So với hai kỳ trước, DANAFF III có bước phát triển vượt trội cả về quy mô, thời gian tổ chức và nội dung chương trình. Từ 5 ngày hoạt động chính thức ở hai kỳ trước, DANAFF III tăng thời gian chính thức của liên hoan phim lên 7 ngày. Tổng số phim được tuyển chọn vào các chương trình trong DANAFF III là hơn 100 phim (so với 46 phim của DANAFF I và 63 phim của DANAFF II); số buổi chiếu phim tăng lên đến khoảng 200 (so với 100 buổi của mùa trước).
![]() |
Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 sẽ diễn ra từ ngày 29/6 đến ngày 5/7 |
Đặc biệt, nội dung chương trình năm nay được mở rộng với nhiều điểm nhấn mới, trong đó đáng chú ý là sự ra đời của chương trình Toàn cảnh điện ảnh châu Á - tuyển chọn những tác phẩm điện ảnh châu Á xuất sắc và thành công tại các liên hoan phim quốc tế trong năm qua, cùng những bộ phim chọn DANAFF để công chiếu lần đầu. Năm nay cũng đánh dấu sự xuất hiện của Giải Phê bình phim châu Á trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh châu Á.
Ngoài ra, tại DANAFF III, sẽ trình chiếu 23 phim về chiến tranh của Việt Nam, trong đó có Truyền thuyết về Quán Tiên, được chuyển thể từ truyện ngắn nối tiếng của nhà văn Xuân Thiều, do Đoàn Tuấn viết kịch bản và Đinh Tuấn Vũ làm đạo diễn.
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, một cuộc sống mới thanh bình đã tràn về trên non sông, bầu trời xanh không còn tiếng máy bay gầm rú. Mặt đất không còn gót giày của viễn chinh, xóm làng đã không còn tiếng súng. Đã tưởng chiến tranh đã lùi xa, mọi điều đã vào dĩ vãng, nhưng như thơ Nguyễn Đình Thi:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Những buổi ngày xưa vọng nói về ấy, không chỉ là tiếng ông cha, tiếng đất đai, mà trước hết là tiếng của những trái tim đứng lên cầm súng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, tiếng của những cuộc đời, những thế hệ chiến đấu cho đất nước, non sông. Nó đi vào văn học nghệ thuật, đi vào điện ảnh, như một cảm hứng bất tận của người nghệ sĩ, nó chính là nguồn cảm hứng vĩ đại cho văn học nghệ thuật trong đó có điện ảnh. Hơn lúc nào hết, chính những tháng ngày này đã cho ra đời những tác phẩm về chiến tranh, trong đó nhiều tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh đã trở nên kinh điển của nền điện ảnh nước nhà, Những tác phẩm điện ảnh ấy, không chỉ cuốn hút hàng triệu trái tim người xem, mà còn mang lại nhiều vinh quang cho nền điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế qua nhiều giải thưởng mà phim ảnh Việt Nam đạt được...
Để làm nên những tác phẩm điện ảnh về chiến tranh xuất sắc, là những thế hệ nghệ sĩ điện ảnh sinh ra và sống cùng những cuộc chiến tranh vĩ đại của Tổ quốc. Nhưng bài viết này của tôi, lại xin viết về những thế hệ đạo diễn điện ảnh không sinh ra trong chiến tranh, nhưng những năm qua đã có những tác phẩm điện ảnh xuất sắc về những cuộc kháng chiến của đất nước, tiếp nối dòng phim chiến tranh cách mạng rất đáng tự hào của chúng ta.
Tôi nguyên là một người lính Trường Sơn và cùng thế hệ các anh (dù các anh lớn hơn tôi nhiều tuổi như Phạm Tiến Duật, Trần Nhương, Lê Lựu, Trọng Khoát, Phạm Trung Nhân)... đã sống chiến đấu và có nhiều trang viết về Trường Sơn quả cảm của chúng ta. Rồi chiến tranh kết thúc, giã từ Trường Sơn, nhìn lại những đám mây bay trên những đỉnh núi, lòng có chút bâng khuâng khi giã từ bao kỷ niệm thiêng liêng, bao sự tích anh hùng của cuộc chiến tranh, bao đồng đội đã nằm lại nơi đây. Đã cảm tưởng Trường Sơn thành xa mờ với biết bao người.
![]() |
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ trên trường quay phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" - Ảnh: TGĐA |
Nhưng may thay có những người nghệ sĩ điện ảnh đã không quên Trường Sơn. Ấy là năm 2020, nghĩa là 45 năm sau chiến tranh, Trường Sơn lại hiện nên hùng vĩ với chúng ta qua một bộ phim rất xúc động lòng người, nhất là với những cựu chiến binh chúng tôi là phim Truyền thuyết về Quán Tiên. Điều đáng trân trọng hơn là phim lại được làm nên bởi một đạo điễn trẻ, rất trẻ là Đinh Tuấn Vũ, sinh năm 1989, nghĩa là anh sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc 15 năm và từ ngày ấy đến nay anh chỉ sống trong thanh bình, nhưng tái hiện lại cuộc chiến tranh rất xuất sắc, với tất cả sự khốc liệt của đạn bom và của lòng người, mà ngay cả thế hệ những người lính chúng tôi cũng không phải đã hiểu hết, đã viết được.
Tôi xin được nói về một tác phẩm mới nhất về chiến tranh, khi nửa thế kỷ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trôi qua, mọi thứ đã tưởng là dĩ vãng, nhưng điện ảnh đã nhắc nhớ tới nó bằng một tiếng nói riêng, đậm chất sử thi, đậm chất anh hùng ca. Đó là Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại lịch sử - chiến tranh - chính kịch mới ra mắt gần đây, tháng 4 năm 2025 và gây một tiếng vang lớn, cũng là phim đạt doanh thu khủng nhất trong lịch sử các phim về đề tài chiến tranh từ trước tới nay (gần 200 tỷ).
Đạo diễn kiêm tác giả phim Bùi Thạc Chuyên là con trai nhà văn Bùi Bình Thi, cháu ruột nhà văn quân đội An Bình Minh. Có lẽ anh tiếp cận chiến tranh nhiều nhất chính qua những trang viết của cha, của chú. Với phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, anh bắt đầu ấp ủ và phát triển dự án phim trong 10 năm kể từ sau khi thực hiện một bộ phim ngắn 3D về địa điểm này vào năm 2014. Nhưng dự án chỉ bắt đầu triển khai vào năm 2022 với sự hỗ trợ từ những đơn vị tư nhân, qua đó trở thành bộ phim về chiến tranh đầu tiên của Việt Nam không sử dụng ngân sách nhà nước. Năm 2014, Bùi Thạc Chuyên đã đến địa đạo Củ Chi, sau đó anh thực hiện một dự án phim 3D dài 10 phút về địa điểm này, chính trải nghiệm đó đã giúp anh ấp ủ phát triển một bộ phim về địa đạo. Sau đó, Bùi Thạc Chuyên bắt đầu tập trung viết và hoàn thành kịch bản vào năm 2016. Dự án từng được lên lịch triển khai vào năm 2017 song không đủ nguồn vốn để đầu tư và ba năm sau, đã có một đơn vị sản xuất ở Úc ngỏ lời hợp tác để thực hiện bộ phim nhưng bất thành.
![]() |
Poster phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" |
Đến năm 2022, có tới sáu nhà đầu tư đồng ý bỏ vốn đầu tư cho dự án.
Khi bắt tay hợp tác với Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Thành Nam, một trong những nhà đầu tư đóng góp kinh phí làm phim, cho biết, ông muốn "góp phần làm cho giới trẻ quan tâm, tìm hiểu và suy ngẫm về chiến tranh Việt Nam, đồng thời cũng giới thiệu cho những người Mỹ một góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam".
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là phim Việt đầu tiên về đề tài chiến tranh vượt mốc 150 tỷ đồng. Trước đó, năm 2024, Đào, phở và piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn) - lấy bối cảnh cuộc chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội cuối năm 1946 - từng đạt 23 tỷ đồng. Tính đến ngày 21/5/2025, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã thu về 172,3 tỷ VNĐ kể từ sau ngày khởi chiếu chính thức và hai ngày chiếu sớm.
Phải rất nhiều năm rồi, dòng phim đề tài lịch sử - chiến tranh của điện ảnh Việt Nam mới trở lại đỉnh cao một lần nữa, trong một dịp lễ rất đặc biệt [...], vì thế mà sự thành công vang dội của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối nhân dịp lễ 50 năm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước đã làm nên một cột mốc mới cho dòng phim đề tài chiến tranh và có thể tạo cảm hứng cho nhiều bộ phim có đề tài tương tự được đầu tư sản xuất.