Chuyến đi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) của Tổng Bí thư Tô Lâm thực sự được cộng đồng quan tâm và ca ngợi.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: Quân đội Nhân dân |
Là một phóng viên theo dõi mảng biên giới biển đảo gần như suốt hành trình làm nghề của mình, tôi thật sự bất ngờ khi trung tuần tháng 10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm, trong cuộc đến thăm và làm việc tại Quảng Trị đã chọn ra đảo Cồn Cỏ, hòn đảo tiền tiêu có vai trò rất quan trọng với chủ quyền lãnh hải quốc gia.
Rồi tiếp sau đó chưa đầy một tháng, ngày 14-11-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm lại chọn đảo Bạch Long Vĩ (Quảng Ninh) - hòn đảo nằm giữa tâm vịnh Bắc Bộ, để thăm và làm việc với quân dân huyện đảo. Đã từng đến Bạch Long Vĩ và khá gắn bó với Cồn Cỏ, tôi hiểu rằng với vị trí địa lý và vai trò lịch sử của hai hòn đảo này, câu chuyện ở đây không chỉ là chuyến thăm và làm việc thông thường của người đứng đầu Đảng!
Và ngày 5-2-2025 vừa qua là chuyến dâng hương của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên. Một sự kiện thật nhiều ý nghĩa, nhất là vào những dịp tháng Hai như thế này, khi hoa đào bừng lên dọc dặm dài biên ải với lời nhắc về tháng 2/1979, máu của những người dân, người lính đã thêm một lần thấm đẫm vào đất đai để giữ gìn cương thổ của ông cha.
Trong chuyến viếng thăm Vị Xuyên lần này của Tổng Bí thư còn có thêm hai Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an, chắc chắn câu chuyện về cuộc chiến bảo vệ biên giới từ 1979, kéo dài đến 1989 (tròn 10 năm) và kết thúc ở Vị Xuyên sẽ được tuyên truyền sâu sắc và rộng rãi hơn.
Biên giới phía Bắc không chỉ có Vị Xuyên.
Ở Móng Cái có quần thể tưởng niệm Pò Hèn được xây dựng rất quy mô bề thế trong giai đoạn Thủ tướng Phạm Minh Chính đang làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh. Pò Hèn là thiên hùng ca bi tráng mà những ai đã đến đây, nhìn vào tấm ảnh những người lính của đồn được chụp với những nụ cười rạng rỡ trong nắng xuân ngày Tết dương lịch 1-1-1979 sẽ quặn lòng đau đớn khi biết rằng chỉ hơn một tháng sau khi chụp tấm ảnh ấy, hầu hết những người lính trong bức ảnh đều ngã xuống giữa sân đồn trong cuộc tập kích bất ngờ vào rạng sáng 17-2 năm ấy. Họ đều còn rất trẻ. Dọc dặm dài ải Bắc có rất nhiều đồn biên phòng (thời điểm 1979 gọi là đồn Công an vũ trang) mà tất cả lính đồn đã hy sinh.
Ở Cao Bằng có đền tưởng niệm Tổng Chúp, nơi tưởng nhớ hàng chục người dân vô tội bị quân Trung Quốc thảm sát bằng cách đập đầu đến chết trước khi chúng rút về nước ngày 9-3-1979. Bao nhiêu năm đi về với biên ải, khi mà những người lính hy sinh trên ải Bắc đã có Pò Hèn, có Vị Xuyên, có những đài hương được đồng đội dựng lên tưởng tiếc thì canh cánh trong tôi vẫn là nơi giặc thảm sát 43 người dân Tổng Chúp gần như bị xóa dấu vết. Nơi thềm giếng mà giặc đập đầu dân ném xuống sau 45 năm chỉ còn mảnh xi măng ghi mấy dòng tóm tắt “Vụ thảm sát tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước”. Và rồi sau 45 năm những oan hồn dân Tổng Chúp lạnh lẽo nơi bờ tre, suối cạn, đến dịp 17-2-2024, ngôi đền được khánh thành với kinh phí gần 15 tỷ đồng mà người góp phần quan trọng nhất để bà con bị thảm sát có nơi hương khói là ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước (cũng kể thêm là không chỉ xây đền tưởng niệm, hơn 10 năm qua, chỉ riêng biên giới phía Bắc, với uy tín cá nhân ông đã giúp cho các tỉnh biên giới có thêm hàng vạn ngôi nhà tình nghĩa, hàng vạn gia cầm gia súc cho bà con cải thiện đời sống).
Nhiều lần lên Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, chứng kiến nơi này đang được đầu tư mở rộng gấp 6 lần (từ 2 hecta lên gần 12 hecta), tôi có ý nghĩ nên chăng xây ngay tại đây một bảo tàng về cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979-1989. Việc này nếu không làm nhanh thì rất nhiều chứng tích, chứng nhân sẽ không còn vì đã 46 năm trôi qua. Cũng nên dành một “Vườn cây 79-89” tưởng niệm trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên. Vườn cây đó có thể chia làm hai cụm, một cụm 79 cây và cụm kia 89 cây, số cây đó sẽ do mỗi tỉnh thành trên cả nước cùng góp sức. Mỗi địa phương sẽ trồng một hay vài cây cổ thụ đặc trưng của quê hương, để các liệt sĩ xa cố hương có thể nương trong bóng cây mà gặp được quê nhà.
Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên với quy mô hiện có, đã xứng đáng trở thành Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Và Hà Giang, địa đầu cực Bắc cũng xứng đáng được xây dựng trở thành điểm hành hương tri ân mỗi tháng 2 như Điện Biên vào tháng 5 và Quảng Trị vào tháng 7.
Rất nhiều lần lên với Lũng Cú, ngồi dưới chân cột cờ cực Bắc, nghe lá cờ đỏ sao vàng lộng thổi trên đầu, bất giác trong tôi hình dung rõ ràng hình thế biên cương Tổ quốc, và lần nào cũng thế, một xúc cảm lạ kỳ dâng ngập hồn: Trên bản đồ, tuyến biên giới phía Bắc từ A Pa Chải (Điện Biên) đến Trà Cổ (Quảng Ninh) như một cánh cung cong hướng lên phía Bắc mà Lũng Cú là tâm điểm để đặt vào đó mũi tên vệ quốc. Hình hài của mũi tên vệ quốc ấy của hôm nay chính là cột cờ cực Bắc vút thẳng lên trời xanh và lá cờ đỏ sao vàng như cánh buồm đỏ thắm phần phật reo trong gió sớm.
Từ cực Bắc, từ Hà Giang, từ Vị Xuyên, từ A Pa Chải, A Mú Sung đến Pò Hèn, Trà Cổ còn bao nhiêu nữa những nhà bia hoang sơ trong lau cỏ, còn bao nhiêu nữa những mộ phần hoang lạnh lưng đồi, sao không bắt đầu từ tháng Hai này để khởi động rộng rãi cho hành trình mùa xuân biên ải, để tưởng niệm những người lính nằm lại trong cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc một cách toàn diện hơn, thấu suốt hơn, để đến và sẻ chia cùng những người dân bao đời là cột mốc sống của biên cương, hãy dành những ngày xuân, cùng với việc đi lễ đình chùa miếu mạo, cũng nên hành hương về biên ải.
Xin nhắc điều này: nếu ai đã đi suốt những đồn biên phòng ải Bắc sẽ thấy trước mỗi đồn thường có một nhà bia, và trên tấm bia khắc tên những người lính hy sinh ấy, sẽ thấy nhiều, rất nhiều những người lính mang họ Giàng, họ Sùng, họ Nông, họ Bàn…, họ đã được sinh ra ở biên ải, ngã xuống nơi biên ải cho phía sau họ, là hậu phương là chúng ta, được sống bình yên!
Một nhà nghiên cứu lịch sử, khi nói về chiến tranh biên giới phía Bắc đã nhận định vô cùng xác đáng: “Cuộc chiến bảo vệ biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay. Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau.”
Tháng Hai, hy vọng và khởi động!