Mở đầu Độc thoại sen là bài thơ Tôi và sen, những câu thơ đầy hình tượng, tìm tòi, suy ngẫm, gợi mở trong tâm thức “Tự bứng mình lên khỏi đêm, khỏi ngày, khỏi xa lạ/ âm thầm nở/ âm thầm thơm/ âm thầm lan tỏa”. Trong câu thơ này tôi thích cách chị sử dụng từ “bứng” với sen.” Sen trong lòng mỗi người dân Việt tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết. Sen cũng là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca và nghệ thuật’. Sen cũng là sự giác ngộ và giải thoát trong tôn giáo, việc “bứng” mình lên chính là sự giải thoát khỏi sình lầy và không ô nhiễm bởi bùn nhơ.
Cứ âm thầm nở, âm thầm thơm, âm thầm lan tỏa, âm thầm khoe sắc. Sen ẩn sâu trong tiềm thức, sen ăn từng đọt gió, sen uống từng ngụm sương để dâng cho đời nhụy vàng, hoa trắng, lá xanh. Hình ảnh gió, hình ảnh sương được chị lựa chọn dành cho sen đầy lý trí và xúc cảm, bởi sen là sự thanh tịnh, sương gió là sự tinh khiết của trời đất dành cho vạn vật, nhưng cũng đầy khí phách hữu thực dành cho sen. Khổ cuối bài thơ đã định hướng mở trong lập luận của sự so sánh “Sen và tôi/ Tôi và sen/ vượt lên định kiến thói quen sình lầy/ trong như gió/ nhẹ như mây/ thơm/ trên bầu ngực ánh sáng”. Đặt người vào sen, đặt sen vào người đó là sự sắp đặt có ý thức trong một không gian rộng. Sen giản dị, thanh tịnh, sâu xa hơn sen còn là biểu tượng, sen còn là đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật. Đời người, đời sen có một sức sống mãnh liệt đến kì lạ. Hình ảnh về sen chỉ là sự biểu đạt về ngôn từ, về kí tự, về hình tượng để làm bật lên bản thể của cõi người, của kiếp nhân sinh trong hành trình nhận thức giữa bóng tối và ánh sáng, giữa sình lầy và thanh tịnh.
Trong bài thơ Người đàn bà gốm chị viết “người đàn bà qua hai lần lửa/ hai lần bóng đêm/ hồn lửa ngủ êm/ không nắng gió/ không bình minh/ người đàn bà lặng thinh/ vốc thời gian vào tối/ giấu nguyện cầu không lời/ giấu đêm trong thế giới cong/ ma mị men mật ong/ ánh nền đất cẩm sa/ âm dương giao hòa/ trong vũ khúc đêm/ trong vũ khúc ngày/ hoa hồng vươn lên/ em/ người đàn bà gốm/ sinh sôi”. Hình ảnh người đàn bà trong thơ chị đầy ám ảnh, đầy số phận. Chị liên tưởng giữa gốm và người đàn bà. Gốm được tạo lên từ đất, từ nước, từ lửa. Đất đau đời đất qua lửa mới tạo nên hồn gốm. Còn người đàn bà trong thơ chị tảo tần, thân phận “đi qua hai lần lửa”, “vốc thời gian vào tối” bằng trực quan và sự quan sát tinh tế chị mới nhận ra những sắc thái đời sống của người đàn bà, qua đó thể hiện độ sâu của cuộc sống nội tâm, để người đàn bà trong thơ chị đi qua đổ vỡ, mất mát, đớn đau và hồi sinh một cách mạnh mẽ như vũ điệu của hoa hồng vươn lên trong ánh sáng.
Chị cũng có rất nhiều bài thơ viết về đàn bà, về giới tính nữ như Em, người đàn bà, Nghĩ ở chùa, Với con, Anh đón em về làm cô giáo đảo xa, Với em, Mơ giấc tầm gai, Dù sen đã tàn, Chiều Tam Bạc v.v... Ở tập thơ Độc thoại sen chị có những câu thơ chiêu dụ lòng người, cuốn hút người đọc, như “sau tất cả nỗi đau/ anh đến thắp lại/ người đàn bà trong em/ dù đã/ tàn sen” (Dù đã tàn sen), hoặc “Em về nhón lại câu thơ/ vắt lên bờ giác đường tơ lỗi mùa/ tầm gai ai buộc sân chùa/ câu kinh hư thực bỏ bùa hồn sư” (Em Về); “là anh người của ngày xưa/ đưa em về lại cơn mưa thủa nào” (Là Anh); “Sân ga khô khốc còi tầu/ ngổn ngang trăm mối biết đâu mà tìm/ ngẩn ngơ cầm một đức tin/ đã bay theo tiếng chim bìm bịp kêu”; “lặng thầm giấu mặt vào đêm/ ầu ơ hoa cải ru mềm rau răm” (Với Mẹ)… Tôi nghĩ thơ với chị đồng hành như một người bạn, chị yêu nỗi buồn của thơ, yêu nỗi buồn của người đàn bà như một tiếng vọng giữa thinh không. Chị im lặng để nhận ra âm thanh trong cuộc sống, những buồn vui, hạnh phúc, khổ đau chiết thành những câu thơ lục bát uyển chuyển như ru hồn vào từng số phận với nhu cầu tha thiết được yêu thương.
Trong bài thơ Anh đón em về làm cô giáo đảo xa có những câu thơ đầy giai điệu, mầu sắc và niềm tin vào tình yêu “thương cây bàng vuông đợi mùa thay lá/ thương ngọn rau cọng cỏ chờ mưa..../ nỗi nhớ nảy mầm trong đá/ anh đón em về làm cô giáo đảo xa”. Trong bài thơ Nghĩ ở chùa lại đau đáu câu hỏi về những người thay phật hành đạo, về sự hỗn loạn thật, giả, tham, sân, si ở nơi đền chùa, miếu mạo “kệ kinh nhuốm những vàng thau/ ba trăm tỷ* có làm đau lòng chùa”.
Thơ chị là điệu thức của tâm hồn một người phụ nữ từng trải, có vốn sống và sự chiêm nghiệm. Chị vượt qua được hệ thi pháp cũ: “kể - tả - suy luận - kết thúc - đóng” để tìm tòi thể nghiệm trong hệ thi pháp mới: “nghĩ - cảm - suy tưởng - kết thúc - mở”. Ví như bài thơ Đời Lá chị viết “Lá oằn mình đau đớn/ để đỏ/ vượt qua giông bão/ để cười/ sau kiệt cùng xanh cho cây và quả/ lá trở về/ thủy chung cùng đất/ ngay nơi lá rời khỏi/ mầm xanh mới đâm chồi/ âm thầm diệp lục/ luân hồi...”. Hoặc “đi gần trọn kiếp người/ bếp xưa/ ủ lửa/ thắp sáng tôi”; “em cõng ngày vào đêm/ tự ru/ vơi đầy tháng tư/ kiêu hãnh nhận ra mình”. Kết thúc những câu thơ mà luôn mở ra hướng liên tưởng, khiến người đọc vừa tiếc nuối, vừa muốn dùng lý trí để nghĩ về những ẩn ý đằng sau nó.
Đàn bà và Sen trong thơ Lê Phương Liên không quá lộng lẫy, không quá kiều diễm nhưng lại có một sức quyến rũ đến lạ lùng. Đó chính là sự thầm kín đầy hương vị của Sen, sự khát khao bản ngã vượt lên đầy bao dung, thánh thiện của người đàn bà. Mong và chờ đợi Lê Phương Liên sẽ có những bùng nổ, đột phá trong một tương lai gần nhất.
Nguồn Văn nghệ số 40/2020