Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, việc nghĩa ở đây là giữ cho bằng được thành Hà Nội, giữ cho được cuộc sống bình yên của con dân trong thành. Và ông đã quyết định “tuẫn tiết” vì thành Hà Nội.

Tròn một tháng sau khi Tổng đốc Nguyễn Tri Phương mất, Vua Tự Đức cho lập đền thờ tại quê nhà và lệnh cho thờ ông ở đền Trung Nghĩa (Hà Nội). Lễ tế ở các đền thờ ông được tổ chức thường niên vào mùa xuân và mùa thu. Trong bài văn tế, vua Tự Đức đánh giá danh tướng Nguyễn Tri Phương là “bậc anh kiệt”. Ngày nay, bên bệ thờ Nguyễn Tri Phương tại đền Trung Liệt vẫn còn lưu lại hai câu đối do người đương thời viết: “Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích đạo/ Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên”.

Dịch nghĩa: “Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất/ Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh”.

Không chỉ lưu danh sử sách, hình tượng người anh hùng dân tộc, Thống đốc Nguyễn Tri Phương, đã được sân khấu hóa và trở thành đề tài của nhiều loại hình nghệ thuật như: Chèo, tuồng và ở “Bất tử với Thăng Long”, qua diễn xuất tài tình của các nghệ sĩ và sự dàn dựng công phu của cả đoàn kịch Cải lương truyền thống, Nhà hát kịch Cải lương Việt Nam, tấm lòng trung với nước, hiếu với dân của ông tiếp tục được thể hiện một cách bùng nổ, day dứt làm lay động trái tim của biết bao khán giả.

Ngôn ngữ của nghệ thuật Cải lương đã thực sự diễn tả hết những xung đột giữa các phe phái trong triều đình. Mặc dù chọn đối đầu với quân Pháp và trải qua bao biến cố thì thành Hà Nội vẫn thất thủ, nhưng hình tượng về người anh hùng – Tổng đốc Nguyễn Tri Phương vẫn tỏa sáng, kiên trung, cùng quân dân chiến đấu chứ không chịu khuất phục.

…Đến sự thăng hoa của nghệ thuật

Vở cải lương với các phân cảnh xung đột diễn ra hiệu quả, liên tục được thể hiện dưới sự giao thoa của kịch nói - hát tuồng – cải lương đã tái hiện mạnh mẽ diễn biến tâm lý của các nhân vật và làm tăng tính sử thi của tác phẩm, mâu thuẫn cũng như hành động kịch được đẩy lên thành cao trào khi Thành Hà Nội rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” và khi Tổng đốc Nguyễn Tri Phương từ chối hợp tác với quân Pháp đi đến quyết định “tuẫn tiết” với thành Hà Nội.

Ở mỗi trường đoạn Bất tử với Thăng Long đều để lại những xúc cảm mạnh mẽ cho người xem. Từ đoạn Công chúa Đồng Xuân hát ở Hồ Tây cho đến khi hạ màn tới các phân cảnh bọn quan phản nghịch trong triều xúi giục Tổng đốc dâng thành cho Pháp đều được thể hiện mượt mà, dứt khoát tạo điểm nhấn cho tác phẩm. Bên cạnh đó, ngoài các màn thể hiện ý chí chiến đấu mạnh mẽ, kiên trung của Tổng đốc, đoạn ông giả làm một người thường để trực tiếp xem quan lại đối xử với dân tàn tệ ra sao, để rồi đứng lên dẹp loạn, khấu đầu tạ lỗi với dân cũng là một phân cảnh gây xúc động, kéo khán giả đến gần hơn với hình ảnh một vị tướng xuất thân bần nông biết xót xa cho dân lại kiên trung với đất nước.

Sân khấu đã lặng đi, những con tim đã thổn thức trước sự hy sinh của danh tướng Nguyễn Tri Phương. Hà Nội kể từ thời điểm đó đã không còn được bình yên, người Hà Nội cũng trở thành người dân thuộc địa. Nhưng cũng từ giờ phút đó, ý chí không chịu khuất phục, không cam chịu làm nô lệ của người Hà Nội tiếp tục được nuôi dưỡng, âm ỉ và chờ thời cơ bùng cháy thành ngọn lửa thiêu đốt kẻ thù xâm lược.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhiều vị anh hùng dân tộc đã xuất hiện để dẫn dắt người Hà Nội nói riêng, người dân cả nước Việt Nam nói chung bền bỉ trong cuộc đấu tranh đòi độc lập tự do cho dân tộc. Và mỗi một cái tên, đều gắn với những huyền thoại sống rất đỗi tự hào.

Vở cải lương Bất tử với Thăng Long hứa hẹn tạo được dấu ấn với ban giám khảo qua cách xây dựng giản dị nhưng không sơ sài. Các diễn viên, nghệ sĩ truyền tải câu chuyện qua loại hình nghệ thuật cải lương tại tác phẩm này đều hết mình với nhân vật, dễ gây ấn tượng mạnh cho người xem. Với kịch bản mới và khá chau chuốt, Bất tử với Thăng Long ngoài câu chuyện lịch sử đặc sắc trong dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, còn đem đến cho khán giả yêu nghệ thuật sân khấu chất lượng cao, góp phần đưa cải lương lên một vị trí mới trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.

Nguồn Văn nghệ số 41/2022


Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.