Sự kiện & Bình luận

Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Bùi Quyên
Đời sống
11:33 | 04/12/2024
Baovannghe.vn - Dự kiến từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử.
aa

Chỉ còn ít ngày nữa hoạt động phối kết hợp giữa hai Bộ: Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử sẽ được thực hiện. Đây là động thái tích cực được dư luận quan tâm, thậm chí đồng tình ủng hộ, bởi đa phần cho rằng, nếu làm triệt để môi trường văn hóa, nghệ thuật sẽ trở nên lành mạnh hơn theo đúng nghĩa.

Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử. Ảnh minh họa. Nguồn Ienternet

Trên thực tế, bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa ứng xử của nghệ sĩ đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành từ tháng 12/2021. Tuy nhiên, việc ban hành bộ quy tắc này chưa đi vào thực tế, chưa được truyền thông sâu rộng, chưa được các nhà tổ chức chương trình áp dụng để yêu cầu các nghệ sĩ của mình thực hiện. Chính vì thế, cho đến thời điểm hiện tại, những phát ngôn và hành động không đúng chuẩn mực của người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng xã hội trên mạng xã hội chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí nhiều cụ việc còn để lại những hậu quả khá nghiêm trọng. Do đó, sự vào cuộc của Bộ Thông tin truyền thông triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử là vô cùng cần thiết và rất là phù hợp.

Phạm vi Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thí điểm quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sỹ, nghệ sỹ) vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử sẽ bao gồm: phát tán, lan truyền tin giả, quảng cáo sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục. Hình thức xử lý sẽ theo hướng hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên đài phát thanh truyền hình, trên môi trường mạng (trang tin, mạng xã hội). Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Quảng cáo mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.

Với những hình thức xử phạt nói trên, dư luận xã hội cho rằng cơ quan quản lý đã và đang tạo điều kiện để người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tự đặt mình vào những chuẩn mực nhất định, không đi trái với thuần phong mỹ tục. Đồng thời, cũng là một hướng giải quyết mang tính nhân văn để các nghệ sĩ, người nổi tiếng có cơ hội sửa sai.

Về lý thuyết là vậy, thực tiễn lại hoàn toàn khác. Có người nổi tiếng sau khi bị phạt vì những phát ngôn, việc làm không đúng chuẩn mực, vẫn tiếp tục tái phạm, hoặc cũng có người lợi dụng kẽ hở của thể chế để vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có thể kể đến việc cơ quan chức năng phạt ca sĩ Nam Em nhiều lần vì tiếp tục livestream gây hoang mang, kiến nghị chặn tài khoản Facebook và TikTok của cô hồi tháng 3/2024.

Gây ồn ào để nổi tiếng, thậm chí xây dựng cả một chương trình bài bản để tạo scandal trên mạng theo 6 bước. Đầu tiên, tạo ra sự kiện, sự cố gây sốc. Sau đó, lập ra hai nhóm fan và anti fan, để hai nhóm đối tượng này tranh cãi nhằm thu hút sự chú ý. Tiếp theo, họ kiếm luật sư, chuẩn bị kế hoạch để biện minh cho mình và đến làm việc với cơ quan chức năng. Những người nổi tiếng chấp nhận đóng phạt hành chính 7,5 triệu đồng (mức phạt áp dụng với hành vi lợi dụng mạng xã hội để chia sẻ, đăng tải thông tin sai sự thật), sau đó tiếp tục livestream bán hàng. Mức phạt này được cho là quá nhẹ và chưa đủ sức nặng để người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng dừng lại.

Cùng với mức phạt, đối với các trường hợp tái phạm, thấy phạt nhưng không biết dừng, Bộ Thông tin Truyền thông cũng phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng hai danh sách - trắng và đen. Trong đó, danh sách đen (black list) gồm những người sai phạm - với đổi tượng trong danh sách này, cơ quan quản lý không khuyến khích các nhà quảng cáo hợp tác, ủng hộ, từ đó giúp môi trường mạng ngày càng trong sạch.

Như vậy có thể thấy, cơ quan quản lý cũng đã có những động thái mạnh tay để xử lý sai phạm, và xã hội có quyền kỳ vọng vào quy chế hợp tác mới sẽ được triển khai từ năm 2025 và đặc biệt những nội dung được sửa đổi trong Luật Quảng cáo mới được thông qua sẽ làm cho môi trường Văn hóa, nghệ thuật trên nền tảng xã hội được lành mạnh. Bởi nói gì thì nói, những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức của một số nghệ sĩ thường có tác động tiêu cực cho xã hội nhiều hơn những người khác. Bởi, phần đông trong số họ là người nổi tiếng, có ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dân. Do đó, để Quy chế phối hợp giữa hai bộ được hiệu quả, có lẽ cũng cần có sự thay đổi từ phía công chúng - người dân. Hay nói đúng hơn, trong việc tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội ( trực tiếp từ người nổi tiếng) bất kỳ ai ( không loại trừ fan hâm mộ) cần có cái nhìn nghiêm khắc, khắt khe hơn đối với nghệ sĩ và người nổi tiếng, khi họ vi phạm- bị xử lý và tiếp tục tái phạm thì cần tỏ ra thái độ rõ ràng để thần tượng của mình dừng lại - biết sai để sửa . Rõ ràng đã đến lúc người nghệ sĩ cần phải quan tâm đến trách nhiệm xã hội của mình, đặc biệt là về tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống của cá nhân mình.

Trước đó, để tăng cường công tác quản lý đối với người dùng mạng xã hội, Nghị định 147 quy định, mạng xã hội, phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký. Chỉ các tài khoản mạng xã hội, đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Các tài khoản mạng xã hội, thực hiện livestream với mục đích thương mại (bán hàng, có phát sinh doanh thu) thì phải xác thực bằng số định danh cá nhân.

Nghị định mới cũng quy định người dùng trên 16 tuổi mới được tạo tài khoản MXH để sử dụng. Trường hợp trẻ em (dưới 16 tuổi) muốn sử dụng mạng xã hội, phải được sự cho phép và giám sát của cha mẹ, người giám hộ hợp pháp. Người dùng mạng xã hội, cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung do mình cung cấp, lưu trữ, truyền đưa, chia sẻ trên mạng. Người dùng phải tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ chuyên ngành trên mạng xã hội; tuân thủ quy định về thuế và thanh toán khi có hoạt động kinh doanh, phát sinh doanh thu.

Ngoài những quy định cụ thể cho cá nhân sử dụng mạng xã hội, Nghị định 147, cũng đa ra những quy định bắt buộc đối với các trang tin thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội,.

Quản lý văn hóa vốn là lĩnh vực vô cùng khó, bởi đa phần chỉ dừng lại ở những phạm trù định tính mà không thể định lượng, nên vừa phải nghiêm khắc, có biện pháp chặt chẽ nhưng cũng cần nhân văn bởi mục đích cao nhất của quản lý là phát triển, càng không phải là "quản không được thì cấm". Câu chuyện của nhà quản lý hiện nay chính là giải bài toán quản để phát triển, Các cụ ta nói " Lạt mềm buộc chặt" chính là chỉ cách quản lý hiện nay của nhà quản lý. Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, làm sao để văn nghệ sĩ tuân thủ mà vẫn cảm nhận được sự tự do khi hoạt động, đó mới là điều khó. Chính vì thế, Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả khi vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của nghệ sĩ và người nổi tiếng phải giữ gìn hình ảnh, danh tiếng của mình. quá trình thí điểm xử lý phải chặt chẽ, hiệu quả và minh bạch, công bằng. Từ đó, nhà quản lý có được những định hướng tốt, những quyết sách tốt, từng bước góp phần làm trong sạch, lành mạnh đời sống văn hóa trong thời kỳ mới.

Lúc sống nguyện như tia lửa cháy rực rỡ, lúc chết nguyện như bông tuyết nhẹ nhàng rơi

Lúc sống nguyện như tia lửa cháy rực rỡ, lúc chết nguyện như bông tuyết nhẹ nhàng rơi

Ngày 4 tháng 12 năm 2024, nữ văn sĩ, biên kịch, nhạc sĩ, và nhà sản xuất phim nổi tiếng Quỳnh Dao được phát hiện đã qua đời tại nhà riêng ở Đạm Thủy, Đài Bắc - Đài Loan, hưởng thọ 86 tuổi. Giờ đây, khi huyền thoại khép lại, nhìn lại cuộc đời bà, quả đúng như lời bà từng nói: "Lúc sống, nguyện như tia lửa, cháy rực cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Lúc chết, nguyện như bông tuyết, nhẹ nhàng rơi xuống, hòa vào cát bụi." Dưới đây xin giới thiệu trích đoạn từ cuốn sách "Câu Chuyện Của Tôi" của nữ sĩ Quỳnh Dao.
Bệnh ăn theo. Tạp bút của Ái Chân

Bệnh ăn theo. Tạp bút của Ái Chân

Baovannghe.vn - Tức là a dua. Hùa theo một uy tín văn học nào đó hoặc một nếp nhận định lấn át nào đó. Tôi có hai dẫn chứng.
Bài ca Côn Sơn - Một tiếng thở dài bất tận

Bài ca Côn Sơn - Một tiếng thở dài bất tận

Baovannghe.vn - Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi là bài thơ thể hiện tập trung tiêu biểu hồn cốt cái thú lâm tuyền của người ẩn sĩ, đồng thời là những quan niệm về nhân sinh, về lẽ tiến thoái (xuất - xử) của nhà Nho không gặp thời.
Người dựng lên cả một thế giới

Người dựng lên cả một thế giới

Baovannghe.vn- Là một nhà thơ nhân dân, Ezekiel còn là một kịch tác gia tài danh, nhà phê bình bách khoa, và một viện sĩ có đầy đủ thẩm quyền,
Nhà tranh vách đất. Tản văn của Nguyễn Đức Lợi

Nhà tranh vách đất. Tản văn của Nguyễn Đức Lợi

Baovannghe.vn - Việc làm được của bố mẹ là sự đoàn kết và tấm lòng hiếu thuận, thương quí nhau của các con. Căn nhà tranh vách đất mẹ không có giá trị tranh giành, vì nó không mang quyền năng hồi môn…