Cánh cửa nội tâm
Nghệ thuật như cánh cửa nhìn ra thế giới. Lại hướng cả vào bên trong giúp công chúng và người sáng tạo nhận ra chính mình. Tôi yêu tranh Đào Hải Phong đã lâu. Những ngôi nhà thâm thấp, những quầng tròn bóng cây không rõ tán nhưng cũng đủ để che những khối nhà “nóng lạnh”. Gặp Đào Hải Phong ở triển lãm hay các cuộc gặp gỡ giới nghệ sỹ, ít thấy anh “chém” bừa kiểu “ta đây”. Anh chịu khó nghe, kể cả giới đàn em ít tên tuổi. Khi cần nói thì nói, đủ hàm lượng để cho câu chuyện có chất lượng, không khoe kiến thức hoặc “dạy dỗ”. Anh có thói quen chia sẻ khi góp ý tranh pháo của người vẽ trẻ, chiều theo lối riêng của họ.
Căn nhà phố cũ của Phong không quá nhiều tranh, chỉ chừa một góc nho nhỏ để bày vài bức, còn lại là sách và những kỷ vật nghe anh nói của người cha - họa sỹ Đào Đức - để lại. Sách bạn bè tặng, sách mới sẽ luân chuyển để ngay đầu bàn, cạnh chiếc ghế, khi rời cây cọ, anh sẽ với tay lấy sách để đọc. Con chữ luôn đồng điệu với những sắc màu! Chiếc ghế có từ lâu rồi, dáng lạ, không chạm trổ rồng phượng, tối giản công năng nhưng tiện ích cho tư thế ngồi đọc sách.
... Hôm đó, mấy anh em báo chí, họa sỹ hẹn đến chơi nhà anh. Ngay trước mặt bàn nước một khung toan đã ập đủ màu tạo hình hài cho khối nhà, khối cây quen thuộc với những nhát bút rất “Phong”. Anh vừa phẩy vệt bút cuối cùng trước khi ký, bức tranh còn thơm mùi oil. Tranh anh bị vẽ nhái nhiều nhưng anh có “võ” riêng, đó chính là nhát bút “khóa và mở” như một thứ ký hiệu mật mã nghệ thuật, chỉ dấu sự khác biệt.
Xem tranh Đào Hải Phong cứ nghĩ tới những chiều cuối năm “chạng vạng”, tâm trạng pha thoáng bồn chồn, âu lo, hồi hộp một cách mơ hồ. Phong thừa nhận cuộc sống của anh không phải trải nhiều biến cố nhưng chính cái sự biết “lắng nghe” giúp anh có những bức tranh không nhạt mà giàu cảm xúc đồng điệu. Phong vẽ ra tâm trạng ở gam màu “chạng vạng” quen thuộc với những khối nhà nem nép vào nhau, ấp iu giữa những khoảng tối bắt đầu bủa vây. Những buổi chạng vạng đó đi vào hội họa của Phong huyền bí, thâm trầm, ít hình hài con người nhưng đầy tiếng nói nội tâm. Vẫn không gian đó thôi, ngày qua ngày nhưng mỗi giây lát lại khác nhau, mang hồn người họa sỹ.
Nhiều họa sỹ ngang ngang lứa anh có người vẽ đẹp kiểu trang trí, màu nhiều, đan phối kiểu trình diễn, chiếm lĩnh người ta ở thị giác; có người tranh sang màu “tiệc tùng” giao du hướng ngoại, đường nét chủ đạo mang tính biểu tượng chiếm lĩnh bằng lý trí minh triết.
Phong đi một cánh cửa khác, có tình, câu chuyện, cuộc đời và số phận. Có chuyện mà không kể lể lê thê.
Đã xem khá nhiều tranh của Đào Hải Phong, bản xịn lẫn vẽ lại, lẫn qua sách, báo, sách tranh…, tôi bị hút vào những ô cửa. Nhiều người nói “kiểu Phong” là phong cảnh. Nhưng nhà của Phong, cây của Phong, màn trời của Phong, con đường của Phong, chúng chả thuộc không gian nào cụ thể… Phố của Phong không hẳn trung tâm, cũng không hẳn ngoại ô, chỉ biết khi xem ta ngỡ như đã đi qua nẻo sân, bờ cây, mái hiên, một buổi nào đó cũng chả rõ mùa nào. Nó ám vào một cảm giác tĩnh lặng đến dữ dội, khiến ta nghĩ về vài mối tình câm, vài câu chuyện cũ, những lá thư, chiếc khăn choàng thổn thức. Phố Phong là phố của ký ức với những ô cửa, vệt cửa rất Phong. Nhiều người vẽ những ô cửa thật như ảnh. Phong chỉ quệt một nét to rồi tinh tế phẩy một nét nhỏ, cũng có thể là ánh đèn hắt ra từ trong nhà, cũng có thể là vệt nắng sót lại trong buổi chiều tàn.
Những ô cửa không lệ thực thuyết minh về thời và không gian nào. Chỉ biết nó cho ta một rung cảm, thèm khát vô cùng những bình yên mái ấm. Trong nhà, bên ngọn đèn cha đọc sách, mẹ đan len, vừa đan vừa đọc mấy câu thơ cho bọn trẻ nghe, rồi lặng lẽ chăng màn cho giấc ngủ con thơ. Có lẽ tranh Phong cho ta xúc cảm ấy, một Hà Nội của một thời sạch trong, nghèo mà ấm tình, sang trọng. Không vẽ những xót xa, giằng xé nhưng tranh Phong có những khát khao quây quần, sum họp dù những sắc lạnh vẫn là chủ đạo nhưng nó ấm ở vệt bút rất tình với những sắc cam, vàng, đỏ…
Ánh sáng từ ký ức
Đào Hải Phong sinh ra ở làng Ngũ Xã. Cái khu làng ven Hồ Tây đó phảng phất vào tranh anh như có một lớp khói sương ký ức. Anh tự nhận là họa sỹ vẽ bằng hoài niệm. Và người ta gọi anh là “Mr Memory”.
6 tuổi anh bắt đầu cầm cọ, thơ ngây những nhát vẽ đầu tiên. Người cha họa sỹ cả đời gắn bó với điện ảnh muốn anh “nối nghiệp” trong ngành mỹ thuật điện ảnh. Chàng trai phố đã có những ngày tháng đầu khi mới ra trường bỡ ngỡ theo đoàn làm phim về các vùng quê thấm đẫm đời sống ngoài kia, gặp gỡ những con người khác nhau. Để rồi sau một trong những chuyến đi như thế, với bộ phim đầu tay mà bối cảnh là vùng sông nước, anh vỡ ra rằng: “Nghệ thuật là sự chia sẻ Cái Tôi đến với mọi người, không thể bắt mọi người phải hiểu hết mình. Vẽ chưa hay nên đừng bắt người ta đồng cảm”.
Tinh thần đó theo anh suốt những tháng năm dài sau này, cả khi anh rời môi trường điện ảnh để tự do vẽ, tự do sáng tạo và xác lập cho mình một con đường. Phong bảo vẽ không dễ, không phải cứ được “ăn tập’ mang toan, màu, bay, cọ ra là “phang” được thành tranh. Vẽ phải lúc cảm xúc ùa về, nhất là khi nhớ về kỷ niệm trong niềm tưởng tượng vô bờ.
Đào Hải Phong, trong con mắt của các đồng nghiệp, là người chơi những bảng màu nguyên với độ tương phản cao. Vì thế tranh anh kể được nhiều trạng thái trong điểm mạnh là ánh sáng. Người ta cũng nhắc đến phong cảnh như một nguồn đề tài xuyên suốt, ám ảnh. Nhưng không gian đó được chiếu rọi bằng thứ ánh sáng không lệ thực mà ước lệ, thứ ánh sáng đầy chất sân khấu và “cine”. Ánh sáng như những vai diễn, có tiếng nói linh hồn. Phong “học” ở Rembrandt một cách trình bày ánh sáng bằng suy nghĩ chứ không bằng hình thức. Vẫn cảnh đó thôi nhưng tâm trạng mỗi bức mỗi khác. Không gian vẫn vậy mà không bức nào giống bức nào.
…Dù không sở trường vẽ minh họa nhưng gần đây Đào Hải Phong tham gia “thầu” việc minh họa bộ sách Thạch Lam. Thêm một lần Đào Hải Phong chạm cái cớ phải làm mới mình. Vẫn những góc phố, mái nhà, dáng cây, vệt loang rêu vôi tường cũ… nhưng được khoác những tâm trạng khác, phù hợp với chất văn Thạch Lam. “Đông A” dường như đã đúng khi chọn Phong. Cái chất u hoài, bàng bạc trong tranh Phong đã dựng những con chữ Thạch Lam đứng dậy sau quãng thời gian dài tưởng chừng chúng đã nằm im trong trí nhớ người yêu văn chương. Các bức tranh vẫn một phong cách đó, nhìn qua thấy giống nhau nhưng ngắm kỹ sẽ thấy sự tinh tế, chạm được vào những rung động.
Vẫn một chìa khóa cho cánh cửa riêng mình: làm chủ tiền bạc, danh vọng và sự từ chối của công chúng và các nhà buôn, Đào Hải Phong còn tiếp tục vịn vào những luồng ánh sáng rọi từ ký ức để tìm tòi những biểu đạt mới trên một “lối Phong” đã được dọn từ trong ký ức ngày nào. Anh bảo, quan trọng là sự chân thành, nếu mình là “củ khoai, củ sắn” thì phải là củ khoai củ sắn ngon nhất của mùa màng.
Nhưng giờ khác chăng là sự kỹ hơn, chậm lại dù vẫn nguyên một không gian ấy với bóng cây, những căn nhà, bờ tường loang những vệt màu “chạng vạng”.
Nguồn Văn nghệ số 47/2021