Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Chân lý" của Hoàng Minh Châu

Lê Huy Hòa
Tác phẩm và dư luận 14:00 | 24/04/2025
Baovannghe.vn - Nhan đề bài thơ có vẻ như không ăn nhập với nội dung bài thơ. Tôi nghĩ thế sau khi đọc một lần bài thơ này của nhà thơ Hoàng Minh Châu.
aa

CHÂN LÝ

Bài thơ
Người lính trở về quê sau giải phóng năm 1975, ba lô có búp bê cho con gái ở nhà. Ảnh: Marc Riboud

HOÀNG MINH CHÂU

Tìm mua chiếc ba lô

Đợi hè sang đi núi

Chợ trời, gian ký gửi

Một chiếc cũ còn bền

Nhưng bật cái nắp xem

Tròn vo hai lỗ thủng

Nâng lên rồi đặt xuống

Nhìn kỹ càng phân vân

Viên đạn trượt qua lưng?

Hay vẫn gài trong ngực?

Giá máu này ai mang

Cho chợ trời nói thách

Chợ trời không nói thách

- Tính rẻ bác thôi mà

Bởi ông ta không biết

Đắt mấy, mình cũng mua.

LỜI BÌNH

Nhà thơ Hoàng Minh Châu sinh năm 1930 tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1961 (trước tôi 9 khóa). Ông nhiều năm làm Phó Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ. Ông có bề dày sáng tác đáng nể với 23 đầu sách đủ các lĩnh vực: thơ, văn xuôi, phê bình tiểu luận… Trong đó có nhiều bài bàn về thơ rất sâu sắc. Về thơ, đọc lại Hoàng Minh Châu, ta cảm nhận được một hồn thơ bình dị, trong sáng mà sâu sắc. Ông có nhiều bài thơ ngắn độc đáo, mà trong số đó bài “Chân lý” là một điển hình.

Nhan đề bài thơ có vẻ như không ăn nhập với nội dung bài thơ. Tôi nghĩ thế sau khi đọc một lần bài thơ này của nhà thơ Hoàng Minh Châu. Chân lý là một khái niệm mang tính lý luận, có tính khái quát cao, là “sự phản ánh sự vật, hiện tượng của hiện thực vào nhận thức con người đúng như chúng tồn tại trong thực tế khách quan” (Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2004). Còn nội dung bài thơ là câu chuyện rất cụ thể: một người đi mua một chiếc ba lô chuẩn bị cho một cuộc Píc - níc vùng cao. Phải leo núi, ba lô là thứ thích hợp nhất. Không thể mang cặp cứng sang trọng hay một thứ đựng đồ dung khác được. Tuy nhiên, bài thơ có “tứ” hay được dồn nén để bật ra ở khổ cuối. Có phải chăng đây là cơ sở để tác giả đặt tên bài thơ là “Chân lý”. Ta hãy bắt đầu theo chân người (con trai) đi chợ trời để chứng kiến cuộc mua bán đặc biệt này. Tại sao không phải là các chợ nào khác, hay một con phố có bán đồ cũ? Mà phải ra chợ trời. Chợ trời là tên gọi một cái chợ có thật ở Hà Nội, nó tồn tại đến nay có lẽ đã hơn nửa thế kỷ. Ở đó mua bán “trăm thứ bà giằn” nhất là đồ cũ ta, tây chỉ còn thiếu súng ống, xe tăng và máy bay…

Người con trai đi mua một chiếc ba lô ở chợ trời vì rất sẵn, tha hồ chọn và hy vọng giá rất rẻ: Chợ trời, gian ký gửi/ Một chiếc cũ còn bền. Mừng quá, món ông tìm đã đáp ứng hai “tiêu chí”: trong gian ký gửi đoàng hoàng chứ không phải nó nằm vạ vật bụi bẩn và mừng hơn là cũ nhưng còn bền. Nhưng để chắc ăn, ông phải xem kỹ món hàng mình mua: Nhưng bật cái nắp xem/ Tròn vo hai lỗ thủng/ Nâng lên rồi đặt xuống/ Nhìn kỹ càng phân vân. Nếu như người mua bình thường thì dứt khoát từ chối không có chuyện phân vân. Mua ba lô có hai lỗ thủng làm gì, dù có rẻ đến mấy. Nhưng người mua ba lô trong bài thơ này, tôi đồ rằng là người lính đã từng tham gia chiến đấu chống xâm lược để bảo vệ tổ quốc.

Cho nên ông mới có những câu hỏi và suy luận rất lô gíc, rất thực tế này: Viên đạn trượt qua lưng/ Hay vẫn gài trong ngực. Vì bản thân ông, hay đồng đội của ông đã rơi vào hoản cảnh ấy. Có chiến sỹ may mắn thoát chết khi đạn quân thù bắn trượt qua lưng, đạn xuyên ba lô và nằm trong ngực.

Đến đây một trạng thái tâm lý khắc khoải ở người mua ba lô xuất hiện. Vậy ai, ai dám mang một kỷ vật thiêng liêng (có thể đó là chiếc ba lô của một bệnh binh, của một liệt sỹ?) đem ra chợ trời bán để họ nói thách? Câu thơ thật xa xót đến mức uất nghẹn: Giá máu này ai mang/ Cho chợ trời nói thách. Người bán ba lô dù có khăng khăng rằng không nói thách, thì người mua vẫn không tin. Và thật bất ngờ: Chợ trời không nói thách/ Tính rẻ bác thôi mà/ Bởi ông ta không biết/ đắt mấy mình cũng mua. Chú ý: Lúc đầu, người mua xem kỹ chiếc ba lô và phân vân vì ba lô thủng. Cuối bài thơ thì đắt mấy mình cũng mua. Vì chiếc ba lô ấy chắc chắn là ba lô của đồng đội ông, đã nhuộm máu của đồng đội ông. Nó là kỷ vật chiến tranh không bao giờ cũ. Không ai có quyền đem máu của đồng đội ông ra để ra giá và nói thách.

Hai lỗ thủng trên ba lô như đôi mắt của đồng đội ông đã ngã xuống vì đạn quân thù – như đang nhìn ông, xoáy vào trái tim ông day dứt. Dù ông đi leo núi, cũng như có đồng đội bên mình, hay ông treo ở nhà cũng như ấm chút tình đồng đội.

Bài thơ theo thể 5 chữ giản dị, hình ảnh gợi nghĩ sâu sắc. Cái hay là ở “tứ” thơ dồn xuống hai câu cuối. Có phải đấy là Chân lý. Chân lý của sự hy sinh cao cả.

Ra mắt vở kịch rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới

Ra mắt vở kịch rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới

Baovannghe.vn - Mới đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã đưa vào khai sàn vở diễn rối cạn Hồn Trương Ba, da hàng thịt phiên bản 2025 với sự kết hợp rối người, con rối và rối bóng.
Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Baovannghe.vn - Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025) - chiến thắng lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1
GV đánh giá SGK Cánh Diều có nhiều điểm mới sáng tạo, tài nguyên học phong phú

GV đánh giá SGK Cánh Diều có nhiều điểm mới sáng tạo, tài nguyên học phong phú

Baovannghe.vn - SGK Cánh Diều vừa giữ bản sắc văn học dân tộc, vừa mở rộng tầm nhìn văn hóa, giúp học sinh tiếp cận giá trị truyền thống và phong cách ngôn ngữ đa dạng.
Chiêm bao - Thơ Nguyễn Hữu Quý

Chiêm bao - Thơ Nguyễn Hữu Quý

Baovannghe.vn- Chiêm bao em đã lấy chồng/ Tôi đi xuống bến thành sông lẻ bờ
Sân chơi cho các nhà làm phim "nhí" chính thức được khởi động

Sân chơi cho các nhà làm phim "nhí" chính thức được khởi động

Baovannghe.vn - Qua ống kính trẻ thơ, sân chơi làm phim miễn phí dành cho học sinh toàn quốc vừa chính thức được khởi động.