Những năm gần đây, với tinh thần đổi mới trong lĩnh vực điện ảnh, nhà nước cấp phép cho khá nhiều hãng phim tư nhân thành lập và hoạt động. Đã có không ít bộ phim Truyện, phim Tài liệu, phim Hoạt hình của những hãng này ra mắt, đạt chất lượng cao, giành các giải thưởng trong nước và quốc tế. Song với thể loại “Tài liệu truyện” như phim Đại thi hào Nguyễn Du (Công ty cổ phần Không gian văn hóa Việt MDIA đầu tư thực hiện) thì ở phương tây đã xuất hiện từ lâu, nhưng ở ta hãy còn rất mới mẻ.
Một cảnh trong phim Đại thi hào Nguyễn Du |
Được gọi là phim “Tài liệu truyện” bởi trong một bộ phim sử dụng nguyên tắc và phương pháp sáng tác đồng thời cả hai thể loại: Tài liệu và Truyện. Thể loại Tài liệu ở đây là mô tả trung thực cuộc đời Nguyễn Du và những sự kiện chi phối cuộc sống cũng như văn nghiệp của ông từ lúc sinh ra cho đến khi trở về với cát bụi. Thể loại “Truyện” ở đây là xây dựng câu chuyện bám theo những sự kiện điển hình về cuộc đời của Nguyễn Du có diễn viên thủ vai nhằm minh họa, giải thích rõ hơn cho phần Tài liệu chứ không phải “hư cấu” hiện thực; nói đúng hơn, hiện thực ở đây đã được khúc xạ thành nghệ thuật. Cũng là cuộc đời Nguyễn Du, cuộc đời của bà Đoàn Thị Tộ, vợ ông như sử sách chép lại, nhưng các diễn viên bằng tài sắc của mình đã làm cho những nhân vật của hiện thức ấy lấp lánh hơn, vi diệu hơn, cuốn hút khán giả hơn là chỉ dừng lại ở thể loại phim “Tài liệu”.
Chỉ với 55 tuổi đời mà cuộc đời Nguyễn Du ứng với một thời tao loạn, bão giông, với những cuộc chính biến lớn, dồn dập của lịch sử nước nhà. Bộ phim có thời lượng 3 giờ đồng hồ, được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, với tiêu đề Gia thế và tuổi thơ mô tả từ lúc Nguyễn Du sinh ra cho đến khi 15 tuổi. Đây là giai đoạn rất quan trọng, bởi nó mang những yếu tố hình thành nên tính cách, nhân cách một con người. Được hoài thai ra từ hai dòng họ quyền quý Nguyễn – Trần, hội tụ văn hóa từ ba vùng đất văn hiến: Thăng Long – Kinh Bắc – Nghệ Tĩnh, Nguyễn Du lại sớm được thực hiện các nghi lễ truyền thống quan trọng bậc nhất của quốc gia. Năm lên 3 tuổi, Nguyễn Du đã được tập ấm chức Hoằng Tín Đại phu, xuất thân là Thành Môn Vệ Úy, tước Thu Nhạc bá. Hàm chức ấy, Nguyễn Du đương nhiên đã đứng trong hàng ngũ sĩ tịch rường cột của triều đình nhà Lê. Lên 6 tuổi, Nguyễn Du đươc Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc đến dinh thự của gia đình tặng thanh Bảo kiếm, một nghi lễ phổ độ dung khí cho các bậc đại trượng phu tương lai. Từ đây Nguyễn Du bắt đầu học chữ Hán, chữ thánh hiền. Cậu thiếu niên Nguyễn Du có một tướng mạo phi phàm và một trí thông minh trác việt, sách vở chỉ đọc qua một lần là nhớ. Quan tể tướng Nguyễn Nghiễm, một trung thần cả đời phụng sự triều đình, hết lo luyện quân lính rồi lại mang quân đi chinh phạt những đám nông dân nổi dậy khắp nơi. Việc chăm nuôi, giáo dưỡng cậu bé Nguyễn Du chủ yếu trông vào hai người đàn bà. Một là bà Đặng Thị Dương, mẹ lớn (tục gọi là sao lớn), chính thất phu nhân; hai là bà Trần Thị Tần, mẹ đẻ (tục goi là sao nhỏ). Những năm tuổi thơ sống ở phường Bích Câu, phong cách lịch lãm, hào hoa của kinh đô, cái linh khí văn hiến Thăng Long đã thấm sâu vào tâm hồn cậu bé, để rồi sau này in đậm trong các tác phẩm thi ca của ông, nhào nặn thành một viên ngọc văn chương Nguyễn Du. Thông qua người mẹ đẻ (sao nhỏ) mà Nguyễn Du biết đến những lời ca Quan họ Bắc Ninh quê ngoại. Hẳn vì thế mà trong văn Nguyễn Du luôn phảng phất cái hơi hướng Quan họ: Lòng đây, lòng đấy chưa từng hay sao; Thiệt riêng đấy lại càng đầy; Từ rằng; việc ấy, đây cho mặc nàng (Truyện Kiều). Thông qua người mẹ cả (sao lớn) mà những giai điệu đặc trưng của lời hát phường vải Trường Lưu – Can Lộc, giọng ví đò đưa sông Lam cũng ảnh hưởng ít nhiều đến văn chương Nguyễn Du: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”, “Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”. Và không thể thiếu một địa danh nổi tiếng của quê nội: cái bến Giang Đình: “Nao nao dòng nước uốn quanh/ Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”…
Năm Bính Thân (1776), quan tể tướng Nguyễn Nghiễm mất. Hai năm sau (1778), bà Trần Thị Tần, mẹ đẻ Nguyễn Du cũng ra đi. Khi ấy Nguyễn Du 13 tuổi. Đây là thời điểm mà Nguyễn Du cảm nhận sâu sắc nhất về sự mất mát bi thương, nếm trải tột cùng nỗi đau khổ trước ngưỡng cửa vào đời, song chính đó lại là động lực thôi thúc ông làm nên những kiệt tác sau này. Những vần thơ sâu lắng, những tư tưởng lớn được bộc lộ khi Nguyễn Du nói về nỗi đau của thân phận con người trong vòng xoáy của tạo hóa, về sự hữu hạn của kiếp người với sự vô hạn của vũ trụ.
Bắt đầu từ đây là giai đoạn thứ hai có tiêu đề Mười năm gió bụi.
Mồ côi cha mẹ, Nguyễn Du về ở với anh cả Nguyễn Khản. Nguyễn Khản được thăng chức Thiếu Bảo rồi sau đó nhậm chức Nhập thị Tham tụng (Tể tướng) cai quản từ xa trấn thủ xứ Thái Nguyên, kiêm Tổng lý biên phòng xứ Hưng Hóa. Lo lắng cho người em trai thứ bẩy chưa có công trạng gì nên ông đã thu xếp cho Nguyễn Du một chức quan nhỏ “Chánh thủ hiệu đội quân hùng hậu” ở Thái Nguyên. Khi Tây Sơn đánh ra Bắc, Nguyễn Khản chưa kịp giúp chúa Trịnh chống lại quân Tây Sơn thì bị mất. Người anh trai cùng mẹ cùng cha là Nguyễn Nễ đành phải gửi Nguyễn Du về gia đình nhà người bạn học là Đoàn Nguyễn Tuấn, con trai Đoàn Nguyễn Thục, một viên quan Ngự sử cùng thời với Nguyễn Nghiễm ở Quỳnh Côi, Thái Bình. Nguyễn Du được Đoàn Nguyễn Tuấn cưu mang, học hành, thi Hương, nhưng chỉ đỗ Tam trường (Tú tài) tại trường thi Nam Định năm ông 18 tuổi (1783) rồi cưới em gái Đoàn Nguyễn Tuấn là Đoàn Thị Tộ làm vợ.
Năm Kỷ Hợi (1789), Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Đoàn Nguyễn Tuấn hợp tác với Tây Sơn, giữ chức Thị lang bộ Lại. Anh trai Nguyễn Nễ trốn về họ ngoại ở Bắc Ninh. Anh trai Nguyễn Quýnh do ra mặt chống lại Tây Sơn nên bị bắt và bị giết. Dinh cơ gia đình họ Nguyễn ở Tiên Điền bị quân Tây Sơn phá hủy.
Nguyễn Du không theo lời khuyên của anh vợ ra làm quan cho Tây Sơn. Mặc dù biết Quang Trung - Nguyễn Huệ là một đại anh hùng, nhưng bằng một giác quan đặc biệt, Nguyễn Du tin rằng triều đại Tây Sơn sẽ không bền lâu. Nguyễn Du ở lại Quỳnh Côi - Thái Bình, sống cảnh đói khát nhưng chan chứa tính yêu với người vợ đoan trang, hiền thục. Đoàn Thị Tộ chính là nguồn cảm hứng bất tận để Nguyễn Du bắt tay vào viết kiệt tác Truyện Kiều. Không theo Nguyễn Huệ nhưng Nguyễn Du lại ủng hộ việc dùng chữ nôm do Nguyễn Huệ khởi xướng bằng việc ông sáng tác truyện Kiều bằng chữ nôm. Đoàn Thị Tộ không những xứng đáng là Nàng Thơ của Nguyễn Du, nàng còn truyền bá tác phẩm của ông đến công chúng cần lao. Những làn điệu chèo cổ của đất Thái Bình nàng hát cho chồng nghe không thể nói không ảnh hưởng đến nhạc tính của nhiều câu thơ trong truyện Kiều. Cuộc sống thời tao loạn, chông chênh, đói nghèo, Đoàn Thị Tộ sinh đẻ bốn lần nhưng chỉ một đứa con trai là sống được. Cuộc sống ấy bào mòn, vắt kiệt thân xác, trí lực của Đoàn Thị Tộ, vốn là tiểu thư con nhà quan, dư thừa sự đài các, kiêu sa. Đến một ngày nàng đau đớn nói lời giã biệt bố con Nguyễn Du về với cát bụi đang giữa độ thanh tân mà chẳng biết mình mắc bệnh gì.
Không còn chỗ dựa cả về vật chất cũng như tinh thần, Nguyễn Du đành dắt con trai giã biệt quê vợ Thái Bình về quê nội Tiên Điền, Nghi Xuân. Sau đó ông gửi con trai cho một người bà con họ hàng rồi trốn vào Gia Định theo Nguyễn Ánh nhưng bị Quận công Nguyễn Thận phát hiện bắt giam. 10 tuần bị giam giữ, Nguyễn Du đang trong tâm trạng rất bi quan thì may sao, anh trai Nguyễn Nễ đi sứ về xin với Nguyễn Thận nên ông được tha. Khi nhà Tây Sơn kết thúc, Nguyễn Ánh lên ngôi, Nguyễn Du được mời vào triều, phong chức quan.
Phần ba của bộ phim có tiêu đề Văn chương và quan trường, nhóm làm phim đã giúp khán giả nhận chân một viên quan Hữu Tam Tri Bộ Lễ Nguyễn Du không coi chuyện mũ áo ghế ngồi là mục đích sống duy nhất, nhưng bằng thái độ khiêm nhường lịch thiệp, vượt qua tất cả những bon chen đố kỵ nơi cung đình để hoàn thành xuất sắc chức phận, được vua Gia Long nhiều lần khen ngợi. Các tác giả giành phần lớn thời lượng để nói về giá trị văn chương của Nguyễn Du. Quả là không hề quá lời khi trong phim nhận định: “Trong lịch sử văn học Việt Nam, và có thể là lịch sử văn học thế giới, chưa từng có một tác phẩm văn học nào được quảng đại dân chúng mến mộ và truyền tụng sâu rộng đến thế”. Các tác giả cũng đồng cảm với lời đánh giá của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ vào năm 1898: “Ngày nay, nào khách văn chương, bạn thoa quần, cho đến kẻ buôn người bán, người thôn hào, không ai là không có một bản Kiều cầm tay để thưởng thức. Ngay như cả những người không biết lấy một chữ mà cũng học thuộc được một vài câu, cũng thường khi nằm, khi ngồi đem ra ngâm ngợi. Ôi làm sao mà lại có văn làm say người đến thế?”. Phải, không một người Việt Nam nào có chút tình yêu văn học mà không biết: Truyện Kiều đã đi vào đời sống hàng ngày, thâm nhập vào mọi sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Người ta ngâm Kiều, bình Kiều, ru con bằng Kiều, ví hát về Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều; đặt bài hát giặm, hát ả đào, hát sa mạc, bồng mạc, trống quân… cũng bằng Kiều. Truyện Kiều còn được chuyển thể thành các tiết mục sân khấu. Phía Bắc có chèo Kiều, phía Nam có tuồng Kiều, xứ Nghệ có trò Kiều. Thậm chí ở Nghi Xuân có một giai thoại: Khi Truyện Kiều vừa mới được Nguyễn Du viết xong, thiên hạ đổ xô sao lục đến nỗi trong ba năm trời xứ Nghệ rơi vào tình trạng thiếu giấy mực trầm trọng. Các tác giả phim còn dẫn chứng rất nhiều nguyên thủ quốc gia và những nhân vật nổi tiếng cũng thuộc Kiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Binclinton, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden…
Tôi rất ấn tượng với những cảnh có tính Truyện được dựng như phim truyện, bởi các tác giả biết chọn những trường đoạn có giá trị nghệ thuật để diễn viên có nhiều “đất diễn”, cùng với cách chọn diễn viên khá tinh tường. Chỉ có một số vai được chọn diễn viên chuyên nghiệp như NSUT Hồ Phong sắm vai Nguyễn Nghiễm, Thiện Tùng trong vai Đoàn Nguyễn Tuấn. Còn sắm vai khác thì hầu hết là diễn viên nghiệp dư. Riêng Nguyễn Du từ nhỏ đến khi trưởng thành có bốn diễn viên đóng cũng đều là diễn viên nghiệp dư. Các tác giả quan niệm: diễn viên nghiệp dư đóng sẽ ít tính chất “diễn” hơn, mà thể hiện được cái non tươi, hồn nhiên như cuộc đời thực của các nhân vật. Điều này thì họ đã làm được. Bà Trần Thị Tần, mẹ Nguyễn Du, (do Hoàng Phượng đóng), Đoàn Thị Tộ, vợ Nguyễn Du (do Nguyễn Phương My đóng) đã gây được cảm xúc mạnh đối với người xem. Cá nhân tôi chỉ chưa thật thỏa mãn với vai Thúy Kiều vì diễn viên này có gương mặt dân dã đời thường hơn là một tiểu thư đài các con nhà quan như trong tác phẩm.
Một chút hạn chế ấy không ảnh hưởng lắm đến thành công của bô phim. Trong lúc người Việt đang rất lãnh đạm với lĩnh vực có yếu tố văn học thì những bộ phim như Đại thi hào Nguyễn Du sẽ khiến họ phải “nghĩ lại”, nhất là học sinh từ phổ thông đến đại học đang tiếp cận môn văn một cách uể oải, biếng nhác thì bộ phim này đưa vào nhà trường sẽ là một niềm khích lệ không nhỏ, thắp lên ngọn lửa tình yêu văn chương và điện ảnh văn học. Đó là thành công cần phải ghi nhận cho nhóm làm phim. Đặc biệt ghi nhận Công ty cổ phần Không gian văn hóa Việt MDIA đã đầu tư tiền bạc làm bộ phim này. Phải có cái tâm lớn với văn hóa dân tộc họ mới có những việc làm như thế.
Nguồn Văn nghệ số 26/2021