Nghệ thuật đích thực nói chung và hội họa nói riêng rất cần sự tĩnh lặng nội tâm. Những trò chơi của đám đông dự phần khi tác phẩm đã hoàn thành. Bất kì nghệ sĩ nào, để đạt được cảnh giới cao của nghệ thuật đều phải có khoảng thời gian tĩnh tâm và sáng tạo cũng trong trạng thái tĩnh lặng đó may ra tác phẩm có cơ hội để lại dấu ấn nơi công chúng. Nghệ thuật quả là con đường khắc nghiệt và để đi trọn con đường đầy cam go này, đòi hỏi người nghệ sĩ phải dấn thân, nỗ lực liên tục để trạng thái cảm xúc được hòa nhập với tác phẩm một cách toàn diện. Với nghệ thuật của Lê Bá Đảng, chúng ta có thể nhận ra ở đó là cả một cuộc hành trình nội tâm, đi từ những cánh rừng mùa thu úa vàng xác lá, đến những ngọn núi đông phủ đầy tuyết trắng. Hành trình đó là trạng thái cô đơn mà chỉ những nghệ sĩ lên đường với bước chân bản lĩnh mới đối diện được. Tác phẩm của Lê Bá Đảng khởi lên từ ý niệm sinh diệt của cõi nhân gian, ở đó có những kí ức về quê nhà, biểu đạt đa tầng văn hóa, dục vọng, thiện ác, biểu cảm sự rung động ở tầng thâm sâu của thế giới tâm,... tất cả được chuyển tải trên bề mặt vật liệu khi thì trơn bóng, lúc thô nhám lồi lõm, rất mềm và rất cứng; nhiều tranh của ông kết hợp thể phù điêu và hội họa. Với họa sư Lê Bá Đảng, vật liệu, chất liệu chỉ là phương tiện để diễn đạt cảnh giới của tâm ở từng giai đoạn mà ông trải nghiệm.
Chúng ta lần lượt bước vào cuộc lữ hành của hội họa Lê Bá Đảng, để thấy được một tầm vóc lớn của người nghệ sĩ đã cống hiện trọn đời cho nghệ thuật và làm rạng danh quê hương.