Trong tính tương đối của những thực thể được hình dung, nếu văn xuôi (ở đây nói đến tiểu thuyết và truyện ngắn) là chuyện của đời, thì thơ là chuyện của lòng. Nếu văn xuôi hướng đến những hành trình, thì thơ làm hiện hình khoảnh khắc. Nếu văn xuôi là sự kiện được mô tả, thì thơ là sự kiện được cảm nhận. Như thế, về căn bản, thơ là những khoảnh khắc tâm trạng, chuyện của lòng được cảm nhận và tự thể hiện thông qua nhịp điệu của ngôn từ và hình ảnh.
Trở lên, bằng thao tác xếp chồng văn bản, qua 39 bài thơ trong tập Cúi mình xuống lượm hột cơm rơi (Nguyễn Thị Kim Tuyến), chú ý vào sự vận hành của những khoảnh khắc, có thể nhận ra, đó là nhịp điệu tâm tình thủ thỉ cất lên từ bưng biền xứ sở. Xuyên suốt tập thơ là hình tượng một cái tôi trữ tình lựa chọn vị thế người con, người em, người bạn với dáng vẻ khiêm nhường và tấm lòng trọng thị, lắng nghe, thấu hiểu, biết ơn, dành cho quê hương, gia đình, người lính, tình yêu, bạn bè, thời cuộc. Sáu mạch thơ, dẫu khác nhau về đối tượng được nói đến, nhưng đều có sự thống nhất về hình tượng nhân vật trữ tình, thái độ, ngôn ngữ, giọng điệu mà thi sĩ lựa chọn - ký thác.
|
Quê hương đẹp hơn trong nỗi nhớ của kẻ tha hương. Nếu không phải là quá cực đoan, quê hương thuộc về thơ ấu. Chỉ có thơ ấu (như một ký ức) mới cất giữ một cách ân cần nhất hình bóng quê hương. Chúng ta lớn khôn, theo những cách khác nhau, nhưng phần lớn đều lần lượt rời xa quê hương. May mà còn ký ức, để thi thoảng ngày xưa tìm về chất vấn, nhắc nhở hiện tại. Thơ Nguyễn Thị Kim Tuyến ở mạch này làm sống lại những ân iu cũ càng giữa bao lo toan bề bộn. Chạm vào khoảnh khắc ấy, ta nhận ra một nỗi niềm thương yêu gắn bó và gìn giữ, làm nên con người hiện tại: Câu hát đồng bưng/ con chim vịt kêu chiều buồn đứt ruột/ tôi/ thôi còn loay hoay mất được/ trở về tạ ơn đất/ bằng một người nông dân khác/ bằng luống cày làm nên từ dấu chân mình (Những luống cày). Dường như, có một nghịch lý ở đây, chúng ta luôn có xu hướng thờ ơ, né tránh hoặc lãng quên quê hương của hiện tại, trong khi lại lần hồi kiếm tìm quê hương trong ký ức. Tại sao vậy? Không chỉ bởi hiện tại luôn nhắc về quá khứ (xuất phát từ những đổi thay khác biệt với kinh nghiệm thơ ấu), mà có lẽ, phần lớn trong chúng ta đang diễn ra một quy trình phổ quát: đủ thời gian để xa, đủ không gian để lưu lạc, đủ thương nhớ để thấm thía, quê hương mới thành niềm khắc khoải trong lòng kẻ tha hương. Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng không thoát khỏi quy luật ấy, khi trong thơ, chị luôn bị hút về miền ký ức, để ngóng vọng bóng quê: Tôi kẻ đi xa lâu ngày mới gặp/ ai bảo quê dường chẳng nhận ra/ khoát nước lợn cợn bùn rửa mặt/ lời chào quen thương nhớ vỡ òa (Chút quê).
Ký ức thanh tẩy và cứu rỗi hiện tại, hay nói như một thi sĩ khác, “Kỷ niệm cứu rỗi chúng ta, nó lưu giữ thứ ánh sáng làm cho gương mặt ta mãi mãi là gương mặt con người” (Trương Đăng Dung). Hiện tại cứ nhạt nhòa đi trong cơn bão của ngày xưa. Luống cày đất nâu, bờ kinh, con nước, đụn rạ, khói đồng, bông lúa, củ khoai, cá linh, bông điển, bông sen, manh áo vá, giọt mồ hôi… phải lọc qua ngày tháng, lắng vào ký ức mới trở thành nỗi nhớ không nguôi trong hiện tại. Dẫu vậy, điểm khác biệt rất đáng quý ở những lời thủ thỉ này của Nguyễn Thị Kim Tuyến chính là từ quá khứ, tựa vào ký ức, người ta thông cảm và thêm gắn bó với hiện tại. Đây là cơ sở để tác giả lựa chọn thái độ trìu mến xuyên suốt tập thơ, khi đặt mình trước quê hương xứ sở. Vẫn là đứa con, đứa trẻ ngày xưa ấy thôi, đi xa, trở về và bé lại, nhoài vào lòng quê để thấm thía chuỗi ngày lưu lạc.
Gia đình là mạch cảm xúc thân thương mà Nguyễn Thị Kim Tuyến luôn nâng niu ấp ủ. Căn nhà cũ, mảnh vườn quen, chái bếp đầy gió, cánh võng đung đưa, manh áo vá của mẹ, giọt mồ hôi của cha, mái đầu em thơ, luống cày cực nhọc, hột cơm khốn khó… đã nuôi dưỡng hình hài đứa con bé nhỏ. Điều quan trọng nhất là tất cả những gì thuộc về gia đình mang sức mạnh của sự gìn giữ, kháng cự mọi tha hóa của đời. Gia đình là nơi ta nhận ra, dẫu mình có là gì, vẫn vẹn nguyên bé dại, chẳng cao hơn vết khắc của cha đo tuổi con trên cột nhà chằng chịt: Mùa này gió bấc có về không/ mà tóc cha rợp trời sương trắng/ cần gì đâu cha ơi/ cho con một ngày im lặng/ trút áo cơm nằm nghe cha kể chuyện cánh đồng chứa bao nhiêu giọt mồ hôi (Viết di chúc cho cha).
Nếu mạch thơ về quê hương và gia đình mang hơi hướng hồi quy, lắng lọc, thì những mạch thơ về người lính, tình yêu, bạn bè, thời cuộc lại lan xa, mở về các chiều không gian khác. Biết làm sao được, trên hành trình trưởng thành, con người phải tự kê cao mình bằng những trải nghiệm bôn ba, bên ngoài không gian cố thổ. Dẫu vậy, ta vẫn nhận ra, một cái tôi khiêm hạ trong mọi mối liên hệ giữa đời: Em ơi/ nghĩ gì mà em khóc/ có phải thấy mồ hôi chảy trên cột mốc/ từng vệt long đong… (Chạm ở cột mốc 232); Có những lời ca và những cái tên/ áo trắng áo xanh đẫm màu tự nguyện/ bình yên nào, em ơi, nơi điểm đầu trận tuyến/ có những người vừa mệt nhoài nằm xuống/ lại mỉm cười theo đất nước đứng lên (Bình yên nơi tuyến đầu)… Những cảm xúc, trạng thái “chìm vào anh”, “xin được cùng anh chung một con đường”, “yêu anh như tình biển rất xanh”, “em về mang thương nhớ về theo”… thủ thỉ cất lên làm hiện ra chân dung một người “em” bé nhỏ, gần gũi trước người lính đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Tình nghĩa thương yêu chân thành, sự thấu hiểu và cảm phục đã hóa giải khoảng cách sử thi, làm gần lại những trái tim cùng nhịp đập hiến dâng cho bình yên đất nước.
Nguyễn Thị Kim Tuyến có một mảng thơ tình rất đáng chú ý trong tập Cúi mình xuống lượm hột cơm rơi. Thi sĩ nào rồi cũng phải làm thơ tình thôi, bởi đó là mạch trữ tình quyến rũ bậc nhất của thể loại này. Nhưng, như đã nói, ngay ở địa hạt riêng tư, người con gái ấy cũng hiện ra với hình dung bé nhỏ và lời thương thủ thỉ lặng thầm: Em là con ốc nhỏ/ trong đáy cát anh tìm (Bôn ba), Nắm bàn tay em nhé/ vắt giọt hương cho đời/ tựa vào anh sen nở/ chúng mình thương nhau thôi (Tự tình với mùa sen), Khi nào anh nghe hương bùn ngan ngát/ thì em gật đầu/ khi nào anh gọi đồng sen thức giấc/ thì ta thuộc về nhau (Nghe sen thầm thì), Đã thương rồi thôi anh đừng hỏi nữa/ núi rừng mênh mông suối sông rộng dài/ còn em thì bé nhỏ (Em không về nơi anh đâu, xứ Tuyên)… Lời thương cất lên từ trái tim thuần khiết, như hoa sen cất giữ niềm thầm kín thiêng liêng vươn dậy từ bùn sâu. Sen hiểu mình, hiểu đời, nên tự tại và bao dung. Ai chất vấn rễ sâu trong bùn tối? Tay cầm sen mà lòng chưa hẳn đã có sen, lý lẽ ấy làm nên cốt cách của người con gái xứ Sen Hồng, để ấp ủ lời thương dành cho người xứng đáng. Trên xứ sở đồng bưng này, thương là yêu ở phần cái đẹp, thương cũng là yêu ở cả phần cái tốt nữa. Lời quê kiểng mà thấm thía vẹn tròn, phải đâu là em bồng bột.
Mạch thơ thế sự, bạn bè dẫn người đọc vào những suy tư về cuộc đời, con người xung quanh chủ thể trữ tình. Có thể nhận ra, ở cả hai mạch này, Nguyễn Thị Kim Tuyến vẫn duy trì kiểu hình tượng cái tôi khiêm hạ để ứng xử với mọi sự biến giữa nhân gian: Một chút ớt/ một chút cơm/ một chút cà/ một chút bếp lâu ngày quên ấm lửa/ bạn ngồi thêm chút nữa/ khói bay lên vạt trời mông minh (Nhà chật), Hương bắc nhịp cầu gần níu nỗi xa/ trả ơn đời em nồng nàn thêm chút nữa/ trả ơn người dặn mình lời hẹn hứa/ xin một lần được sống tựa đời em/ thanh khiết giữa bần hàn/ người sống tựa đời sen (Lời tỏ tình trên cánh đồng bạc nắng). Viết về bạn, cho bạn, chuyện trò với bạn cũng là cách tự thể hiện mình. Ở đây, những bạn bè, không gian xã hội, câu chuyện ngoài kia cũng được nhìn nhận ở phía bình dị, sau khi đã trút bỏ đi bao tô vẽ của đời. Có phải, như Cesare Pavese (nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả người Ý) đã nói, người từng trải sự tinh tế phức tạp lại thường khám phá ra nét quyến rũ của những điều bình dị, giản đơn? Nhân vật trữ tình trong hai mạch thơ này luôn được đặt vào những tình thế của sự lựa chọn, làm sao để sống với đời, với người mà không cần tô vẽ, kiểu cách. Thành thực với người, cũng chính là thành thực với mình, cái tôi ấy trở về lặng lẽ chất vấn những phù phiếm, để cúi xuống gần hơn nẻo đời lầm lụi giữa nhân gian: Chắt chiu gom nhặt gì cũng bỏ/ dẫu một lần thôi quên lối về nhà/…/ xót xa nỗi ruột rà máu mủ/ mắc gì người dưng nước lã cũng đau (Cuối năm ngồi vấn mình). Xa hoa, kiểu cách làm gì khi đồng bào mình còn cơ cực. Thấm thía điều đó, nhân vật trữ tình trong thơ lựa chọn trở về giữa cõi người chộn rộn, dân dã mà thấm đượm nghĩa tình: Tôi ngồi giữa những mẹ những dì những chú những cha/ người dạy tôi cách cúi đầu như bông lúa chín/ đôi khi tôi cúi đầu kìm nín/ bởi sợ mình không còn xứng nhận thêm nữa những bao dung (Cúi mình xuống lượm hột cơm rơi).
Những mạch thơ kết lại thành cõi thơ, nuôi dưỡng một lòng thơ khiêm hạ mà đầy trắc ẩn, thấm thía nỗi đời, nỗi người, từ bùn đất vươn lên. Thơ Nguyễn Thị Kim Tuyến không một chút cầu kỳ làm dáng, ngay những tâm tình thủ thỉ cũng chực rơi vào im lặng: ừ thì, vậy thì, ví như, thì rồi, mắc gì, được mất gì, gì cũng đặng, có nghĩa gì… Lời thơ ấy, giọng thơ ấy, cất lên từ cái tôi ấy đã làm nên nét duyên ngầm như là hương sen thuần khiết giữa bưng biền xứ sở, rồi bay lên vạt trời mông minh…