Văn hóa nghệ thuật

Chân dung Bác Hồ trên giấy bạc Việt Nam

Văn hóa nghệ thuật
05:52 | 09/02/2021
Trong tâm thức của người Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh - hay như cách gọi đầy yêu kính của nhân dân Việt Nam, là Bác Hồ - luôn là tư tưởng, là hình ảnh về một con người dành trọn cả đời mình vì dân, vì nước. Hình ảnh của Bác hiện hữu trong nhiều điều, nhiều sự vật, mà gần nhất và thật nhất chính là đồng tiền Việt Nam. Song nhiều người dân Việt Nam ít có ai,khi cầm trên tay đồng tiền Việt Nam mà biết, mà hiểu được đằng sau mỗi tờ tiền in chân dung Bác Hồ kính yêu là ẩn chứa những câu chuyện, những tấm lòng của người họa sĩ
aa

Trong tâm thức của người Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh - hay như cách gọi đầy yêu kính của nhân dân Việt Nam, là Bác Hồ - luôn là tư tưởng, là hình ảnh về một con người dành trọn cả đời mình vì dân, vì nước. Hình ảnh của Bác hiện hữu trong nhiều điều, nhiều sự vật, mà gần nhất và thật nhất chính là đồng tiền Việt Nam. Song nhiều người dân Việt Nam ít có ai,khi cầm trên tay đồng tiền Việt Nam mà biết, mà hiểu được đằng sau mỗi tờ tiền in chân dung Bác Hồ kính yêu là ẩn chứa những câu chuyện, những tấm lòng của người họa sĩ...

Bảo chứng của đồng tiền quốc gia

Đã 75 năm kể từ thời điểm tờ bạc tài chính Việt Nam đầu tiên ra đời (3/2/1946), biết bao biến cố, thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là chân dung hiện diện duy nhất được in trên đồng tiền Việt Nam cho tới ngày nay. Đây có thể xem là một trong những điểm vô cùng đặc biệt, nhất là khi có cơ hội so sánh với đồng tiền của nhiều quốc gia trên thế giới, như Australia đồng tiền in hai chân dung, ở Liên bang Nga có những đồng tiền in cả chân dung Lê-nin và chân dung Joseph Stalin, Trung Quốc đồng tiền in một vài chân dung… thì càng nhận thấy vai trò của Bác Hồ trong quá trình hình thành đất nước nói chung và đồng tiền Việt Nam nói riêng.

Lật giở lại lịch sử qua những tờ giấy bạc Việt Nam trong quá khứ, có thể dễ nhận ra tinh thần chân dung của Bác Hồ thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, song hành với những vấn đề, những tiến bộ về xã hội, nhận thức, thẩm mỹ của hoạ sĩ. Như đồng tiền Việt Nam giai đoạn 1946-1951, nhiều nhà nghiên cứu đều cùng chung quan điểm thần thái Bác Hồ đầy rạng ngời, mạnh mẽ.

TS. Hồ Trọng Minh - Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật, người đã dành rất nhiều công để tìm hiểu về hình tượng Bác Hồ trên tiền Việt Nam, trong một lần chia sẻ có nhắc tới hình ảnh Bác Hồ trên đồng tiền năm 1946 là thời kỳ Bác đang trong giai đoạn đàm phán ký kết Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt. Theo ông Minh thì “lúc đó Bác vừa là đại diện cho quốc gia, nhưng cũng có những mối lo âu khi đối diện thù trong giặc ngoài, có thể thấy được những đau đáu qua ánh mặt Bác trên những đồng tiền thiết kế giai đoạn này”. Hay đồng tiền giai đoạn 1951 - giai đoạn kháng chiến cao trào – hình ảnh Bác thể hiện một sự đồng cam cộng khổ với nhân dân. Bác gầy nhưng sức vóc tinh thần vô cùng mãnh liệt.

Ngày 27/02/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 15/SL cho phép “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành tiền mới”. Đây cũng là năm đánh dấu bộ tiền đặc biệt của Việt Nam khi lần đầu tiên trên tiền giấy Việt Nam xuất hiện thêm hình ảnh quốc huy, ngôn ngữ được ghi trên đồng tiền duy nhất là tiếng Việt. Xuất hiện cùng quốc hiệu và quốc huy, chân dung Bác Hồ trên đồng tiền càng thể hiện rõ rệt về vị trí của một lãnh tụ của quốc gia. Không những vậy, bộ tiền năm 1959 cũng là lần đầu chân dung Bác Hồ được hoạ sĩ vẽ ở góc nhìn nghiêng. Nhưng dẫu là chính diện hay ở góc độ nào, xuyên suốt 6 bộ tiền Việt Nam từ năm 1946 cho đến nay, ánh nhìn của Bác luôn hướng lên trên. Ánh nhìn đầy kiêu hãnh, khát vọng và tận hiến vì non sông, dân tộc. Tới sau khi hoà bình lập lại, chân dung của Bác trên đồng tiềnViệt Nam tiếp tục có những thay đổi, ngày càng phong phú hơn. Nhưng có một điều nổi bật là tính trang trọng luôn được thể hiện.

Chân dung Bác Hồ trên tiền giấy Việt Nam như một bảo chứng của đồng tiền quốc gia. Dân ta yêu Bác, kính trọng và tin Bác. Trong suốt những tháng năm chiến tranh liên miên, nhân dân Việt Nam thấy hình ảnh Bác Hồ trên đồng tiền của nước mình, như một biểu tượng của lòng yêu nước, của khát khao độc lập, của khát vọng tự do. Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tăng, nguyên Phó phòng Thiết kế tiền của Ngân hàng Nhà nước, người vẽ chân dung Bác trong 4 mệnh giá tiền polymer gồm tờ 20.000 đồng, 50.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng chia sẻ: vẽ chân dung chính diện của Bác là thử thách với các họa sĩ vẽ mẫu tiền. Chân dung Bác trên đồng tiền Polymer là kết quả thời gian ông đi tu nghiệp ở Liên Xô năm 1989, nhờ sự góp ‎ý của các thầy, và ông cũng đã phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần thì chân dung Bác mới được hoàn chỉnh. Theo ông Tăng, vẽ chân dung Bác đặc biệt nhất là vẽ môi, để làm sao khóe môi Bác như đang cười, còn mắt thì phải sáng nhưng lại hiền từ và độ lượng. Ông cũng cho rằng, đồng tiền thời kháng chiến tuy còn đơn giản, nhưng chính vì vậy mà nó gần như một tác phẩm hội hoạ. Người dân yêu quý đồng tiền không phải vì giá trị vật chất, mà hơn tất thảy, bởi trên đó có hình ảnh của Bác, vị lãnh tụ của đất nước, vị cha già kính yêu của dân tộc. Về sau này, kỹ thuật in tốt hơn, tinh vi hơn, nhưng không thể phủ nhận ấn tượng sâu sắc về tình cảm của người dân Việt Nam đối với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến trên tiền giấy. Khi đó đồng tiền vừa là hình ảnh mang tính lịch sử, chính trị, vừa là niềm tin sắt đá, thuỷ chung của nhân dân với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, là sự gửi gắm trọn vẹn với lãnh tụ.

Trò chuyện với những hoạ sĩ vẽ tiền từ nhiều thập niên trước, suy nghĩ trở đi trở lại trong tâm trí của những người đã từng góp phần vào sự hoàn chỉnh diện mạo đồng tiền Việt Nam, tất cả đều mong muốn thể hiện chân dung Bác Hồ bằng sự tôn kính đối với lãnh tụ. Không khó để nhận ra tình cảm đó xuất phát từ sâu thẳm trái tim của họ, của những con người thậm chí chưa từng một lần được gặp Bác, được đối diện với Bác. Nhưng niềm tin yêu, trân trọng và tôn thờ thì không ngừng chảy trong huyết quản, để rồi cho dù có biết bao nhiêu thay đổi, biến thiên của đời sống, hình ảnh Bác Hồ trên tiền giấy Việt Nam vẫn là duy nhất.

Văn hoá Á Đông bao trùm

Không chỉ song hành cùng lịch sử đất nước, là bảo chứng cho đồng tiền của một quốc gia, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, đặc biệt về tính thẩm mỹ, văn hoá, tư tưởng gửi gắm. Hoạ sĩ Trần Tiến, nguyên Trưởng phòng thiết kế tiền của Ngân hàng Nhà nước từng chia sẻ, thật khó có một chân dung nào tuyệt vời hơn chân dung Bác Hồ. Bởi nếu xét về hình thức, hình ảnh Bác là hình ảnh của một ông già Á Đông tiêu chuẩn, với đôi mắt tinh anh, nét mặt ôn hoà, tướng mạo khiêm cung… Ngoài phong thái của một vị lãnh tụ, người hoạ sĩ vẽ chân dung Bác Hồ phải làm sao phải thể hiện được điều này thì mới thành công.

Cầm trên tay tờ tiền Việt Nam của thời điểm bây giờ, so sánh với những đồng tiền của các thời kỳ trước, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm ở phần chính, chiếm diện tích và vị trí lớn trên đồng tiền. Không chỉ đơn thuần dừng ở việc tả thực hình ảnh lãnh tụ của một quốc gia, chân dung Bác Hồ trên đồng tiền Việt Nam bao trùm hơn hết là tính văn hoá. Nhìn hình ảnh Bác là thấy được sự đàng hoàng, đĩnh đạc, khiêm nhường, nhưng vẫn luôn tươi tắn, rạng ngời. Không những vậy, một điểm được nhà nghiên cứu chỉ ra cũng vô cùng đặc biệt, là trong khi đồng tiền của nhiều quốc gia khác, chân dung của các vị lãnh tụ hầu hết đều ở góc nhìn ¾, trong mỹ thuật được xem là góc nhìn tiêu chuẩn, mà những quốc gia châu Á gần với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia… đều sử dụng. Nhưng với đồng tiền Việt Nam, chân dung Bác lại được sử dụng nhiều nhất lại ở góc nhìn chính diện. Các họa sĩ phương Tây thích lựa chọn góc độ vừa, có ánh sáng tốt, thể hiện hình khối mạnh, đồng thời biểu hiện tính cách của nhân vật sống động, thì chân dung trên tiền giấy Việt Nam có xu hướng giống chân dung biểu tượng. Liên tưởng một chút tới hệ thống tượng cổ trong các đình chùa, thì khái niệm trục thần đạo thể hiển rất rõ. Tư duy người Việt có cái nhìn thẳng, có sự cân đối hai bên, kết thúc của trục thẳng phải là vật linh thiêng nhất. Tư duy này dường như cũng đã được thể hiện trên đồng tiền Việt Nam, như ngầm nói lên diễn biến tâm thức của người Việt. Cái nhìn thẳng luôn là cái nhìn cương trực, quyết tâm, của sự dám đối diện, thể hiện bản lĩnh của một cá nhân.

75 năm trôi qua, nếu đem xếp các bộ tiền ở các giai đoạn gần nhau theo thứ tự thời gian, sẽ thấy chân dung Bác có sự khác nhau. Bác của những năm thập niên 40 chắc chắn sẽ khó có thể nào giống như hình ảnh Bác những năm thập niên 50, khi tuổi đã cao, khi gánh nặng quốc gia ngày một nhiều thêm. Và cũng thật khó để so sánh hình ảnh Bác Hồ trên đồng tiền ở giai đoạn nào là đẹp nhất, bởi mỗi giai đoạn lịch sử, chân dung của Bác có sự thay đổi. Nhưng dẫu có khác biệt, có những đổi thay, từ sự đau đáu vận mệnh nước nhà, tới phong thái ung dung tự tại như ông tiên trên bộ tiền Polymer ngày nay, thì chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các bộ tiền đều được thừa nhận là những chân dung có giá trị thẩm mỹ riêng, xứng đáng là tác phẩm mang tính mỹ thuật. Chính vì vậy mà chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về đồng tiền của quốc gia mình, về những sáng tạo mà các hoạ sĩ trong từng bức chân dung Bác, qua từng giai đoạn lịch sử dân tộc đã thể hiện. Đây chính là một trong những minh chứng khẳng định về sự độc lập, chủ quyền của quốc gia, mà ẩn sau là niềm tự hào, sự tôn kính của nhân dân Việt Nam dành cho Bác - người sống là để cho đi.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

* Bài viết có sử dụng tư liệu của TS. Hồ Trọng Minh


Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Baovannghe.vn- Bộ trưởng NN&PTNT đã ban hành Công điện số 7930/CĐ-BNN-ĐĐ việc ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông.
Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Baovannghe.vn - Cơ quan thẩm tra Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thống nhất với phương án đề xuất của Chính phủ, trong năm 2025 chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tiền lương khu vực công
Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Baovannghe.vn - Cây cầu Đắk Nông cũ – một cây cầu vô cùng bình thường, chẳng có gì đặc biệt, cũng không to lớn, tưởng chừng dễ dàng bị người ta lãng quên đi.
Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Baovannghe.vn - Hôm đó cơ quan vắng ngắt, tôi bỏ đi chơi ra biển nhặt những vỏ sò dưới mép cát chơi. Biển vắng hoe chỉ có gió và màu xanh của biển.
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.